Bệnh Lỵ Trực Khuẩn Và Cách Phòng Tránh

Đường lây truyền:

Bệnh lỵ trựckhuẩn lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường tiêu hóa. Lây trực tiếp là lây từ bệnh nhân sang người lành, thông qua bàn tay nhiễm khuẩn. Lây gián tiếp là lây qua thức ăn, nước uống. Các loại côn trùng như ruồi, nhặng, gián, thạch sùng,… làm lây bệnh từ bệnh phẩm sang thức ăn. Mọi người đều có thể bị lây bệnh, trong đó trẻ em và người già dễ mắc bệnh nặng, dễ tử vong.

Triệu chứng:

Một người bị nhiễm vi khuẩn lỵ, thì thời gian ủ bệnh từ 1 - 7 ngày, sẽ phát bệnh một cách đột ngột, với 2 hội chứng: nhiễm khuẩn và hội chứng lỵ.

Hội chứng nhiễm khuẩn gồm các triệu chứng: sốt cao 38 - 39oC, rét run, nhức đầu, mệt mỏi, đau lưng, đau khớp, ở trẻ em có thể có cơn co giật, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn.

Hội chứng lỵ. gồm các triệu chứng: đau bụng, ban đầu đau âm ỉ quanh rốn, sau đau lan ra khắp bụng, cuối cùng là những cơn đau quặn bụng ở hố chậu trái. Các cơn đau quặn bụng làm bệnh nhân mót rặn muốn đi đại tiện ngay. Mới đầu phân sệt, sau loãng, rất thối, lẫn với nhầy và máu. Hoặc phân nhầy nhiều, thường đục nhờ nhờ, có khi phân vàng đục như mủ, máu sẫm như máu cá, nhầy và máu hòa loãng với nhau không có độ bám dính. Hội chứng lỵ có thể diễn ra từ 5 - 10 ngày hoặc hơn.

Các biện pháp phòng bệnh:

- Biện pháp quan trọng nhất là phát hiện sớm, cách ly điều trị bệnh nhân lỵ cấp.

- Bảo vệ người lành: cần theo dõi 7 ngày đối với người tiếp xúc với bệnh nhân.

- Thực hiện ăn chín uống sôi. Không ăn rau sống, không uống nước lã.

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với các đồ vật để phòng bệnh lỵ trực khuẩn

- Xử lý các chất thải của bệnh nhân bằng vôi sống 20%, nước vôi 10%. Đồ dùng, quần áo bệnh nhân phải được sát trùng hoặc ngâm Cloramin B 2%.

- Dùng lồng bàn đậy kín thức ăn. Tích cực diệt ruồi, nhặng, gián.../.

Mai Liên (tổng hợp)

Từ khóa » Dấu Hiệu Nhận Biết Lỵ Trực Khuẩn