Bệnh Wilson - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Ảnh hưởng của bệnh Wilson đến các bộ phận cơ thể. Ảnh: jumpic.com
Bệnh Wilson là bệnh di truyền gây tích tụ quá nhiều đồng trong cơ thể. Đây là rối loạn di truyền hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1 trên 30.000 người. Bệnh được đặt tên sau khi bác sĩ Samuel Wilson tìm ra đầu tiên năm 1912.
Nếu bệnh nhân thừa hưởng lỗi di truyền liên quan đến gen bệnh trong bệnh Wilson, cơ thể sẽ không thải đồng ra được. Đồng là một nhân tố vi lượng, có trong nhiều loại thực phẩm. Cơ thể con người chỉ cần một lượng đồng rất nhỏ để duy trì sức khỏe. Bình thường, đồng dư thừa sẽ được thải trừ khỏi cơ thể. Bệnh nhân Wilson không thể thải đồng dư thừa ra khỏi cơ thể, dẫn đến tích tụ đồng, chủ yếu ở gan, não, giác mạc (màng bao quanh trước mắt) và thận.
Tế bào gan ứ đọng quá nhiều đồng sẽ dẫn đến độc cho gan. Tổn thương nhu mô não chủ yếu ở nhân đậu (còn gọi là nhân bèo - lenticular nucleus). Vì vậy, bệnh Wilson còn được gọi là thoái hóa gan - nhân đậu.
Nguyên nhân gây ra bệnh Wilson?
Trong bệnh Wilson, một phần gen nằm trên nhiễm sắc thể số 13 không hoạt động, gọi là ATP7B. Gen kiểm soát việc thải đồng của tế bào gan. Bình thường, tế bào gan thải đồng vào mật. Tuy nhiên, đồng sẽ tích tụ trong tế bào gan nếu quá trình này không hoạt động. Khi lượng đồng trong gan vượt quá ngưỡng nhất định, đồng sẽ tràn vào máu và lắng đọng ở các cơ quan khác của cơ thể, chủ yếu ở não.
Bệnh Wilson di truyền như thế nào?
Bệnh Wilson là bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể thường. Điều này có nghĩa là trong bệnh Wilson, cơ thể phải nhận 2 gen ATP7B bất thường: 1 từ cha và 1 từ mẹ.
Nếu cơ thể chỉ nhận 1 gen bất thường, gọi là người lành mang bệnh. Những người lành mang bệnh không biểu hiện triệu chứng vì họ có 1 gen bình thường đủ để kiểm soát chức năng gan. Tuy nhiên, người lành mang bệnh có thể truyền lại gen bất thường này cho con cái. Khoảng 1 trong 100 người là người lành mang bệnh của gen ATP7B. Khi 2 người lành cùng mang gen bệnh có con, các trường hợp có thể gặp là:
- Khả năng đứa trẻ mắc bệnh Wilson là 1/4 (do nhận 2 gen ATP7B bất thường từ cả cha và mẹ).
- Khả năng đứa trẻ không mắc bệnh Wilson, nhưng sẽ là người lành mang bệnh là 2/4 (do nhận 1 gen ATP7B bất thường từ cha hoặc mẹ và 1 gen bình thường từ người còn lại).
- Khả năng đứa trẻ không mắc bệnh Wilson và cũng không là người lành mang bệnh là 1/4 (do nhận 2 gen bình thường từ cha mẹ).
Triệu chứng bệnh Wilson là gì?
Mặc dù gen bệnh đã có từ lúc mới sinh, nhưng cần nhiều năm để đồng tích tụ trong cơ thể đủ gây bệnh. Triệu chứng thường khởi phát ở độ tuổi 6 - 20, thường gặp ở trẻ thiếu niên. Tuy nhiên, triệu chứng có thể khởi phát ở tuổi trung niên.
Tổn thương gan
Biểu hiện đầu tiên thường là ở gan, gây nên viêm gan, biểu hiện bằng vàng da, đau bụng, nôn ói. Nếu không điều trị, có thể dẫn đến xơ gan và cuối cùng tiến triển thành suy gan và xơ gan nặng. (Lưu ý rằng, có rất nhiều nguyên nhân gây xơ gan, và bệnh Wilson chỉ là một nguyên nhân rất hiếm gặp gây xơ gan).
Tổn thương não
Đồng lắng đọng ở não gây ra nhiều triệu chứng khác nhau:
- Triệu chứng cơ thể: Run tay bất thường, chậm vận động, khó nói, khó viết, khó nuốt, đi không vững, đau đầu, co giật.
- Triệu chứng tâm thần: Trầm cảm, tính tình thay đổi, không thể tập trung, dễ cáu gắt hoặc xúc động.
- Nếu không điều trị, tích tụ đồng trong não sẽ dẫn đến yếu cơ, cứng cơ và sa sút trí tuệ nặng.
Các tổn thương khác
Đồng tích tụ trong giác mạc, gây ra triệu chứng đặc trưng là vòng Kayser-Fleicher, một màng sắc tố nâu ở giác mạc.
Các triệu chứng khác: Thiếu máu, suy thận, suy tim, viêm tụy, bất thường kinh nguyệt, sẩy thai nhiều lần và loãng xương sớm.
Chẩn đoán bệnh Wilson như thế nào?
Khi nghi ngờ bệnh Wilson, cần phải làm các xét nghiệm để chẩn đoán:
- Định lượng ceruloplasmin trong máu, đây là protein kết hợp với đồng trong máu. Protein này thấp trong hầu hết bệnh nhân Wilson.
- Các xét nghiệm máu khác để định lượng đồng và kiểm tra chức năng gan, thận.
- Định lượng đồng trong nước tiểu 24 giờ. Lượng đồng sẽ cao hơn bình thường trong bệnh Wilson.
- Khám giác mạc thấy vòng Kayser-Fleischer (tuy nhiên vòng này không hiện diện trong tất cả trường hợp).
- Sinh thiết gan, có thể thấy ứ đọng đồng trong gan và xơ gan.
- Các xét nghiệm khác: MRI não hoặc chụp thận.
Khi đã chẩn đoán bệnh Wilson, các thành viên trong gia đình (anh/ chị em) nếu có tình trạng tương tự nên đi kiểm tra. Khả năng mắc bệnh Wilson của anh/chị em ruột là 1/4.
Điều trị bệnh Wilson như thế nào?
Điều trị bệnh Wilson là rất cần thiết. Nếu điều trị càng sớm, khả năng phòng ngừa được các tổn thương vĩnh viễn gan và não càng cao.
- Penicillamine: Là thuốc để thải trừ đồng khỏi cơ thể, là tác nhân tạo phức với đồng. Penicillamine thải đồng qua nước tiểu. Có thể giảm liều và duy trì liều sau khoảng 1 năm đồng tích tụ bắt đầu được thải.
- Trietine: Là thuốc thay thế cho penicillamine. Đây cũng là tác nhân tạo phức với đồng và thải đồng khỏi cơ thể.
- Kẽm: Là thuốc lựa chọn trong 1 số trường hợp. Kẽm hấp thu đồng từ thực phẩm. Vì vậy, kẽm không thể loại hết hoàn toàn đồng ra khỏi cơ thể, nhưng có thể phòng ngừa tích tụ đồng. Kẽm có vẻ ít gây tác dụng phụ hơn penicillamine hay trientine. Đây là lựa chọn cho các bệnh nhân ở giai đoạn rất sớm và không có triệu chứng. Hơn nữa, đổi qua kẽm có thể là lựa chọn khi điều trị với penicillamine hoặc trientine một khi đồng đã loại khỏi cơ thể. Bệnh nhân có thai có thể sử dụng kẽm.
- Lưu ý: Bệnh nhân cần điều trị suốt đời. Trước tiên là thải đồng và sau đó là phòng ngừa tích tụ đồng. Thất bại điều trị có thể dẫn đến tích tụ lại đồng và gây ra các biến cố trầm trọng.
- Ghép gan: Ghép gan có thể là lựa chọn cứu sống đối với bệnh nhân không đáp ứng điều trị hoặc chẩn đoán ở giai đoạn muộn khi đã xơ gan, suy gan nặng. Tiên lượng lâu dài sau ghép gan thường tốt.
Chế độ ăn trong điều trị bệnh Wilson
Tránh thực phẩm chứa hàm lượng đồng cao, ít nhất là trong 1 năm điều trị khi đồng đang loại khỏi cơ thề. Các thực phẩm này bao gồm: Gan, sô-cô-la (chocolate), các loại hạt, nấm, đậu, ốc, đặc biệt là tôm hùm.
Tiên lượng bệnh Wilson
Nếu điều trị ngay từ đầu trong giai đoạn sớm của bệnh, thường sẽ rất tốt. Bạn có thể sống lâu và chất lượng cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, nếu không điều trị, bệnh Wilson thường gây tử vong trước tuổi 40.
Nếu các triệu chứng có trước khi điều trị, một số triệu chứng có thể cải thiện, nhưng một số có thể vĩnh viễn. Ví dụ, một số các triệu chứng xuất hiện do tổn thương não thường sẽ là vĩnh viễn. Bác sĩ của bạn sẽ tư vấn về các triệu chứng có thể là vĩnh viễn và các triệu chứng có thể sẽ cải thiện khi bạn được bắt đầu điều trị.
Từ khóa » Chẩn đoán Wilson
-
Bệnh Wilson - Rối Loạn Dinh Dưỡng - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Bệnh Wilson được Chẩn đoán Bằng Các Xét Nghiệm Nào? - Vinmec
-
Bệnh Wilson (rối Loạn Chuyển Hóa đồng) - Dieutri.Vn
-
Bệnh Wilson ở Trẻ Em
-
Bệnh Wilson - Rối Loạn Chuyển Hóa đồng Nguy Hiểm
-
BỆNH RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA ĐỒNG (BỆNH WILSON)
-
Cập Nhật Chẩn đoán Và điều Trị Bệnh Trẻ Em: Bệnh Wilson ở Trẻ Em
-
Bệnh Wilson - Y Học Cộng Đồng
-
CHUẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CHO BỆNH WILSON Ở TRẺ EM
-
Bệnh Wilson - Hello Bacsi
-
Bệnh Wilson - PGS Hà Hoàng Kiệm
-
[Tư Vấn] Bệnh Wilson - Liệu Mẹ Bầu đã Hiểu Rõ?
-
Bệnh Wilson – Wikipedia Tiếng Việt
-
điều Trị Các Thể Bệnh Wilson ở Trẻ Em - Hội Gan Mật Việt Nam