Bệnh Sởi – Rubella, Các Biện Pháp Phòng Tránh

BỆNH SỞI – RUBELLA, CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH

Phòng TTGDSK-Trung tâm Y tế Quận 3

Bệnh Sởi & Rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, bệnh rất dễ lây lan có thể tạo thành các ổ dịch tại các trường học, bệnh viện và cộng đồng. Hiện tại chưa có thuốc đặc trị nên chủ yếu là dựa vào tiêm chủng để phòng bệnh là chính.

Điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan diện rộng là: Điều kiện sống chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, điều kiện vệ sinh môi trường kém (tại các khu đông dân cư,nhà trọ, ký túc xá…),tỉ lệ người được tiêm ngừa miễn dịch tại cộng đồng thấp.

Đường lây truyền chung củabệnh:

- Người hít phải những giọt dịch tiết đường mũi họng (nước bọt, nước mũi) có chứa vi rút của người bệnh khi tiếp xúc mặt đối mặt với người bệnh.

- Người tiếp xúc với các vật dụng, các bề mặt (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi…) có dính chất tiết mũi họng, chất dịch từ vết thương của người bệnh có chứa vi rút.

- Người chưa từng bị mắc bệnh bao giờ hoặc chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, rubella đầy đủ đều có thể bị mắc bệnh.

Những biểu hiện của bệnh:

Bệnh Sởi:Sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp (viêm mũi họng, chảy nước mũi nhiều) kèm theo viêm đỏ mắt 2 bên; bệnh có thể gây biến chứng nặng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm loét giác mạc mắt, viêm não... và dễ dẫn đến tử vong ở trẻ em.

Bệnh Rubella cũng biểu hiện là sốt, phát ban, sưng hạch bạch huyết ở cổ hoặc sau tai, thường có kèm đau khớp nhưng không có triệu chứng viêm long đường hô hấp như bệnh sởi.Tuy không nguy cấp như bệnh sởi nhưng lại khá nghiêm trọng do có khả năng gây nên những dị tật bẩm sinh nặng nề ở bào thai. Một thai phụ khi mắc bệnh Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ dễ bị những tai biến như sẩy thai, thai chết trong tử cung hoặc gây nên những dị dạng cho thai nhi sau khi sinh như: các khuyết tật về tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ…

Các biện pháp phòng, chống bệnh:

Để chủ động phòng chống bệnh sởi, rubella, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Hãy đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh sởi, ngay từ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại Sởi mũi 2 + Rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại các trạm Y tế.

- Người lớn chưa từng bị mắc bệnh sởi, rubella hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ trong các gia đình có trẻ nhỏ, phụ nữ dự định mang thai cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, rubella tại các cơ sở tiêm chủng để phòng bệnh cho chính bản thân, cho trẻ sau khi sinh.

- Thường xuyên vệ sinh đường hô hấp (mũi, họng), vệ sinh mắt cho trẻ. Người lớn sau khi đi ngoài đường về, cần vệ sinh mũi họng, bàn tay, thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ.

- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào, bật quạt để đối lưu thông thoáng khí, định kỳ phun thuốc để khử trùng không khí cho nhà ở, lớp học của nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo, phòng học của các trường, phòng làm việc, phòng hội họp tập trung đông người.

- Thông báo cho trạm y tế xã phường ngay khi trẻ có biểu hiện sốt, phát ban để được khám, điều trị, theo dõi và hướng dẫn cách ly kịp thời.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi, rubella.

- Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, ly, chén, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất dịch tiết mũi họng, vết thương ngoài da của người mắc bệnh.

- Vệ sinh, khử trùng làm sạch vật dụng cá nhân, đồ chơi, đồ vật nghi bị ô nhiễm chất tiết mũi họng, vết thương của người mắc bệnh bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

- Lau sàn tường nhà, tay nắm cửa ra vào, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng, vết thương của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày.

- Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch.

- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức đề kháng bản thân.

Như vậy, biện pháp phòng bệnh là cách tốt nhất nhằm đảm bảo sức khỏe, hạn chế một số tai biến cho bà mẹ mang thai và phòng tránh dị tật bẩm sinh cho thai nhi sau sinh. Đặc biệt hãy đưa trẻ em từ 09 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi chưa được tiêm sởi, MR (Sởi-Rubella) đến Trạm Y tế vào những ngày tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng để được tư vấn tiêm chủng phòng bệnh.

Phòng Truyền thông Giáo dục Sức khỏe

Từ khóa » Hình ảnh Sởi Rubella