Bệnh Mùa Mưa - Những điều Cần Biết - Báo Đà Nẵng
Có thể bạn quan tâm
Mùa mưa đến cũng là lúc “bệnh thời tiết” xuất hiện nhiều. Để “trị gió”, “trị cảm mạo”, không hiếm người tự áp dụng phương pháp truyền miệng tại nhà dưới danh nghĩa “y học cổ truyền”. Thực chất, những bài thuốc dân gian không hẳn luôn lành tính như một số người lầm tưởng.
Trị cảm mạo tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Ảnh do nhân vật cung cấp, chụp trước khi xảy ra Covid-19 |
Vào mùa mưa, nhiều bệnh lý hô hấp như cảm lạnh, viêm long đường hô hấp; các bệnh lý dị ứng như viêm mũi, viêm xoang; bệnh lý liệt dây thần kinh mặt... Bên cạnh đó, hệ cơ xương khớp dễ bị ảnh hưởng, người trẻ có thể bị đau cổ gáy, đau lưng cấp, thần kinh tọa, người lớn tuổi thường đau lưng gối tái phát. Các bệnh lý mạch máu não cũng có thể xảy ra nhiều hơn do huyết áp tăng khi trời lạnh dẫn đến tai biến.
Chia sẻ về cách phòng bệnh và những lưu ý trong chăm sóc sức khỏe khi thời tiết trở lạnh, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Công Lý, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cho biết, những người có sức đề kháng kém, người bị ốm, trẻ nhỏ, người cao tuổi dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi. Đặc biệt, việc tự trị bệnh tại nhà bằng thảo dược hay phương pháp truyền miệng phải thật sự cẩn trọng.
* Vì sao vào mùa mưa cơ thể thường dễ mắc các bệnh hô hấp, dị ứng, thần kinh và xương khớp, thưa bác sĩ?
- Về nguyên nhân cơ bản, chúng ta có thể phân tích theo hai khía cạnh y học hiện đại và y học cổ truyền. Từ góc nhìn của y học hiện đại, khi chuyển mùa mưa, thời tiết thay đổi đột ngột cả về nhiệt độ và độ ẩm, điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển. Các tác nhân này tấn công cơ thể người và gây ra các bệnh lý về cảm cúm, hô hấp, dị ứng, viêm xoang… Ngoài ra, mưa lạnh khiến các cơ co cứng khó vận động, xương khớp đau nhức nặng nề.
Trên phương diện y học cổ truyền, trong các nguyên nhân gây bệnh từ bên ngoài, bao gồm các loại khí được gọi tên là phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa, mùa mưa chủ yếu hay gặp những nguyên nhân phong, hàn và thấp. Các loại tà khí này hoặc đơn độc hoặc phối hợp với nhau gây bệnh. Ví dụ, bệnh nhân sau khi gặp lạnh xuất hiện đau lưng cấp thì theo y học cổ truyền chính là do phong hàn kết hợp mà gây bệnh.
* Khi cơ thể mệt mỏi, khó chịu do thời tiết trở lạnh, một số người tự xông hơi, cạo gió, giác hơi, uống các loại lá theo truyền miệng - mà với họ là phương pháp y học cổ truyền. Cách trị bệnh như thế này có thể dẫn đến nguy cơ gì cho sức khỏe?
- Việc tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp y học cổ truyền có lẽ không phải chuyện hiếm, vì các phương pháp đó đa phần đơn giản và sẵn có. Tuy nhiên, có rất nhiều phương pháp truyền miệng ẩn dưới danh y học cổ truyền nhưng lại dẫn đến hậu quả khôn lường. Và cũng có cả những phương pháp y học cổ truyền nhưng bị áp dụng sai cách gây hại cho người bệnh.
Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng từng tiếp nhận một số trường hợp như bệnh nhân xông hơi tại nhà nhưng xông quá lâu, để mất mồ hôi nhiều dẫn đến mất nước và điện giải, hoặc bệnh nhân xoa bóp bấm huyệt, giác hơi, cạo gió quá mạnh, không đúng kỹ thuật dẫn đến xung huyết, gây đau nhức.
Do đó, để điều trị bệnh, đầu tiên người bệnh phải hiểu bệnh lý của mình, nên đến các cơ sở uy tín để bác sĩ thăm khám trước. Cũng cần hiểu về phương pháp tự điều trị tại nhà mà mình đang áp dụng có tác dụng gì, cần lưu ý gì. Ví dụ xông hơi giải cảm thì ở giai đoạn nào của bệnh có thể dùng, lá để xông nên dùng loại nào, xông thời gian bao lâu, cần phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra, hoặc sau khi xông xong nên làm gì. Lá cây, cạo gió hay xông hơi không phải là những phương pháp hoàn toàn lành tính. Phương pháp nào cũng cần sử dụng đúng bệnh, đúng cách và phù hợp mới có hiệu quả và không gây hại.
Đối với các loại thuốc chế phẩm y học cổ truyền, người bệnh cần dùng những sản phẩm xuất xứ rõ ràng và bảo đảm chất lượng, được các bệnh viện hoặc cơ sở uy tín sản xuất, đã được nghiên cứu thử nghiệm, kiểm định tính an toàn và hiệu quả; không nên mua những loại không rõ nguồn gốc hoặc cả tin các loại “thuốc” bán tràn lan trên mạng. Trong quá trình sử dụng các loại thuốc và chế phẩm này cần hiểu về cách dùng, liều dùng phù hợp.
Trong những trường hợp bệnh tình nặng hoặc lâu không khỏi, cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý làm theo các phương pháp truyền miệng hoặc các cách chữa bệnh lan truyền trên mạng khi chưa hiểu gì về nó.
Phương pháp cấy chỉ trị bệnh về thân kinh mặt. Ảnh do nhân vật cung cấp, chụp trước khi xảy ra Covid-19 |
* Bác sĩ tư vấn một số cách xử lý bệnh thời tiết thông thường tại nhà và những phương pháp đang được triển khai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng hiện nay?
- Bệnh thời tiết thông thường hay gặp là các bệnh về cảm mạo. Người mắc bệnh có thể dùng các phương pháp như xông hơi giải cảm bằng những loại lá có tinh dầu, diệt khuẩn đường hô hấp như: lá chanh, bưởi, tía tô, kinh giới, sả, bạc hà, hương nhu…; lá có tác dụng kháng sinh như: hành, tỏi…; lá có tác dụng hạ sốt như: lá tre, lá duối… Hành, tía tô, gừng được xem là những vị thuốc y học cổ truyền nên cháo giải cảm có các thành phần này cũng là một trong những phương pháp tốt.
Đánh gió cũng là phương pháp lâu đời và có hiệu quả trong điều trị bệnh thời tiết. Nguyên liệu thường dùng là lòng trắng trứng gà và đồng bạc, cũng có thể thay trứng, bạc bằng rượu trắng với gừng sao nóng ấm. Cho đồng bạc vào trong lòng trắng trứng còn nóng bọc vào vải mỏng rồi vuốt vùng lưng dọc cột sống từ trên xuống dưới, vuốt trên mặt từ giữa trán ra hai bên xuống má, vuốt vùng tay chân từ gốc chi đến ngọn chi.
Tuy nhiên, các phương pháp này cần được áp dụng đúng cách và phù hợp để có tác dụng điều trị hiệu quả, cũng như tránh các tai biến có thể xảy ra. Trong trường hợp bệnh dai dẳng hoặc trở nặng nên đến cơ sở y tế khám và được bác sĩ tư vấn, không nên tự uống các loại thuốc lạ hoặc lạm dụng kháng sinh.
Ở Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, để điều trị các bệnh thời tiết thông thường hay gặp như bệnh cảm mạo, bệnh viện có bột giải cảm; các bệnh lý về xoang được điều trị bằng phương pháp điện châm, cấy chỉ; bệnh lý liệt dây thần kinh mặt do lạnh có thể dùng điện châm kết hợp cứu điếu ngải, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu thẩm mỹ, cấy chỉ thẩm mỹ... Ngoài ra, những bệnh về cơ xương khớp có thể dùng điện châm, hỏa long cứu hoặc áp dụng vật lý trị liệu trong điều trị. Cũng có thể dùng bột ngâm chân để thư giãn tinh thần, giúp dễ ngủ, tăng cường sức đề kháng. Người lớn tuổi hư nhược có thể dùng những vị thuốc bổ, tăng cường sức khỏe như Lục vị địa hoàng hoàn (Hoàn lục vị), Quy tỳ hoàn…
* Hiện nay, kết hợp Đông - Tây y trong y học cổ truyền rất được quan tâm và phát triển. Điều trị các bệnh thời tiết bằng phương pháp này cũng không ngoại lệ phải không, thưa bác sĩ?
- Y học cổ truyền và y học hiện đại bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau, tạo nên một nền y học Việt Nam tiên tiến dựa trên sự kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc. Trong điều trị bệnh thời tiết, bệnh giao mùa, ví dụ đối với người bệnh bị viêm long đường hô hấp, bên cạnh việc bệnh nhân được kê thuốc kháng sinh, long đờm hay giảm ho, có thể sử dụng thêm các phương pháp như xông hơi, đánh gió. Sau khi bệnh cấp đã lui thì dùng các vị thuốc của y học cổ truyền để nâng cao chính khí, bồi bổ cơ thể, phòng bệnh tái phát. Hoặc đối với viêm mũi dị ứng, viêm xoang có thể điều trị bằng các thuốc chống viêm, co mạch tại chỗ, phối hợp với điện châm, cấy chỉ hoặc sử dụng một số chế phẩm của y học cổ truyền.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng có triển khai hỏa long cứu. Đây là phương pháp kết hợp 3 trong 1 gồm: cứu ấm, xoa chườm rượu thuốc và day ấn huyệt trên kinh lạc; thông qua đó nhằm đả thông kinh mạch, đặc biệt là 2 mạch nhâm đốc ở vùng bụng và lưng, từ đó trừ ngoại tà phong hàn, nâng cao chính khí, phòng được các bệnh giao mùa thường gặp. Ngoài ra, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền cũng được ứng dụng trong điều chế các chế phẩm y học cổ truyền nên có nhiều dạng thuốc bào chế tiện lợi và hiệu quả.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Công Lý: “Sống cân bằng âm - dương để bảo vệ sức khỏe” Học thuyết âm - dương là một học thuyết cơ bản của y học cổ truyền, có vai trò quan trọng trong việc hiểu về cấu tạo sinh lý, bệnh lý của cơ thể, cũng như trong chẩn đoán và điều trị bệnh tật. Học thuyết này cho rằng, nếu âm - dương trong cơ thể cân bằng thì khỏe mạnh, nếu âm - dương mất cân bằng sẽ gây nên bệnh. Vì vậy, theo y học cổ truyền, muốn khỏe mạnh, âm - dương trong cơ thể cần được giữ cân bằng. Sống cân bằng âm - dương đầu tiên là sinh hoạt điều hòa, có nghĩa là quá trình làm việc và nghỉ ngơi phải cân bằng, không để thần kinh quá căng thẳng. Ăn uống cần cân bằng về âm - dương, mùa đông ăn đồ ấm và mùa hè ăn đồ mát, không nên ăn quá nhiều hoặc quá ít, không nên ăn uống quá tuỳ ý hoặc kiêng khem quá mức, cần bổ sung đầy đủ các thành phần dinh dưỡng. Về luyện tập vận động cần chọn cường độ phù hợp, ví dụ người trẻ có thể chọn những hoạt động mạnh và thời gian dài; người có tuổi nên tập nhẹ nhàng, tăng cường tính dẻo dai, uyển chuyển. |
THU HOA thực hiện
Từ khóa » Cạo Gió Giác Hơi đà Nẵng
-
Cạo Gió Giác Hơi Tại Đà Nẵng - Kết Nối Nhân Ái
-
CHUYÊN XÔNG CẢM CÚM, CẠO GIÓ, GIÁC HƠI,... - Tẩm Quất Đà ...
-
Top 15 Giác Hơi Tại Nhà đà Nẵng
-
Top 15 Cạo Gió Giác Hơi Tại Nhà đà Nẵng
-
Dịch Vụ Cạo Gió Giác Hơi - Đà Nẵng - Cốc Cốc Map
-
Dụng Cụ Giác Hơi, Cạo Gió Tại Đà Nẵng - Thiết Bị Y Tế Minh Hưng
-
Dịch Vụ Cạo Gió Giác Hơi Tại Nhà Của Green House
-
Gợi ý 5 địa Chỉ Massage Bấm Huyệt Tại Đà Nẵng Mà Bạn Nên Thử ...
-
Xông Hơi - Giác Hơi Nhớ ở Quận Sơn Trà, Đà Nẵng
-
[MASSAGE ĐÀ NẴNG] Cherry Spa - Uy Tín Tại Liên Chiểu Đà Nẵng
-
Top 5 Dịch Vụ Massage Người Mù Đà Nẵng Mà Bạn Không Thể Bỏ ...
-
Dịch Vụ Cạo Gió Tại Nhà - VIETNAMNET.INFO
-
Phòng Khám Y Học Cổ Truyền Mộc Lan Đường - Thuốc Dân Tộc