Bệnh Sởi ở Trẻ Em: TOP 8 điều Cần Biết | Hapacol

Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh sởi tại Việt Nam đã giảm mạnh sau khi triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin nhưng sởi vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, triệu chứng bệnh sởi ở trẻ em thường diễn biến nhanh, dễ dẫn đến các biến chứng, thậm chí là tử vong nếu trẻ không được phát hiện và chăm sóc kịp thời.

MỤC LỤC NỘI DUNG

  • 1. Bệnh sởi ở trẻ em là gì?
  • 2. Các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ em
    • Thể điển hình
    • Thể không điển hình
  • 3. Nguyên nhân gây bệnh sởi ở trẻ em
  • 4. Bệnh sởi ở trẻ em có nguy hiểm không? Vì sao bệnh sởi ở trẻ diễn biến nhanh và nặng?
  • 5. Biến chứng của bệnh sởi ở trẻ em
  • 6. Cách chữa bệnh sởi ở trẻ em tại nhà
  • 7. Phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em
    • Tiêm chủng phòng bệnh sởi cho trẻ là cách phòng bệnh hiệu quả nhất
    • Lịch tiêm phòng vắc-xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng áp dụng cho trẻ em như sau
    • Vệ sinh cá nhân cho bé và môi trường xung quanh
  • 8. Bệnh sởi ở trẻ em có lây không?

1. Bệnh sởi ở trẻ em là gì?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, có đặc trưng là tình trạng phát ban dạng sần trên cơ thể. Bệnh rất dễ lan rộng và bùng phát thành dịch bởi các triệu chứng khi mới khởi phát bệnh dễ nhầm lẫn và có thời gian lây nhiễm bệnh kéo dài từ giai đoạn ủ bệnh cho đến sau khi phát ban hoàn toàn. Trẻ em dưới 1 tuổi hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin là đối tượng rất dễ mắc bệnh sởi nhất. 

2. Các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ em

Dấu hiệu nhận biết sớm nhất trẻ bị sởi (triệu chứng ở những ngày đầu, trước khi phát ban xuất hiện): 

  • Sốt cao, nhiệt độ cơ thể lên đến 38–39ºC.
  • Viêm đường hô hấp trên: hắt hơi, sổ mũi, viêm long đường hô hấp trên, ho khan kéo dài, khàn tiếng.
  • Viêm kết mạc mắt: đỏ mắt, chảy nước mắt, sưng nề mí mắt.
bệnh sởi ở trẻ

Sau 2 – 4 ngày khởi phát bệnh, bé bắt đầu phát ban đỏ

Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành, bệnh sởi biểu hiện dưới 2 dạng: thể điển hình và thể không điển hình.

Thể điển hình

Có 4 giai đoạn bệnh:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Từ 7–14 ngày, chưa có triệu chứng.
  • Giai đoạn khởi phát: 2–4 ngày. Trẻ sẽ có các biểu hiện sốt cao đến 40ºC kèm nhức đầu, nhức cơ cùng cảm giác mệt mỏi kéo dài, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi viêm thanh quản cấp. Có thể thấy hạt koplik (các hạt nhỏ khoảng 0,5–1mm, màu trắng, có quầng ban đỏ) trên niêm mạc má (bên trong miệng, ngang răng hàm trên).
  • Giai đoạn toàn phát: kéo dài 2–5 ngày. Sau khi sốt cao 3–4 ngày, trẻ bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thấy biến mất. Các nốt ban bắt đầu xuất hiện từ sau tai, gáy, trán, mặt cổ rồi lan dần đến thân mình và tứ chi. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt sẽ giảm dần.
  • Giai đoạn phục hồi: Ban nhạt dần rồi chuyển sang màu xám, bong vẩy phấn sẫm màu, để lại vết thâm được gọi là vằn da hổ. Ban biến mất dần theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không có biến chứng thì bệnh sẽ tự khỏi nhưng ho có thể kéo dài 1–2 tuần sau đó.

Thể không điển hình

Ở thể bệnh này, biểu hiện lâm sàng có thể gồm sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, thể trạng nhìn chung tốt. Thể này thường dễ bị bỏ qua khiến bệnh sởi lây lan mà không hay biết.

Lưu ý, triệu chứng bệnh sởi ở trẻ em ở những ngày đầu của giai đoạn khởi phát rất khó phân biệt với dấu hiệu viêm đường hô hấp thông thường khác. Do đó, cần xem xét thêm những yếu tố sau để nghi ngờ trẻ mắc bệnh sởi:

  • Trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ số mũi.
  • Trên 1 tuổi nhưng mới tiêm 1 mũi phòng sởi.
  • Đang ở trong vùng có dịch sởi.
  • Vừa tiếp xúc với vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người mang bệnh.

3. Nguyên nhân gây bệnh sởi ở trẻ em

Tác nhân gây bệnh sởi là virus sởi thuộc Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của người bệnh. Khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện, những giọt dịch tiết chứa virus sẽ bắn ra trong không khí. Nếu người lành tiếp xúc với bệnh nhân, hít hoặc nuốt phải những giọt dịch tiết chứa virus sẽ bị lây sởi.

Đặc biệt, virus sởi còn có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt tới 2 giờ, vì vậy nếu một người nào đó chạm tay vào bề mặt có những giọt tiết chứa virus sởi, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi, virus sởi sẽ xâm nhập vào bên trong cơ thể và gây nhiễm trùng đường hô hấp.

sởi gây ra bởi virus

Hình ảnh virus gây bệnh sởi

4. Bệnh sởi ở trẻ em có nguy hiểm không? Vì sao bệnh sởi ở trẻ diễn biến nhanh và nặng?

Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trước đây, bệnh sởi ở trẻ em thường phát triển mạnh vào mùa đông xuân. Tuy vậy, trong vài năm trở lại, dịch sởi có thể bùng phát mạnh ở bất kỳ thời điểm nào. Bởi trẻ em, đặc biệt là trẻ nhũ nhi có sức đề kháng rất yếu. Khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, virus sởi thoát ra ngoài khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi…nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể của trẻ và gây bệnh. 

Ngoài ra, những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, người có bệnh lý nền,  thiếu vitamin hoặc mắc bệnh bạch cầu, hoặc chưa được tiêm phòng sởi…thường có nguy cơ mắc bệnh sởi cao. Nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến biến chứng ở đường hô hấp, hệ thần kinh, tai-mũi-họng…thậm chí nhiều trường hợp là tử vong.

5. Biến chứng của bệnh sởi ở trẻ em

Virus sởi xâm nhập nặng vào cơ thể có thể khiến trẻ bị sốt cao liên tục trong thời gian dài. Lúc này, khả năng miễn dịch của cơ thể bị giảm sút, nếu không chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng như: 

  • Tiêu chảy và nôn ói. 
  • Mờ hoặc viêm loét giác mạc, có thể dẫn đến mù lòa. 
  • Viêm tai giữa. 
  • Viêm não cấp tính: Trẻ nhỏ sau khi phát ban (1-15 ngày) biểu hiện là lơ mơ, hôn mê, co giật, đau đầu, buồn nôn, cứng gáy.
  • Suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch. 
  • Các biến chứng khác: viêm dây thần kinh, viêm tủy ngang, nhiễm độc não, viêm tủy lên, viêm cơ tim.

6. Cách chữa bệnh sởi ở trẻ em tại nhà

cho bé nghỉ ngơi hợp lý

Ở giai đoạn phục hồi, các nốt ban sẽ biết mất dần, bố mẹ nên cho bé nghỉ ngơi nhiều

Cho đến nay, vẫn chưa có cách điều trị bệnh sởi đặc hiệu mà chỉ có thực hiện các biện pháp giúp hỗ trợ điều trị, giảm bớt triệu chứng bệnh. Bạn có thể tham khảo những cách có thể áp dụng tại nhà như sau:

  • Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao, điển hình là các sản phẩm có chứa Paracetamol của Hapacol. Lưu ý, không sử dụng aspirin cho trẻ em vì loại thuốc này có liên quan đến hội chứng Reye.
  • Cách ly trẻ với những trẻ khác để phòng tránh virus lây lan tạo thành dịch.
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ, không nên nghe theo các quan niệm kiêng tắm, kiêng gió… Việc vệ sinh kém sẽ khiến bệnh nghiêm trọng hơn. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, phòng ngừa virus còn tồn tại trên các đồ vật trẻ tiếp xúc.
  • Cho trẻ ăn nhiều bữa, lựa chọn các nhóm thực phẩm dễ tiêu hóa.
  • Bổ sung thêm vitamin A để bảo vệ đôi mắt. Thông thường, trẻ bị nhiễm sởi được bổ sung vitamin A liều cao 2 ngày liên tiếp theo chỉ định từ bác sĩ.

Lưu ý khi chăm sóc bé tại nhà: Nếu bạn thấy sự xuất hiện các dấu hiệu sau thì nên cho trẻ nhập viện ngay lập tức:

  • Sốt cao hơn 40ºC.
  • Khó thở hay nhịp thở nhanh.
  • Mệt mỏi, quấy khóc, không ăn uống dẫn đến tình trạng thiếu nước.
  • Phát ban toàn thân nhưng vẫn sốt có thể là dấu hiệu ban đầu cho biết trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn hay có biến chứng.

7. Phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em

Tiêm chủng phòng bệnh sởi cho trẻ là cách phòng bệnh hiệu quả nhất

Hiện nay, vắc-xin phòng ngừa bệnh sởi có ở dạng đơn lẻ hoặc phối hợp (sởi – rubella hoặc sởi – quai bị – rubella). Tiêm phòng vắc-xin sởi là cách duy nhất và hiệu quả nhất giúp phòng sởi cho trẻ nhỏ. Bạn nên nhanh chóng cho con đi tiêm phòng khi con đến tuổi, đảm bảo cho bé có đầy đủ đáp ứng miễn dịch phòng sởi cũng như các bệnh khác nhằm bảo vệ sức khỏe toàn diện.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau khi tiêm vắc-xin hay sau khi mắc bệnh thì đó là miễn dịch bền vững suốt đời.

tiêm phòng định kỳ cho bé

Tiêm phòng sởi là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất

Lịch tiêm phòng vắc-xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng áp dụng cho trẻ em như sau

  • Tiêm chủng thường xuyên: Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi và tiêm mũi nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.
  • Đổi với tiêm chủng chiến dịch: Thực hiện tiêm vắc-xin cho tất cả đối tượng trong phạm vi chiến dịch.
  • Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắc-xin sởi là 1 tháng.

Trẻ cần được tiêm vắc-xin sởi mũi thứ hai vào lúc 18 tháng tuổi do có trường hợp trẻ sau khi tiêm mũi thứ nhất chưa có đáp ứng miễn dịch. Phụ huynh cần ghi nhớ lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh để trẻ có được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi, bạn chỉ cho trẻ tiêm vắc-xin khi có chỉ đạo từ chương trình Tiêm chủng mở rộng trong trường hợp cần thiết. Tất cả trường hợp tiêm phòng sớm vẫn cần tiêm ngay vắc-xin khi đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm trước mốc thời gian này không được tính là 1 mũi vắc-xin.

Những trẻ trên 18 tháng tuổi nhưng chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì cần đi tiêm đầy đủ càng sớm càng tốt.

Phụ nữ có kế hoạch mang thai cũng nên tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Các mũi tiêm nên bao gồm các loại vắc-xin sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, cúm để tạo miễn dịch toàn diện cho cả mẹ và bé trong thai kỳ.

Vắc xin ngừa sởi là loại vắc-xin được đánh giá khá an toàn, tuy nhiên, những tác dụng phụ vẫn có thể xảy ra sau khi tiêm:

  • Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, như sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ tiêm… Hầu hết các tác dụng phụ này hết sau 1–2 ngày mà không cần điều trị.
  • Phản ứng nghiêm trọng xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin sởi rất hiếm gặp. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, bạn nên ở lại tại các điểm tiêm phòng khoảng 30 phút. Nhân viên y tế sẽ có những biện pháp hỗ trợ và xử lý kịp thời nếu có phản ứng quá mẫn nghiêm trọng xảy ra.

Vệ sinh cá nhân cho bé và môi trường xung quanh

Bố mẹ cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hằng ngày, giữ gìn nơi ở sạch sẽ, môi trường sống ẩm thấp với điều kiện tốt cho các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn sau khi tiếp xúc. Ngoài ra, nên vệ sinh mũi, mắt thường xuyên vì đây là con đường chính mà virus xâm nhập cơ thể.

Vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh

Nên cho bé rửa tay thường xuyên để phòng tránh bệnh sởi

8. Bệnh sởi ở trẻ em có lây không?

Dù là với người lớn hay trẻ em, bệnh sởi cũng rất dễ lây lan qua các con đường lây nhiễm như: 

  • Hít phải những giọt nước bọt chứa virus sởi của người nhiễm bệnh khi họ ho, hắt hơi… hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh. 
  • Chạm vào bề mặt có các giọt chất nhầy từ mũi, họng của người bệnh. Sau đó đưa tay vào miệng, mũi, mắt. (Virus sởi có thể sống ở môi trường ngoài cơ thể trong 2 giờ). 

Bệnh sởi ở trẻ em rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Vì vậy, khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường, nghi ngờ mắc sởi, bố mẹ cần thăm khám càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bố mẹ nên chủ động đưa bé đi tiêm phòng vắc-xin sởi đúng lịch và đủ số mũi để giúp con mình phòng ngừa bệnh tốt nhất.

Nguồn tham khảo:

Những câu hỏi thường gặp về bệnh sởi và vắc xin sởi. http://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/nhung-cau-hoi-thuong-gap-ve-benh-soi-va-vac-xin-soi.html

Signs and symptoms of measles. https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Measles/

Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi. http://niheold.nihe.org.vn/vn/tin-tuc-su-kien/giam-sat-va-phong-chong-dich-benh/hoi-dap-ve-dich-benh-dich-benh-khac/bo-y-te-ban-hanh-huong-dan-chan-doan-dieu-tri-benh-soi-c12321i14662.htm

Từ khóa » Các Biểu Hiện Của Bệnh Sởi ở Trẻ Em