Bệnh Tử Cung Lộn Bít Tất (sa Tử Cung) ở Bò Và Cách điều Trị - HappyVet

Bệnh tử cung lộn bít tất ở bò, âm đạo lộn ra ngoài ở gia súc là một quá trình bệnh lý trong đó tử cung hoặc thành của âm đạo bị lộn trái trở lại và đẩy ra khỏi mép âm môn. Bệnh xảy ra trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sổ thai khoảng 6 giờ, cá biệt có trường hợp 3 ngày sau mới phát bệnh.

Mục lục
  • Nguyên nhân gây bệnh
  • Triệu chứng và biểu hiện bệnh
  • Điều trị bệnh tử cung lộn bít tất
  • Phòng bệnh trên gia súc

Nguyên nhân gây bệnh

  • Trong thời gian gia súc có thai ít được chăn thả, ít vận động nuôi nhốt trong chuồng, con vật thường xuyên đứng nằm trên nên chuồng quá dốc về phía đuôi.
  • Do thức ăn kém chất lượng, con vật suy dinh dưỡng.
  • Thai quá to, dịch thai quá nhiều, phù màng thai,… làm cho thành tử cung dãn quá độ, cổ và cơ tử cung bị nhão.
  • Ngoài ra có thể do đường sinh dục bị khô mà tử cung co bóp quá mạnh.
  • Do kế phát từ một số bệnh nội khoa hoặc do quá trình điều trị bệnh dùng thuốc kích thích không đúng liều lượng làm cho con vật rặn mạnh, cơ quan sinh dục co bóp tạo điều kiện cho âm đạo, tử cung dễ lộn ra ngoài.
  • Trường hợp con vật bị âm đạo lộn ngoài nếu không can thiệp thời sẽ dẫn đến bệnh lộn tử cung ra ngoài.

Bò có thai ít vận động là một trong những nguyên nhân gây bệnh tử sa tử cung ở bò

Bò có thai ít vận động là một trong những nguyên nhân gây bệnh tử sa tử cung ở bò

Triệu chứng và biểu hiện bệnh

- Trường hợp âm đạo lộn ra ngoài thể không hoàn toàn: khi mới xuất hiện, bộ phận âm đạo lộn ra ngoài có màu đỏ to, kích thước bằng nắm tay hoặc lớn hơn một ít.

  • Bộ phận này chỉ nhìn thấy khi gia súc nằm xuống, khi gia súc đứng dậy thì bộ phận đó lại tụt và trong xoang chậu.
  • Trường hợp bệnh tiếp tục phát triển thì bộ phận âm đạo lộn ra ngoài sẽ to dần lên, lúc này khi con vật đứng dậy bộ phận âm đạo cũng không tụt vào trong ở dưới thành âm đạo mà còn lộ cả ống dẫn niệu và một phần của bàng quang.

- Trường hợp một phần đầu mút sừng tử cung bên có thai bị lộn vào trong xoang tử cung và lồng vào nhau thì con vật hầu như không có triệu chứng trong quá trình hồi phục, tử cung sẽ trở lại bình thường.

- Trường hợp cả hai sừng tử cung và cả thân tử cung bị lộn trái lồng qua tử cung vào âm đạo, con vật xuất hiện triệu chứng cục bộ và toàn thân.

  • Thành bụng co bóp, con vật cong lưng, cong đuôi rặn.
  • Trong khi rặn con vật thải ra một ít phân, nước tiểu, biểu hiện đau đớn, khó chịu.
  • Trâu bò giảm ăn, thậm chí bỏ ăn.
  • Ngựa xuất hiện những cơn đau bụng nhẹ.
  • Kiểm tra qua đường sinh dục phát hiện đầu mút sừng tử cung lồng vào thân tử cung hay toàn bộ tử cung lồng vào âm đạo.

- Trường hợp toàn bộ âm đạo bị lộn ra ngoài, tử cung lộn bít tất, phần bộc lộ ra ngoài có màu hồng.

  • Lúc đầu chỉ âm đạo và tử cung bên có thai lộn ra ngoài, về sau cả hai sừng, thân tử cung đề bộc lộ ra ngoài.
  • Ở loài nhai lại trên niêm mạc tử cung còn dính lại một số núm nhau con và nhiều núm nhau mẹ.
  • Ở ngựa xuất hiện nhiều mao quản.
  • Ở lợn phần tử cung lộn ra ngoài trông giống như một đoạn ruột dài.
  • Gia súc đau đớn, đứng lên nằm xuống liên tục, tử cung bị tổn thương, sây sát, xuất huyết và nhiễm khuẩn.
  • Niêm mạc tử cung có màu đỏ sẫm hoặc nâu xám.
  • Dịch viêm lẫn máu, mủ, niêm dịch và các tổ chức tế bào núm nhau.

- Tử cung, âm đạo lộn ra ngoài thời gian dài, mức độ nhiễm trùng tổn thương nặng.

- Tổ chức niêm mạc tử cung bị hoại tử, con vật sẽ kế phát nhiễm trùng máu mà chết.

- Trâu bò chết sau 5 - 6 ngày, các gia súc khác sau 1 - 2 ngày nhanh nhất là ngựa.

Âm đạo bò lộn ra ngoài

Âm đạo bò lộn ra ngoài

Bệnh tử cung lộn bít tất ở bò

bệnh tử cùng lộn bít tất ở gia súc

Triệu chứng của bệnh sa tử cung ở bò và ở cừu

Điều trị bệnh tử cung lộn bít tất

Bệnh tử cung lộn bít tất ở gia súc cần phải được điều trị ngay sau khi phát hiện, tùy vào từng trường hợp mà có các cách điều trị khác nhau.

- Trường hợp lồng đầu mút sừng tử cung

  • Sau khi sát trùng và làm trơn tay, đưa tay vào đường sinh dục và cẩn thận đẩy sừng tử cung bị lồng về vị trí cũ.
  • Sau đó tiến hành thụt rửa tử cung bằng các dung dịch sát trùng ở nồng độ thích hợp rồi bơm hay đặt kháng sinh vào tử cung.

- Trường hợp âm đạo, tử cung lộn ra ngoài phải kịp thời dùng thủ thuật đưa tử cung về vị trí cũ sau khi đã vô trùng cẩn thận.

  • Tiến hành phong bế thần kinh bằng cách tiêm Novocain vào 3 huyệt: Bách hôi, 2 huyệt quy vĩ của gia súc. Mục đích hạn chế hiện tượng rặn, co bóp tử cung.
  • Giữ cho con vật trong tình trạng yên tĩnh tuyệt đối không vận động, để con vật ở trong giá cố định với tư thế đầu thấp, đuôi cao, buộc đuôi sang một bên tránh hiện tượng làm sây sát và kích thích niêm mạc do sự hoạt động của đuôi.
  • Sát trùng tay rồi rửa sạch phần tử cung, âm đạo bộc lộ ra ngoài bằng các thuốc sát trùng ở nồng độ thích hợp như thuốc tím 0.1%, rivanol 0.1%, ….
  • Nếu nhau thai con còn dính với niêm mạc tử cung, phải tiến hành bóc sạch các núm nhau con.
  • Khâu những chỗ niêm mạc bị rách, mạch quản bị đứt sau đó nhỏ lên niêm mạc dầu nhờn, dầu thực vật.
  • Một người dùng miếng vải mềm bọc lấy phần tử cung lộn ra ngoài nâng lên ngang tầm với âm môn.
  • Người khác tiến hành kiểm tra tử cung có bị xoắn, bị văn không, chú ý kiểm tra kỹ phía trong âm hộ nếu bị xoắn vặn thì phải can thiệp ngay.
  • Sau đó tiến hành thủ thuật đầy từ từ tử cung, âm đạo. Người làm thủ thuật phải dùng bàn tay đẩy tử cung vào từng tý một, chỉ đầy khi gia súc không rặn, người phụ giúp giữ chặt phần tử cung đã được đẩy vào âm đạo, dần dần đưa toàn bộ tử cung vào xoang chậu.
  • Dùng tay đưa thẳng vào tử cung để để sửa tử cùng về trạng thái và tư thế bình thường.
  • Đưa tử cung trở về vị trí cũ rất khó khăn, mất nhiều thời gian do đó đòi hỏi người làm thủ thuật phải kiên nhân, thao tác nhẹ nhàng thận trọng, tuyệt đối không làm tổn thương niêm mạc tử cung hay đứt núm nhau mẹ.
  • Sau khi đưa toàn bộ tử cung về vị trí cũ, tiến hành thụt rửa tử cung bằng các loại thuốc sát trùng nhẹ, sau đó bơm, đặt trực tiếp kháng sinh vào tử cung để chống nhiễm trùng.

- Dùng chỉ mềm to bản khâu 2/3 phía trên mép âm môn, tiến hành theo dõi, trợ sức, chăm sóc cho con vật.

Hiện tượng bò đẻ sa tử cung

Phòng bệnh trên gia súc

  • Chăm sóc gia súc thật tốt, đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng.
  • Bổ sung khoáng, vitamin định kỳ cho con vật.
  • Khi con vật có biểu hiện rặn đẻ quá sớm tiến hành phong bế lõm khum đuôi bằng Novocain hoặc cho uống rượu trắng 500ml (bò), 100 - 200ml (lợn).

Bệnh tử cung lộn bít tất ở gia súc (bệnh lộn tử cung) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của vật nuôi. Do đó, người nuôi cần có chế độ chăm sóc đặc biệt trước và sau khi sinh đối với vật nuôi. Truy cập website happyvet.vn để tham khảo thêm nhiều bài viết hữu ích về các bệnh thường gặp ở gia súc.

=>>> Có thể bạn quan tâm:

  • Nguyên nhân gây bệnh sảy thai truyền nhiễm ở bò
  • Bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò: chẩn đoán, bệnh tích và điều trị

Tìm kiếm liên quan:

- sa dạ con ở bò

Từ khóa » Cho Bị Lộn Tử Cung