Bệnh Sính Ngoại Ngữ - Đảng Cộng Sản Việt Nam

Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn

Mới đây, tôi gặp lại cô bạn thời học phổ thông. Tay bắt mặt mừng vì cả hai đều khác xưa rất nhiều. Nhưng câu chuyện của chúng tôi cứ như bị chặt vụn từng mẩu vì chốc chốc bạn tôi lại nói xen kẽ bằng tiếng Anh, khiến tôi rất khó cảm thụ nội dung câu chuyện.

Lần sau, cô bạn đó rủ tôi cùng đi đến một công ty liên doanh nước ngoài để xin việc. Tại đây, có hai người phỏng vấn, một người nước ngoài, một người Việt Nam. Khi người Việt phỏng vấn, bạn tôi trả lời bằng tiếng Việt nhưng vẫn không quên xen những câu tiếng Anh. Ít phút sau đến lượt người nước ngoài phỏng vấn bằng tiếng Anh, cô ta lại nói tiếng Anh thỉnh thoảng xen từ tiếng Việt. Kết thúc hai cuộc phỏng vấn, bạn tôi được thông báo kết quả: “Công ty chúng tôi có nhiều đối tác nước ngoài, thường xuyên đi công tác châu Âu nên cần người thành thạo tiếng Anh. Chúng tôi lại đang làm ăn tại Việt Nam, công nhân, môi trường văn hóa là Việt Nam nên cũng rất cần người thành thạo tiếng Việt. Chị chưa đáp ứng được hai yêu cầu đó.”

Cũng tại văn phòng công ty trên, tôi có dịp chứng kiến một số bạn trẻ khác đến tham gia phỏng vấn. Nhiều bạn nói tiếng Anh rất nhanh nhưng chốc chốc lại đệm câu tiếng Việt. Đặc biệt, khi trả lời phần hiểu biết về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Việt lại rất nghèo vốn từ để diễn tả, nên nội dung khô khan và không thể hiện được tình cảm với đất nước, con người Việt Nam.

Chờ khi kết thúc, tôi xin ít phút trò chuyện với những người chủ trì buổi phỏng vấn. Chị Thanh, người chủ trì phỏng vấn cho bết: Các bạn dự tuyển đều trả lời rằng rất yêu quê hương Việt Nam nhưng lại nói sai tiếng Việt quá nhiều. Trường hợp dùng từ không đúng ngữ cảnh cũng khá phổ biến, dẫn đến sai mục đích, nếu trong đàm phán mà sai như thế thì nguy hại lắm. Có bạn lại lạm dụng tiếng Anh quá mức khi nói về những bản sắc văn hóa Việt Nam. “Là người Việt Nam thì trước hết cần phải sử dụng thành thạo tiếng Việt đã, nếu không thạo thì sao có thể khẳng định là rất yêu quê hương được. Hơn nữa không thạo tiếng Việt sẽ khó mà diễn dịch chính xác ra tiếng Anh được”, người chủ trì phỏng vấn nói.

Chị Thanh còn chia sẻ thêm: Hồi học ở Singapore, chị đã trả lời thành thạo bằng tiếng Anh các yêu cầu của ban giám khảo một cuộc thi. Nhưng ngay sau đó, có vị giám khảo hỏi lại: Em hãy nói lại những nội dung vừa nãy bằng tiếng Việt? Vị giám khảo này đề nghị bằng tiếng Việt rất rõ ràng, khiến chị ngạc nhiên. Ngay khi trả lời xong bằng tiếng Việt, vị giám khảo mỉm cười: Em nói tiếng Anh khá tốt, nhưng em là người Việt Nam sang đây học tập. Em có ý định về nước công tác, vậy em phải yêu và thành thạo tiếng mẹ đẻ nữa chứ.

Từ lời khuyên của vị giám khảo trên, chị Thanh đã bổ sung vốn từ tiếng Việt, rèn luyện thành thạo cách phát âm, ngữ pháp… tiếng Việt. Khi về nước thi tuyển vào Công ty hiện nay đang làm, chị đã được tuyển chọn với đánh giá rất cao của ông giám đốc trực tiếp phỏng vấn chị.

Những chia sẻ trên cho thấy, việc học và sử dụng ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập hiện nay là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là không nên quá sính ngoại ngữ mà xem nhẹ sử dụng tiếng Việt. Đặc biệt, trong một bộ phận các bạn trẻ hiện đang có xu hướng thích “khoe” ngoại ngữ nên trong một câu, một đoạn hội thoại cứ liên tiếp dùng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, nhưng tiếng nào cũng thiếu chính xác, thậm chí là sai nghiêm trọng, khiến người nghe (nhất là những người lớn tuổi) rất khó chịu.

Mới đây, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã gây phản cảm khi trao giấy khen cho học sinh giỏi năm học 2015- 2016 viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, nhưng phần tiếng Anh lại bị sai nghiêm trọng cả về ngữ pháp và từ vựng.

Theo các nhà ngôn ngữ học, trong môi trường người Việt với nhau, nếu lạm dụng tiếng Anh sẽ khiến người nghe không những không hiểu mà còn ức chế, không muốn tiếp tục cuộc hội thoại. Chỉ nên sử dụng một số từ tiếng Anh thông dụng được mà mọi người đều biết và thường xuyên dùng nhưng cũng không nên lạm dụng như kiểu dùng xen kẽ nói trên.

Trong trường hợp liên quan đến thuật ngữ khoa học, nếu dùng tiếng Việt sẽ không diễn tả được hết nội dung, lúc đó việc dùng ngoại ngữ để thay thế là cần thiết và đúng lúc đúng chỗ.

Thi hào Tagor trong lần góp ý cho tập thơ viết bằng tiếng Anh của một thanh niên, đã hỏi: Mẹ đẻ của anh là người vùng nào? Chàng thanh niên thưa: Dạ là người bang Punjab (Ấn Độ). Thi hào Tagor nói ngay: Thế thì ý kiến đầu tiên của tôi là anh hãy làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ trước đã, chưa vội làm bằng tiếng Anh. Chúng ta viết ra ấn phẩm gì thì cũng phải hướng tới người vùng mình, dân tộc mình trước./.

Từ khóa » Tác Hại Của Sính Ngoại