Bệnh Rận Mu: Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị - Hello Bacsi

Rận mu là vật ký sinh sống ở lông mu người, hút máu và gây ra những con ngứa ngáy, khó chịu. Loại ký sinh này thường lây qua con đường quan hệ tình dục, dùng chung quần áo, chăn, drap giường… 

Rận mu thường ký sinh ở người lớn, hầu như không tìm thấy ở trẻ em trước tuổi dậy thì. Chúng đẻ trứng ở lông vùng kín, hậu môn, nách, đùi, bụng thậm chí ở lông mi và râu. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về tình trạng nhiễm rận mu, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa!

Rận mu là gì?

Rận mu là gì?

Rận mu là gì hay bệnh rận mu là gì? Rận mu hay còn gọi là rận lông mu, rận cua, chấy cua, rận bẹn là một loài côn trùng có màu nâu xám, sống ký sinh chủ yếu ở vùng mu, bộ phận sinh dục hoặc các vùng như lông mày, lông mi, râu, ria mép, mách, vùng quanh hậu môn, bẹn, da đầu…

Có ba loại rận ký sinh ở người:

  • Pediculus humanus capitis: rận đầu (chấy)
  • Pediculus humanus Corporis: rận thân mình
  • Phthirus xương mu: rận mu

Rận hút máu người và gây ngứa dữ dội ở các khu vực bị chúng tấn công. Rận mu thường sống trên lông mu và có thể lây lan qua tiếp xúc tình dục, dùng chung quần  áo, drap trải giường… Rận mu thường có kích thước nhỏ hơn so với rận thân mình và rận đầu nên rất khó quan sát bằng mắt thường.

Rận mu trông như thế nào?

Rận mu rất nhỏ, con trưởng thành có hình dạng gần giống cua nên chúng còn được gọi là rận cua. Hình dạng của  rận mu tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của chúng:

  • Trứng rận: Những quả trứng này thường có hình bầu dục và màu vàng, trắng hoặc ngọc trai nhưng rất khó nhìn thấy. Trứng chấy bám chặt vào chân lông và nở sau khoảng 6 đến 10 ngày.
  • Nhộng: Đây là con rận non nở ra từ trứng. Mỗi con cần khoảng 2 – 3 tuần để trưởng thành.
  • Rận trưởng thành: Một con rận trưởng thành có sáu chân, các chân trước lớn hơn và giống như càng cua. Con trưởng thành có màu rám nắng hoặc trắng xám, dài khoảng 1,1 -1,6 mm. Nhộng và chấy trưởng thành hút máu của người để sinh trưởng và phát triển. Chúng chết trong vòng 72 giờ sau khi rơi ra khỏi cơ thể người.

Triệu chứng

triệu chứng bệnh rận mu

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh rận mu là gì?

Nếu bị nhiễm rận mu, bạn sẽ thường bị ngứa ở vùng sinh dục hay hậu môn khoảng 5 ngày sau khi bị lây nhiễm. Vào ban đêm, bạn có thể cảm thấy ngứa dữ dội hơn.

Các triệu chứng phổ biến khác của tình trạng nhiễm rận mu bao gồm:

  • Sốt nhẹ
  • Khó chịu
  • Thiếu năng lượng
  • Các nốt màu xanh ở gần các vết cắn
  • Đốm nâu hoặc đỏ sẫm xuất hiện trong quần lót của bạn (phân chấy)
  • Lông mi đóng vảy hoặc dính (rận mu ký sinh ở lông mi)

Việc bị rận tấn công gây ngứa nhiều khiến người bệnh phải “gãi cho đã ngứa” nên thường gây ra các vết thương hoặc nhiễm trùng ở các khu vực bị ảnh hưởng. Trẻ em bị rận ở lông mi có nguy cơ phát triển thành viêm kết mạc.

Tuy không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào, nhưng tình trạng nhiễm rận mu lại là nguyên nhân gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu và còn dễ dàng lây lan sang người khác. Những con rận cái có quãng đời trung bình từ 25–30 ngày và mỗi lần có thể đẻ khoảng từ 20–30 trứng. Rận vẫn có thể sống xa cơ thể trong vòng từ 1–2 ngày. Vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh và điều trị thích hợp là rất quan trọng, nếu không bạn sẽ mất một thời gian khá dài để có thể loại bỏ chúng hoàn toàn.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ để có được giải pháp hiệu quả trong việc điều trị rận mu nếu:

  • Các sản phẩm y tế bạn mua từ các nhà thuốc không có tác dụng giết chết rận mu
  • Bạn đang mang thai
  • Phần da trầy xước bị nhiễm trùng

Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ khám bộ phận sinh dục của bạn để kiểm tra rận mu còn sống hay còn trứng rận trên cơ thể không.

Nguyên nhân bị rận mu là gì?

rận mu

Nhiều người thường thắc mắc nguyên nhân bị rận mu là gì hay bệnh rận mu lây từ đâu? Rận mu thường lây truyền qua tiếp xúc thân mật, trong đó có quan hệ tình dục. Nếu sử dụng chung chăn, khăn tắm, khăn trải giường hoặc quần áo với người có rận, bạn cũng có thể bị lây nhiễm.

Rận trưởng thành đẻ trứng trên phần chân lông/tóc, sát với da. Sau 7–10 ngày, trứng nở thành nhộng và bắt đầu hút máu. Rận có thể sống mà không cần nguồn thức ăn trong vòng 1−2 ngày. Rận mu thường không rơi ra khỏi ký chủ trừ khi chúng chết và cũng không thể nhảy từ người này sang người khác như bọ chét. Tình trạng lạm dụng tình dục cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh rận mu ở trẻ em.

Bạn không thể lây rận mu từ thú cưng hay các vật nuôi khác hoặc dùng chung bồn cầu với người nhiễm bệnh. Bởi cấu tạo chân của rận cua không thể giúp chúng bám vào bề mặt nhẵn như bệ xí.

Nguy cơ mắc bệnh

Những ai thường mắc phải bệnh rận mu?

rận mu

Những người mắc bệnh lây lan qua đường tình dục thường có nguy cơ bị rận mu cao hơn người bình thường. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh rận mu?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Có nhiều bạn tình
  • Có quan hệ tình dục với người nhiễm rận mu
  • Ngủ chung giường hoặc mặc quần áo chung với người bị nhiễm

Điều trị

điều trị bệnh rận mu

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh rận mu?

Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám vùng bị ảnh hưởng. Rận thường có màu xám nhạt nhưng chúng có thể chuyển sang tối màu hơn sau khi hút máu. Bạn có lẽ đã bị nhiễm rận nếu nhìn thấy có những con côn trùng nhỏ hình cua di chuyển ở lông mu.

Trứng rận cũng là một dấu hiệu của bệnh. Những quả trứng rất nhỏ và màu trắng, thường được thấy xung quanh chân lông mu hoặc lông khác trên cơ thể.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh rận mu?

Bạn có thể phải khử trùng quần áo, giường ngủ, khăn tắm… để ngăn chặn bệnh diễn tiến phức tạp. Lotion và dầu gội có tác dụng diệt chấy tại chỗ là những thứ có thể loại bỏ rận mu ra khỏi cơ thể. Bạn nên hỏi bác sĩ về những sản phẩm an toàn để sử dụng nếu đang mang thai hoặc cho con bú hoặc bạn muốn điều trị cho con trẻ. Nếu tình trạng lây nhiễm ở mức độ nhẹ, bạn có thể chỉ cần vệ sinh lông mu sạch sẽ.

Ngay cả sau khi điều trị thành công, một số ít trứng rận “cứng đầu” vẫn có thể còn bám trên lông. Bạn nên dùng nhíp để loại bỏ tất cả trứng còn sót lại. Các biện pháp thông thường chẳng hạn như cạo lông vùng kín và tắm nước nóng không có hiệu quả để điều trị rận mu. Rận có thể dễ dàng sống sót nếu bạn chỉ dùng xà phòng thông thường và nước.

Nếu một số người trong gia đình bạn bị rận mu thì hãy điều trị tất cả mọi người cùng lúc. Bạn cũng cần khử trùng nhà cửa, dùng máy hút bụi và làm sạch nhà vệ sinh bằng dung dịch thuốc tẩy, giặt tất cả khăn tắm, drap trải giường và quần áo trong nước nóng và dùng máy làm khô chúng bằng nhiệt độ cao nhất có thể. Trường hợp không có máy giặt chế độ nước nóng và máy sấy, bạn nên phơi quần áo ngoài trời nắng to và ủi kỹ càng trước khi dùng.

Bạn có thể cần thuốc “nặng đô” nếu rận vẫn còn tồn tại sau khi đã áp dụng các liệu pháp trên. Trường hợp rận xuất hiện ở lông mi, bạn nên dùng nhíp gắp hết rận và trứng, bôi dầu bôi trơn ở lông mi và mí mắt 3 lần/ngày trong vòng vài ngày. Bạn có thể bị ngứa một hoặc hai tuần vì cơ thể đã trải qua phản ứng dị ứng với vết cắn của rận.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê những toa điều trị có tác dụng mạnh hơn, chẳng hạn như:

  • Malathion: thoa loại kem dưỡng da được kê đơn này lên các vùng bị nhiễm bệnh rồi rửa sạch lại sau khi bôi khoảng 8–12 giờ.
  • Ivermectin: loại thuốc này được dùng một liều duy nhất với tổng cộng 2 viên thuốc, và bạn có thể lựa chọn uống thêm một liều nữa vào 10 ngày sau nếu việc điều trị không có hiệu quả.
  • Phương pháp cuối cùng nếu các cách làm trước đây đã thất bại thì bác sĩ sẽ cân nhắc cho bạn sử dụng thuốc Lindane vì chúng khá độc. Bôi Lindane lên vùng bị nhiễm bệnh rồi rửa sạch sau 4 phút. Cần lưu ý là lindane không được khuyên dùng cho phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú hoặc dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

Phòng ngừa bệnh rận mu bằng cách nào?

ngăn ngừa bệnh rận mu

Bạn có thể được chữa trị rận mu hoàn toàn bằng cách vệ sinh sạch sẽ cơ thể cũng như tất cả các vật dụng cá nhân thường dùng có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng này thật kiên nhẫn và tỉ mỉ. Bạn cần thực hiện những bước sau đây để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:

  • Sử dụng kem dưỡng và dầu gội: Lựa chọn loại thích hợp nhất trong số nhiều loại kem dưỡng và dầu gội khác nhau có bán tại các nhà thuốc. Bạn nên sử dụng các sản phẩm này theo như hướng dẫn đính kèm. Có thể bạn sẽ cần phải lặp lại điều trị trong từ 7–10 ngày sau.
  • Rửa sạch những vật dụng bị nhiễm rận: Hãy nhớ giặt sạch drap trải giường ngủ, quần áo và khăn… bạn đã sử dụng 2 ngày trước khi thực hiện điều trị, giặt sạch bằng nước ấm (ít nhất ở nhiệt độ 54ºC) và với xà phòng, sau đó sấy khô ở nhiệt độ cao trong ít nhất 20 phút hoặc phơi ngoài trời nắng nóng và ủi ngay sau đó.
  • Giặt khô hoặc niêm phong các vật dụng không thể rửa sạch: Nếu bạn không thể rửa sạch một vật nào đó, hãy đem nó đi giặt khô hoặc đặt nó trong túi kín gió trong vòng 2 tuần.

Điều quan trọng nhất là ngăn ngừa bị lây nhiễm. Bạn nên tránh quan hệ tình dục hoặc dùng chung giường ngủ, quần áo, khăn tắm… với bất cứ ai đang có rận hoặc nghi ngờ nhiễm rận. Nếu bạn đang trong quá trình điều trị, “nửa kia” của bạn cũng nên thực hiện điều trị cùng lúc.

Từ khóa » Diệt Rận Mu