Bệnh Quáng Gà Là Gì Và Có Chữa được Không? • Hello Bacsi

Quáng gà gây hạn chế tầm nhìn của bạn, đặc biệt là vào ban đêm. Bệnh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể mà có cách điều trị phù hợp.

Biểu hiện của mắt quáng gà là gì và làm thế nào để điều trị? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết sau nhé.

Tìm hiểu chung

Bệnh quáng gà là gì?

Bệnh quáng gà còn được gọi với tên là chứng mù đêm. Đây là một loại suy giảm thị lực. Những người bị quáng gà có thị lực rất kém vào ban đêm hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng. Khi mắt quáng gà, bạn có thể gặp khó khăn hơn khi nhìn hoặc lái xe trong bóng tối.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng mắt bị bệnh quáng gà là gì?

Triệu chứng duy nhất của bệnh quáng gà là khó nhìn thấy trong bóng tối. Bạn có nhiều khả năng gặp phải tình trạng này nếu mắt chuyển đột ngột từ những khu vực có ánh sáng mạnh sang những khu vực có ánh sáng yếu, ví dụ như khi bạn từ ngoài trời nắng bước vào nhà tối. Bạn cũng có thể nhìn kém khi lái xe vì ánh sáng chiếu không liên tục từ đèn pha và đèn đường.

Ngoài ra, bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây bệnh quáng gà?

Nguyên nhân mắt bị quáng gà

Bệnh xuất phát từ những rối loạn của các tế bào que trong võng mạc, đây là những tế bào cho phép bạn nhìn thấy hình ảnh trong bóng tối. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh quáng gà, chẳng hạn như:

  • Tật cận thị
  • Tăng nhãn áp
  • Các thuốc điều trị tăng nhãn áp làm co đồng tử
  • Đục thủy tinh thể
  • Bệnh đái tháo đường
  • Viêm võng mạc sắc tố
  • Thiếu hụt vitamin A
  • Bệnh keratoconus

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh?

Người lớn tuổi có nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao hơn. Do đó, người cao niên có nhiều khả năng bị quáng gà do đục thủy tinh thể hơn trẻ em hoặc thanh niên.

Bệnh nhân bị suy tuyến tụy như xơ nang, gặp khó khăn trong việc hấp thu chất béo và có nguy cơ bị thiếu vitamin A cao hơn vì vitamin A tan trong chất béo. Điều này khiến họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Những người có lượng đường trong máu cao hoặc bệnh đái tháo đường cũng có nguy cơ phát triển các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh quáng gà là gì?

Bác sĩ nhãn khoa sẽ hỏi thăm bạn về bệnh sử y tế chi tiết và kiểm tra mắt để chẩn đoán quáng gà. Họ cũng có thể lấy mẫu máu xét nghiệm nhằm đo lượng vitamin A và nồng độ glucose trong máu.

Bệnh quáng gà có chữa được không?

Bệnh xảy ra do cận thị, đục thủy tinh thể hoặc thiếu vitamin A có thể điều trị được. Cách chữa quáng gà sẽ khác nhau tùy vào từng nguyên nhân cụ thể.

Cận thị

Kính điều chỉnh như kính đeo mắt hoặc kính áp tròng có thể cải thiện thị lực cận thị cả vào ban ngày lẫn ban đêm. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn vẫn gặp khó khăn khi nhìn trong ánh sáng mờ ngay cả khi đeo kính điều chỉnh.

Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể xảy ra khi có một lớp màng protein đục xuất hiện trong thủy tinh thể. Bệnh có thể được điều trị thông qua phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thay thế thủy tinh thể bị đục bằng một thủy tinh thể nhân tạo trong suốt. Tình trạng mắt quáng gà sẽ được cải thiện đáng kể sau phẫu thuật nếu nguyên nhân chính gây bệnh là do đục thủy tinh thể.

Thiếu vitamin A

Nếu mức vitamin A thấp, bác sĩ có thể khuyên bạn nên bổ sung vitamin. Hãy bổ sung chính xác lượng vitamin A theo chỉ dẫn.

Khuyết tật

Một số tình trạng di truyền gây quáng gà, như viêm võng mạc sắc tố, không thể điều trị được. Khuyết tật di truyền gây ra sắc tố tích tụ trong võng mạc không đáp ứng với các cách chữa quáng gà như đeo kính điều chỉnh hoặc phẫu thuật. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên hạn chế hoạt động hoặc lái xe vào ban đêm.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Cách phòng tránh bệnh quáng gà

Bạn không thể phòng tránh bệnh quáng gà nếu đây là quáng gà bẩm sinh hoặc do các tình trạng di truyền như hội chứng Usher gây ra. Tuy nhiên, bạn có thể theo dõi mức đường trong máu của mình một cách chính xác và có một chế độ ăn uống cân bằng để ít bị quáng gà hơn.

Ăn gì để phòng bệnh quáng gà?

ăn gì để phòng bệnh quáng gà

Bạn nên ăn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất chống oxy hóa để giúp ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể. Ngoài ra, hãy chọn các loại thực phẩm có hàm lượng vitamin A cao để giảm nguy cơ bị quáng gà. Một số loại thực phẩm có màu cam là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời chứa nhiều vitamin A, bao gồm:

  • Dưa vàng
  • Khoai lang
  • Cà rốt
  • Bí ngô
  • Bí đỏ
  • Xoài

Vitamin A cũng có trong:

  • Rau bó xôi
  • Các loại rau lá xanh đậm
  • Sữa
  • Trứng

Nếu bạn bị quáng gà, bạn nên thận trọng để giữ cho bản thân và người khác an toàn. Tránh lái xe vào ban đêm càng nhiều càng tốt cho đến khi nguyên nhân gây bệnh được xác định và điều trị.

Sắp xếp lái xe trong ngày hoặc nhờ bạn bè, thành viên gia đình hoặc dịch vụ taxi nếu bạn cần phải đi đâu đó vào ban đêm. Đeo kính râm hoặc đội mũ rộng vành cũng có thể giúp giảm độ chói khi bạn ở trong môi trường có ánh sáng mạnh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Từ khóa » Gà Mù Bẩm Sinh