Bệnh Rối Loạn Loạn Thần Cấp Và Nhất Thời

Rối loạn loạn thần (RLLT) cấp và nhất thời là trạng thái loạn thần có đặc điểm: Khởi đầu cấp là sự biến đổi từ trạng thái hoàn toàn bình thường sang trạng thái loạn thần rõ rệt trong vòng 2 tuần hay ngắn hơn.

Mục lục

  • 1 Một số yếu tố liên quan bệnh nguyên, bệnh sinh
  • 2 Chẩn đoán rối loạn loạn thần
    • 2.1 Chẩn đoán xác định
  • 3 Điều trị các rối loạn loạn thần
    • 3.1 Nguyên tắc điều trị
    • 3.2 Điều trị giai đoạn cấp
    • 3.3 Theo dõi điều trị
  • 4 Cách phòng chống rối loạn loạn thần

loạn thần cấp

Bệnh cảnh là trạng thái lâm sàng biến đổi nhanh chóng và “đa dạng” nổi bật với các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi tác phong…

Có sang chấn tâm lý kết hợp: các triệu chứng loạn thần đầu tiên xuất hiện trong vòng hai tuần sau một hay nhiều sự kiện được xem như  là gây sang chấn cho đa số người trong hoàn cảnh tương tự.

Thông thường bệnh khỏi hoàn toàn trong vòng một vài tháng, có trường hợp vài ngày đến vài tuần.

Một số yếu tố liên quan bệnh nguyên, bệnh sinh

– 20- 33% bệnh nhân có tiền sử gia đình bị rối loạn tâm thần như: tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, rối loạn loạn thần cấp…

– 20-30% bệnh nhân có kết hợp với sang chấn tâm lý: tang tóc, mất mát tài sản, đổ vỡ hôn nhân, tình yêu, bị tai nạn…

– Có một số nét nhân cách bất thường ở bệnh nhân RLLT cấp và nhất thời:

  • Nét nhân cách nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
  • Nét nhân cách dạng phân liệt (khép kín, không cởi mở, ít quan hệ…).
  • Nét nhân cách phân ly: dễ xúc động, hay tưởng tượng, thích được quan tâm…
  • Nét nhân cách lo âu: hay lo lắng, chi li, cầu toàn.

Chẩn đoán rối loạn loạn thần

Chẩn đoán xác định

Theo tiêu chuẩn của ICD-10, mục F23

Một giai đoạn loạn thần kéo dài từ một đến 3 tháng (tuỳ theo thể lâm sàng), trong giai đoạn này một số hoạt động như quan hệ xã hội, nghề nghiệp bị ảnh hưởng. Khởi bệnh cấp trong khoảng 2 tuần.

Lâm sàng đa dạng với nhiều triệu chứng: hoang tưởng các loại, ảo giác các loại, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi… Nếu có rối loạn cảm xúc thì các triệu chứng này không đủ đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán của cơn hưng cảm hay trầm cảm. Các triệu chứng thay đổi liên tục thậm chí trong một ngày.

Trong bệnh sử xác định không có nguyên nhân thực tổn như: chấn động não, mê sảng hay mất trí; trạng thái nhiễm độc rượu, ma tuý hay các chất độc khác.

Cận lâm sàng: Không có xét nghiệm giúp cho chẩn đoán xác định.

Trong những trường hợp để chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân thực tổn cần làm:

  • Xét nghiệm tìm chất ma tuý
  • Xét nghiệm HIV
  • Chụp CT scanner, MRI…

Điều trị các rối loạn loạn thần

Nguyên tắc điều trị

– Rối loạn loạn thần cấp với nhiều hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc, hành vi…xuất hiện đột ngột, vì vậy bệnh nhân nên được điều trị trong bệnh viện.

– Điều trị RLLT cấp tùy thuộc bệnh cảnh lâm sàng, song chủ yếu bằng các an thần kinh (ATK).

– Điều trị duy trì sau giai đoạn loạn thần đầu tiên phụ thuộc vào chẩn đoán và tiên lượng. Thường điều trị duy trì từ 12-18 tháng để phòng tái phát.

Điều trị giai đoạn cấp

Điều trị bằng an thần kinh

Tham khảo thành công hoặc thất bại ở giai đoạn trước (nếu có).

Sử dụng các an thần kinh cổ điển chọn một trong các thuốc sau với liều trung bình:

  • Haloperidol: từ 5-15mg/ ngày.
  • Aminazin: từ 150-300mg/ngày.
  • Levomepromzin: từ 150-300mg/ngày.

Sử dụng các an thần kinh thế hệ mới chọn một trong các thuốc sau với liều trung bình:

  • Rispridone: từ 4-6 mg/ngày.
  • Olanzapine: từ 10-20 mg/ngày.
  • Solian:từ 400-600mg/ngày.

Đường sử dụng: nếu bệnh nhân có biểu hiện kích động, chống đối; hoang tưởng, ảo giác rầm rộ sử dụng đường tiêm từ 3 đến 5 ngày, sau chuyển đường uống.

Điều trị phối hợp

– Nếu có lo âu: kết hợp với diazepam: 5-10mg/ngày.

– Nếu có trầm cảm: kết hợp thuốc chống trầm cảm (amitriptilin 25-50mg/ngày, hoặc zoloft 50-100mg/ngày, hoặc remeron 30-60mg/ngày…).

– Nếu có hưng cảm: kết hợp thuốc chỉnh khí sắc (carbamazepine 300mg/ngày, hoặc depakin 200-500mg/ngày).

Theo dõi điều trị

– Các tác dụng không mong muốn của thuốc: nếu có xuất hiện triệu chứng nào cần phải điều trị ngay. Lưu ý hội chứng ATK ác tính.

– Các dấu hiệu đầu tiên về sự cải thiện các triệu chứng lâm sàng chứng tỏ ATK được lựa chọn điều trị có hiệu quả, thường sự cải thiện rất sớm trên các triệu chứng như kích động, lo âu (từ 1 đến 3 ngày).

Cách phòng chống rối loạn loạn thần

Nguyên nhân RLLT cấp và nhất thời chưa rõ ràng nên không thể phòng bệnh tuyệt đối được. Tuy nhiên, phải theo dõi sức khoẻ tâm thần ở những người có nguy cơ cao như những người có yếu tố tiền sử gia đình (Tâm thần phân liệt, RLLT cấp, rối loạn cảm xúc…) cần được theo dõi và phát hiện sớm.

Chú trọng rèn luyện trẻ em biết cách thích ứng với môi trường và các điều kiện khó khăn của cuộc sống. Rèn luyện nhân cách để hạn chế ảnh hưởng của các sang chấn tâm lý.

Người bệnh sau giai đoạn loạn thần đầu tiên cần tiếp tục được điều trị duy trị từ 12 tháng đến 18 tháng, và tích cực phục hồi các chức năng tâm lý – xã hội để đề phòng tái phát.

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai

Chia sẻ

Từ khóa » Chẩn đoán Loạn Thần