Bệnh Phóng Xạ (hội Chứng Phóng Xạ Cấp Tính): Triệu Chứng Và điều Trị

Trungtamthuoc.com - Bệnh phóng xạ (hội chứng bức xạ cấp tính) được xem là bệnh diễn biến nhanh, nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe con người. Cùng tìm hiểu về bệnh phóng xạ qua bài viết sau đây.

1 Bệnh phóng xạ là bệnh gì?

Bệnh phóng xạ là căn bệnh có thể sinh ra do bị chiếu các tia phóng xạ từ bên ngoài hoặc nhiễm chất phóng xạ (ăn, uống thực phẩm có chứa chất phóng xạ). Có 3 thể bệnh phóng xạ đó là: bệnh phóng xạ cấp, bệnh phóng xạ mạn tính, bệnh phóng xạ thể hỗn hợp.

Trường hợp người bệnh bị chiếu xạ bởi các bức xạ ion hóa từ bên ngoài gọi là bệnh phóng xạ do chiếu xạ ngoài. Những người bị nhiễm xạ qua thức ăn, nước uống xâm nhập vào trong cơ thể được gọi là chiếu xạ trong. [1]

Bệnh phóng xạ là gì?
Bệnh phóng xạ là gì?

2 Nguyên nhân gây bệnh phóng xạ

Cơ thể bị chiếu xạ ngoài bởi các nguồn phóng xạ từ bên ngoài cơ thể. Thường gặp ở những người làm việc trong các môi trường có sản xuất chất phóng xạ như: công nhân nhà máy uran, các lò phản ứng, cơ sở hạt nhân.

Cơ thể bị chiếu xạ do các chất phóng xạ bám dính trên da, tóc, vật dụng,....nhân viên y tế sử dụng máy chiếu xạ trong điều trị ung thư nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn làm việc thì nguy cơ bị nhiễm xạ rất cao.

Chất phóng xạ xâm nhập vào bên trong cơ thể qua đường tiêm, truyền, qua vết thương, hít hoặc qua ăn uống.

Khi xảy ra sự cố bức xạ, hạt nhân.​

Thảm họa nhà máy điện nguyên tử Chernobyl
Thảm họa nhà máy điện nguyên tử Chernobyl

3 Triệu chứng khi bị bệnh phóng xạ

3.1 Bệnh phóng xạ cấp do bị chiếu xạ ngoài

Tùy theo mức liều hấp thụ khi bị chiếu xạ, có thể gặp các thể bệnh sau:

Thể tủy xương: dấu hiệu nhiễm xạ thường xuất hiện ngay sau bị chiếu xạ từ vài phút đến vài giờ, đó là: rối loạn tiêu hóa buồn nôn, nôn, mệt mỏi toàn thân, đau đầu kèm chóng mặt, tăng nhiệt độ cơ thể. Thời kỳ toàn phát: bệnh nhân có thể bị nhiễm độc toàn thân, chảy máu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn miễn dịch, biến chứng nhiễm khuẩn,...bệnh nhân có thể bị tử vong do xuất huyết hoặc biến chứng nhiễm khuẩn.

Thể dạ dày - ruột: rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện nôn liên tục, chán ăn, phân lỏng, có thể là xuất huyết đường tiêu hóa.

Thể nhiễm độc và thể não: bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như co giật, rung cơ, giật mắt, rối loan định hướng, rung cơ, mất ý thức. Bệnh nhân có thể bị tử vong do liệt trung khu hô hấp, trụy tim mạch.

3.2 Tổn thương da cấp tính do phóng xạ

Mức độ tổn thương da phụ thuộc vào mức độ bị chiếu xạ, có các cấp tổn thương da sau:

Viêm da nhẹ (bỏng độ 1): tróc vảy da kèm rụng lông và tóc trên da. Sau 3 tháng lông tóc mọc lại bình thường.

Ban đỏ (bỏng độ II): ban đỏ phù nề, có cảm giác ngứa và nóng, rụng lông. Lông tóc mọc lại, màu sắc da trở lại bình thường sau 3 tháng.

Viêm da mức độ vừa (bỏng độ III): da tổn thương xuất hiện nốt phỏng chứa dịch màu vàng, các nốt dịch này khi vỡ làm cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn, nếu bị nặng có thể cần phải ghép da.

Viêm da mức độ nặng (bỏng độ IV, V): xuất hiện nốt phỏng và hoại tử, viêm loét kéo dài. Trường hợ này điều trị bắt buộc phải ghép da, thời kỳ hồi phục kéo dài nhiều tháng, có khi hàng năm.

3.3 Bệnh phóng xạ cấp do nhiễm xạ trong

Bệnh phóng xạ do nhiễm xạ trong thường gặp dạng tổn thương mạn tính, dạng tổn thương cấp tính ít gặp.

Bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng sau:

Thời kỳ tiềm ẩn: mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa.

Thời kỳ toàn phát: mệt mỏi, chán ăn, nôn nhiều, phân lỏng, đái ít dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn. [2]

Bi kịch khi nhiễm phóng xạ
Bi kịch khi nhiễm phóng xạ

3.4 ​Bệnh phóng xạ hỗn hợp

Bệnh có khả năng hồi phục kém, các tổn thương tác động lẫn nhau làm bệnh thêm trầm trọng, dễ gây sốc.

Thường có biến chứng nhiễm khuẩn, xuất huyết.

Quá trình lành vết thương, vết bỏng, liền xương kéo dài.

3.5 Bệnh phóng xạ mạn tính

Giai đoạn 1: chán ăn, mệt mỏi.

Giai đoạn 2: thể trạng giảm sút, xuất hiện chảy máu chăn răng, chảy máu mũi, chảy máu dưới da, có thể có chảy máu trong, suy dinh dưỡng và suy nhược thần kinh.

Giai đoạn 3: các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm tăng nặng rõ rệt, không phục hồi được.

4 Tiên lượng và biến chứng

4.1 Tiên lượng bệnh phóng xạ

Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào thể bệnh phóng xạ mà bệnh nhân mắc phải

Hội chứng phóng xạ cấp tính do chiếu ngoài: ở mức độ bệnh nhẹ thường không gây tử vong nếu được điều trị tốt, có thể tử vong 50% nếu ở mức độ nặng, ở mức độ rất nặng tử vong gần như 100%, bệnh phóng xạ thể tối cấp tử vong 100%.

Bệnh phóng xạ thể hỗn hợp có các tổn thương khác kèm theo do bệnh thường hay gặp trong các sự cố tai nạn, tai nạn hạt nhân,...nên tiên lượng rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh phóng xạ mạn tính: nếu được phát hiện sớm và điều trị kip thời có thể hồi phục.

4.2 Biến chứng

Các biến chứng nặng thường gặp: suy tủy, xuất huyết, thiếu máu, nhiễm khuẩn nặng.

Tổn thương da, giác mạc, kết mạc mắt. Tổn thương da thường để lại sẹo, tổn thương mắt có thể làm mất thị lực gây mù.

Hậu quả lâu dài có thể gây đột biến gen, sinh ung thư, quái thai, sảy thai, vô sinh, giảm tuổi thọ,... [3]

Bé trai ở Ai Cập chỉ có một mắt do nhiễm phóng xạ
Bé trai ở Ai Cập chỉ có một mắt do nhiễm phóng xạ

5 Điều trị bệnh phóng xạ

5.1 Nguyên tắc chung điều trị bệnh phóng xạ

Nếu trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm xạ cấp, cần khẩn trương nhanh chóng đưa bệnh nhân khỏi khu vực bị chiếu xạ.

Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, chống sốc, chống nôn (nếu có), thực hiện các biện pháp tăng cường đào thải chất phóng xạ ra khỏi cơ thể. Dùng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn, nâng đỡ thể trạng cho bệnh nhân.

Điều trị, khắc phục các di chứng của bệnh phóng xạ.

Tuy chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh phóng xạ. Các thuốc có như cysteamin, amiofostin, các chất có khả năng chống ôxy hoá,...có thể dùng trước và sau chiếu xạ, vừa dự phòng vừa điều trị.

Các cytokin giúp phục hồi nhanh hệ tạo huyết. Nhiều thuốc có nguồn gốc tự nhiên, ví dụ như orientin chiết xuất từ Hương Nhu, genistein chế từ đậu nành, chiết xuất từ Tam Thất, Hà Thủ Ô đỏ,... đã được chứng minh có tác dụng dự phòng và điều trị bệnh phóng xạ.

5.2 Tẩy xạ cho nạn nhân bị nhiễm chất phóng xạ

Khi bệnh nhân bị nhiễm chất phóng xạ, người cấp cứu cần thực hiện tẩy xạ cho họ.

Cởi bỏ tư trang cá nhân trên người bệnh nhân (quần áo, dây chuyền,...).

Thực hiện rửa mắt, mũi, lau hốc tai, lỗ mũi bằng tăm bông, cho bệnh nhân súc miệng nhiều lần bằng nước sạch.

Chỉ định cho bệnh nhân tự tắm dưới giàn tắm, dặn bệnh nhân chú ý gội đầu nhiều lần với xà phòng. Nạn nhân bị thương cần băng bó lại cho bệnh nhân sạch sẽ để nước không ngấm vào vết thương.

Nạn nhân sau khi tắm xong cần kiểm tra lại, mặc quần áo sạch, không mặc lại quần áo cũ của bệnh nhân, chuyển vào bệnh viện điều trị.

5.3 Điều trị bệnh phóng xạ ở bệnh viện

5.3.1 Điều trị bệnh phóng xạ cấp do chiếu xạ ngoài

Điều trị bệnh phóng xạ do nguyên nhân nhiễm xạ cấp từ bên ngoài như sau:

Bệnh nhân bị bệnh phóng xạ từ mức độ vừa trở lên cần được nằm ở phòng cách ly vô khuẩn.

Điều trị phòng ngừa các phản ứng sớm cho bệnh nhân: chống nôn, bù nước và điện giải.

Điều trị truyền máu hoặc dùng các thuốc kích thích tạo máu.

Dùng thuốc kháng sinh phổ rộng, liều cao để điều trị dự phòng biến chứng nhiễm khuẩn.

Điều trị xuất huyết.

Điều trị tổn thương trên hệ tiêu hóa: uống sucrafate, chế độ ăn giàu dinh dưỡng.

Điều trị các triệu chứng khác nếu có.

Điều trị bệnh phóng xạ
Điều trị bệnh phóng xạ

5.3.2 Điều trị bệnh phóng xạ do nhiễm xạ trong

Trong trường hợp bị nhiễm xạ trong, chất phóng xạ xâm nhập vào bên trong cơ thể, do đó cần phải rút ngắn thời gian tồn lưu của chất phóng xạ trong cơ thể, kết hợp dùng các thuốc có công dụng phong bế sự hấp thu, làm tăng thải độc ra khỏi cơ thể.

Hạn chế hấp thu bằng cách: kích thích bệnh nhân ho khạc đờm (hít bột dietylentriamin penta axetic acid, thuốc long đờm, tăng tiết), nhắc bệnh nhân không nuốt nước bọt và kết hợp súc miệng, gây nôn, rửa dạ dày,...Nếu bệnh nhân nhiễm đồng vị phóng xạ của strontium và barium thì dùng chất hấp phụ phóng xạ là bari sulphat, polysurmin, anginat Canxi. Nếu bệnh nhân bị nhiễm đồng vị phóng xạ của cesium dùng chất hấp phụ phóng xạ là ferrihexaxyanopherat.

Tăng đào thải chất phóng xạ ra khỏi cơ thể:

  • Nhiễm đồng vị phóng xạ của kim loại nặng: dùng EDTA calci (phức của Etylen Diamin Tetra Acetic với calci).
  • Nhiễm đồng vị phóng xạ của Cr, Se, Mn, Fe, Zn, Y, Zr, Ru, Cd: dùng DTPA (diethylen penta acetic acid) .
  • Nhiễm đồng vị phóng xạ của Co, Cu, Pb, Fe, Au, Hg: dùng Penicillamine.
  • Nhiễm đồng vị phóng xạ của Pb, Hg, Po: dùng BAL (Dimercaprol).

5.3.3 Điều trị bệnh phóng xạ mạn tính

Đối với bệnh phóng xạ mạn tính: cần tránh làm việc hay sinh sống trong khu vực có tiếp xúc với chất phóng xạ. Nghỉ ngơi hợp lý và tăng cường dinh dưỡng toàn thân, điều trị các triệu chứng toàn thân nếu có biểu hiện.

5.3.4 Điều trị bệnh phóng xạ thể hỗn hợp

Điều trị các triệu chứng và điều trị các tổn thương phối hợp kèm theo cho bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả CDC (Ngày đăng 4 tháng 4 năm 2018). Acute Radiation Syndrome: A Fact Sheet for Clinicians, CDC. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2021
  2. ^ Tác giả Carol DerSarkissian, MD (Ngày đăng 19 tháng 10 năm 2020). What Is Radiation Sickness?, WebMD. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2021
  3. ^ Chuyên gia của Mayo Clinic (Ngày đăng 07 tháng 11 năm 2020). Radiation sickness, Mayo Clinic. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2021
Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây

Từ khóa » Nhiem Xa