Bệnh Viêm Xoang Sàng: Tổng Quan Về Bệnh Và điều Trị

Bệnh viêm xoang sàng: Tổng quan về bệnh và điều trị

Bệnh viêm xoang sàng: Tổng quan về bệnh và điều trị

Đặt lịch

Khi bị viêm xoang sàng, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như đau ở đỉnh đầu và sau gáy, sổ mũi, đau họng… Nếu không điều trị sớm hay đúng phương pháp, bệnh có thể gây biến chứng lên đường hô hấp, mắt, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

I. Viêm xoang sàng là gì?

Xoang là khoang rỗng nằm ở cạnh mũi, chứa đầy không khí. Một người trưởng thành có đầy đủ 5 đôi xoang, bao gồm: xoang hàm, xoang trán, xoang sàng trước, xoang bướm, xoang sàng sau.

Giống như các xoang khác, xoang sàng (nằm dưới trán, giữa hai mắt và trên hốc mũi) có nhiệm vụ chính là giảm trọng lượng của hộp sọ, đồng thời tạo sự khác biệt trong giọng nói. Bên cạnh đó, xoang còn có tác dụng tiết chất dịch làm ấm, ẩm, sạch không khí bên trong.

Viêm xoang sàng là tình trạng xoang sàng bị sưng, viêm gây bít tắc lỗ thông xoang, hình thành nên triệu chứng khó chịu. Nhiễm trùng đường hô hấp trên hay viêm mũi dị ứng là những tác nhân phổ biến gây viêm xoang sàng. Chính vì vậy, bệnh viêm xoang sàng còn có tên gọi khác là viêm mũi xoang.

Bệnh viêm xoang sàng
Viêm xoang sàng là tình trạng xoang sàng bị sưng, viêm gây bít tắc lỗ thông xoang.

Viêm xoang sàng được chia thành hai dạng chính:

  • Viêm xoang sàng trước: Dịch nhầy đọng ở mũi gây đau nhức hốc mũi.
  • Viêm xoang sàng sau: Dịch nhầy vướng ở họng, gây đau vùng đỉnh đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh thị giác.

Xem thêm: 7 cách trị viêm xoang sàng tại nhà đơn giản, hiệu quả

II. Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang sàng

Nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm xoang sàng là do sự tấn công của vi khuẩn, vi rút… hay do sự bất thường trong cấu trúc xoang mũi. Một số tác nhân gây bệnh thường gặp là:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Cảm lạnh thông thường
  • Viêm mũi dị ứng
  • Vẹo vách ngăn mũi
  • Polyp mũi
  • Nhiễm trùng răng
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Dị vật ở trong mũi
  • Chấn thương mũi và mặt
  • Viêm amidan

III. Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm xoang sàng

Xoang sàng nằm ở gần mắt nên các triệu chứng bệnh thường liên quan đến mắt nhiều hơn so với những loại viêm xoang khác. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm xoang sàng mà bất kỳ người bệnh nào cũng gặp phải đó là đau giữa mắt, đau hơn khi chạm vào sống mũi.

triệu chứng bệnh viêm xoang sàng
Đau giữa mắt, sống mũi là triệu chứng mà hầu như người bị viêm xoang sàng nào cũng gặp phải.

Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Sưng mặt
  • Sổ mũi kéo dài hơn 10 ngày
  • Dịch mũi tiết nhiều
  • Đau đỉnh đầu và sau gáy
  • Dịch mũi chảy xuống họng
  • Viêm họng
  • Giảm khứu giác và vị giác
  • Mệt mỏi, người khó chịu
  • Sốt
  • Đau tai hoặc giảm thính lực nhẹ
  • Hôi miệng
  • Ho

Ngoài ra, các xoang thông với nhau, đặc biệt là xoang sàng trước và xoang hàm có dịch dẫn lưu sang xoang sàng sau. Việc xoang sàng sau bị bít tắc có thể khiến cho ổ viêm nhiễm dễ dàng lây lan sang những xoang lân cận.

IV. Làm thế nào để chẩn đoán được bệnh viêm xoang sàng?

Thông thường, bệnh viêm xoang sàng có thể được chẩn đoán dựa trên triệu chứng được biểu hiện ở xoang mũi. Bác sĩ sẽ dùng ống soi tai chuyên dụng đưa vào mũi và tai để tìm dấu hiệu nhiễm trùng xoang.

Nếu nhận thấy dịch mũi xuất tiết nhiều, bác sĩ sẽ dùng tăm bông lấy mẫu kiểm tra xem có vi khuẩn hay không. Hoặc, bạn cũng có thể được chỉ định xét nghiệm máu để xác định vi rút có tồn tại trong cơ thể.

Một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm của xoang sàng sau. Chụp Xquang có thể giúp bạn xác định được vấn đề ở xoang mũi. Thông thường các xoang chỉ chứa đầy không khí. Nếu như xoang khỏe mạnh, hình ảnh X-quang trả về sẽ có màu đen. Nhưng nếu như trong hình ảnh X-quang có mày xám hoặc trắng, điều này báo hiệu xoang mũi của bạn gặp vấn đề, có thể là do bị viêm hoặc có chất tích tụ trong xoang.

Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định chụp CT. So với X-quang, hình ảnh CT cho phép bác sĩ thấy được mức độ viêm nhiễm cũng như tình trạng tắc nghẽn xoang rõ ràng và chính xác hơn.

Ngoài ra bác sĩ cũng có thể sử dụng thiết bị nội soi có gắn camara để quan sát và theo dõi mức độ tắc nghẽn trong xoang, từ đó đưa ra chẩn đoán.

V. Điều trị bệnh viêm xoang sàng như thế nào?

Có nhiều cách tiếp cận cũng như điều trị bệnh viêm xoang khác nhau: điều trị tại nhà, dùng thuốc hay phẫu thuật trong trường hợp bệnh chuyển biến nghiêm trọng.

# Biện pháp khắc phục viêm xoang sàng tại nhà

Người bệnh có thể áp dụng một số giải pháp khắc phục bệnh viêm xoang mũi ngay tại nhà để làm sạch mũi xoang, đồng thời giảm thiểu cảm giác đau nhức, khó chịu cho người bệnh.

  • Dùng khăn ấm đắp lên mặt, hít hơi nóng vòi hoa sen, xông hơi…
  • Kê cao gối khi ngủ để chất dịch trong xoang mũi được dẫn lưu dễ dàng hơn.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày.
  • Rửa xoang mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày để làm sạch mũi, xoang.

# Điều trị không kê đơn

Một số thuốc giảm đau không kê đơn acetaminophen, ibuprofen và aspirin có thể làm giảm bớt triệu chứng khó chịu của bệnh viêm xoang nên được dùng để điều trị bệnh phổ biến. Ngoài ra, một số thuốc xịt mũi Steroid như flnomasone (Flonase) cũng là giải pháp khắc phục chứng sổ mũi ngắn hạn nhưng hiệu quả.

Theo các chuyên gia trường Johns Hopkins, phương pháp dùng thuốc thông mũi, thuốc kháng Histamin không làm giảm triệu chứng bệnh viêm xoang sàng hiệu quả. Một số thuốc kháng Histamine có thể khiến cho chất nhầy trong mũi xuất tiết nhiều hơn, gây ứ đọng, bít tắc lỗ thông xoang, khiến bệnh viêm xoang ngày chuyển biến nghiêm trọng hơn.

# Điều trị theo toa

Nếu nguyên nhân gây viêm xoang sàng sau là do nhiễm khuẩn, người bệnh có thể được chỉ định một số loại thuốc kháng sinh như amoxicillin , azithromycin (Zithromax), Augmentin hoặc Erythromycin để điều trị.

# Phẫu thuật viêm xoang sàng

Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi điều trị nội khoa không đạt được kết quả khả quan. Phẫu thuật viêm xoang sàng giúp loại bỏ mô bị tổn thương, sửa chữa những bất thường của cấu trúc xoang mũi như polyp mũi, vẹo vách ngăn mũi.

VI. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm xoang hiệu quả

Giữ cho xoang mũi thông thoáng là biện pháp duy nhất giúp người bệnh tránh xa được bệnh viêm xoang và viêm mũi dị ứng. Để phòng viêm xoang hiệu quả, cần áp dụng những biện pháp sau:

  • Rửa mũi sạch sẽ
  • Sử dụng máy tạo ẩm để giữ ẩm cho mũi, nhất là trong những ngày trời trở lạnh.
  • Hạn chế xì mũi, chỉ xì mũi nhẹ trong khi cần thiết.
  • Tránh dùng thuốc kháng Histamine trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể.
  • Tránh lạm dụng dược phẩm thông mũi

Trên đây là một số thông tin tổng quan về bệnh viêm xoang sàng. Viêm xoang sàng mặc dù gây một số triệu chứng khó chịu, song bệnh có thể điều trị và phòng ngừa. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn thêm thông tin chi tiết.

ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Có thể bạn quan tâm

  • Top 7+ thuốc xịt mũi trị viêm xoang tốt nhất và cách sử dụng
  • 10 cách chữa viêm xoang bằng thuốc Nam, cây cỏ quanh nhà

Từ khóa » Các Triệu Chứng Bệnh Viêm Xoang Sàng