Bệnh Xơ Phổi Có Nguy Hiểm Không? Cách điều Trị Bệnh - Hello Bacsi

Xơ phổi là tình trạng các mô phổi bị sẹo hóa và tổn thương không thể chữa lành. Bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng ngay từ đầu mà tiến triển rất chậm. Nhưng cũng nhiều trường hợp nghiêm trọng gây tử vong nhanh chóng. Từ đó, nhiều người khi được chẩn đoán xơ phổi đều thắc mắc rằng bệnh xơ phổi có nguy hiểm không?

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu với các thông tin sau đây nhé!

I. Tìm hiểu chung về bệnh xơ phổi

Trước khi trả lời cho câu hỏi bệnh xơ phổi có nguy hiểm không, bạn cần nên tìm hiểu sơ qua về bệnh lý này. Xơ phổi là một bệnh ở phổi xảy ra khi mô phổi bị tổn thương và sẹo hóa. Các mô phổi bị xơ và sẹo cứng, không giãn nở như bình thường, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Nếu bệnh tiến triển, bạn sẽ cảm thấy khó thở. Đa số các trường hợp bệnh xơ phổi đều không tìm ra được nguyên nhân, lúc này còn được gọi là bệnh xơ phổi vô căn, thường gặp ở người lớn tuổi từ 70 – 75 tuổi.

II. Bệnh xơ phổi có nguy hiểm không?

Bệnh xơ phổi vô căn là một trong các loại bệnh phổi kẽ vô căn (ILD) phổ biến nhất và cũng là chứng bệnh có tiên lượng xấu, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh ILD. Do đó, câu trả lời cho câu hỏi bệnh xơ phổi có nguy hiểm không là có.

Cụ thể như sau:

1. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh xơ phổi

Những biến chứng này cũng sẽ giúp bạn hình dung được xơ phổi có nguy hiểm không và nguy hiểm tới mức nào. Khi bệnh tiến triển, ngoài việc gây xơ hóa hoàn toàn 2 phổi và dẫn đến suy hô hấp thì bệnh xơ phổi còn có thể gây nên các biến chứng như:

Tăng áp động mạch phổi

Đây là một dạng tăng huyết áp ảnh hưởng đến động mạch phổi. Nó bắt đầu khi các mô sẹo hóa ở phổi chèn ép lên động mạch và mao mạch dẫn đến tăng sức cản trở lưu lượng máu bên trong phổi. Một số dạng tăng áp động mạch phổi là bệnh lý vô cùng nghiêm trọng, trở nên nặng dần và đôi khi gây tử vong.

Suy hô hấp

Ở bệnh nhân xơ phổi có thể biểu hiện bằng những đợt suy hô hấp cấp. Đôi khi, khó thở là triệu chứng đầu tiên giúp phát hiện bệnh.

Suy tim phải

Tình trạng này xảy ra khi tăng huyết áp động mạch phổi kéo dài. Tâm thất phải phải co bóp mạnh hơn bình thường để đẩy máu đi qua các động mạch phổi. Và khi tim phải cứ tăng làm việc như vậy sẽ suy yếu dần, cuối cùng dẫn đến suy tim toàn bộ.

Ung thư phổi

Những người bị bệnh xơ phổi có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn gấp 5 lần so với người bình thường.

Ngoài ra một số biến chứng nguy hiểm khác của xơ phổi phải kể đến như nhiễm trùng phổi hay xẹp phổi.

xơ phổi có nguy hiểm không và biến chứng

2. Bệnh xơ phổi có nguy hiểm không còn phải kể đến tiên lượng sống 

Bệnh xơ phổi sẽ tiến triển xấu dần theo thời gian và tốc độ tiến triển của bệnh cũng như tiên lượng là khác nhau ở mỗi người. Một số người chỉ sống được vài tháng sau khi chẩn đoán xơ phổi. Nhưng một số khác cũng có thể sống được đến vài năm.

Dù vậy, bệnh xơ phổi có nguy hiểm không, sống được bao lâu ở từng bệnh nhân sẽ có sự khác biệt. Theo một số nghiên cứu, khoảng một nửa số người bệnh xơ phổi sống sót sau 3 năm và khoảng ⅕ người sống sót sau 5 năm nếu tích cực điều trị.

3. Bệnh xơ phổi có nguy hiểm không nằm ở khả năng chữa khỏi

Bệnh xơ phổi không chỉ nguy hiểm bởi các biến chứng tiến triển phức tạp mà còn đáng lo ở việc có chữa được không. Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho bệnh xơ phổi.

Hầu hết các phương pháp điều trị đều tập trung vào việc làm giảm triệu chứng bệnh, làm chậm tiến triển của xơ phổi và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị xơ phổi

Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh một số loại thuốc như: pirfenidone và nintedanib. Đây đều là những loại thuốc có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh xơ phổi và bảo tồn chức năng phổi.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thêm thuốc chống axit để điều trị trào ngược dạ dày – thực quản, tình trạng này rất thường gặp ở người bị xơ phổi.

Liệu pháp oxy

Mặc dù không nhằm giúp làm chậm tiến trình sẹo hóa mô phổi nhưng thở oxy sẽ giúp bệnh nhân dễ thở hơn, cải thiện giấc ngủ. Đồng thời cũng giúp hạn chế biến chứng liên quan đến nồng độ oxy máu thấp – như suy hô hấp, suy tim.

Phục hồi chức năng phổi

Các chương trình phục hồi chức năng phổi tập trung vào các hoạt động thể chất, tập luyện kỹ thuật thở, tư vấn dinh dưỡng và giáo dục về sức khỏe để giúp bệnh nhân quản lý tốt các triệu chứng xơ phổi. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thực hiện những chương trình này.

Ghép phổi

Ghép phổi giúp người bệnh sống lâu hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với ca phẫu thuật này và phẫu thuật cấy ghép phổi cũng có thể gây ra những biến chứng như thải ghép hay nhiễm trùng.

xơ phổi có nguy hiểm không và cách điều trị

Lối sống lành mạnh 

Thực hành lối sống lành mạnh là một phần không thể thiếu của điều trị xơ phổi.

  • Dinh dưỡng: Cố gắng ăn nhiều loại trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không có chất béo và thịt nạc; tránh chất béo động vật hay chất béo tái sử dụng nhiều lần, giảm muối và đường
  • Tập luyện hằng ngày: Bao gồm các hoạt động đi bộ, đi xe đạp. Bạn có thể hỏi bác sĩ về những hoạt động phù hợp với tình trạng bệnh cụ thể. Tập thể dục sẽ giúp bạn duy trì chức năng phổi và thư giãn.
  • Tiêm vắc xin cúm hằng năm.
  • Bảo vệ sức khỏe phổi khỏi các tác nhân gây hại như thuốc lá, môi trường ô nhiễm .

Hi vọng những thông tin trên đây có thể giúp bạn đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi bệnh xơ phổi có nguy hiểm không. Hãy tích cực điều trị và luôn lạc quan để sống khỏe mạnh hơn và kéo dài tuổi thọ.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Tiên Lượng Xơ Phổi