Bệnh Viện Dã Chiến Củ Chi: Những Ngày Không Quên - PLO

Những ngày này, không khí TP.HCM đang ngột ngạt, oi bức do thời tiết nắng nóng. Mất 2 tiếng chạy xe máy từ Trung tâm TP.HCM, chúng tôi mới đến được Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, một trong những nơi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 của TP.HCM.

Nhớ những ngày đầu, bệnh viện dã chiến Củ Chi luôn tấp nập người ra vào chuẩn bị thiết bị máy móc, tu sửa cơ sở vật chất để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và người cách ly.

Giờ đây các khu cách ly và điều trị đều vắng hoe do số người mắc bệnh và được cách ly đã về gần hết. Giữa khuôn viên của bệnh viện, cây phượng đỏ đã thắm sắc tự khi nào, cánh phượng rụng đầy gốc. Thỉnh thoảng, dàn đồng ca ve sầu lại cất lên râm ran, cộng hưởng thêm cho cái nóngnực ngày hè.

Tại khu hành chính, các bác sĩ, điều dưỡng đang tập trung với công việc của mình. Trên dãy bàn đơn sơ, những đôi mắt dán vào màn hình, tiếng lóc cóc gõ bàn phím lâu lâu lại bị tiếng ve át đi. Một bác sĩ khác đang chăm chú xem từng hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.

Ở một góc bàn khác, chúng tôi thấy một số quà tặng, cuốn sổ nhật ký xinh xắn, hình ảnh kỷ niệm trong khu cách ly được đóng khung trang trọng.

BS Trần Nguyễn Hoàng Tú, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV dã chiến Củ Chi cho chúng tôi hay đó là nhắn gửi của các bệnh nhân và người được cách ly trước khi ra về.

Chữ viết không bày tỏ hết tình cảm, một nhóm 4 bạn trẻ được xuất viện đầu tiên ở BV dã chiến còn sáng tạo vẽ lại nhật ký sinh hoạt của chính mình và tương tác với các nhân viên khi được điều trị tại nơi đây.

BS Tú nhớ lại những ngày đầu BV hoạt động đúng với tên gọi “dã chiến”, nhân sự và cơ sở vật chất đều thiếu thốn, tạm bợ. Ban đầu, một căn phòng chỉ rộng 20m2 là nơi làm việc của 20 người. Chỗ ngủ còn eo hẹp hơn khi chỉ có 10m2 không giường chiếu, phải ngủ dưới đất. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, nhất là trong tháng 3, khi BV chưa đi vào ổn định, giấc ngủ thường là xa xỉ bởi các nhân viên hầu như phải thức trắng đêm để lo việc.

Theo BS Tú, BV dã chiến Củ Chi chịu trách nhiệm điều trị các bệnh nhân COVID-19 đa phần là nhẹ, có ít triệu chứng như ho, sốt. Những trường hợp nặng đòi hỏi chăm sóc bởi phương tiện kỹ thuật tốt hơn sẽ được chuyển vào BV Bệnh Nhiệt đới TP để điều trị tiếp. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa BV dã chiến Củ Chi bớt gánh lo. BV còn phải chăm sóc sức khỏe an toàn cho người ở trong khu cách ly. Có những thời điểm khu cách ly đón cả 100 người, kíp làm việc phải thức trắng đêm để lo lắng chỗ ở, chú ý sức khỏe cho họ.

Có những tình huống không lường trước được đã xảy ra khi một bệnh nhân mắc COVID-19 có bệnh lý nền đái tháo đường chủ quan, nghĩ mình vẫn khỏe mạnh và không hề uống thuốc kiểm soát đường huyết, kết quả xét nghiệm rất xấu. Trong đêm, bác sĩ phải tức tốc chỉnh lại chế độ ăn uống phù hợp cho người bệnh và thuyết phục người bệnh hợp tác. “Tuy nhiên, vừa quay đi thì bệnh nhân này đã ăn thêm một hộp cơm của bệnh nhân khác đưa cho và ăn một lần hai hộp cơm. Ngay sau khi ăn, đường huyết ông ấy tăng vọt lên đến 600 (mg/dl) và phải cấp cứu, xài đến thuốc chích mới kiểm soát được chỉ số đường huyết. Ở đây, chúng tôi không thể nào ở bên bệnh nhân suốt 24/24 giờ được”, BS Tú kể. Và nhờ biến cố này, người bệnh hiểu ra và tích cực hợp tác.
Trong số người cách ly ở BV dã chiến Củ Chi có cả thai phụ. Thai phụ này là một trong những người được tiếp nhận đầu tiên ở BV do có di chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Trong khu cách ly, bệnh nhân có dấu hiệu dọa xảy thai, ngay lập tức BV phải hội chẩn chuyên khoa sản của BV đa khoa Củ Chi và BV này đều đặn cử người đến theo dõi sức khỏe sát sao cho thai phụ cho đến khi đủ thời gian cách ly, ra về an toàn.

Ngoài ra, có một trường hợp có bệnh lý nền tim mạch, tăng huyết áp, suy tim độ 3, 4, từng đặt máy tạo nhịp, bị rung nhĩ. Trong đêm, bệnh nhân đột nhiên lên cơn phù phổi cấp vào lúc 23 giờ 30 phút. Trong tua trực lúc này, các bác sĩ phải gấp rút hội chẩn các chuyên khoa tim mạch, hồi sức qua điện thoại để xử lý hạ huyết áp, giúp cải thiện tình trạng suy hô hấp cho bệnh nhân. Qua sáng hôm sau, bệnh nhân đủ ngày cách ly và có kết quả xét nghiệm âm tính nên BV dã chiến Củ Chi đã chuyển bệnh nhân qua BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.

BS Tú chia sẻ, trải qua những tháng ngày chống dịch gian nan, điều quý giá nhất bản thân mình và nhân viên của BV dã chiến Củ Chi là tình cảm quý mến của người dân và các bệnh nhân, người được cách ly.

Nhờ được sự tài trợ của các mạnh thường quân, cuộc sống sinh hoạt vật chất và tinh thần của các nhân viên dần ổn định. Người dân ở xung quanh khu vực thỉnh thoảng lại vào tận nơi tài trợ cho nhân viên những món quà quê như bịch bắp, rổ khoai mì hấp nước dừa thơm lừng.

Để phòng ngừa khả năng lây nhiễm bệnh và lây nhiễm chéo, nhân viên ở BV Dã chiến Củ Chi ngoài thời gian thăm khám, lấy mạch huyết áp nhiệt độ của người bệnh, các bác sĩ phải liên tục trả lời thắc mắc qua điện thoại, viber, zalo với các bệnh nhân.

Tình nguyện viên khai thác thông tin dịch tễ từ người bệnh và người ở khu cách ly của BV, anh Lâm Vanda, thực tập tại BV Nhân dân Gia Định chia sẻ trường hợp một phụ nữ người Ai-len bị đau bụng cấp tính sau khi ăn món ăn Việt Nam. Để loại trừ các nguyên nhân khác như viêm ruột thừa, các xét nghiệm lấy máu, siêu âm bụng cần thiết phải được thực hiện. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc này, người phụ nữ ban đầu đặt nhiều thắc mắc và lo lắng. BS Lâm Vanda phải liên tục gọi điện thoại giải thích, thuyết phục người bệnh hợp tác.

“Người nước ngoài chủ yếu gặp khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, món ăn không hợp khẩu vị là chính nên mình phải thường xuyên trấn an cho họ an tâm, thoải mái. Có nhiều đợt bệnh nhân, mình phải cố gắng liên hệ với đơn vị cung cấp thức ăn để cung cấp theo yêu cầu của họ. Tuy nhiên cũng có một số món ăn không thể có”, BS nội trú Võ Thanh Lâm của BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM Lâm kể lại thời gian trực chiến tại BV Dã chiến Củ Chi.
Việc không tên còn là khi ra về, không ít người bệnh hoang mang không biết phải làm gì tiếp theo. BS Lâm kể một trường hợp du học sinh sau khi ra về tiếp tục cách ly tại nơi lưu trú bị chủ nhà trọ không đồng ý. Sau khi chia sẻ với BS Lâm, may mắn du học sinh đã thuyết phục được chủ nhà trọ chấp nhận cho em tiếp tục ở.
Mặc dù có nhiều năm tiếp xúc nhiều ca mắc bệnh truyền nhiễm tại BV Bệnh Nhiệt đới, chị Lê Thị Thu Hương, được phân công làm Trưởng phòng điều dưỡng BV dã chiến Củ Chi chia sẻ tinh thần làm việc là luôn nghĩ ca nào cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh nên phải cố gắng đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Theo chị Hương, ở BV Dã chiến không chỉ có đội ngũ bác sĩ điều dưỡng mà còn nhiều chiến sĩ áo xanh tình nguyện, không có chuyên môn và chưa quen với công việc nên phải theo sát và hướng dẫn rất vất vả với mục tiêu làm sao đảm bảo an toàn cho tất cả.

Theo chị Hương, trong số các bác sĩ, điều dưỡng được tăng cường lên BV dã chiến Củ Chi công tác, có một số bạn lo lắng khi đối mặt nguy cơ lây nhiễm bệnh và sự kỳ thị. Chị Hương nhiều lần chia sẻ, trấn an các bạn tập trung làm cho tốt công việc thì không có gì phải lo sợ cả. “Tôi luôn nói với các bạn bản thân mình phải hiểu nếu mình làm không tốt thì nguy cơ lây cho người khác càng cao hơn. Chỉ cần một cán bộ y tế bị lây nhiễm bệnh do quản lý không chặt chẽ thì cả BV cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhất là những người làm công tác quản lý, lãnh đạo của BV cũng không kém áp lực, nỗi lo đi cả vào trong giấc mơ”, chị Hương nói.

Chị Hương trải lòng tâm niệm khi làm nghề của chị: “Tôi không mong muốn được khen thưởng mà chỉ mong mình hoàn thành tốt được nhiệm vụ, đạt được mong muốn mà không xảy ra sự cố, mọi người đều an toàn mới là thành công”.

Chị Hương chia sẻ thực tế BV vẫn còn đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và một số bệnh nhân tái dương tính nên tinh thần của chị và các đồng nghiệp vẫn luôn luôn cảnh giác. Mỗi sáng chị vẫn đi lòng vòng kiểm tra các phòng ốc và làm công việc như hai tháng qua mình đã làm với tinh thần sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mới.

Còn đối với BS Nguyễn Thị Cẩm Vân, tình nguyện viên từ Khoa y học Cổ truyền Phục hồi chức năng BV Đa khoa huyện Củ chi và điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Trang, tình nguyện viên Khoa Sản BV Đa khoa huyện Củ Chi, niềm vui lớn nhất đối với chị là mong bệnh nhân được ra viện và không bao giờ gặp lại.

Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân phải quay trở lại do tái dương tính với virus khiến hai chị cũng buồn lây với bệnh nhân. Một ca bệnh ở lâu nhất lên đến một tháng là du học sinh người Pháp, ngày nào cũng mong muốn kết quả xét nghiệm âm tính để mau chóng trở về. Vừa qua, BV mua bánh kem và tổ chức sinh nhật 21 tuổi cho một bệnh nhân tái dương đang nằm viện. Cả bệnh nhân và nhân viên đều xúc động, nhân viên BV vừa là người thân vừa là thầy thuốc.

TP.HCM hiện chỉ còn 2 BV gồm Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Sắp tới, khi tình hình dịch bệnh ổn định, không còn người mắc bệnh mới, BV Dã chiến Củ Chi có lẽ sẽ kết thúc sứ mệnh như BV điều trị COVID-19 Cần Giờ. Nhưng đối với những người nhận nhiệm vụ và tình nguyện làm việc nơi đây, những ngày tháng chống dịch và đồng hành cùng người bệnh, người ở trong khu cách ly chắc hẳn sẽ là những kỷ niệm đẹp mà mỗi người sẽ mang theo trong suốt cuộc đời. Bệnh viện dã chiến Củ Chi: Những ngày không quên ảnh 15 Nội dung: HOÀNG LAN/NGUYỄN TÂN - Đồ họa: HOÀNG QUYÊN Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » địa Chỉ Bệnh Viện Dã Chiến Củ Chi ở đâu