Bệnh Whitmore: Triệu Chứng Và Biện Pháp điều Trị Hiệu Quả | Medlatec

1. Bệnh Whitmore và cách thức lây nhiễm

Bệnh Whitmore là bệnh nhiễm khuẩn cực kì nguy hiểm, do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này tồn tại trong đất và nước bị ô nhiễm, có thể gây bệnh cho người và động vật. Đây là bệnh lý nguy hiểm với tỉ lệ tử vong lên tới 40%, biến chứng bệnh nặng và có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không điều trị kịp thời.

Bệnh Whitmore gây ra bởi vi khuẩn ăn thịt người

Whitmore gây ra bởi vi khuẩn ăn thịt người

Con đường lây nhiễm phổ biến nhất là thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước và đất bị ô nhiễm khi có vết thương hở qua da. Ngoài ra, việc hít phải các giọt nước hoặc hạt bụi chứa vi khuẩn, uống nguồn nước bị ô nhiễm cũng khiến con người và động vật bị Whitmore. Trường hợp Whitmore lây từ người sang người là rất hiếm.

Hiện nay Y học vẫn chưa tìm ra loại vắc xin để ngăn ngừa vi khuẩn Whitmore nên chúng ta cần hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn bằng cách:

- Tránh để vết thương hở tiếp xúc với nước và đất ô nhiễm.

- Nếu phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường đất và nước, đặc biệt là môi trường ô nhiễm phải mang găng tay, ủng không thấm nước. Vệ sinh dụng cụ bảo vệ thường xuyên.

- Luôn uống các sản phẩm sữa đã được tiệt trùng.

 Khuẩn Whitmore lây nhiễm qua tiếp xúc với đất bị ô nhiễm

Khuẩn Whitmore lây nhiễm qua tiếp xúc với đất bị ô nhiễm

Ngoài ra, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn Whitmore được tìm ra gồm: Bệnh lao, suy giảm miễn dịch, suy tim, bệnh thấp khớp, dùng thuốc ức chế miễn dịch,…

2. Triệu chứng bệnh Whitmore

Có nhiều loại melioidosis gây bệnh Whitmore và gây các triệu chứng khác nhau.

2.1. Nhiễm trùng cục bộ

Tại vị trí bị nhiễm khuẩn sẽ xuất hiện nhiễm trùng cục bộ trên da với tình trạng: sưng, loét, đau cục bộ, áp xe, sốt và đau cơ,…

2.2. Nhiễm trùng phổi

Triệu chứng nhiễm khuẩn ăn thịt người phổ biến và đặc trưng là tình trạng nhiễm trùng phổi. Tùy vào mức độ nhiễm trùng mà triệu chứng sẽ nhẹ hoặc nặng, trải dài từ viêm phế quản nhẹ cho đến viêm phổi nặng. Kèm theo đó, bệnh nhân cũng có thể bị sốt, khó thở, ho, chán ăn, nhức đầu, đau ngực, đau nhức cơ,…

2.3. Nhiễm trùng máu

Tình trạng nhiễm trùng máu thường không khởi phát ngay khi nhiễm khuẩn Whitmore mà do nhiễm trùng tiến triển. Nhiễm trùng máu khá phổ biến, là nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân nếu không được điều trị nhanh chóng và tích cực.

Triệu chứng này gây ra tình trạng: sốt cao kèm với run người, đổ mồ hôi, đau đầu, đau bụng trên, tiêu chảy, đau khớp và đau cơ, mất phương hướng, xuất hiện viêm loét có mủ trên da hoặc trong cơ quan nội tạng, gặp vấn đề về hô hấp như khó thở,…

Biến chứng nhiễm khuẩn Whitmore có thể gây tử vong

Biến chứng nhiễm khuẩn Whitmore có thể gây tử vong

2.4. Nhiễm trùng lan tỏa

Vi khuẩn Whitmore lây từ da vào máu, lan tỏa đi khắp các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng đến não, gan, thận, tim, khớp và mắt. Triệu chứng lúc này người bệnh gặp phải như: đau dạ dày, sốt, giảm cân, đau cơ hoặc khớp, co giật,…

Khoảng thời gian tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh và xuất hiện các triệu chứng bệnh không được xác định rõ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể gây tử vong nhanh chóng trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh, điều này khiến cộng đồng lo lắng.

Điều khó khăn là việc chẩn đoán bệnh Whitmore thường sai và chậm do triệu chứng bệnh dễ gây nhầm lẫn, hơn nữa nhận thức của người dân về căn bệnh này chưa đúng, dẫn tới hoang mang và hiểu lầm về bệnh.

3. Chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore

Nguyên nhân dẫn đến người mắc bệnh lý này có tỷ lệ tử vong cao chủ yếu do việc phát hiện chậm trễ. Việc chẩn đoán sớm, điều trị tích cực hoàn toàn có thể giúp người bệnh chống lại căn bệnh này.

3.1. Chẩn đoán bệnh

Vi khuẩn Whitmore gây ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan nội tạng và triệu chứng bệnh dễ gây nhầm lẫn. Vì thế gây khó khăn cho việc chẩn đoán, không tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh, khiến nhiều bệnh nhân tử vong hoặc biến chứng nặng.

Mô được nuôi cấy để xác định vi khuẩn Whitmore

Mô được nuôi cấy để xác định vi khuẩn Whitmore

Việc chẩn đoán bệnh lý này hiện nay dựa trên xét nghiệm tiêu chuẩn với mẫu nuôi cấy vi khuẩn B. pseudomallei. Cụ thể, bác sĩ sẽ lấy một vài mẫu mô hoặc dịch cơ thể (thường là mủ, đờm, máu, dịch bao hoạt dịch, nước tiểu, dịch màng bụng, dịch màng tim,…) để nuôi cấy trong môi trường thích hợp.

Nếu sau thời gian nuôi cấy thấy sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh Whitmore nghĩa là bệnh nhân đã mắc bệnh. Việc chẩn đoán cần tìm ra chủng vi khuẩn chính xác gây bệnh, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

3.2. Điều trị Whitmore

Là bệnh nhiễm khuẩn nên việc điều trị hiện nay chủ yếu bằng kháng sinh kết hợp từ 10 - 14 ngày, các trường hợp bệnh nặng hơn có thể điều trị trong thời gian dài hơn.

Có hai loại kháng sinh thường dùng gồm:

- Meropenem: thuốc kháng sinh sử dụng mỗi 8 giờ.

- Ceftazidime: thuốc kháng sinh sử dụng mỗi 6 - 8 giờ.

Ngoài ra tùy theo nuôi cấy vi khuẩn BS có thể sử dụng kháng sinh khác thích hợp.

Giai đoạn đầu, bệnh nhân được điều trị kháng sinh qua đường tiêm tĩnh mạch, khi bệnh đã được kiểm soát sẽ tiến hành điều trị giai đoạn 2 kéo dài từ 3 - 6 tháng. Lúc này vẫn dùng kháng sinh điều trị nhưng qua đường uống, gồm:

 Điều trị Whitmore chủ yếu bằng kháng sinh

Điều trị Whitmore chủ yếu bằng kháng sinh

- Doxycycline: thuốc kháng sinh uống mỗi 12 giờ.

- Sulfamethoxazole-trimethoprim: thuốc kháng sinh uống mỗi 12 giờ.

Nếu điều trị tích cực và hoàn thành đúng chu kỳ dùng kháng sinh điều trị Whitmore theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân có thể điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này.

Bệnh nhân nếu phát hiện bệnh muộn, đặc biệt khi đã xảy ra nhiễm trùng huyết ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng thì điều trị bằng phương pháp kháng sinh có thể không hiệu quả. Bệnh nhân cũng có nguy cơ tử vong cao hơn nếu ở khu vực có điều kiện y tế thấp. Vì thế nếu du lịch hoặc làm việc ở khu vực có nguy cơ, bạn nên chủ động phòng ngừa, bảo vệ cơ thể để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Từ khóa » Vi Khuẩn Gây Whitmore