Bệnh Thối Nhũn ở Lan Do Vi Khuẩn Erwinia Carotovora Gây Ra Bằng ...

           Trong thời gian gần đây việc trồng hoa kiểng đang được phát triển và mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng, trong số các loại hoa kiểng được chọn thì cây hoa lan đang được nhiều người dân ưa chuộng chọn làm hoa kiểng trưng bày, chính vì thế nghề trồng hoa lan ngày càng được đầu tư và mở rộng quy mô, nhiều người khá giả lên nhờ loại cây này. Một số loài hoa lan phổ biến được nhiều người ưa chuộng như lan hồ điệp, lan Cattleya, lan vanda, lan phi điệp,.. Hoa lan là cây hoa kiểng có giá trị kinh tế cao, đang được nhiều người ưa chuộng và trồng phổ biến, tuy nhiên loại cây này cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều loại bệnh gây hại, trong đó bệnh thối nhũn là bệnh quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và sức sống cũng như giá trị thương phẩm của cây lan. Đặc biệt trong mùa mưa hoa lan thường bị bệnh thối nhũn trên lá và thân, người trồng lan rất vất vả cho bệnh thối nhũn, khó điều trị và nếu điều trị khỏi bệnh lại bị sẹo trên lá hoặc phải cắt bỏ phần thối đi làm cây mất đẹp và mất đi giá trị cây lan. Bài viết này cung cấp một số thông tin cơ bản để người trồng nhận dạng được bệnh này và có biện pháp chủ động phòng trị hiệu quả.

          1. Tác nhân gây bệnh

Bệnh thối nhũn ở lan do vi khuẩn Erwinia Carotovora gây ra bằng cách thâm nhập vào các vết cắn của côn trùng hay vết thương cơ giới do mưa gió gây ra. Vi khuẩn Erwinia Carotovora lây lan nhờ nước, côn trùng (rệp, bọ nhảy, sâu hại…) và hoạt động của con người, chúng xâm nhập vào cây trồng qua vết thương ở rễ, thân, lá. Bệnh dễ dàng lây lan sang các cây bên cạnh khi không xử lý kịp thời.

         2. Triệu chứng bệnh

         Triệu chứng ban đầu của bệnh là xuất hiện những chấm nhỏ trên lá hoặc trên chồi non như bị bỏng nước, lúc này lá lan bị phồng lên có màu nâu (Hình 1). Vết bệnh thối nhũn và có mùi thối đặc trưng.

          Sau đó cây sẽ bị héo lá, ủ rũ, lá cây vàng, xuất hiện vệt lốm đốm, loang lổ sâu thâm dần và có biểu hiện thối nhũn (Hình 2).

          Cây bị nặng: Cây héo, lá vàng, những vết loang nổ chuyển sang màu nâu đen, lấy tay chấm vào thì có nhớt, mùi thối khó chịu. Gốc cây và ngọn cây cũng chuyển từ xanh sang vàng, nâu, nặng hơn là thối, nếu không cứu chữa kịp thời, cây bị nặng và chết (Hình 3).

          3. Biện pháp phòng trị bệnh

         - Để phòng tránh bệnh thối nhũn cho lan, tuyệt đối không tưới nước nhiều vào mùa mưa, nhất là thời điểm chiều tối để tránh tình trạng lan bị ướt sũng cả đêm.

         - Bên cạnh đó, nên cân nhắc khi bón phân có hàm lượng đạm cao vì đây chính là nguyên nhân khiến bệnh càng thêm nặng. 

           - Vệ sinh vườn thông thoáng tránh độ ẩm quá cao, vì mưa hoặc tưới nước nhiều cho cây và giá thể trồng không thoát nước, giữ nước nhiều mầm bệnh dễ phát sinh gây hại cho cây.

          - Kiểm tra chậu hoặc giò lan có bị rêu nhớt đen bám vào bề mặt giá thể trồng không, nếu có thì dùng vòi nước mạnh phun xịt cho bong tróc lớp màng ra cho rễ lan thông thoáng.

           - Giá thể trồng lâu ngày bị mục, khi gặp mưa nhiều hoặc tưới nước tích nước lâu thì sẽ sinh ra nấm mốc làm cho cây lan rất dễ nhiễm bệnh, nên cần thay mới giá thể bị mục.

          - Thường xuyên quan sát cây để phát hiện và xử lý những vết cắn do côn trùng gây ra, đồng thời, hạn chế đến mức tối đa những vết thương cơ giới do nước mưa hay gió mạnh để ngăn chặn các “cửa ngõ” xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.

          - Khi cây đã mắc bệnh, ngưng hẳn việc sử dụng phân bón có hàm lượng đạm cao để tránh bệnh càng thêm nặng.

          - Không chỉ ngưng bón phân, việc tưới nước cũng nên cắt giảm trong vài ngày. Cùng với đó, cắt bỏ những chỗ bị thối nhũn và phun xịt các loại thuốc có hoạt chất Bronopol như Totan 200WP, Xantocin 40WP,… lên cả chậu lan và giàn treo.

         - Nếu cây đã mắc bệnh quá nặng, tiến hành gỡ cây ra khỏi chậu và ngâm trong các dung dịch thuốc đã nói ở trên, sau đó vớt ra, để ráo nước rồi trồng sang chậu mới. Khử trùng cho cả giàn lan bằng thuốc có hoạt chất Kasugamycin như Kagomi 3SL, Kamsu 4SL, Kata 2SL,.. hoặc hoạt chất Streptomycin sulfate như Acstreptocinsuper 40TB, Kaisin 100WP,.. hay hoạt chất Ningnanmycin như Annongmycin 100SP, Kozuma 8SL,.. Sau 5 – 7 ngày, tiến hành phun một đợt thuốc nữa cho cả vườn lan. 

Từ khóa » Erwinia Carotovora Gây Bệnh Thối Nhũn