Bệnh Uốn Ván: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Phòng Ngừa - VNVC
Có thể bạn quan tâm
Uốn ván là bệnh lý truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, nhất là ở trẻ em với tỷ lệ tử vong lên đến 95% nếu phát bệnh. Trước khi tử vong, trẻ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều biểu hiện “đáng sợ” cùng những biến chứng trầm trọng. Nếu may mắn vượt qua và sống sót, nguy cơ cao trẻ sẽ phải đối diện với nhiều di chứng vĩnh viễn.
Bệnh uốn ván là gì?
Bệnh uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng, do ngoại độc tố protein mạnh của trực khuẩn Clostridium tetani phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Khi bị nhiễm khuẩn, độc tố protein tetanospasmin được tiết ra và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây tổn thương não và hệ thần kinh trung ương, dẫn đến cứng cơ và có thể gây tử vong nhanh.
Uốn ván được đặc trưng bởi hiện tượng tăng trương lực cơ, các cơn co cơ cứng với tỷ lệ tử vong của bệnh uốn ván rất cao, dao động từ 25-90%, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh với 95%. Bệnh phân bố rộng khắp tại các tỉnh thành trong cả nước và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai trong mùa nào trong năm. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh tăng đáng kể ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các địa phương vùng sâu vùng xa, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin còn thấp.
Nguyên nhân gây bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván gây ra do vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết trầy xước và vết thương tiếp xúc trực tiếp với đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh hoặc dụng cụ phẫu thuật không được tiệt trùng kỹ. Những vết thương này có thể phát triển thành ổ nhiễm trùng và gây ra bệnh uốn ván.
Vi khuẩn uốn ván là loại vi khuẩn gram dương có lông quanh thân và di động trong môi trường yếm khí. Trong tự nhiên, chúng thường tạo thành nha bào hình cầu tròn, tự do hoặc nằm ở một đầu của tế bào trực khuẩn, tạo thành hình dùi trống.
Nguồn truyền nhiễm bệnh uốn ván
Vi khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, đặc biệt là trong ruột của các đại gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, và bò. Ngoài ra, vi khuẩn này cũng có thể tồn tại trong ruột của con người một cách bình thường mà không gây bệnh.
Nha bào uốn ván có thể được tìm thấy trong đất và trên các đồ vật đã bị nhiễm bẩn bởi phân của súc vật hoặc con người. Chúng hiện diện ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có khả năng gây nhiễm trùng cho tất cả các loại vết thương.
Bệnh uốn ván lây truyền như thế nào?
Thông thường, nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể con người thông qua các vết thương sâu đã bị nhiễm bẩn từ đất cát, bụi bẩn, phân người hoặc phân súc vật. Chúng cũng có thể tấn công các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát hoặc các vết thương nhẹ hoặc thông qua các vết tiêm chích bị nhiễm bẩn.
Đôi khi, nha bào uốn ván cũng có thể gây nhiễm trùng sau khi phẫu thuật, nạo thai trong điều kiện không vệ sinh. Hơn nữa, trong trường hợp cơ quan của cơ thể bị hoại tử hoặc có các dị vật xâm nhập vào và bị nhiễm bẩn, cơ thể trở thành môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển.
Ngoài ra, nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong quá trình sinh đẻ cũng là một trong những phương thức lây truyền phổ biến của bệnh uốn ván. Điều này thường xảy ra do cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, rốn của trẻ chưa được vệ sinh sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không được khử trùng, dẫn đến bị nhiễm nha bào uốn ván.
Các triệu chứng uốn ván thường gặp
Sau khi cơ thể bị nhiễm vi khuẩn uốn ván, bệnh không biểu hiện ngay mà sẽ trải qua một thời gian nhất định để ủ bệnh. Bệnh uốn ván phát triển qua 4 giai đoạn khác nhau là giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát và giai đoạn lui bệnh. Mỗi giai đoạn bệnh đều có những triệu chứng khác nhau giúp cho người bệnh nhận biết được tình trạng bệnh lý của mình. Cụ thể:
Thời kỳ ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh của nha bào uốn ván thường kéo dài từ 3-21 ngày (1). Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí của vết thương. Trung bình, thời gian ủ bệnh là khoảng 10 ngày kể từ lúc bị thương và hầu hết các trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày. Nếu các vết thương bị nhiễm bẩn nặng, thời gian ủ bệnh sẽ ngắn hơn và bệnh sẽ nặng hơn, khiến tiên lượng của bệnh trở nên xấu đi.
Thời kỳ khởi phát
Giai đoạn này được bắt đầu từ lúc xuất hiện biểu hiện đầu tiên là cứng cơ hàm cho đến khi xảy ra cơn co giật đầu tiên hoặc cơn co thắt ở hầu họng và thanh quản. Thời gian cho đến khi xảy ra các biểu hiện này thường kéo dài từ 1-7 ngày, nếu thời gian từ khi xuất hiện biểu hiện ban đầu đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng ngắn hơn 48 giờ, thì nó sẽ có tiên lượng xấu hơn.
Các triệu chứng khác trong giai đoạn khởi phát của bệnh bao gồm mỏi cơ hàm, khó nuốt, khó nhai và khó mở miệng. Sau đó, sự co cứng sẽ lan rộng đến các cơ quan khác, gây co cứng cơ mặt gây ra nhiều nếp nhăn trán và hai chân mày co lại; co cứng cơ gáy khiến cổ bị cứng và dần dần nghiêng ngược; co cứng cơ lưng, co cứng cơ bụng có thể dễ dàng nhận biết và co cứng cơ các chi trên làm tay liên tục ở tư thế gập. Ngoài ra, các biểu hiện khác bao gồm sốt cao, đổ mồ hôi rất nhiều và tốc độ nhịp tim tăng lên.
Thời kỳ toàn phát
Đây là giai đoạn rất nghiêm trọng của bệnh, với nhiều triệu chứng rõ ràng ở mức độ nghiêm trọng hơn, được tính từ khi cơn co giật toàn thân, co thắt ở hầu họng và thanh quản xuất hiện đến khi bệnh bắt đầu giảm dần. Thường thì giai đoạn này kéo dài từ 1-3 tuần và đi kèm với các triệu chứng như co cứng toàn thân, khó thở, hoặc đổi màu da thành tím tái, co bóp cơ vòng gây ra tắc nghẽn tiểu, bí đại tiện…
Những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể bị rối loạn thần kinh thực vật với các triệu chứng bao gồm da xanh tái, sốt cao 39-40 độ hoặc cao hơn, đờm phun ra nhiều, mồ hôi nhễ nhại, tăng hoặc giảm huyết áp một cách đột ngột (sốc huyết áp), các vấn đề về nhịp tim hoặc thậm chí là ngừng tim.
Thời kỳ lui bệnh
Trong giai đoạn này, các cơn co giật cũng như những triệu chứng khác bắt đầu dần dần giảm đi, nhẹ hơn, miệng lấy lại khả năng mở rộng và phản xạ nuốt cũng được cải thiện. Độ dài của giai đoạn này thường dao động trong vài tuần hoặc một vài tháng tùy thuộc vào cấp độ nghiêm trọng của bệnh.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván bao gồm:
- Những người nông dân làm vườn, tiếp xúc nhiều với đất cát;
- Những người làm việc tại trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc và gia cầm;
- Những người làm công việc dọn vệ sinh, bao gồm cống rãnh và chuồng trại;
- Các công nhân xây dựng công trình, thợ xây;
- Quân đội và thanh niên tham gia xung phong.
Phương pháp chẩn đoán bệnh uốn ván
Uốn ván có thể dễ dàng chẩn đoán thông qua các triệu chứng, đặc điểm lâm sàng điển hình và không cần xác nhận thông qua các phương pháp phòng thí nghiệm khác như: Chuột rút hàm hoặc không thể mở miệng có thể kèm theo co thắt cơ thường xuất hiện ở lưng, bụng và tứ chi. Co thắt cơ đau đột ngột thường được kích hoạt bởi tiếng động đột ngột, khó nuốt, co giật và đau đầu. Hơn nữa, bệnh nhân còn có thể sốt, đổ mồ hôi, thay đổi huyết áp hoặc nhịp tim nhanh.
Trẻ sơ sinh bị uốn ván triệu chứng thường bao gồm co thắt cơ, thường xảy ra trước khi trẻ sơ sinh không thể bú hoặc bú được ít và khóc nhiều hơn bình thường.
Biến chứng bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván có thể gây ra những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như: co thắt hầu họng, thanh quản, làm tắc nghẽn đường thở gây ngạt, ngừng thở, sặc, trào ngược dịch dạ dày vào phổi, gây ứ đọng đờm dãi và suy hô hấp do cơn co thắt kéo dài.
Ngoài ra, bệnh còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác như viêm phế quản, viêm phổi, tắc nghẽn động mạch phổi, nhiễm khuẩn vết mổ khí quản, viêm ở nơi tiêm truyền tĩnh mạch, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc huyết. Bệnh còn có thể gây ra rối loạn thăng bằng nước và điện giải, suy thận và nhiều biến chứng khác như: suy dinh dưỡng, cứng khớp, gãy xương, loét vùng tỳ đè, suy giảm tri giác do thiếu oxy kéo dài, và đứt lưỡi do cắn phải gãy răng.
Xem thêm: Các biến chứng bệnh uốn ván
Điều trị bệnh uốn ván
Hiện tại, không có phương pháp chữa trị hiệu quả bệnh uốn ván. Nếu nhiễm trùng uốn ván xảy ra, bệnh nhân cần được chăm sóc và điều trị khẩn cấp và lâu dài để giúp hạn chế triệu chứng bệnh và tăng cường đề kháng. Việc điều trị là chăm sóc vết thương, sử dụng thuốc giảm triệu chứng và cung cấp chăm sóc hỗ trợ chuyên nghiệp, thường là trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Điều trị bệnh uốn ván có nguyên tắc là tiêu diệt vi khuẩn, trung hòa độc tố và ngăn ngừa các cơn co cứng cơ (sử dụng kháng sinh để tiêu diệt tận gốc tế bào thực vật). Ngoài ra, bệnh nhân cần được chăm sóc và theo dõi thường xuyên để phát hiện và xử lý các vấn đề hô hấp. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng kháng độc tố uốn ván để vô hiệu quá độc tố đang lưu hành ở vết thương và trong máu.
Việc chăm sóc bệnh nhân cần thực hiện trong một môi trường yên tĩnh để giám sát chức năng tim, phổi và hạn chế các tác nhân kích thích. Bảo vệ đường thở và vết thương sạch sẽ là rất quan trọng, cần loại bỏ triệt để các vật dị cắm vào vết thương.
Cách phòng ngừa uốn ván
Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, việc phòng ngừa uốn ván là vô cùng cần thiết. Đây là một bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào và dễ nhiễm. Hiện nay, tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván được coi là biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Có nhiều loại vắc xin phù hợp cho từng đối tượng, bao gồm cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn. Vì vậy, mọi đối tượng nên tiêm vắc xin để ngăn ngừa lây nhiễm, mắc bệnh và giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong do bệnh lý nguy hiểm này.
Ở trẻ nhỏ, có thể sử dụng vắc xin phối hợp phòng uốn ván và nhiều bệnh quan trọng khác trong cùng 1 mũi tiêm. Trẻ em phòng bệnh uốn ván từ 2 tháng tuổi có trong thành phần của các loại vắc xin 6 trong 1. Cha Mẹ cần đảm bảo đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi, đúng liều để đảm bảo hiệu quả tiêm phòng ở mức tối đa, giúp duy trì ổn định tình trạng miễn dịch chống lại bệnh.
Ngoài ra, khi có vết thương trên da, cần lưu ý rửa sạch và sát trùng vết thương. Nên để hở vết thương và không bịt kín để tránh viêm nhiễm. Nếu bị dẫm phải vật nhọn như đinh, sắt hay gai thì cần xử lý vết thương ngay lập tức, sau đó đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị phòng ngừa bệnh uốn ván. Người bệnh cần luôn giữ vết thương sạch để tránh nhiễm trùng và nguy cơ hoại tử.
Bị uốn ván nên ăn uống như thế nào?
- Các loại quả nhỏ và nhiều nước như dâu tây, mận, nho là thực phẩm giàu khoáng chất, vitamin, chất xơ và đặc biệt là chất chống oxy hóa. Do đó, thường xuyên sử dụng quả mọng có thể giúp chống viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh uốn ván. Hơn nữa, quả mọng còn có tác dụng kích thích sản sinh tế bào kháng thể tự nhiên trong cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch.
- Các loại cá béo như cá trích, cá thu, cá mòi, cá trống và cá hồi là nguồn cung cấp protein, EPA, omega-3 và DHA dồi dào. Đặc biệt, chúng còn có khả năng chống viêm và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như uốn ván, hội chứng chuyển hóa, bệnh thận, tiểu đường và tim mạch
- Súp lơ xanh là loại rau thuộc họ hàng cải có lượng sulforaphane dồi dào, giống như bắp cải, cải xoăn và cải bruxen, súp lơ xanh đã được chứng minh là có chức năng chống viêm hiệu quả. Không chỉ hữu ích trong việc điều trị bệnh uốn ván, súp lơ xanh còn được biết đến với khả năng giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và ung thư.
- Bơ là thực phẩm chứa nhiều khoáng chất có lợi như magie, kali, chất béo và chất xơ có lợi cho cơ thể. Đặc biệt, bơ cũng có khả năng chống viêm vô cùng tốt.
- Trà xanh là một loại thức uống lành mạnh nếu dùng đủ lượng cho phép, giàu chất chống oxy hóa, có khả năng ức chế và chống viêm hiệu quả. Chính vì thế, việc sử dụng trà xanh trong thực đơn hàng ngày là rất tốt đối với những người bị uốn ván.
- Hành tây là nguồn dưỡng chất có tính kháng khuẩn và kháng viêm mạnh mẽ, bởi sự hiện diện của nhiều chất dinh dưỡng như tannin, flavonoid và lưu huỳnh trong hành tây. Các chất này cung cấp khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ và giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn, các bệnh liên quan đến tim mạch và ngay cả ung thư.
- Gừng có khả năng giảm các cảm giác đau nhức cơ, khi gặp phải tình trạng phát bệnh uốn ván hay các cơ thắt lại, đau nhức, người bệnh có thể sử dụng gừng tươi để giảm thiểu cảm giác khó chịu.
- Tỏi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể và có khả năng chống viêm hiệu quả nhờ vào hàm lượng lưu huỳnh cao, giúp ngăn chặn sự sinh sôi và hoạt động của các enzyme viêm trong cơ thể.
Uốn ván nguy hiểm, gây tử vong với tỷ lệ cao, nhất là đối với trẻ em. Nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách tiêm chủng vắc xin phòng bệnh uốn ván, đặc biệt là vắc xin uốn ván phối hợp, nhằm giảm thiểu lần tiêm và số lượng mũi tiêm, giúp trẻ giảm đau và bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh lý nguy hiểm. Đặt giữ vắc xin và đặt lịch tiêm chủng phòng ngừa bệnh uốn ván cho trẻ ngay tại website vax.vnvc.vn hoặc liên hệ hotline 028 7102 6595.
Từ khóa » Tiêm Uốn Van
-
Tiêm Phòng Uốn Ván Có Tác Dụng Trong Bao Lâu? | Vinmec
-
Nên Tiêm Uốn Ván Bao Lâu Sau Khi Bị Thương? | Vinmec
-
Thời Gian, địa điểm, Giá Tiêm Phòng Uốn Ván Cho Bà Bầu - VNVC
-
Giá Tiêm Vắc Xin Uốn Ván Là Bao Nhiêu? | Medlatec
-
Lịch Tiêm Phòng Uốn Ván Cho Bà Bầu Và Lưu ý Khi Tiêm
-
BỆNH UỐN VÁN - Cục Y Tế Dự Phòng
-
Giá Tiêm Uốn Ván Là Bao Nhiêu Tiền? Nên Thực Hiện ở đâu? - Docosan
-
Uốn Ván - Chủng Ngừa Cho Em Bé | GSK
-
Lợi ích Của Việc Tiêm Vắc Xin Uốn Ván Cho Các Em Gái
-
Tiêm Uốn Ván Mũi 2 được 1 Tuần Có Thể Tiêm Vaccine Covid-19 được ...
-
BỆNH UỐN VÁN – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
-
Mẹ Bầu Tiêm Uốn Ván Mũi 2 Muộn Có Sao Không? - Hello Bacsi
-
VNVC - Trung Tâm Tiêm Chủng Trẻ Em Và Người Lớn - Facebook