Bệnh Viêm Cân Gan Chân

Giải phẫu cân gan chân Cân gan chân là một dải rộng mô liên kết xơ ở gan bàn chân, đi từ xương gót phía sau đến các ngón chân phía trước. Đó là một lá cân dày, chắc, màu trắng, gồm các sợi collagen chạy dọc theo bàn chân. Nó căng duỗi ra ở mỗi bước đi, giúp chống đỡ vòm bàn chân, chịu lực nhún khi chúng ta chạy nhảy, đi lại và bảo vệ gan bàn chân khỏi các chấn thương.

Cân gan chân bám vào mỏm trong của lồi củ xương gót, đi ra trước chia thành 5 dải riêng biệt nằm dưới các đầu xương đốt bàn chân và bám vào các đốt gần của các ngón chân. Riêng dải đi từ phần dày nhất của cân gan chân đến bám vào đốt xa của ngón cái. Lớp nông của gan chân dính chặt vào nếp da giữa gan bàn chân và các ngón, lớp sâu trải ra ôm lấy các gân gấp ngón ở phía trên tại các đốt gần.

Cân gan chân có thể chia ra làm 3 phần riêng biệt: phần trong, phần trung tâm và phần ngoài. Phần trung tâm dày và rộng nhất, chạy giữa hai phần kia mỏng hơn và không lồi bằng.

Cân gan chân và gân gót có các chỗ bám khác nhau trên xương gót, do đó, hai cấu trúc giải phẫu này không có tác động trực tiếp đến nhau. Tuy vậy, khi gấp các ngón về phía mu chân thì cũng sẽ gián tiếp làm cho gân gót căng duỗi. Mối liên quan này sẽ được sử dụng vào quá trình điều trị vật lý viêm cân gan chân.

Hoạt động cơ học của cân gan chân: cơ chế kéo tời Cơ chế kéo tời của bàn chân được thực hiện bởi một cấu trúc quan trọng và hoàn hảo là cân gan chân. Khi bạn nhấc lên bất cứ ngón chân nào của bàn chân đang chịu sức nặng của cơ thể, nhất là ngón chân cái, thì cân gan chân của bạn sẽ được kéo lên làm khởi động cơ chế kéo tời. Cơ chế này hoạt động trên tất cả các ngón, nhưng mạnh nhất là ở ngón cái. Ở bàn chân, cơ chế kéo tời bao gồm: (1) Cân gan chân – dây thừng, (2) Ngón chân cái và các ngón khác – các tay quay và (3) Đầu các xương đốt bàn chân – các trục quay. Điều này được mô tả lần đầu tiên bởi Hicks năm 1954.

Khi đứng, bàn chân giữ vai trò của một cái vòm chịu sức nặng của cơ thể. Trọng lượng cơ thể dồn nén xuống xương sên, là xương nằm ở đỉnh của vòm bàn chân. Trọng lượng cơ thể tạo nên lực đối kháng của mặt đất, lực này đi lên trên qua các xương đốt bàn chân ở phía trước và qua xương gót ở phía sau. Các xương bàn chân bị ép chặt giữa hai lực nói trên và cân gan chân hoạt động như một cái thừng cột giữa phần trước bàn chân với xương gót, đảm bảo cho vòm bàn chân không bị sụp.

Khi đi lại, cơ chế kéo tời của cân gan chân hoạt động khi gót chân nhấc lên khỏi mặt đất trong khi ngón cái vẫn nằm lại trên mặt đất làm gấp các khớp bàn - ngón về phía mu chân, kết quả là: hai đầu trước và sau của bàn chân được kéo tới gần nhau, các xương của bàn chân bó chặt vào nhau, vòm bàn chân được nâng cao và vững chắc hơn, khớp bàn - ngón chân cái cũng vững chắc hơn, bàn chân trở nên ổn định để hoạt động như một đòn bẩy khi đi lại.

Bệnh viêm cân gan chân Là một chứng bệnh rất phổ biến, ở Hoa Kỳ mỗi năm có gần 2 triệu người bị, thường thấy ở tuổi trung niên nhưng cũng có thể gặp ở người trẻ hơn. Bệnh thường gặp ở những người phải đi bộ nhiều, đứng lâu hoặc có thói quen ngồi chồm hổm, đi chân đất, đi dép đế quá cứng, mang giày và miếng lót giày không thích hợp, người béo phì hay quá cân, tập thể dục quá mức, các vận động viên… Một số trường hợp là do dị tật vòm gan chân quá cao, co rút cơ cẳng chân…

Triệu chứng đặc biệt là có một vùng đau nhói ở mặt dưới xương gót nơi cân gan chân bám vào xương gót, làm cho người bệnh khó đi lại bằng chân trần trên nền cứng. Bệnh có đặc điểm là đau nhiều về sáng và giảm nhẹ trong ngày. Đau nhiều về sáng khi ngủ dậy, do bàn chân suốt đêm ở tư thế gấp về phía gan chân làm cho cân gan chân ngắn lại. Trong những bước đi đầu tiên vào buổi sáng, cân căng duỗi ra gây đau. Khi cân bắt đầu bớt căng thì mức độ đau sẽ giảm, nhưng đau có thể trở lại sau khi vận động đi lại nhiều. Nhiều trường hợp người bệnh chỉ cần vận động đi lại một lát thì tự nhiên hết đau, cứ như là “bệnh giả vờ” vậy.

Viêm cân gan chân thường đi kèm với gai xương gót Viêm cân gan chân thường xuyên trong thời gian dài và chấn thương lặp đi lặp lại tại nơi cân bám vào xương gót tạo ra gai xương gót. Đó là một mẩu xương nhọn thường mọc ra từ phía dưới xương gót. Khoảng 70% số người viêm cân gan chân bị gai xương gót. Tuy nhiên, kết quả chụp X-quang cho thấy 50% số người bị gai xương gót không hề có triệu chứng đau của viêm cân gan chân. Như vậy, gai xương gót không phải là nguyên nhân gây đau trong bệnh viêm cân gan chân. Gai xương gót cũng có khi gặp ở mặt sau xương gót, thường kết hợp với viêm gân gót.

Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh sẽ trở thành mạn tính, kéo dài dai dẳng nhiều tháng năm, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Điều trị viêm cân gan chân và gai xương gót Các phương pháp điều trị cơ bản bao gồm: thay đổi thói quen đi đứng, luôn đi giày khi xuống giường ngay cả khi chỉ đi vào nhà vệ sinh, chườm đá tại chỗ, dùng thuốc giảm đau chống viêm dạng uống hoặc tiêm cortisone tại chỗ, mang nẹp chỉnh hình và tập vật lý trị liệu.

Các phương tiện chỉnh hình hay các miếng lót giày được sử dụng để khi đi không đè ép lên các gai ở mặt dưới xương gót. Tương tự, tập chạy với mang giày có đệm mềm ở đế cũng có ích, làm giảm kích thích các mô viêm ở cân gan chân.

Tập căng duỗi và xoa bóp gan chân lúc sáng sớm ngủ dậy trước khi bước chân xuống giường là rất có ích. Tuy nhiên, giữ cho cân căng duỗi suốt đêm bằng cách mang nẹp khi ngủ cũng rất có tác dụng, nó giúp giảm nhẹ hay loại trừ hoàn toàn tình trạng đi lại đau đớn ban ngày. Tư thế bất động: bàn chân gấp 900 về phía mu chân làm duỗi nhẹ cân gan chân, gân gót và các cơ bắp chân. Có hai loại nẹp mang ban đêm, đặt về phía mu chân hay phía gan chân.

Các bài tập nhằm kéo duỗi và tăng cường sức mạnh cho cân và dây chằng, tăng sức chống đỡ cho vòm bàn chân và giảm lực tải cho cân và dây chằng. Có hai chương trình tập mà bạn cần biết và thử xem bài tập nào thích hợp và tốt hơn cho bạn:

(1) bài tập kéo duỗi cân gan chân không chịu sức nặng, tập trong 8 tuần và (2) bài tập chuẩn mực kéo duỗi gân gót có chịu sức nặng.

Bài tập căng duỗi cân gan chân: Người bệnh ngồi, gác chân đau lên chân kia. Các ngón tay ôm ngang qua nền các ngón chân và kéo các ngón chân về phía cẳng chân cho đến khi cảm thấy căng ở vòm hay cân gan chân. Người bệnh cảm nhận được sức căng khi sờ nắn thấy căng ở cân gan chân. Bài tập căng duỗi gân gót: Người bệnh đặt miếng lót giày xuống dưới bàn chân đau, để chân đau ra phía sau chân lành, hướng các ngón bàn chân đau về phía gót của bàn chân trước, hai tay vịn vào tường, hạ thấp đầu gối trước, giữ thẳng đầu gối sau và gót dán chặt lên nền nhà.

Cần lưu ý là bệnh viêm cân gan chân cho dù điều trị đúng phương pháp thì cũng thường lâu hết, có khi phải mất nhiều tháng cho đến nhiều năm trời. Tuy nhiên, đa số trường hợp có thể điều trị khỏi với các phương pháp nói trên.

Khoảng 10% người bệnh có chỉ định phẫu thuật khi mà các phương pháp điều trị bảo tồn không mổ trở nên không hiệu quả và khi bệnh đã kéo dài ít nhất trên 6 tháng. Do gai xương gót không phải là nguyên nhân gây bệnh nên thường không có chỉ định mổ lấy bỏ gai này. Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất là cắt một bên cân gan chân, để loại trừ sức căng và viêm của cân gan chân. Phẫu thuật này tương đối đơn giản và ít biến chứng, có thể mổ mở hoặc mổ nội soi.

Phòng bệnh Thay đổi thói quen đi đứng để phòng bệnh: Để điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát, người bị bệnh viêm cân gan chân cần phải thay đổi các thói quen đi đứng hàng ngày. Không nên: đi chân đất, đứng lâu, ngồi chồm hổm, đi bộ đường xa. Nên: đi giày dép đế mềm, phẳng, giảm cân nặng ở người thừa cân hoặc béo phì, thường xuyên tập thể dục thể thao hợp lý để tăng cường sự dẻo dai của bàn chân và cân gan chân.

ThS BS Nguyễn Đức Thành

Từ khóa » Giải Phẫu Gân Gan Bàn Chân