Bệnh Vàng Da, Vàng Mắt Là Gì? Truy Tìm Nguyên Nhân

Khi bị bệnh vàng da, vàng mắt nhiều người thường nghĩ ngay tới các vấn đề có liên quan tới chức năng gan. Liệu còn những nguyên nhân nào khác gây ra hiện tượng này nữa không và cách giải quyết là gì? Hãy cùng tham khảo những thông tin ngay dưới đây.

4.8/5 - (110 bình chọn)
  1. 1. Bệnh vàng da, vàng mắt là gì?
  2. 2. Triệu chứng vàng da, vàng mắt
  3. 3. Nguyên nhân vàng da, vàng mắt
    1. 3.1. Nghiện rượu gây vàng da, vàng mắt
    2. 3.2. Tác dụng phụ của thuốc
    3. 3.3. Bệnh lý về gan gây vàng da, vàng mắt
    4. 3.4. Bệnh lý về máu
    5. 3.5. Bệnh lý liên quan tới mật gây vàng da, vàng mắt
    6. 3.6. Bệnh liên quan tới tuyến tụy
    7. 3.7. Bệnh lý liên quan tới sự bất thường về gen
  4. 4. Bệnh vàng da, vàng mắt có nguy hiểm không?
  5. 5. Chẩn đoán
  6. 6. Cách điều trị
  7. 7. Chăm sóc bệnh nhân vàng da, vàng mắt
  8. KẾT LUẬN CHUNG

1. Bệnh vàng da, vàng mắt là gì?

Tình trạng này xảy ra do nồng độ bilirubin trong máu vượt quá mức cho phép. Bilirubin – mang màu vàng đặc trưng, là sản phẩm được tạo ra do quá trình phân hủy của tế bào hồng cầu. Bình thường nó sẽ được lưu chuyển tới gan, biến đổi thành bilirubin liên hợp và thải ra ngoài cơ thể.

Vì một lý do nào đó mà quá trình này bị ảnh hưởng khiến bilirubin thay vì được đào thải ra ngoài lại tích tụ trong cơ thể. Nó khiến cho da và kết mạc hay lòng trắng mắt bị vàng tới mức có thể quan sát bằng mắt thường trong điều kiện đủ ánh sáng. Nồng độ bilirubin trong máu càng cao thì độ sậm của màu vàng càng rõ. Bệnh có thể xảy ra ở người lớn và cả bệnh vàng da vàng mắt trẻ sơ sinh.

Bệnh vàng da, vàng mắt

2. Triệu chứng vàng da, vàng mắt

Việc chuyển vàng trong màu sắc của da và kết mạc mắt có thể diễn ra từ từ. Nhưng chỉ đến khi sắc vàng rõ rệt, người bệnh mới nhận ra. Đi kèm với hiện tượng này có thể có các dấu hiệu khác như:

– Ngứa da

– Nước tiểu sẫm màu

Phân xanh

Đầy bụng

– Sốt

– Giảm cân đột ngột

Triệu chứng vàng da vàng mắt

Ngứa da có thể là một biểu hiện đi kèm

3. Nguyên nhân vàng da, vàng mắt

Vàng da vàng mắt là bệnh gì chính là mối quan tâm hàng đầu của những người gặp phải tình trạng này. Đối với hiện tượng vàng da vàng mắt ở trẻ sơ sinh có thể là tình trạng sinh lý hoặc bệnh vàng da bệnh lý. Nếu là sinh lý thì không đáng ngại vì nó xuất phát từ thể trạng đặc biệt của trẻ giai đoạn sơ sinh. Còn vàng da bệnh lý có thể là do bất đồng nhóm máu mẹ con, bệnh lý tan máu, bệnh gan mật bẩm sinh…

Thông tin chi tiết về vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ đã được nêu trong bài viết trước đây. Do đó, dưới đây chỉ tập trung lý giải nguyên nhân của hiện tượng vàng da vàng mắt ở người lớn.

>>Xem thêm: Cách phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ

3.1. Nghiện rượu gây vàng da, vàng mắt

Tình trạng vàng da, vàng mắt thường gặp ở những người nghiện rượu nặng. Thường là người uống trung bình hơn 0,75 lít rượu 10 độ cồn trong 1 ngày với cân nặng 70kg. Rượu sẽ gây tổn thương gan nghiêm trọng, ảnh hưởng tới chức năng của gan.

Nghiện rượu gây vàng da, vàng mắt

Người nghiện rượu nặng có thể gặp phải hiện tượng vàng da, vàng mắt

3.2. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có tác dụng phụ là gây thay đổi sắc tố da và lòng trắng của mắt. Tuy nhiên, không phải ai khi dùng những loại thuốc này cũng gặp phải tác dụng phụ. Nguy cơ sẽ tăng lên khi lạm dụng thuốc, quá liều hoặc dùng thuốc trong thời gian dài. Một số loại thuốc có thể kể tới là: Thuốc tránh thai, steroid, Chlorpromazine, Acetaminophen…

3.3. Bệnh lý về gan gây vàng da, vàng mắt

Nếu băn khoăn bị vàng da vàng mắt là bệnh gì thì câu trả lời không thể bỏ qua bệnh lý liên quan đến gan. Bởi gan đảm nhiệm việc lọc và xử lý bilirubin trong máu. Nếu chức năng này bị suy giảm nó sẽ khiến nồng độ bilirubin tích tụ quá nhiều trong cơ thể. Các bệnh về gan có thể kể đến là: Viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ không do rượu, ung thư gan…

Bệnh lý về gan gây vàng da, vàng mắt

Xơ gan có thể gây biến đổi màu da và lòng trắng mắt

3.4. Bệnh lý về máu

Bilirubin được sản sinh khi tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Do đó, nếu lượng hồng cầu bị chết đi đột nhiên tăng lên sẽ khiến lượng bilirubin tăng đột ngột. Từ đó sẽ khiến cho gan bị quá tải. Các bệnh lý thuộc nhóm này có thể kể đến như: Tăng ure máu tán huyết, hồng cầu hình liềm, sốt rét… Trong đó, có một số bệnh lý bẩm sinh.

3.5. Bệnh lý liên quan tới mật gây vàng da, vàng mắt

Trong cơ thể, bilirubin sẽ được chuyển hóa và tồn tại trong dịch mật. Sau đó được dẫn từ gan tới ống mật chủ. Nếu dòng chảy này bị tắc nghẽn vì một lý do nào đó thì lượng bilirubin sẽ đi vào máu gây bệnh vàng da và vàng mắt. Các bệnh lý có thể làm nghẽn dòng chảy của ống mật chủ có thể kể đến như: Sỏi mật, hẹp ống dẫn mật, viêm đường mật, thậm chí là ung thư túi mật.

Bệnh lý liên quan tới mật gây vàng da, vàng mắt

Các bệnh lý liên quan tới mật có thể là nguyên nhân

3.6. Bệnh liên quan tới tuyến tụy

Các bệnh lý liên quan tới tuyến tụy cũng có thể gây ra tình trạng mắt và da bị vàng. Mặc dù tình trạng này có thể hiếm gặp hơn. Nguyên nhân là do ống tụy và mật nối với nhau. Khi ống tụy bị tắc nghẽn nó có thể gây ra tình trạng tương tự với ống mật. Các bệnh trong nhóm này là viêm tuyến tụy, nhiễm trùng tuyến tụy, ung thư tụy…

3.7. Bệnh lý liên quan tới sự bất thường về gen

Trong một số trường hợp, sự bất thường về gen trong chuyển hóa bilirubin cũng gây vàng da, vàng mắt. Đó có thể là hội chứng Gilbert làm giảm khả năng liên hợp bilirubin khiến bilirubin tự do không được đào thải đúng cách và tăng bilirubin máu. Hoặc hội chứng Dubin – Johnson là bất thường gen vận chuyển, làm bilirubin liên hợp không được thải trừ gây hiện tượng vàng da, vàng mắt.

4. Bệnh vàng da, vàng mắt có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nếu là do tác dụng phụ của thuốc thì khi ngưng dùng, dấu hiệu vàng da, vàng mắt sẽ dần biến mất. Tuy nhiên, đối với các nguyên nhân bệnh lý nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tới tính mạng.

5. Chẩn đoán

Để xác định chính xác tình trạng mà người bệnh đang gặp phải, bác sĩ cần thực hiện một số phương pháp sau:

– Khám lâm sàng: Xem xét các biểu hiện trên da, mắt. Hỏi bệnh nhân về các triệu chứng đi kèm, tiền sử bệnh, thói quen ăn uống, môi trường sống.

– Chụp X-quang: Cung cấp hình ảnh gan, mật.

– Siêu âm: Giúp phát hiện khối u, sỏi.

– Soi phúc mạc: Chẩn đoán phân biệt ứ mật trong gan hay ngoài gan, phát hiện ung thư và tiên lượng.

– Sinh thiết: Chủ yếu dùng để xác định tình trạng ung thư.

6. Cách điều trị

Các phương pháp điều trị khá đa dạng tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Chúng bao gồm cả điều trị nội khoa và ngoại khoa. Nếu nguyên nhân xuất phát do rượu, người bệnh có thể cần một liệu trình cai rượu đi kèm với phương pháp điều trị khác. Nếu vấn đề là do tác dụng phụ của thuốc thì bác sĩ có thể cân nhắc thay thế loại thuốc khác.

Đối với các nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý, bác sĩ điều trị sẽ là người lên phác đồ ứng với từng loại bệnh. Khi căn nguyên được trị thì tình trạng vàng da, vàng mắt sẽ tự thuyên giảm và biến mất. Các phương pháp có thể bao gồm:

– Thuốc dạng uống, tiêm: Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định thuốc giảm đau, giảm viêm, ức chế miễn dịch… thích hợp. Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc.

– Phẫu thuật: Một số trường hợp phẫu thuật là biện pháp cần thiết, không thể tránh khỏi. Đó có thể là phẫu thuật loại bỏ sỏi, khơi thông dòng chảy của mật…

– Hóa trị và xạ trị: Áp dụng cho trường hợp bệnh nhân ung thư. Hóa trị và xạ trị giúp tiêu diệt, ức chế quá trình sản sinh của các tế bào ung thư.

điều trị vàng da vàng mắt

Trong một số trường hợp phẫu thuật là biện pháp cần thiết

7. Chăm sóc bệnh nhân vàng da, vàng mắt

Khi bị vàng da vàng mắt tức là người bệnh cần được chăm sóc với một chế độ đặc biệt hơn. Điều này sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

– Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học: Lựa chọn thực phẩm dễ tiêu hóa. Bổ sung rau xanh và hoa quả chứa nhiều dưỡng chất như: Bông cải xanh, cải xoăn, củ cải, dâu tây, quýt, dứa… Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, rượu bia. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

– Sinh hoạt hợp lý: Ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc. Tránh căng thẳng.

– Rèn luyện thể dục thể thao đều đặn: Dành ra 30 phút mỗi ngày để luyện tập.

– Tái khám theo đúng lịch hẹn.

Những lưu ý trên cũng là cách để phòng bệnh. Ngoài ra, bạn nên chủ động tiêm phòng các loại vắc xin ngừa viêm gan và khám sức khỏe định kỳ.

KẾT LUẬN CHUNG

Tình trạng vàng da, vàng mắt rất dễ nhận ra và thường đi kèm với một số triệu chứng bất thường khác. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tác dụng phụ của thuốc hoặc các bệnh lý liên quan tới gan, mật, tụy, máu và sự bất thường về gen. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu cần đi khám ngay để xác định chính xác lý do. Nếu cần tư vấn thêm hãy gọi tới tổng đài 0343 44 66 99 để được giải đáp.

XEM THÊM

  • Vàng da ở người lớn – Cách nhận biết và hướng điều trị
  • Tìm hiểu nguyên nhân gây vàng da tắc mật
  • Phương pháp điều trị vàng da bằng chiếu đèn

Từ khóa » Da Vàng Mắt Vàng Bị Bệnh Gì