Bệnh Lý Liệt Vận Nhãn - Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị

Bệnh lý liệt vận nhãn - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Liệt vận nhãn là bệnh lý có biểu hiện lâm sàng đa dạng, phức tạp bao gồm những triệu chứng bệnh lý ở mắt và toàn thân. Vậy nguyên nhân dẫn tới liệt vận nhãn là gì? Cách nhận biết liệt vận nhãn thế nào và cách điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản nhé

Liệt vận nhãn là gì ?

Mắt của chúng ta bao gồm sáu cơ vận nhãn ngoại lai và hai cơ vận nhãn nội tại. Liệt vận nhãn là bệnh lý xảy ra khi mắt bị liệt một hoặc nhiều cơ vận nhãn nói trên.

Liệt vận nhãn thường được chia làm hai loại :

  • Lác liệt
  • Liệt động tác liên hợp 2 mắt

Các cơ vận nhãn ngoại lai được chi phối bởi các dây thần kinh III, IV và VI. Khi các dây thần kinh này bị tổn thương sẽ gây ra liệt vận nhãn.

Nguyên nhân dẫn tới liệt vận nhãn

Có nhiều nguyên nhân gây ra liệt vận nhãn, trong đó có một số nguyên nhân phổ biến như:

  • Chấn thương: chấn thương sọ não, chấn thương hốc mắt
  • U não: u não dễ gây ra những biến chứng làm tổn thương dây thần kinh
  • Bệnh lý mạch máu: phình động mạch do đái tháo đường, tăng huyết áp, xuất huyết màng não do vỡ phình động mạch, thiểu năng động mạch sống nền,...
  • Các nguyên nhân khác như bẩm sinh, do bị nhiễm khuẩn, biến chứng của bệnh đái tháo đường,...

Triệu chứng của liệt vận nhãn

  • Song thị: Song thị là hiện tượng nhìn thấy một vật thành hai. Có hai dạng song thị là song thị ngang và song thị đứng. Đây là một trong những triệu chứng điển hình của lác liệt. Độ lác càng lớn thì song thị càng rõ. Song thị tăng lên khi nhìn về phía do cơ bị liệt chi phối và giảm đi khi nhìn về phía đối diện.

song-thi

  • Lác mắt: Lác mắt cũng là một trong những triệu chứng của liệt vận nhãn. Đây là bệnh lý mà hai mắt không di chuyển theo hướng giống nhau khi ta nhìn vào một vật. Mắt lác xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn, tùy theo cơ vận nhãn bị ảnh hưởng mà dẫn đến: Mắt lệch vào trong gọi là lác trong, mắt lệch ra ngoài gọi là lác ngoài, mắt lệch lên trên gọi là lác trên, mắt lệch xuống dưới gọi là lác dưới.
  • Vận nhãn bị hạn chế: Hạn chế vận nhãn là triệu chứng ban đầu của lác. Để kiểm tra vận nhãn, bác sỹ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhìn theo 9 hướng khác nhau để xác định hạn chế vận nhãn và so sánh hai mắt.
  • Triệu chứng khác tại mắt: Khi bị liệt vận nhãn, bệnh nhân có thể rối loạn cảm giác giác mạc, khi soi đáy mắt có thể có hình ảnh phù gai, xuất huyết.

Điều trị

Nguyên tắc của điều trị liệt vận nhãn là điều chỉnh lệch trục nhãn cầu, cải thiện vận nhãn, mở rộng thị trường, loại bỏ song thị, hạn chế tư thế lệch đầu vẹo cổ. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh mà sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau như:

  • Châm cứu
  • Điều trị tại mắt như bịt mắt luân phiên, đeo lăng kính để bảo tồn hợp thị và tránh song thị, tập vận nhãn theo các hướng, sử dụng vitamin liều cao,...
  • Phẫu thuật: thông thường khi liệt vận nhãn đã ổn định sau 6 tháng, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để điều trị liệt điều tiết theo chỉ định của bác sĩ.

Liệt vận nhãn có thể tiến triển hay không tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí và mức độ tổn thương. Nếu điều trị muộn, điều trị không đúng có thể để lại các biến chứng lác, sụp mi, lệch đầu vẹo cổ ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ của mắt. Vậy nên nếu thấy các triệu chứng của liệt vận nhãn, hãy tới các cơ sở nhãn khoa uy tín để được thăm khám và điều trị.

Từ khóa » Chức Năng Của Các Cơ Vận Nhãn