Bệnh Sỏi Túi Mật Có Triệu Chứng Gì? Chẩn đoán Và điều Trị

Sỏi túi mật là kết tinh dạng tinh thể rắn của các thành phần có trong dịch mật, nằm trong túi mật. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, khó phát hiện ở giai đoạn sớm do không gây ra triệu chứng điển hình. Dưới đây là các triệu chứng cảnh báo bệnh sỏi túi mật, giúp bạn chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Thế nào là sỏi túi mật?
  • 2. Nguyên nhân gây bệnh sỏi túi mật
  • 3. Ai có nguy cơ mắc sỏi túi mật?
  • 4. Triệu chứng bệnh sỏi túi mật
    • 4.1. Đau bụng
    • 4.2. Rối loạn tiêu hóa vì bệnh sỏi túi mật
  • 5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh sỏi túi mật
  • 6. Cách điều trị sỏi túi mật
    • 6.1. Điều trị bệnh sỏi túi mật không có triệu chứng
    • 6.2. Điều trị bệnh sỏi túi mật có triệu chứng

1. Thế nào là sỏi túi mật?

Kết tinh dạng tinh thể rắn của các thành phần dịch mật trong túi mật được gọi là sỏi túi mật. Kích thước của sỏi rất đa dạng, có thể nhỏ như hạt cát đến to bằng một quả bóng golf. Túi mật có thể có một hoặc nhiều sỏi cùng một lúc.

Khoảng 80% trường hợp sỏi mật bắt nguồn từ lượng cholesterol gia tăng quá mức trong dịch mật, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật. Sỏi sắc tố mật chiếm 20% còn lại, liên quan đến nồng độ sắc tố mật bilirubin cao bất thường.

Túi mật là nơi dự trữ dịch mật từ gan giúp tiêu hóa chất béo trong thức ăn. Trong quá trình tiêu hóa, túi mật sẽ co bóp và tiết mật vào ruột non. Khi gan bị tổn thương và suy giảm chức năng sẽ gây gián đoạn vận động đường mật. Điều này dẫn đến tình trạng ứ mật hoặc viêm, các thành phần trong dịch mật bị xáo trộn và kết tụ tạo thành sỏi.

Sỏi mật cản trở dòng chảy của dịch mật, tăng áp lực trong đường mật. Tình trạng tắc nghẽn kéo dài sẽ dẫn đến viêm đường mật, túi mật cấp tính hoặc mạn tính. Bệnh cũng có thể gây biến chứng viêm tụy cấp, sốc do nhiễm trùng đường mật, hoại tử túi mật, nhiễm khuẩn huyết, viêm phúc mạc,… Các biến chứng này có thể gây tử vong nếu không được xử lý cấp cứu nhanh chóng, kịp thời.

Bệnh sỏi túi mật là gì?

Sỏi túi mật có thể là sỏi cholesterol, sỏi sắc tố mật hoặc sỏi hỗn hợp trong túi mật

2. Nguyên nhân gây bệnh sỏi túi mật

Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp của sỏi túi mật:

– Bỏ bữa, nhịn ăn làm rối loạn hoạt động túi mật.

– Giảm cân quá nhanh khiến gan tăng sản xuất cholesterol, tăng nguy cơ sỏi mật.

– Nồng độ cholesterol máu vượt ngưỡng bình thường.

– Chế độ ăn có hàm lượng cholesterol cao, nhiều chất béo động vật.

– Béo phì có thể làm tăng mức cholesterol trong máu và khiến việc làm rỗng túi mật gặp khó khăn.

– Uống thuốc tránh thai, sử dụng liệu pháp thay thế nội tiết tố (với phụ nữ đang mang thai hoặc mãn kinh) có thể làm tăng đào thải cholesterol trong mật.

– Bệnh lý đường mật như: nhiễm vi trùng hoặc ký sinh trùng đường mật, ứ đọng dịch mật,…

– Biến chứng của một số bệnh lý tiêu hóa (Crohn, cắt đoạn hồi tràng, xơ gan…); bệnh lý mạn tính (bệnh đái tháo đường…); bệnh lý huyết học (thiếu máu tán huyết, thiếu máu hồng cầu hình liềm…).

– Gen di truyền.

– Tuổi cao.

3. Ai có nguy cơ mắc sỏi túi mật?

– Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật cao hơn nhiều so với nam giới. Lý do là vì nội tiết tố nữ estrogen kích thích gan tăng sản xuất cholesterol và bài tiết vào trong dịch mật.

– Người có chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, ít chất xơ.

– Thừa cân, béo phì với chỉ số khối cơ thể BMI > 25.

– Người từ 40 tuổi trở lên.

– Người có thành viên trong gia đình từng có sỏi túi mật.

– Người bị rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh viêm ruột mạn tính gây giảm khả năng tái hấp thu muối mật của cơ thể.

– Những người bị giảm vận động đường mật như: nhân viên văn phòng, ngồi nhiều, ít vận động, người được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch dài ngày,…

– Giảm cân nhanh chóng.

– Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị sỏi túi mật do thay đổi nội tiết tố và khả năng co bóp của túi mật giảm do kích thước của thai.

– Người mắc các bệnh lý gồm: đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bệnh gan (gan nhiễm mỡ, viêm gan, tăng men gan…), rối loạn mỡ máu,…

– Thường xuyên sử dụng thuốc hạ cholesterol (hạ mỡ máu), dùng thuốc tránh thai dài ngày.

4. Triệu chứng bệnh sỏi túi mật

Sỏi túi mật thường không có triệu chứng đặc hiệu, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác.

4.1. Đau bụng

Phần lớn trường hợp bị sỏi túi mật có triệu chứng đau quặn từng cơn vùng hạ sườn phải. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị – vùng bụng trên rốn và dưới xương ức.

Cơn đau do sỏi túi mật thường xuất hiện sau các bữa ăn, nhất là khi ăn nhiều dầu mỡ. Cơn đau khởi phát đột ngột, mức độ đau nhiều và kéo dài liên tục trong vòng vài phút đến vài giờ. Người bệnh có thể bị đau về đêm dẫn đến mất ngủ.

Triệu chứng bệnh sỏi túi mật

Người có sỏi túi mật thường đau ở vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị, cơn đau tái phát nhiều lần

4.2. Rối loạn tiêu hóa vì bệnh sỏi túi mật

Dòng chảy dịch mật xuống đường tiêu hóa bị ảnh hưởng bởi sỏi. Điều này dẫn đến tình trạng đầy hơi, chán ăn, chậm tiêu, sợ thức ăn có nhiều dầu mỡ. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện sau bữa ăn, có thể đi kèm buồn nôn và nôn.

Khi xuất hiện một trong các dấu hiệu sau, người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt:

– Đau bụng dữ dội liên tục nhiều giờ, không thuyên giảm ngay cả khi uống thuốc giảm đau.

– Sốt cao trên 38 độ C kết hợp vã mồ hôi, ớn lạnh.

– Cảm giác trướng bụng đi kèm buồn nôn và nôn.

– Vàng da hoặc vàng mắt kết hợp ngứa da.

5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh sỏi túi mật

– Xét nghiệm máu: Kiểm tra nồng độ cholesterol trong máu và đánh giá chức năng gan.

– Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính vùng bụng, chụp X-quang bụng là các phương pháp chẩn đoán sỏi túi mật hiệu quả.

Sỏi cholesterol thường đơn độc, có màu nhạt, thấy được trên siêu âm. Loại sỏi này không thấy được trên X-quang do không cản tia X. Trong khi đó, sỏi sắc tố mật thường hình thành đám sỏi, có thành phần chủ yếu là canxi bilirubinat, có màu đậm, cản tia X nhiều nên quan sát rõ trên phim X-quang.

Chẩn đoán bệnh sỏi túi mật

Chụp CT là một trong những biện pháp hiệu quả chẩn đoán sỏi túi mật

6. Cách điều trị sỏi túi mật

6.1. Điều trị bệnh sỏi túi mật không có triệu chứng

– Người bệnh có thể được chỉ định theo dõi và không cần tiến hành bất cứ điều trị gì.

– Chế độ ăn cân bằng, giảm mỡ, tăng cường chất xơ, uống đủ nước. Người bệnh cần hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng động vật, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán,… Đồng thời người bệnh cần vận động hợp lý, duy trì cân nặng khỏe mạnh.

– Uống thuốc làm tan sỏi đối với trường hợp sỏi nhỏ. Tuy nhiên phương pháp này có thời gian điều trị kéo dài và tỉ lệ tái phát cao.

– Phẫu thuật cắt túi mật được chỉ định với các trường hợp cụ thể như sau: người bệnh tiểu đường; trẻ em; túi mật có nhiều sỏi nhỏ hoặc có sỏi lớn hơn 2cm; người bệnh đang sử dụng các thuốc giảm đau, corticoid; có sỏi đường mật kết hợp;…

Điều trị bệnh sỏi túi mật

Phẫu thuật cắt túi mật là giải pháp đơn giản để loại bỏ sỏi túi mật triệt để và nhanh chóng

6.2. Điều trị bệnh sỏi túi mật có triệu chứng

Cắt túi mật nội soi là giải pháp điều trị tối ưu cho trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng. Trước khi đưa ra chỉ định phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại trừ khả năng các cơn đau của người bệnh có nguyên nhân là bệnh lý khác ngoài sỏi túi mật.

Với trường hợp phải nhập viện vì cơn đau quặn mật, người bệnh có mức độ đau đáng kể và cần được xử trí kịp thời. Biến pháp điều trị chính lúc này là giảm đau. Sau khi đầy lùi triệu chứng đau, người bệnh sẽ có 2 lựa chọn gồm: cắt túi mật nội soi hoặc tiếp tục theo dõi và cắt túi mật nội soi sau 4 tuần.

Như vậy, bệnh sỏi túi mật có các triệu chứng thường gặp là đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý tiêu hóa khác. Do đó, ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác bản thân có đang bị sỏi túi mật hay không. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng cụ thể của người bệnh để đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Từ khóa » Sợ ăn Mỡ