Bệnh Sán Chó: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị

Sán chó là gì?

Sán chó có tên khoa học là Toxocara canis, hình tròn, dài giống như giun đũa ở người. Ấu trùng sán chó khi vào cơ thể người có thể chui qua thành ruột non theo đường máu đến các cơ quan nội tạng khác như gan, phổi, mắt và gây tổn thương ở các cơ quan này làm ảnh hưởng nặng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong.

(Ảnh minh họa)

Bệnh Sán chó lây sang người như thế nào?

Tác nhân gây bệnh là Toxocara canis hay Toxocara cati, một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo.

Giun đũa chó/mèo (sán chó) sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1 - 2 tuần các trứng này sẽ hoá phôi.

Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo.

Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt các ấu trùng di chuyển hoặc khiến chúng ngưng phát triển, nhưng chỉ sau khi các ấu trùng này đã gây tổn thương tại các mô.

Tiếp xúc với chó mèo có thể bị bệnh sán chó không?

Do đặc điểm chó, mèo là những động vật rất gần gũi với người, nên bệnh phân bố khắp thế giới và nhiều tác giả cho rằng đây là bệnh động vật ký sinh phổ biến nhất ở vùng ôn đới.

Một số khảo sát trên thế giới cho thấy, huyết thanh người tại một số nước phương Tây:

  • Có tỷ lệ dương tính với Toxocara spp: từ 2 - 5% ở vùng thành thị đến 14,2 - 37% ở vùng nông thôn. Ở vùng nhiệt đới, tỷ lệ huyết thanh dương tính là 63,2% ở Bali, 86% ở đảo Saint-Lucia, 92,8% ở đảo La Réunion.
  • Huyết thanh Toxocara dương tính tại Sri Lanka là 43% ở vùng nông thôn (Iddawela et al., 2003) và 20% ở vùng thành thị.
  • Năm 1989, trong 6100 mẫu máu tại Trung tâm Truyền máu La Chaud-de-Fonds (Thụy Sĩ) có 601 (9,9%) trường hợp dương tính với Toxocara spp, và trong 501 mẫu máu trẻ em tại hai bệnh viện La Chaud-de-Fonds và Delémont (Thụy Sĩ) có 18 (3,6%) trường hợp dương tính.
  • Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã ghi nhận có 68 bệnh nhân mắc mới bệnh giun đũa chó, mèo thể di chuyển ở mắt trong khoảng thời gian tháng 9/2009 đến tháng 9/2010 tại Hoa Kỳ.
  • Trước đó, một điều tra cắt ngang tại Hoa Kỳ trong các năm từ 1988 đến 1994 với trên 20000 người lớn hơn 6 tuổi cho thấy tỷ lệ huyết thanh dương tính là 13,9%.

Tình hình bệnh sán chó tại Việt Nam

Bệnh giun đũa chó, mèo tại Việt Nam chưa được nghiên cứu nhiều, một phần vì các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, một phần vì việc xét nghiệm phân không áp dụng được trong bệnh này vì giun không phát triển được đến giai đoạn trưởng thành và đẻ trứng trong ruột của người.

Những năm gần đây đã có nhiều điều tra về huyết thanh học, chủ yếu với kỹ thuật ELISA nhưng chỉ giới hạn ở một số địa điểm cụ thể và số mẫu chưa nhiều nên các số liệu khó nói lên tình hình nhiễm chung trong cả nước.Tuy chưa có số liệu chính xác về tình hình bệnh, nhưng cơ hội lây nhiễm trứng giun đũa chó, mèo vào người tại Việt Nam là rất cao, dẫn đến tình hình bệnh không phải là thấp do việc nuôi chó, mèo trong nhà là phổ biến (để giữ nhà, làm thú cảnh, nguồn thực phẩm…).

**Triệu chứng của bệnh sán chó **

Ở ký chủ vĩnh viễn (chó hay mèo nhà), giun trưởng thành sống trong lòng ruột non. Người mắc bệnh khi nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo đã hoá phôi.

Nhưng các ấu trùng từ trứng nở ra sẽ không phát triển được đến giai đoạn trưởng thành và sẽ chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm.

Các ấu trùng này sẽ gây tổn thương tại những nơi mà chúng đến, làm nên bệnh giun đũa chó, mèo ở người.

Mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm lấn: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt… Các thể lâm sàng của bệnh giun đũa chó, mèo được mô tả như sau:

  • Thể ấu trùng di chuyển nội tạng (visceral larva migrans – VLM), chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi với các triệu chứng: sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn, bạch cầu ái toan tăng (tỷ lệ có thể đến 70%), các globulin miễn dịch IgM, IgG và IgE trong máu tăng. Ngoài ra có thể gặp viêm cơ tim, viêm thận, hệ thần kinh trung ương bị thương tổn với các triệu chứng co giật, triệu chứng tâm thần kinh hay bệnh lý ở não do sán chó ký sinh. Trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do toxocara di chuyển đến não.
  • Thể ấu trùng di chuyển ở mắt (ocular larva migrans – OLM), gặp ở trẻ từ 5 - 10 tuổi với triệu chứng giảm thị lực một bên mắt với đôi khi bị lé mắt. Mức độ suy giảm thị lực tuỳ thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng), có thể dẫn đến mù loà.

Ngoài hai thể lâm sàng chính nói trên, hiện nay nhiều tác giả còn mô tả những thể khác, hoặc tách ra từ thể VLM hoặc là những thể riêng biệt với những triệu chứng mơ hồ hơn như:

  • Thể “che đậy” (covert toxocariasis), được mô tả ở trẻ em với các đặc điểm: hiệu giá kháng thể Toxocara qua kỹ thuật ELISA vừa phải (≥ 1/50), số lượng bạch cầu ái toan bình thường hay tăng nhẹ, đau bụng, nhức đầu, ho.
  • Thể “thông thường” (common toxocariasis), được các tác giả người Pháp mô tả ở người lớn với các triệu chứng: mệt mỏi, ngứa, nổi ban, thở khó và đau bụng. Có lẽ thể “che đậy” và thể “thông thường” chỉ là một, chỉ khác nhau ở đối tượng bị bệnh là trẻ em hay người lớn.
  • Thể “thần kinh” (neurotoxocarosis), gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương (sa sút trí tuệ, viêm não-màng não, viêm tuỷ, viêm mạch máu não, động kinh hay viêm dây thần kinh thị giác) hoặc ở thần kinh ngoại biên (viêm rễ thần kinh, gây tổn thương các dây thần kinh sọ hay thần kinh cơ-xương).

Chẩn đoán bệnh sán chó

Chẩn đoán bệnh giun đũa chó, mèo không dễ dàng vì:

  • Triệu chứng trong các thể lâm sàng của bệnh giun đũa chó, mèo không đặc hiệu cho bệnh.
  • Ấu trùng có thể phân tán rộng trong cơ thể và không phải lúc nào làm sinh thiết cũng phát hiện được ấu trùng.
  • Huyết thanh chẩn đoán ELISA sử dụng kháng nguyên ngoại tiết TES (Toxocara excretory-secretory antigen) có thể dương tính chéo với các trường hợp nhiễm giun, sán khác (giun đũa, giun móc, giun lươn, giun chỉ hệ bạch huyết, sán lá gan lớn, sán dây). Do đó để khẳng định thì phải làm Western-Blot là một kỹ thuật có tính đặc hiệu cao hơn.
  • Ngoài ra nhiều nơi sản xuất ELISA với những hiệu giá kháng thể hay mật độ quang (OD) khác nhau về ngưỡng dương tính, nên khó so sánh hay theo dõi diễn tiến bệnh.
  • Sự hiện diện của kháng thể chống Toxocara cũng không nói lên tình trạng đang mắc hay đã mắc bệnh vì các kháng thể chống Toxocara có thể tồn tại đến hơn 2,8 năm với kỹ thuật ELISA và đến hơn 5 năm với kỹ thuật Western-Blot.
  • Số lượng bạch cầu ái toan có thể bình thường hoặc có tăng nhưng với mức độ rất thay đổi.

Chính vì những khó khăn trên nên một số tác giả đã tìm cách định nghĩa ca bệnh giun đũa chó, mèo. Năm 1979, Glickman và cs. đề xuất các tiêu chuẩn sau:

  • Số lượng bạch cầu > 10.000/µL máu
  • Bạch cầu ái toan > 10% tổng số bạch cầu
  • Hiệu giá anti-A isohemagglutinin >400
  • Hiệu giá anti-B isohemagglutinin > 200
  • Nồng độ IgG và IgM tăng
  • Gan to.

Nếu hội đủ 3 tiêu chuẩn trên trở lên thì là mắc bệnh sán chó.

Điều trị bệnh sán chó

Nhìn chung điều trị bệnh cần có bác sĩ chuyên khoa ký sinh trùng và dựa vào từng xét nghiệm và triệu chứng lâm sàng kèm theo; ngứa da, nổi mề đay, ấu trùng di chuyển nội tạng mà có những toa điều trị khác nhau.Một số thuốc điều trị liều duy nhất (ngắn ngày) thường ít có tác dụng, đa số bệnh nhân được xét nghiệm và điều trị tại Phòng khám Quốc tế Ánh Nga Chuyên khoa ký sinh trùng đều có thời gian điều trị từ 7, 14, 21 ngày với các thuốc đặc trị. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều bệnh nhân điều trị ngắn ngày từ một số cơ sở y tế khác đến khám và được thay đổi sang phác đồ dài ngày, kết quả bệnh nhân hết ngứa, các xét nghiệm sau điều trị đều cho kết quả khả quan.

Phòng bệnh sán chó 

  • Hàng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm.
  • Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.
  • Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.
  • Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.
  • Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.

BS. Nguyễn Ngọc Ánh 

Theo Benhgiunsan.com

Từ khóa » Hình ảnh Giun Sán Chó