Bệnh Phù Não - Tăng áp Lực Nội Sọ, Triệu Chứng Và Cách điều Trị

Hộp sọ là khối xương kín bảo vệ não bộ bên trong, khi não bị phù nề, hộp sọ không thể giãn nở ra được dẫn tới tình trạng tăng áp lực nội sọ.

  1. Phù não là gì?
  2. Triệu chứng phù não
  3. Nguyên nhân gây phù não
  4. Chẩn đoán phù não như thế nào?
  5. Điều trị phù não như thế nào?
  6. Tiên lượng của bệnh nhân phù não
  7. Ai điều trị chứng phù não? Điều trị phù não ở đâu?
  8. Ngăn ngừa phù não bằng cách nào?

1. Bệnh phù não - tăng áp lực nội sọ là gì?

Ngoài tên gọi phù não thì chứng bệnh này còn được biết đến dưới cái tên “Tăng áp lực nội sọ”. Phù não có thể xảy ra ở những vị trí đặc biệt ở não hay phù toàn bộ não, phụ thuộc vào nguyên nhân gây phù. Não bị phù sẽ làm gia tăng áp lực bên trong hộp sọ, do đó phù não còn được gọi là “Tăng áp lực nội sọ”. Áp lực gia tăng này có thể chèn ép mạch máu nuôi não, làm máu không tới được các phần của não, hạn chế nguồn cung cấp oxy cho các tế bào não. Ngoài tăng áp lực nội sọ, phù não còn có thể làm tắc các đường dẫn dịch não tủy (dịch não tủy là loại dịch trong, do mạch máu ở các não thất tạo ra, có nhiệm vụ nuôi dưỡng và bảo vệ các tế bào thần kinh trong não), làm cho tình trạng phù ngày càng tồi tệ hơn. Từ đó có thể dẫn tới tổn thương hoặc thậm chí chết tế bào thần kinh, gây tử vong nhanh chóng.

Phù là phản xạ của cơ thể trước nhiều kiểu chấn thương. Thông thường, tình trạng phù xảy ra nhanh chóng và dễ dàng điều trị bằng các biện pháp như nghỉ ngơi, chườm đá, kê chi cao, dùng thuốc hoặc rút bớt dịch thừa ra ngoài. Não cũng có thể bị phù do chấn thương, hay do bệnh lí thực thể hoặc do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên phù não có thể nhanh chóng gây ra các vấn đề nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Khác với tình trạng phù nề ở các cơ quan khác, phù não thường rất khó điều trị. Với vai trò là chỉ huy của toàn bộ cơ thể, não bộ rất quan trọng với con người. Do tầm quan trọng như vậy nên não được bảo vệ bởi một hộp sọ rất cứng và dày, nhưng chỉ có một khuyết điểm duy nhất là không có khoảng không gian đủ rộng để não giãn to ra khi bị phù nề. Phù não là một tình trạng cấp cứu, nếu để chậm trễ sẽ dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Hiện nay có rất nhiều phương pháp để điều trị phù não. Nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể phục hồi tốt và để lại ít di chứng trên não.

2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh phù não

Các triệu chứng của phù não có thể chồng lấp với nhiều bệnh thần kinh khác, làm cho việc chẩn đoán khó khăn trong một vài trường hợp. Triệu chứng bệnh thay đổi rất nhiều, phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, các triệu chứng của phù não xuất hiện đột ngột, bạn có thể để ý tới các triệu chứng dưới đây:

  • Nhức đầu, chóng mặt
  • Đau mỏi cổ hoặc cứng cổ
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Thở mệt, khó thở hoặc thở bất thường
  • Thay đổi hoặc mất thị lực
  • Mất trí nhớ
  • Không đi lại được
  • Khó nói
  • Co giật, mất tri giác
  • Thay đổi cảm xúc, trạng thái
  • Tiêu tiểu không tự chủ
  • Yếu người

===

Tham vấn thông tin, tư vấn và hẹn khám bệnh:

✍ Bác sĩ Nguyễn Tường Vũ

✍ Bác sĩ Lê Thành Nhân

===

3. Nguyên nhân gây ra bệnh phù não

Chấn thương, các bệnh lí thần kinh, nhiễm trùng, u não và thay đổi độ cao,…bất kì vấn đề nào kể trên cũng có thể gây phù não. Các nguyên nhân được liệt kê dưới đây giải thích cơ chế phù não:

  • Chấn thương não hay chấn thương đầu, là một sự kiện xảy ra đột ngột gây tổn thương não. Vật từ ngoài đập vào đầu hay sự tăng giảm đột ngột tốc độ di chuyển của hộp sọ có thể gây chấn thương não. Nguyên nhân gây chấn thương não thường gặp nhất là té ngã, tai nạn giao thông, bị xô đẩy đập đầu vào vật sắc và tấn công bằng hung khí vào đầu. Các nguyên nhân này làm mô não bị dập và phù nề. Ngoài ra, những mảnh xương vụn có thể làm rách các mạch máu não và các phản ứng của cơ thể trước tình trạng chấn thương có thể làm nặng thêm tình trạng phù não. Nếu não phù quá nhiều, sự lưu thông dịch não tủy có thể bị ngưng trệ, làm cho não càng bị phù nhiều hơn.
  • Nhồi máu não là kiểu tai biến mạch máu não thường gặp nhất, gây ra bởi cục máu đông trong mạch máu hay tắc nghẽn mạch máu não. Não không nhận đủ máu và oxy cần thiết cho hoạt động sống, làm cho các tế bào não bắt đầu chết và tình trạng phù não xuất hiện.
  • Xuất huyết não và tai biến mạch máu não: xuất huyết là tình trạng máu chảy ra khỏi lòng mạch. Xuất huyết não do tai biến mạch máu não là loại xuất huyết não thường gặp nhất, xảy ra khi mạch máu ở bất kì vị trí nào của não bị vỡ. Khi đó, cơ thể phản ứng lại bằng cách tăng áp lực trong hộp sọ. Nguyên nhân gây xuất huyết não trong đa số trường hợp là do tăng huyết áp. Ngoài ra, xuất huyết não cũng có thể do chấn thương đầu, dùng thuốc và những dị dạng mạch máu não từ lúc mới sinh.
  • Nhiễm trùng: các nhiễm trùng thần kinh trung ương như viêm màng não, viêm não, bệnh Toxoplasma, áp – xe não có thể gây nên tình trạng phù não.
  • U não: các khối u trong não có thể gây phù não bằng nhiều cách. Khi khối u phát triển to lên, nó có thể chèn ép các vùng khác của não. Một vài khối u của não nằm gần các lỗ thoát dịch não tủy, khi phát triển to ra sẽ che lấp các lỗ này, gây phù não. Ngoài ra, các mạch máu mới nuôi khối u cũng có thể gây nên tình trạng phù não.
  • Thay đổi độ cao: mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được cơ chế chính xác gây phù não nhưng hiện tượng này có thể xảy ra ở độ cao trên 1500m. Kiểu phù não này thường hay đi chung với hội chứng sốc độ cao nặng (Acute mountain sickness – AMS) hay hội chứng phù não do độ cao.
  • Các nguyên nhân khác như lạm dụng các chất kích thích, ngộ độc khí CO, nhiễm độc từ vết cắn của một vài loại động vật, bò sát hay các động vật dưới nước có độc,…

4. Chẩn đoán phù não như thế nào?

Như đã nói ở trên, các triệu chứng của chứng bệnh phù não thay đổi rất nhiều và trùng lắp với nhiều bệnh lí thần kinh khác nên việc chẩn đoán phù não nhiều lúc gặp rất nhiều khó khăn. Để chẩn đoán bệnh, trước hết bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bệnh nhân và tiền sử bệnh trước đó để có thể xác định được hướng chẩn đoán. Sau đó, bác sĩ sẽ khám tổng quát, tập trung vào hệ thần kinh và vùng đầu mặt cổ, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân thực hiện một vài xét nghiệm để đưa ra được chẩn đoán và điều trị. Các xét nghiệm được dùng để chẩn đoán phù não bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân gây phù não nếu nghĩ nhiều phù não do nhiễm trùng

  • Chụp CT hoặc MRI đầu để xác định vị trí và mức độ phù não

5. Các phương pháp điều trị bệnh phù não

Những trường hợp phù não nhẹ do hội chứng sốc độ cao mức độ trung bình hay chấn thương đầu nhẹ thường hồi phụ trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp phù não cần điều trị tích cực bằng thuốc hoặc các phương pháp khác.

Mục đích điều trị phù não là cung cấp đủ máu và oxy để duy trì hoạt động của các tế bào não trong khi giải quyết tình trạng phù nề và nguyên nhân gây phù bằng cách dùng thuốc và phẫu thuật. Điều trị phù não kịp thời sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn và ít để lại di chứng hơn, nếu không não có thể bị tổn thương vĩnh viễn và di chứng sau phù nặng nề hơn.

Điều trị phù não cần kết hợp các phương pháp hiện có dưới đây:

  • Liệu pháp oxy (tăng thông khí vừa phải): bằng cách cung cấp oxy cho bệnh nhân thông qua máy thở hoặc các phuong tiện giúp thở khác để đảm bảo máu giàu oxy được đưa lên não. Bác sĩ có thể điều chỉnh máy thở để giảm mức độ phù não.
  • Tiêm thuốc: dùng dịch hoặc thuốc truyền qua đường tĩnh mạch để giữ cho huyết áp không bị hạ quá thấp, điều này đảm bảo cho não bộ được nhận đủ máu nuôi. Tuy nhiên, một vài loại dịch truyền có thể làm cho tình trạng phù não tiến triển xấu đi. Do đó, bác sĩ sẽ lựa chọn có cho truyền dịch hay không và loại dịch phù hợp với tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
  • Hạ thân nhiệt: hạ thân nhiệt cơ thể và não giúp giảm phù não và lành các tổn thương não. Phương pháp này không được sử dụng rộng rãi vì khó có thể thực hiện đúng chính xác.
  • Dùng thuốc: trong một vài trường hợp phù não, bác sĩ có thể bắt đầu dùng thuốc để làm giảm tình trạng phù. Các loại thuốc này có thể được dùng vào mục đích khác như làm giảm mức độ phản ứng của cơ thể đối với tình trạng phù hay làm tiêu đi các cục máu đông. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc phụ thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân.
  • Liệu pháp thẩm thấu: phương pháp điều trị này sử dụng các loại thuốc có tác dụng kéo dịch ra khỏi hộp sọ, gia tăng lượng máu tới não và giảm phù.
  • Dẫn lưu khoang dưới nhện: khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ mở một lỗ nhỏ ở hộp sọ và đưa vào đó một ống dẫn lưu bằng nhựa. Dịch não tủy được dẫn lưu ra bên ngoài thông qua ống này, giúp làm giảm tình trạng phù.
  • Phẫu thuật: mục đích của phẫu thuật là loại bỏ một phần hộp sọ để làm giảm áp lực nội sọ hoặc loại bỏ nguyên nhân gây phù như sửa chữa động mạch hay tĩnh mạch bị tổn thương hay loại bỏ khối u não.

6. Tiên lượng của bệnh nhân phù não

Hầu hết các trường hợp phù não thường để lại hậu quả, phụ thuộc vào mức độ nặng cũng như vị trí tổn thương. Các triệu chứng sau có thể được bệnh nhân chú ý tới khi đã điều trị xong tình trạng phù não:

  • Triệu chứng liên quan tới giấc ngủ, suy nghĩ và khả năng tập trung.
  • Nhức đầu.
  • Trầm cảm.
  • Các triệu chứng liên quan tới khả năng giao tiếp và vận động.

Ngay khi có các triệu chứng trên sau khi đã được điều trị phù não, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để được tìm nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt, phòng ngừa các di chứng nặng nề khác về sau và cải thiện chất lượng cuộc sống sau điều trị.

7. Bác sĩ điều trị chứng phù não? Điều trị phù não ở đâu?

Vì phù não là một cấp cứu nguy hiểm nên chỉ có những bác sĩ thuộc các chuyên khoa hồi sức cấp cứu và thần kinh mới có đủ chuyên môn và kinh nghiệm điều trị chứng bệnh này. Các bác sĩ thuộc các chuyên khoa này được đào tạo bài bản và có đủ khả năng chẩn đoán và xử trí cấp cứu phù não. Do tính nguy cấp của bệnh nên chứng bệnh phù não thường được điều trị ở những cơ sở y tế lớn có khoa hồi sức cấp cứu và nội – ngoại thần kinh. Các bác sĩ thuộc các chuyên khoa này sẽ hợp tác với nhau đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất cho tình hình cụ thể của từng bệnh nhân cũng như theo dõi sau điều trị.

8. Ngăn ngừa bệnh phù não bằng cách nào?

Sau khi tìm hiểu về các nguyên nhân cũng như triệu chứng của bệnh phù não, chúng ta nên biết thêm những cách phòng bệnh để có một cuộc sống khỏe mạnh, hạn chế các bất tiện sau này. Để phòng bệnh phù não, hãy làm theo các mẹo nhỏ dưới đây:

  • Sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp, chơi các môn thể thao va chạm nhiều hay tham gia các hoạt động có khả năng té ngã và chấn thương đầu
  • Sử dụng dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô
  • Điều trị và kiểm soát tốt huyết áp và các bệnh tim mạch hiện có
  • Tránh hút thuốc hoặc ngưng hút thuốc
  • Khi đi du lịch lên các vùng núi cao, hãy đi từ từ để cho cơ thể quen dần và tự điều chỉnh cơ thể theo độ cao.​
Hy vọng những thông tin của chúng tôi sẽ giúp ích được cho bạn. Bạn có thể liên hệ đặt khám với các bác sĩ của Hello Doctor theo số điện thoại 1900 1246.

Từ khóa » Chẩn đoán Phù Não