Betadine (Povidone Iod): Ưu, Nhược điểm Và Lưu ý Khi Dùng - Dizigone

Khi bị trầy da, bỏng hoặc té ngã thì thuốc sát trùng chính là cứu tinh giúp vết thương không bị nhiễm trùng và mau lành hơn. Betadine là một trong những loại thuốc sát trùng được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Nó đem lại hiệu quả kháng khuẩn vượt trội và an toàn nên được rất nhiều người tin tưởng. Bài viết sau đây sẽ đánh giá ưu, nhược điểm của thuốc sát trùng vết thương Betadine.

thuốc sát trùng betadine

I. Tổng quan về thuốc sát trùng vết thương Betadine (Povidone iod) 

1. Thành phần chính

Thuốc sát trùng Betadine có tên quốc tế là Povidone iod. Thành phần chính của nó là phức hợp của iod kết hợp với polyvinylpyrrolidone (povidone). Phức hợp này bền hơn iod tự do, khi tiếp xúc với da sẽ giải phóng từ từ iod. Do đó, Betadine có tác dụng sát khuẩn tốt và thời gian tác dụng kéo dài. Nồng độ iod trong chế phẩm khoảng 9 – 12%, thường sử dụng là nồng độ 10%.

2. Cơ chế tác dụng

Iod là chất có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm và một số động vật đơn bào khác. Cơ chế diệt khuẩn có thể được lý giải như sau: iod sau khi giải phóng khỏi phức hợp povidone iod sẽ phản ứng với nhóm thiol (- SH) hoặc nhóm hydroxyl (-OH) của các acid amin trong enzym và cấu trúc protein của vi sinh vật. Phản ứng oxy hóa làm bất hoạt và tiêu diệt các enzym và protein đó. Hầu hết các vi sinh vật trong quá trình sinh dưỡng sẽ bị tiêu diệt trong thời gian ngắn dưới 1 phút. Khi tiếp xúc lâu với vết thương, iod sẽ bị mất màu. Do đó, có thể thấy mức độ tác dụng của thuốc qua màu sắc của dung dịch. Nếu màu của chế phẩm biến mất, có thể sử dụng lại để đảm bảo vết thương được giữ vô khuẩn.

Cơ chế tác dụng của povidone iod (PVP-I)

3. Khả năng sát trùng

Betadine có phổ tác dụng rộng trên các vi sinh vật sau:

  • Vi khuẩn: Povidone iod có tác dụng tốt trên cả nhóm vi khuẩn Gram dương như tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), liên cầu (Streptococcus), trực khuẩn (Clostridium), Pseudomonas… Đây là những chủng vi khuẩn thường có mặt tại các vết thương. Đồng thời, povidone iod cũng có thể tiêu diệt một số vi khuẩn Gram âm nhưu: Enterobacter và Proteus. Ngoài ra còn một số vi khuẩn khác nhạy cảm với povidone iod như Colibacillus, Mycobacterium,… cũng sẽ bị tiêu diệt khi tiếp xúc với dung dịch.
  • Nấm: Ngoài tác dụng hiệu quả trên vi khuẩn, betadine (povidone iod) cũng có khả năng tiêu diệt cả nấm men và nấm mốc. Đặc biệt, hiệu quả của thuốc được đánh giá cao trên trùng roi Trichomonas và nấm Candida albicans.
  • Virus: Theo một số nghiên cứu, thuốc sát trùng betadine có tác dụng đối với các virus Herpes simplex – virus gây zona, virus thủy đậu…

4. Dạng đóng gói – Giá tiền

Các chế phẩm thuốc sát trùng betadine đang lưu hành trên thị trường có dạng bào chế sau:

  • Dung dịch dùng ngoài da chứa 10% (kl/kl) povidone iod. Các dạng đóng gói gồm lọ nhựa 30ml, 100ml, 125ml.
  • Bột phun xịt khí dung 100ml nồng độ 2,5%.
  • Nước súc miệng 1%, lọ 250ml.
  • Dung dịch rửa âm đạo 10%, chai 250ml.
  • Thuốc mỡ bôi ngoài da 10%, tuýp 40g, 100g.
  • Viên đặt âm đạo 200mg.

Giá cả các loại dung dịch dùng ngoài dao động từ 40.000đ – 100.000đ phụ thuộc vào thể tích đóng gói. Các loại thuốc mỡ có giá dưới 150.000đ. Giá cả như trên khá phù hợp với túi tiền của người sử dụng.

II. Ưu điểm của thuốc sát trùng vết thương Betadine (Povidone iod)

Thuốc sát trùng Betadine có tác dụng mạnh trên vi khuẩn và nấm. Ở nồng độ từ 2.5 – 5%, Betadine có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh sau 15 – 30 giây tiếp xúc.

Nhờ hiệu quả kháng khuẩn vượt trội, Betadine được sử dụng làm thuốc sát trùng trong nhiều trường hợp như:

  • Vết thương nhẹ, nông: vết trầy xước da, đứt tay…
  • Vết thương bị nhiễm trùng, có dị vật bẩn hoặc vết loét mạn tính, vết bỏng.
  • Vết áp xe hoặc vết thương chảy mủ, đặc biệt trong trường hợp có nghi ngờ nhiễm khuẩn kỵ khí.
  • Trong phẫu thuật: sát trùng da và niêm mạc trước mổ, ngăn ngừa nhiễm khuẩn sau khi phẫu thuật.
  • Tiệt khuẩn tay và dụng cụ trước khi xử lý vết thương.

So với các thuốc sát trùng chứa iod, Betadine có khả năng kháng khuẩn mạnh hơn nhờ tạo lớp màng polymer có ái lực cao với màng tế bào. Ngoài ra, nó giải phóng iod từ từ ra môi trường nên giảm thiểu tác dụng gây độc đối với tế bào so với sản phẩm chứa iod khác.

III. Nhược điểm của thuốc sát trùng vết thương Betadine

Mặc dù có khả năng kháng khuẩn tốt nhưng thuốc sát trùng Betadine vẫn tồn tại nhiều nhược điểm:

  • Tác dụng yếu trên virus và bào tử.
  • Không tiêu diệt được màng sinh học – màng Biofilm
  • Hiệu lực tác dụng không kéo dài.
  • Gây tác dụng phụ khi iod hấp thụ vào cơ thể.
  • Gây khô, xót da khi sử dụng.
  • Gây nhuộm da, gây khó khăn trong theo dõi sự tiến triển của vết thương.

Trong đó, nhược điểm khó khắc phục nhất là hiệu lực tác dụng không kéo dài do iod giải phóng ra tiếp xúc với ánh sáng có thể bị phân hủy và mất màu. Điều này làm giảm tác dụng của thuốc sát trùng. Một nhược điểm khác khiến nhiều người lo ngại khi sử dụng là iod vẫn có khả năng hấp thụ qua da vào hệ thống tuần hoàn, gây tác dụng phụ toàn thân. Trường hợp có nguy cơ hấp thụ cao là sử dụng Betadine thường xuyên với vết thương hở và băng kín. Khi sử dụng nhiều thuốc sát trùng trên vùng da lớn hoặc bỏng nặng có thể gây nhiều tác dụng phụ như:

  • Trường hợp nhẹ: miệng tăng tiết nước bọt, đau rát họng, có vị kim loại, xuất hiện tình trạng tiêu chảy.
  • Trường hợp nặng: iod hấp thu và được thải trừ qua thận có thể gây nhiễm acid chuyển hóa, tăng natri máu và tổn hại chức năng thận.
  • Ngoài ra, dư thừa iod trong cơ thể có thể gây tổn hại đến tuyến giáp như cường giáp.

IV. Những lưu ý khi sử dụng thuốc sát trùng vết thương Betadine

1. Cách sử dụng thuốc sát trùng Betadine hiệu quả

Hầu hết các chế phẩm trên thị trường đã được bào chế với nồng độ sát khuẩn thích hợp. Do đó, bạn chỉ cần sử dụng trực tiếp dung dịch để rửa vết thương mà không cần pha loãng.

thuốc sát trùng betadin

Cách sử dụng dung dịch Betadine để rửa vết thương:

  • Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý để loại bỏ bụi bẩn, dịch viêm, tế bào chết tại vị trí tổn thương.
  • Ngâm, xịt, rửa vết thương với thuốc sát trùng betadine. Giữ tối thiểu 30 giây để thuốc phát huy tác dụng.
  • Rửa lại bằng nước muối sinh lý để hạn chế iod hấp thụ vào cơ thể.
  • Lau khô và băng kín vết thương để bảo vệ vết thương, tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

Bạn nên sử dụng thuốc sát trùng Betadine 2 – 3 lần /ngày. Trong trường hợp vết thương dễ bị nhiễm bẩn, cần phải tăng số lần sử dụng trong ngày để đảm bảo vết thương luôn vô khuẩn.

>>> Xem bài viết: Sát trùng vết thương hở tại nhà đúng cách bằng 6 bước đơn giản.

2. Những đối tượng không nên sử dụng thuốc sát trùng Betadine

Do lo ngại tác dụng phụ do iod hấp thu vào cơ thể nên thuốc sát trùng Betadine không được dùng cho các đối tượng sau:

  • Bệnh nhân bị bướu cổ hoặc mắc bệnh lý tuyến giáp do có nguy cơ phát triển tế bào quá mức khi dùng liều cao iod. Đối với những bệnh nhân này, không được dùng Betadine trong thời gian dài và trên vết thương diện rộng.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có khả năng thấm thuốc qua da lớn hơn người lớn và rất mẫn cảm với iod khi dùng liều cao. Do đó chỉ sử dụng povidone iod ở mức liều tối thiểu. Khi sử dụng, bạn cần giám sát trẻ để tránh trẻ nuốt thuốc.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú nếu cần sử dụng betadine chỉ nên dùng với liều tối thiểu. Do iod có khả năng đi qua nhau thai và được tiết vào sữa mẹ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh.

Bài viết cung cấp những thông tin hữu ích về thuốc sát trùng vết thương Betadine (Povidone iod). Nếu có bất kỳ thắc mắc, hãy gọi ngay đến số HOTLINE 19009482 để được dược sĩ tư vấn và giải đáp.

Từ khóa » Thuốc Bôi Povidine Iodine