Béo Phì ở Trẻ Em - Medinet
Có thể bạn quan tâm
I. Định nghĩa thừa cân béo phì
- Thừa cân là tình trạng cân nặng cơ thể tăng quá mức so với cân nặng chuẩn tương ứng với chiều cao.
- Béo phì là một trạng thái bệnh lý được đặc trưng bởi sự tích tụ mỡ nhiều quá mức cần thiết làm tổn hại đến sức khỏe, hay tỷ lệ mỡ cơ thể tăng cao bất thường với số lượng đủ để gây nguy hiểm.
II. Nguyên nhân
- Do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực: Khẩu phần năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể , do đó năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong các tổ chức. do đó những trẻ có chế độ ăn giàu chất béo, đậm độ năng lượng cao có liên quan chặt chẽ với gia tăng tỷ lệ TC-BP
- Cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi đều có nguy cơ TC-BP: Trẻ ăn nhanh, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, uống nước giải khát, thức ăn nhanh (fast food), ăn nhiều vào buổi tối đặc biệt trước khi đi ngủ,
- Yếu tố di truyền: Trẻ mang một số gen trong các nhóm gen như nhóm gen kích thích sự ngon miệng,nhóm gen liên quan đến tiêu hao năng lượng, nhóm gen điều hoà chuyển hoá, nhóm gen liên quan đến sự biệt hoá và phát triển tế bào mỡ. Những trường hợp này thường gặp ở trẻ có bố mẹ bị thừa cân-béo phì.
- Ngủ ít cũng được xem như một là một yếu tố nguy cơ cao đối với TC-BP ở trẻ dưới 5 tuổi. Một số tác giả cho rằng hoạt động tiêu mỡ của cơ thể đạt tối đa về đêm và ngủ ít làm giảm tiêu mỡ nói chung.
III. PHÂN LOẠI THỪA CÂN - BÉO PHÌ
3.1 Theo nguyên nhân :
- BP nội sinh hay còn gọi là BP thứ phát, chỉ có số ít (<10%) béo phì trẻ em có nguyên nhân nội tiết.
- BP ngoại sinh hay còn gọi là BP nguyên phát, liên quan chủ yếu đến ăn uống làm tăng năng lượng ăn vào và giảm năng lượng tiêu hao.
3.2 Theo hình thái mô mỡ và tuổi bắt đầu béo phì:
- BP nếu bắt đầu từ nhỏ (trẻ em, thanh thiếu niên) là béo phì do tăng số lượng tế bào mỡ. BP bắt đầu từ nhỏ và dai dẳng thường là béo nặng và sẽ sớm phát triển những bất thường trong cuộc sống. Có 2 giai đoạn dễ xuất hiện BP trẻ em dai dẳng là BP trong 2 năm đầu đời và BP giữa 4-11 tuổi, trong đó nghiêm trọng nhất là BP 4-11 tuổi, và loại BP tăng tế bào mỡ thường đề kháng với điều trị.
- BP nếu bắt đầu ở người lớn là BP do tăng kích thước tế bào mỡ ( số lưỡng tế bào mỡ bình thường).
3.3 Theo vị trí lắng động mỡ : Có 2 loại
- Béo bụng ( béo trung tâm, béo hình quả táo, béo kiểu đàn ông)
- Béo đùi (béo hình quả lê, béo kiểu đàn bà)
Trong đó béo bụng có nguy cơ cao bị mắc và tử vong do các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường hơn so với béo đùi.
IV. Đánh giá thừa cân béo phì ở trẻ em
Để đánh giá trẻ bị thừa cân-béo phì ngoài việc quan sát hình thể của trẻ thì số đo cân năng và chiều cao cho phép ta nhận định một cách khách quan:
4.1 Đối với trẻ em từ 0-5 tuổi:
Dựa vào chỉ số cân nặng /chiều dài hoặc chiều cao (CN/CC) theo tuổi và giới (tra bảng)
- Trẻ coi là thừa cân khi CN/CC dao động từ: > +2 SD à + 3 SD.
- Trẻ coi là béo phì khi CN/CC > + 3 SD.
4.2 Đối với trẻ em 5-19 tuổi:
Dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI) theo tuổi (tính BMI rồi tra bảng theo tuổi và giới)
- Trẻ được coi là thừa cân khi BMI dao động từ : > +1 SD à + 2SD.
- Trẻ được coi là béo phì khi BMI > + 2SD.
* Cách tính chỉ số khối cơ thể (BMI): lấy cân nặng chia cho chiều cao bình phương (cân nặng tính bằng kilogram, chiều cao tính bằng mét).
Cân nặng
BMI = -------------------
(Chiều cao) 2
* Nếu có BP thì có TC. Nhưng có một số người TC nhưng không BP ( vận động viên), ngược lại một số người có thể BP mà không TC (hoạt động thể lực quá ít). Vì vậy nếu không đo trực tiếp mỡ thì chẩn đoán BP không thể chính xác.
Theo WHO, mặc dù có mối liên quan chặt chẽ giữa TC (CN/CC) với BP (đo mỡ), xét về mặt cá nhân, thuật từ “béo phì” không nên sử dụng để mô tả CN/CC cao đơn thuần, nhưng về mặt cộng đồng, CN/CC cao có thể coi như một chỉ tiêu đủ của BP vì đa số trẻ có CN/CC cao đều BP. Tuy nhiên, xét một cách chặt chẽ, Thuật từ “béo Phì” chỉ nên dùng khi đo mỡ cơ thể.
V. Ảnh hưởng của thừa cân béo phì đối với sức khỏe
5.1 Ở người trưởng thành
Nguy cơ tăng cao | Nguy cơ trung bình | Nguy cơ thấp |
- Tiểu đường nhóm 2 - Rối loạn chuyển hóa lipid - Hô hấp kém - Ngộp thở ban đêm | - Bệnh tim mạch - Cao huyết áp và tai biến mạch máu não - Thoái hóa khớp ( gối) | - Ung thư - Rối loạn hormone sinh sản - Hiếm muộn…. |
- Ngoài ra họ dễ bị mắc bệnh guot, phình trướng tĩnh mạch, thoát vị bẹn, thoái hóa mỡ gan, rối loạn hô hấp, rối loạn tiêu hóa, táo bón…..Phụ nữ BP khó khăn trong sinh nở. Phẫu thuật trên người BP có nhiều biến chứng và khó lành vết thương hơn. Mỡ dư thừa làm cho tim phổi khó hoạt động, người mau mệt. Người BP dễ bị tai nạn trong lao động và cuộc sống, điều đó làm tăng tỷ lệ tàn phế và tử vong.
- Người dư thừa cân nặng chết sớm 6-8 năm so với người có cân nặng bình thường. BP nặng tăng nguy cơ tử vong lên 12 lần.
5.2 Đối với trẻ em
Tần xuất mắc cao | Tần xuất trung bình | Tần xuất thấp |
- Tăng trưởng quá nhanh - Ảnh hưởng về tâm lý - BP dai dẳng tới lớn - Rối loạn chuyển hóa lipid - Tăng huyết áp | - Thoái hoá mỡ gan - Rối loạn chuyển hóa glucose | - Tổn thương xương khớp - Khó thở |
- Béo phì không chỉ đơn giản làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn có nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, bệnh tật là một mối đe dọa cho sức khỏe tương lai của trẻ. Người ta thấy rằng cân nặng dư thừa ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều không tốt cho sức khỏe.
- Trẻ BP sẽ dễ bị mắc và tử vong bởi các bệnh cao huyết áp, bệnh mạch vành, tiểu đường, viêm xương khớp và một số ung thư khi trưởng thành. Trẻ BP có nhiềi nguy cơ sau này lớn lên sẽ là những người trưởng thành BP. Tình trạng BP nếu khởi phát sớm sẽ ảnh hưởng đến bệnh tim mạch hơn là khởi phát muộn.
- Các triệu chứng thường gặp đa số ở trẻ BP là : đau xương khớp, cao huyết áp
(trẻ lớn), khó thở khi ngủ, hay buồn ngủ ban ngày, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu…, chưa kể BP còn làm kìm hãm tốc độ của trẻ dậy thì (trước dậy thì chúng thường cao hơn so với tuổi, nhưng do dậy thì sớm, trẻ BP thường ngừng tăng trưởng sớm và chiều cao có xu hướng thấp hơn so với bạn bè).
- Do nặng nề, trẻ BP thường chậm chạp, vụng về nên cũng dễ bị tai nạn trong
cuộc sống. Trẻ BP hay bị bạn bè trêu chọc gây tổn thương về mặt tâm lý (ít hòa đồng, tự ti…) làm ảnh hưởng đến khả năng học tập và sự thành đạt của trẻ.
VI. Dự phòng thừa cân béo phì
6.1. Dự phòng cho trẻ 0-5 tuổi:
Dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực
- Dinh dưỡng hơp lý cho người mẹ trong thời gian có thai: Mức tăng cân hợp lý trong thời gian mang thai của bà mẹ là 10-12 kg. Cân nặng sơ sinh cao (>3500 gram) hoặc thấp (<2500gram) có nguy cơ TC-BP hơn trẻ có cân nặng sơ sinh trong khoảng từ 2500 gram-3500 gram.
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Cho trẻ bú sớm (trong vòng giờ đầu), bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú kéo dài cho đến khi trẻ được 24 tháng.
- Chế độ ăn bổ sung hợp lý: cho trẻ ăn bổ sung đúng thời điểm (khi trẻ tròn 6 tháng), ăn đủ số bữa theo lứa tuổi, khẩu phần ăn cân đối, phối hợp nhiều nhóm thực phẩm (nhóm lương thực, đậu đỗ, sữa/chế phẩm của sữa, thịt/các các loại, trứng các loại, rau các loại, các loại quả,củ quả có màu vàng/đỏ và nhóm dầu mỡ).
- Tăng cường hoạt động thể lực: Tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ qua các hoạt động như trượt trên cầu trượt, bập bênh, đu quay và các hoạt động ngoài trời ở sân trường, công viên và các khu giải trí khác.Vận động phù hợp theo lứa tuổi, hạn chế thời gian tĩnh tại của trẻ (chơi game, xem ti vi quá lâu).
Tập thói quen cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc: cha mẹ nên tập cho trẻ ngủ trước 21 giờ. Số giờ ngủ trung bình mỗi ngày tùy từng lứa tuổi: số giờ ngủ trung bình của trẻ sơ sinh, dưới 1 tuổi và từ 1-2 tuổi tương ứng là 14-17 giờ; 12-15 giờ và 11-14 giờ. Trẻ từ 3-5 tuổi là 10-13 giờ.
Theo dõi tăng trưởng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng tại gia đình và trường học đẻ phát hiện sớm TC-BP để xử lý kịp thời
6.2 Dự phòng thừa cân, béo phì cho trẻ lứa tuổi học đường (6-19 tuổi)
Chương trình sữa học đường: Bổ sung sữa (không đường) vào bữa ăn học đường đã giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chiều cao ở một số nước. Không sử dụng thức ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu/mỡ
Chương trình bữa ăn học đường: đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng nhằm giúp trẻ phát triển tối ưu về thể chất và tinh thần. Thức ăn dành cho trẻ cần da dạng (đạt 5 trong 8 nhóm thực phẩm), đảm bảo cung cấp đủ nguồn protein động vật và thực vật. Bữa ăn ở trường và ở nhà cần được phân phối hợp lý.
Sử dụng muối i-ốt với một lượng ít dưới 4 gram/ngày. Không nên ăn mặn. Sử dụng nguồn thực phẩm sẳn có ở địa phương cho bữa ăn học đường. Uống nước chín (nước đã đun sôi).
Trẻ cần được ngủ đủ: trung bình 8-10 giờ mỗi ngày.
VII. Điều trị béo phì ở trẻ em
7.1 Nguyên tắc cơ bản trong điều trị BP chung :
- Thay đổi quan niệm
- Xác định cân nặng cần có theo tuổi và giới.
- Áp dụng các nguyên tắc ăn uống hợp lý
- Tăng cường hoạt động thể lực, giữ nếp sống năng động
- Không dùng thuốc chống mập khi không có chỉ định của bác sĩ
- Kiên trì điều trị
- Bổ sung thêm vitamin tổng hợp và chất khoáng
7.2 Đối với trẻ em
- Do cơ thể trẻ đang tăng trưởng và phát triển nên trong điều trị BP ở tre em không đặt ra vấn đề giảm cân, mà mục tiêu chính là làm giảm tốc độ tăng cân hay tránh tăng cân thêm ở trẻ và vẫn đảm bảo tăng chiều cao theo tuổi. Cần phối hợp song song việc điều chỉnh chế độ ăn thích hợp theo tuổi với tăng cường hoạt động thể lực. Việc điều trị BP ở trẻ đòi hỏi nhẹ nhàng nhưng kiên trì, và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và ngay cả bản thân trẻ( thường từ 3 tuổi trẻ đã có ý thức hơn về bản thân nên có thể hướng dẫn cho trẻ hợp tác).
- Một lưu ý trong điềi trị BP trẻ em là không bao giờ bắt trẻ nhịn ăn hay bỏ bữa và vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, chất đạm theo tuổi cho trẻ, gia đình phải làm gương cho trẻ trong việc thay đổi lối sống, tránh 2 thái cực : thờ ơ, không quan tâm hay bắt kiêng ăn quá mức.
7.3 Một số gợi ý :
Xây dựng hành vi ăn uống tốt:
- Chỉ ăn khi đói. Không ăn vì lí do khác
- Ăn chậm nhai kỹ: sau 15 -20 ‘ não mới nhận tín hiệu “no”
- Tránh quá no hoặc quá đói.
- Ăn cùng gia đình
- Tránh ăn khi xem ti vi, chơi game
- Tránh ăn nhiều về đêm, ưu tiên bữa ăn sáng
- Ăn bằng chén, đĩa nhỏ thay cho tô, đĩa lớn.
Giảm bớt năng lượng cung cấp bằng cách :
- Ăn ít béo : Thịt nạc (bỏ da), luộc hấp nướng thay cho chiên quay xào, thay sữa béo bằng sữa ít béo (chỉ áp dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên), hạn chế đồ lòng, phủ tạng, nước cốt dừa.
- Ăn ít bột đường : giảm bớt số lượng tinh bột trong ngày hay thay cơm gạo,cơm nếp bằng bún, bánh phở, hủ tiếu…, hạn chế đồ ngọt
- Ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ như rau xanh, trái cây ít ngọt
- Ăn nhiều về sáng, giảm về chiều và hạn chế ăn tối
Tăng tiêu hao năng lượng bằng cách :
- Năng động hơn : đi bộ, leo cầu thang thay cho bồng bế, đi thang máy….
- Tăng giờ chơi vận động, tập thể dục thể thao đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Kiên trì tập, Tăng dần cường độ và thời gian tập để dễ thích nghi
- Tránh xem ti vi nhiều hay ngồi quá lâu một chỗ
Thường xuyên theo dõi cân nặng và điều chỉnh ngay nếu tăng cân lại
Không tự ý dùng thuốc chống mập khi không có chỉ định của Bác sĩ.
T3G-TTYT QUẬN PHÚ NHUẬNTừ khóa » Cách Tính Chỉ Số Béo Phì ở Trẻ Em
-
Bảng BMI Của Trẻ ở Từng độ Tuổi Và Cách Tính đơn Giản
-
Cách Tính Chỉ Số BMI ở Trẻ Em | Vinmec
-
Cách đo Và Tính Chỉ Số BMI Theo Hướng Dẫn Của Viện Dinh Dưỡng ...
-
Tính BMI Trẻ Em
-
Cách Tính BMI Cho Trẻ Em để đánh Giá Tình Trạng Sức Khỏe
-
Cách Tính Chỉ Số BMI ở Trẻ Em - Mới Nhất 2022
-
CHỈ SỐ BÉO PHÌ Ở TRẺ EM - PGS. TS. BS Nguyễn Anh Tuấn
-
Bảng Chỉ Số BMI Dành Cho Mọi độ Tuổi
-
[HD] Cách Tính Chỉ Số BMI Trẻ Em để Đánh Giá Tình Trạng Cân Nặng
-
Thế Nào Là Cân Nặng Lý Tưởng? | BvNTP
-
Bảng Chỉ Số BMI Trẻ Từ 5 - 19 Tuổi - Nutrihome
-
Tính Chỉ Số BMI Trẻ Em Và Thanh Niên - Tiện ích Nhỏ
-
Công Thức Tính Chỉ Số BMI - Medi Health Care
-
Cách Tính Chỉ Số BMI ở Trẻ Em | Những Người Mẹ Ngày Nay