Bệnh Uốn Ván Rốn ở Trẻ Sơ Sinh Nguy Hiểm Như Thế Nào?

Uốn ván rốn là bệnh nguy hiểm với trẻ sơ sinh do trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây độc lên hệ thần kinh. Căn bệnh này xuất hiện khi trẻ sơ sinh không được đảm bảo vệ sinh rốn.

Nội dung bài viết

Toggle
  • 1. Bệnh uốn ván rốn là gì?
  • 2. Nguyên nhân gây bệnh uốn ván rốn?
  • 3. Triệu chứng bệnh uốn ván rốn
    • 3.1. Thời kỳ ủ bệnh
    • 3.2. Thời kỳ khởi phát
    • 3.3. Thời kỳ toàn phát
    • 3.4. Thời kỳ lui bệnh
  • 4. Hậu quả của bệnh uốn ván rốn
  • 5. Phòng ngừa bệnh uốn ván rốn ở trẻ

1. Bệnh uốn ván rốn là gì?

Bệnh uốn ván (tetanus) là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván gây nên. Vi khuẩn này phát triển trong vết thương ở điều kiện yếm khí. Trước kia bệnh uốn ván là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở các nước nghèo, nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh, uốn ván rốn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Uốn ván rốn sơ sinh Uốn ván rốn sơ sinh (Ảnh internet)

Tại nước ta, chương trình loại trừ uốn ván sơ sinh được triển khai từ năm 1992 và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở một số tỉnh thành khắp cả nước.

2. Nguyên nhân gây bệnh uốn ván rốn?

Tác nhân gây bệnh là trực khuẩn uốn ván gram dương có tên là Clostridium tetani. Trực khuẩn này thường tạo nha bào hình cầu tròn ở dạng tự do hoặc ở một đầu của tế bào tạo hình dùi trống. Vi khuẩn uốn ván dễ chết ở 56 độ C. Nhưng nha bào uốn ván rất bền vững, chỉ chết khi đun sôi 30 phút. Các dung dịch sát trùng như phenol, formalin diệt được nha bào sau 8-10 tiếng. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể lây nhiễm cho các loại vết thương.

Trẻ sơ sinh bị bệnh uốn ván rốn do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ. Lý do có thể vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn. Hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván. Bệnh thường xảy ra ở trẻ bị đẻ rơi, đẻ tại nhà ở những nơi phong tục tập quán còn lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

3. Triệu chứng bệnh uốn ván rốn

3.1. Thời kỳ ủ bệnh

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài trung bình từ 3-7 ngày. Nếu thời kì ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng. Trong thời gian này đứa trẻ không có dấu hiệu gì đặc biệt, vẫn ăn ngủ bình thường. Đôi khi trẻ quấy khóc.

3.2. Thời kỳ khởi phát

Giai đoạn này ngắn chỉ vài giờ hoặc kéo dài tới một ngày rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát  Trong giai đoạn này triệu chứng đặc hiệu là cứng hàm. Kéo theo đó trẻ bỏ bú hoặc bú rất khó khăn, miệng chúm chím. Trẻ quấy khóc nhưng tiếng khóc nhỏ.

3.3. Thời kỳ toàn phát

Thời kỳ toàn phát triệu chứng của uốn ván rốn là cơn co giật và co cứng cơ. Cơn co giật xuất hiện đánh dấu giai đoạn toàn phát bắt đầu. Có thể cơn giật do tự nhiên hoặc do các kích kích từ bên ngoài. Như tiếng động, ánh sáng, nhiệt độ hoặc các thăm khám động chạm vào trẻ. Co giật toàn thân làm mặt trẻ nhăn nhúm, miệng chúm lại, sùi bọt mép. Đầu ngửa, hai bàn tay nắm chặt, gấp khuỷu tay và áp sát vào người. Hai chân duỗi thẳng. Trẻ nằm ở tư thế ưỡn.

Triệu chứng của bệnh uốn ván rốn ở trẻ Triệu chứng của bệnh uốn ván rốn ở trẻ (Ảnh internet)

Cơn co giật có thể kéo dài vài phút hoặc hàng giờ. Nếu cơn giật nhẹ trẻ có thể vẫn hồng hào. Tuy nhiên nếu co giật kéo dài liên tục có thể dẫn tới co thắt phế quản gây ngừng thở, ngừng tim. Thậm chí trẻ có thể chết trong cơn giật.

Co cứng cơ toàn thân thường xảy ra sau cơn co giật đầu tiên. Do cơ toàn thân co cứng khiến trẻ có một tư thế đặc biệt cố định như mô tả ở trên. Co cứng cơ kéo dài suốt thời gian bị bệnh. Và giảm dần khi lui bệnh, hết hẳn sau khi khỏi bệnh một vài tuần.

Ngoài 2 biểu hiện uốn ván rốn chính kể trên, trẻ bị uốn ván rốn thường sốt 38-39 độ C trong vòng 1-2 tuần. Sốt cao khiến cho trẻ co giật nhiều hơn và dễ tử vong trong giai đoạn này.

3.4. Thời kỳ lui bệnh

Nếu được điều trị tốt hoặc ở thể nhẹ thì khoảng sau 7 ngày trẻ bớt giật, hết sốt. Tuy nhiên trẻ còn co cứng cơ kéo dài hàng tháng, sau đó sẽ khỏi bệnh.

4. Hậu quả của bệnh uốn ván rốn

Đối với uốn ván rốn thể nhẹ và trẻ không có bệnh phối hợp thì bệnh thường khỏi hoàn toàn không có di chứng. Hậu quả xấu nhất xảy ra là trẻ tử vong trong những ngày đầu ở trường hợp uốn ván rốn thể tối cấp. Hoặc tử vong trong những tuần sau do bệnh phối hợp như nhiễm trùng huyết, viêm ruột hoại tử.

Nếu qua được cơn nguy kịch, trẻ có thể mang di chứng về thần kinh tâm thần. Hay gặp ở những trẻ có cơn giật nhiều gây ngừng thở kéo dài thiếu oxy não.

5. Phòng ngừa bệnh uốn ván rốn ở trẻ

Để phòng uốn ván rốn trẻ sơ sinh khuyến cáo phụ nữ mang thai lần đầu cần tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi. Mũi thứ nhất tiêm cách mũi hai 1 tháng. Mũi thứ 2 tiêm trước khi đẻ 1 tháng, ít nhất 2 tuần. Điều này giúp cơ thể mẹ có đủ kháng thể chống uốn ván truyền sang thai nhi. Bên cạnh đó khi có thai phải đăng ký quản lý thai sản tại cơ sở y tế. Đi thăm khám thai ít nhất 3 lần trong suốt thai kỳ. Khi có dấu hiệu chuyển dạ nên tới cơ sở y tế để sinh nở.

Phòng ngừa uốn ván rốn sơ sinh Phòng ngừa uốn ván rốn sơ sinh (Ảnh internet)

Trường hợp không may bị đẻ rơi không được dùng liềm, mảnh sành, que nứa, dao, kéo bẩn để cắt rốn cho trẻ sơ sinh. Mà phải luộc dao kéo rồi mới cắt. Sau đó dùng chỉ, băng bông đã tiệt khuẩn để băng buộc rốn. Những trẻ này có nguy cơ cao bị uốn ván cần được tiêm huyết thanh chống uốn ván càng sớm càng tốt.

xem thêm: 4 bệnh cần phải tiêm phòng trước khi mang thai

Khi rốn chưa rụng, cha mẹ chú ý vệ sinh rốn cho trẻ sạch sẽ. Khi thấy băng rốn ướt có mùi hôi hoặc dịch mủ chảy ra chứng tỏ rốn đã bị nhiễm khuẩn, phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý.

BS Huyền Hương

Theo Nội khoa Việt Nam

Từ khóa » Chích Ngừa Uốn Ván Rốn