Bệnh Xoắn Khuẩn Vàng Da | Viện Pasteur TP.HCM

Bệnh xoắn khuẩn vàng da
Ngày đăng: 08:20:24 24/10/2014 Bệnh xoắn khuẩn vàng da thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

BỆNH XOẮN KHUẨN VÀNG DA

(Leptospirosis)

ICD-10 A27: Leptospirosis

Bệnh xoắn khuẩn vàng da thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

  1. Đặc điểm của bệnh

1.1. Định nghĩa ca bệnh:

Bệnh xoắn khuẩn vàng da là bệnh của động vật truyền sang người với các thể lâm sàng đa dạng từ nhiễm khuẩn thể ẩn, thể nhẹ không có vàng da hoặc không có biểu hiện viêm màng não đến thể lâm sàng cấp tính điển hình, vàng da nặng gọi là hội chứng Weil có thể tử vong.

Bệnh có 2 giai đoạn gọi là bệnh sốt 2 pha. Giai đoạn 1 là giai đoạn nhiễm xoắn khuẩn huyết cấp tính, tiếp theo là giai đoạn 2, giai đoạn miễn dịch xoắn khuẩn vàng da. Sự phân biệt giữa 2 giai đoạn này thường không rõ ràng và những trường hợp bệnh nhẹ thường không có giai đoạn 2.

Thể bệnh không vàng da khởi phát đột ngột giống bệnh cúm với sốt cao, rét run, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn và đau cơ, nhất là đau cơ bắp chân, đùi, lưng và bụng. Tuy ít gặp, nhưng có thể đau họng, nổi ban, đôi khi sợ ánh sáng, tinh thần hỗn loạn, ho, đau ngực, ho ra máu. Phần lớn bệnh nhân khỏi không có triệu chứng trong khoảng 1 tuần, sau khoảng 1-3 ngày một số trường hợp xuất hiện giai đoạn 2 cùng với sự phát sinh ra kháng thể. Nói chung, triệu chứng trong giai đoạn 1 rất thay đổi như sốt có thể chỉ vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài 1 tuần, đau cơ nhẹ hơn và giai đoạn 2 có thể diễn biến đến viêm màng não vô khuẩn trong vài ngày.

Thể bệnh nặng còn gọi là hội chứng Weil. Ngoài các triệu chứng cơ năng ở thể bệnh không vàng da, còn có vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu gần như nước vối và xuất huyết. Thể bệnh này là do chủng xoắn khuẩn vàng da xuất huyết gây nên (Leptospira icterohaemorrhagiae). Biểu hiện xuất huyết của hội chứng Weil là chảy máu cam, trên da có chấm xuất huyết (petechiae), ban xuất huyết (purpura) và mảng xuất huyết (ecchymoses). Ngoài ra còn xuất huyết dạ dày - ruột nặng. Tuy hiếm nhưng cũng có thể xuất huyết thượng thận hoặc xuất huyết dưới màng nhện. Tỷ lệ tử vong tăng nếu không được điều trị tích cực, kể cả biện pháp chạy thận nhân tạo ở những trường hợp suy gan thận cấp, rối loạn mạch máu gây xuất huyết hoặc suy hô hấp, rối loạn nhịp tim do viêm cơ tim.

- Ca bệnh lâm sàng:

+ Sốt cao đột ngột 39 - 400C, rét run kéo dài 5 -7 ngày, sau đó khỏi hẳn hoặc 2-5 ngày sau sốt lại.

+ Đau cơ, nhất là ở chân, vùng thắt lưng, đau tự nhiên hoặc đau tăng lên khi sờ, nắn bóp vào cơ bụng chân, mệt lử.

+ Hội chứng màng não: Đau đầu dữ dội, vật vã, mê sảng, cứng gáy. Có biểu hiện viêm màng não nước trong tăng tế bào limpho.

+ Xung huyết ở màng tiếp hợp nên mắt đỏ và ở da toàn thân đỏ, đôi khi phát ban.

+ Hội chứng gan - thận: Đái ít, nếu diễn biến nặng có thể vô niệu, có protein niệu, tăng urê huyết. Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm mau (tuy nhiên có chủng Leptospira không có biểu hiện vàng da).

Nhìn chung, ca lâm sàng có 3 thể lâm sàng chủ yếu: Viêm gan-thận cấp, viêm màng não nước trong và sốt đơn thuần. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào tình trạng viêm gan-thận cấp, chảy máu, biến chứng cơ tim và thần kinh.

- Ca bệnh xác định dựa vào hiệu giá kháng thể tăng 4 lần hoặc tăng cao hơn trong các xét nghiệm huyết thanh kép (+) hoặc phân lập xoắn khuẩn vàng da (+).

1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Bệnh sốt rét, bệnh thương hàn, nhiễm khuẩn huyết.

1.3. Xét nghiệm.

- Loại mẫu bệnh phẩm:

+ Huyết thanh (HT) kép của bệnh nhân: HT 1 được lấy > 1 tuần mắc bệnh, HT 2 được lấy sau đó 1- 2 tuần.

+ Máu bệnh nhân trong 7 ngày đầu có sốt và/hoặc nước não tuỷ từ ngày thứ 4 - 10 thời kỳ cấp tính hoặc nước tiểu sau 10 ngày của bệnh

- Phương pháp xét nghiệm:

+ Phản ứng ngưng kết tan (Martin Petit), Xét nghiệm ngưng kết vi lượng trên kính hiển vi (MAT). Ngoài ra còn có các kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh khác cũng được sử dụng như: Xét nghiệm ngưng kết hồng cầu gián tiếp (indirect hemagglutination test), xét nghiệm ngưng kết vi nang (microcapsule agglutination test) và xét nghiệm IgM ELISA với những bộ kít được bán trên thị trường.

+ Phân lập xoắn khuẩn từ máu, nước não tuỷ, nước tiểu trên môi trường đặc biệt hoặc cấy truyền trên chuột lang, chuột túi má (hamsters).

  1. Tác nhân gây bệnh

- Tên tác nhân là Leptospira thuộc bộ Spirochaetales và họ Leptospiraceae. Leptospira gây bệnh thuộc loài Leptospira interrogans, còn loài Leptospira biflexa sống tự do không gây bệnh. Dựa trên cơ sở liên quan họ hàng với ADN, đến nay có 7 loài leptospira gây bệnh được công nhận. Trong thực tế lâm sàng và dịch tễ học, người ta dùng các loài này để phân loại dựa trên sự khác biệt về huyết thanh học. Leptospira gây bệnh được phân chia thành những biến thể huyết thanh (serovars) tuỳ theo cấu trúc kháng nguyên của chúng. Có hơn 200 biến thể huyết thanh để hình thành 25 nhóm huyết thanh. Những biến thể huyết thanh thường gặp ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam là L. australis, L. autumnalis, L. bataviae, L. canicola, L. gripotyphosa, L. hebdomidis, L. icterohaemorrhagiae, L. mitis, L. poi, L. pomona, L. saxkoebing và L. sejroe.

- Hình thái: Leptospira hình xoắn, mảnh, có móc ở 2 đầu nên còn gọi là xoắn khuẩn móc và 2 tiêm mao quanh bào chất để Leptospira có thể chui sâu vào mô vật chủ. Leptospira dài 6 - 20 àm, rộng 0,1 - 0,2 àm, các vòng lượn rất sát nhau cho nên trên kính hiển vi nền đen nhìn thấy Leptospira như một sợi chỉ lóng lánh như bạc, di động nhanh.

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài. Sức đề kháng của Leptospira tuy yếu nhưng còn cao hơn so với các loại xoắn khuẩn khác. Leptospira có thể sống lâu trong nước, ở môi trường có pH toan thì không phát triển được. Leptospira chịu được lạnh và sống được 1 tuần ở nhiệt độ thường trong môi trường máu đã loại tơ huyết. Chất mật trong gan sẽ làm cho Leptospira ngừng hoạt động và tan ra từ 10 – 15 phút. Leptospira bị chết ở 560C trong 10 phút, ở dịch dạ dày trong 30 phút và bị diệt bởi nước Javelle và phenol.

  1. Đặc điểm dịch tễ học.

- Bệnh xoắn khuẩn vàng da lưu hành rộng rãi ở hầu khắp mọi nơi, kể cả vùng nông thôn và thành thị thuộc các nước phát triển và đang phát triển, trừ các vùng cực của trái đất. Đây cũng là một bệnh có tính nghề nghiệp với nguy cơ khác nhau như: nông dân, ngư nghiệp, công nhân lâm nghiệp, vệ sinh, mỏ, chăn nuôi, thú y và quân đội v.v... Thông thường, bệnh xuất hiện tản phát do bị nhiễm Leptospira một cách ngẫu nhiên nhưng cũng xảy ra thành dịch, nhất là ở những nơi vệ sinh môi trường lao động kém và công nhân không được trang bị bảo hộ vệ sinh lao động đầy đủ.

- Ở Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 40 - 120 bệnh nhân được thông báo thuộc những nhóm nghề nghiệp thường bị phơi nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước và đất bị nhiễm Leptospira như: thú y, công nhân nông nghiệp, công nhân vệ sinh, công nhân lò mổ và những công nhân công nghiệp cá. Ở các nước Tây Âu, những người mắc bệnh do tiếp xúc với súc vật nuôi trong nhà hoặc do chơi thể thao dưới nước bị phơi nhiễm với nguồn nước có Leptospira như: bơi xuồng, thuyền buồm, bơi, lướt ván v.v... Nghiên cứu mới đây ở Hà Lan cho biết 14% mắc bệnh xoắn khuẩn vàng da do đi du lịch ở các nước nhiệt đới và Đông Nam Á.

- Ở Việt Nam, bệnh xoắn khuẩn vàng da cũng lưu hành rông rãi ở nông thôn, thành thị, miền núi, đồng bằng, ven biển... Khoảng 20 năm trước đây, nhiều nơi có dịch xoắn khuẩn vàng da ở súc vật nuôi, nhất là lợn trong các trại chăn nuôi, và lây sang người. Ngày nay, dịch xoắn khuẩn vàng da ở người hiếm xảy ra, nhưng bệnh vẫn xuất hiện tản phát, nhất là trong mùa mưa, lụt lội. Số mắc và chết trung bình năm của bệnh thời kỳ 1996-2000 cũng không có gì khác biệt có ý nghĩa với thời kỳ 1991-1995 như: mắc 56 chết 3, trong đó miền Bắc mắc 36 chết 2, miền Trung mắc 10, miền Nam mắc 5 và Tây Nguyên mắc 7 chết 1.

  1. Nguồn truyền nhiễm.

- Ổ chứa:

+ Ổ chứa của Leptospira gây bệnh là ở trong ống thận của động vật hoang dã và súc vật nuôi gần người. Sự thay đổi của các biến thể huyết thanh Leptospira tuỳ thuộc vào ổ chứa của loài súc vật như: L. icterohaemorrhagiae ở chuột, L. grippotyphosa ở chuột đồng nhỏ, L.pomona ở lợn, L.hardjo ở trâu bò, L.canicola ở chó, L. autumnali ở gấu trúc. Các vật chủ như các loài gặm nhấm hoang dã, hươu, sóc, cáo, chồn hôi, gấu trúc v.v... thường thay nhau là súc vật lành mang Leptospira. Những súc vật mang xoắn khuẩn này không có biểu hiện lâm sàng và Leptospira được tồn tại trong thời gian dài, có thể suốt đời, đặc biệt đối với súc vật là ổ chứa. Các súc vật nuôi gần người bị nhiễm Leptospira cũng không có biểu hiện triệu chứng, tuy nhiên cũng có súc vật như lợn… bị mắc bệnh, có thể thành dịch xoắn khuẩn vàng da mà dân gian gọi là bệnh lợn nghệ.

+ Nước tiểu của súc vật hoang dã, chủ yếu là loài gặm nhấm có Leptospira được thải vào môi trường, đặc biệt là ở các đầm lầy, ao hồ, đồng ruộng để từ đó Leptospira lại xâm nhập qua da, niêm mạc vào các súc vật hoang dã khác hình thành một chu trình khép kín của ổ dịch thiên nhiên, duy trì lâu dài nguồn truyền bệnh Leptospira. Trường hợp loài gặm nhấm gần người, quan trọng là quần thể chuột và các động vật nuôi bị nhiễm Leptospira sẽ hình thành một chu trình khép kín của ổ dịch gần người. Con người có thể bị lây bệnh Leptospira từ 2 ổ dịch trên. - Thời gian ủ bệnh thông thường là 10 ngày. Tuy nhiên, có thể từ 2 - 30 ngày.

- Thời kỳ lây truyền: Thông thường Leptospira được thải ra theo nước tiểu khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, người ta đã theo dõi ở người và ở súc vật thì sau khi mắc bệnh cấp tính, Leptospira được đào thải trong nước tiểu nhiều tháng, thậm chí có thể nhiều năm. Các súc vật là ổ chứa Leptospira, nhất là ổ chứa thiên nhiên, có thể lây truyền bệnh suốt đời.

  1. Phương thức lây truyền: Leptospira có trong nước hoặc đất ẩm ướt đã bị ô nhiễm nước tiểu súc vật sẽ xâm nhập vào cơ thể qua da, đặc biệt là chỗ da bị xước và có thể chui qua lỗ chân lông của da bị ngâm sũng nước hoặc qua niêm mạc ở các hồ bơi bị nhiễm xoắn khuẩn. Có thể bị nhiễm Leptopspira do tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu hoặc mô súc vật bị nhiễm xoắn khuẩn. Đôi khi, mắc bệnh do ăn phải thức ăn bị nhiễm nước tiểu của chuột. Thông thường, bệnh có tính nghề nghiệp do bị tiếp xúc qua da, niêm mạc đối với thú y, người chăn nuôi súc vật trong điều kiện vệ sinh chuồng trại kém, nhất là ở các trại nuôi lợn, ngư dân, nông dân làm việc trên những cánh đồng trũng, công nhân làm việc trên đầm lầy, hầm mỏ hoặc vệ sinh cống rãnh v. v... Bệnh cũng thường xảy ra trong mùa mưa, nhất là ở vùng lụt lội hoặc người bơi lội trong ao, hồ bị nhiễm Leptospira từ súc vật. Sự lây truyền bệnh Leptospora từ người sang người là rất hiếm.
  2. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Mọi người đều cảm nhiễm với bệnh xoắn khuẩn vàng da nhưng sự biểu hiện lâm sàng của bệnh không giống nhau, chủ yếu là tuỳ thuộc vào týp huyết thanh gây bệnh. Miễn dịch đặc hiệu típ được tạo thành sau khi mắc bệnh hoặc dùng vắc xin dự phòng nhưng không có miễn dịch chéo giữa các týp gây bệnh khác nhau.
  3. Các biện pháp phòng chống dịch.

7.1. Biện pháp dự phòng:

- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ. Cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh xoắn khuẩn vàng da cho nhân dân, nhất là ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, nơi có ổ dịch tiềm tàng và môi trường lao động có nguy cơ nhiễm Leptospira từ nước tiểu súc vật nuôi hoặc quần thể chuột đối với ngành nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp v.v... để nhân dân biết cách tự phòng bệnh và biết phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ.

- Vệ sinh phòng bệnh:

+ Các chuồng trại chăn nuôi súc vật, lò mổ v.v… phải cao ráo, có nền cứng dễ thoát nước, thường xuyên được cọ rửa sạch sẽ và khử trùng tẩy uế khi cần thiết.

+ Những người làm việc trong môi trường lao động hoặc nghề nghiệp có nguy cơ bị nhiễm Leptospira phải được trang bị bảo vệ da, niêm mạc như quần áo lao động, tạp dề, ủng, găng tay, kính mắt v.v…

+ Tại các cơ sở chăn nuôi súc vật, các lò mổ, bể bơi v.v… cần thiết phải kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ quần thể chuột, các chất thải để xử lý kịp thời phòng chống chuột và vệ sinh môi trường.

+ Tiêm vắc xin có các chủng Leptospira chủ yếu lưu hành địa phương cho súc vật nuôi cũng có kết quả nhất định nhưng không loại trừ được tình trạng nhiễm Leptospira và bài tiết xoắn khuẩn trong nước tiểu.

+ Tiêm vắc xin Leptospira cho người làm nghề nghiệp có nguy cơ mắc bệnh cao đã thực hiện có kết quả ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc v.v…

7.2. Biện pháp chống dịch:

- Tổ chức:

+ Thành lập Ban chống dịch do lãnh đạo chính quyền làm trưởng ban, lãnh đạo y tế địa phương làm phó ban thường trực và các thành viên khác có liên quan như: Y tế, Chăn nuôi, Thú y, Công an, Hội Chữ thập đỏ v.v...

+ Các thành viên trong Ban chống dịch được phân công nhiệm vụ để chỉ đạo và huy động cộng đồng thực hiện tốt công tác chống dịch.

+ Đối với vụ dịch nhỏ, cần giành một số giường bệnh trong một khu riêng ở khoa lây bệnh viện để cách ly và điều trị bệnh nhân. Nếu có dịch lớn thì có thể thành lập bệnh xá dã chiến trong cộng đồng.

- Chuyên môn:

+ Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Những trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ phải được vào bệnh viện để cách ly, theo dõi, điều trị sớm và phòng chống biến chứng. Phòng tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của bệnh nhân, nhất là nước tiểu.

+ Những người tiếp xúc với súc vật bị nhiễm Leptospira và các nguồn nước bị ô nhiễm phải được theo dõi nhiệt độ để phát hiện sớm bệnh.

+ Dùng doxycyclin với liều 200 mg/1 lần/1 tuần cho người bị phơi nhiễm cao ở vùng nguy cơ cao.

+ Xử lý môi trường: Cần sát trùng, tẩy uế đồng thời đối với các đồ vật bị nhiễm máu, nước tiểu bệnh nhân và khu vực bị nhiễm nước tiểu súc vật.

7.3. Nguyên tắc điều trị:

- Cần điều trị sớm kháng sinh Penicillin G với liều 5 - 10 triệu đơn vị/ngày cho người lớn và 100.000 đơn vị/kg cho trẻ em, dùng trong 10 - 15 ngày. Những người có dị ứng với Penicillin thì có thể thay bằng doxycyclin, ampicillin hoặc erythromycin. Trường hợp nặng dùng cephalosporin hoặc quinolone.

- Điều trị triệu chứng: Hồi phục nước, điện giải, trợ tim, truyền máu (nếu xuất huyết có sốc), hồi sức hô hấp và lọc ngoại thận nếu cần thiết trong các thể nặng.

7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Không có quy định.

Nguồn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm

Các tin khác
  • Tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà
  • Bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút
  • Bệnh viêm ruột do Giác đi a
  • Bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc xác ki
  • Bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm
  • Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Hantan
  • Bệnh do Tờ ri cô mô nát
  • Bệnh sốt mò
  • Bệnh sốt do Rích - két - si - a
  • Bệnh sán lá ruột
Tin hoạt động của Lãnh đạo Viện
Thông tin y tế
Thông tin cộng đồng - Thông tin đấu thầu
Truyền thông phòng chống MerCoV
Kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Nghiên cứu khoa học
Chi đoàn thanh niên
Hợp tác quốc tế
Tin Hoạt Động Đảng
Hội nghị hội thảo
An toàn sinh học và quản lý chất lượng
Tin hoạt động Công Đoàn
Đào tạo
Các bệnh truyền nhiễm
Thư viện
Hoạt động Y tế dự phòng
Bài báo quốc tế
Quy trình - Quy chế
Sự kiện sắp diễn ra
TIN NỔI BẬT
Tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà Tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà

Từ khóa » Nhiễm Xoắn Khuẩn Leptospira