Bệnh Vảy Nến Da đầu: Ảnh Hưởng Nặng Nề Tâm Lý Người Bệnh

Nguyên nhân

Vảy nến là một bệnh da liễu mạn tính và da đầu là một trong những khu vực bị ảnh hưởng thường xuyên nhất với sự tróc vảy và những mảng vảy nến sưng đỏ. Nó dai dẳng hơn vảy nến ở những vùng khác trên cơ thể.

Hiện nay, chưa xác định được nguyên nhân đích thực của bệnh vảy nến, người ta chia ra các nhóm bệnh với những nguyên nhân khác nhau: Cơ địa (gene di truyền: nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh, nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh thì có tới 41% con mắc bệnh); Yếu tố khởi động (mắc các bệnh nhiễm khuẩn, sang chấn tâm lý, sang chấn tại chỗ...), ngoài ra còn có nguyên nhân do rối loạn miễn dịch. Thực tế tại phòng khám cho thấy, nhiều bệnh nhân tới điều trị bệnh da đầu ngày càng cao. Nhiều người đến trong tình trạng tổn thương nặng do tự bôi thuốc hoặc sử dụng những bài thuốc dân tộc cổ truyền theo sự mách bảo của người quen. Với bệnh vảy nến da đầu (VNDĐ), không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý người bệnh mà còn có thể liên quan đến một số bệnh lý quan trọng khác: hội chứng chuyển hóa, bệnh lý tim mạch... dẫn đến tình trạng tuổi thọ thấp.

Các dấu hiệu phân biệt giữa nấm da đầu và vảy nến da đầu.

Các dấu hiệu phân biệt giữa nấm da đầu và vảy nến da đầu.

Dấu hiệu nhận biết

Bệnh VNDĐ thường phát triển theo mùa, nhất là vào mùa đông, không khí khô hanh thường kích hoạt vảy nến phát triển hoặc thời tiết ẩm ướt. Đặc biệt, bệnh nhân ở tình trạng căng thẳng thần kinh cũng là nguyên nhân bùng phát bệnh vảy nến.

Dấu hiệu đặc trưng của VNDĐ là hiện tượng tróc vảy, có nhiều sưng đỏ thành từng vùng có ranh giới rõ ràng, dễ nhận thấy dọc theo mép tóc, trên trán hoặc sau tai.

Nhiều người bệnh thường thấy những mảng đỏ có kích thước khác nhau. Các mảng này trông khác hẳn, hơi gồ lên, cứng cộm và có ranh giới rất rõ với vùng da bên cạnh. Ban đầu, vảy thường khởi phát bằng những thương tổn vùng thượng bì ở da đầu. Khi giới hạn của các mảng chưa rõ ràng, bệnh thường dễ bị nhầm với chàm da mỡ, nấm da. Những thương tổn này thường có khuynh hướng lan ra phía trước, ở trán tạo thành hình móng ngựa. Những trường hợp nặng, những mảng đỏ có thể lan rộng khắp da đầu và xuất hiện vảy da. Tóc ở những vị trí đó vẫn mọc xuyên qua lớp vảy da bình thường. Tuy nhiên, khi cạo, gãi thì người bệnh vảy nến da đầu sẽ thấy những vảy bạc bong ra dễ dàng như gầu hoặc sáp nến. Phân biệt với một số tổn thương ở da đầu, chẳng hạn khi thương tổn là các dát đỏ lan tỏa nhưng không có vảy dày, trắng thường gọi là viêm da tiết bã nhờn, nếu chỉ có ít vảy da đơn thuần, không có đỏ da thì gọi là gàu. Vảy da nấm tóc cũng rất giống gàu hoặc viêm da tiết bã nhờn. Vì vậy, khi mắc, người bệnh cần đi khám ở bác sĩ chuyên khoa da liễu, nên xét nghiệm soi tươi và nuôi cấy tìm nấm để chẩn đoán phân biệt.

Vảy nến da đầu.

Vảy nến da đầu.

Lời khuyên của thầy thuốc

Về điều trị, tùy loại tổn thương và tùy mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị cụ thể. Để tránh bệnh vảy nến khởi phát, người bệnh cần lưu ý: Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày. Người bệnh nên ăn nhiều cá hồi, cá basa, cá trích, cá thu, cá mòi, mè đen, dầu đậu nành, cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, gấc, ngũ cốc, bông cải xanh, chuối, đậu Hà Lan, lúa mì, cải bắp... Tránh xa các đồ ăn và gia vị cay nóng, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, các loại thức uống có gas, bia rượu và các chất kích thích khác...

Luyện tập thể dục thể thao đều đặn, đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh lo lắng, stress giúp hạn chế được sự khởi phát đợt vảy nến mới. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là yếu tố cần thiết trong phòng ngừa bệnh vảy nến tái phát.

Từ khóa » Chứng Tróc Vảy Da đầu