Bí ẩn Ngôi Mộ Cổ Nằm Giữa Quần Thể Lộc Vừng Hơn 1.000 Năm Tuổi

Ngôi mộ thờ ai?

Nằm ở giữa gò Vình (xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) là một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ không có bảng tên, không có mái che, chỉ là một bệ gạch xây lên dưới những tán cây lộc vừng cổ thụ. Bên ngoài mộ phủ rêu xanh, gạch vữa nhuốm màu thời gian.

img

Ngôi mộ cổ nằm ở chính giữa gò Vình, dưới những tán lộc vừng ngàn năm tuổi.

Khi chúng tôi hỏi về ngôi mộ đó, một người dân nói rằng: “Không có sử sách nào ghi lại đâu, chú muốn biết thì vào hỏi các cụ già trong làng”.

Chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Hữu Ngạn – nguyên Chủ tịch Hội người cao tuổi Chương Xá thì được ông kể, từ khi lớn lên ông đã thấy ngôi mộ ở gò Vình.

“Tôi đã hỏi những cụ cao niên trong làng về ngôi mộ nhưng cũng nhận được câu trả lời là từ khi nhỏ, họ đã thấy nó ở đó”, ông Ngạn nói.

Theo ông Ngạn, ngôi mộ cổ đó thờ công chúa Ngọc Hoa hay còn gọi là phu nhân Đường Thị Quế, người con thứ 7 của vua Hùng.

Tương truyền, xưa kia các vua Hùng vào vùng đất Chương Xá bây giờ. Khi ấy vào mùa nước, con gái vua chính là công chúa Ngọc Hoa cùng với đoàn thuyền đi ngắm trăng. Trong đêm trăng thanh gió mát, bỗng nhiên có một cơn gió nổi lên cuốn chìm thuyền của công chúa.

Khi tìm thấy, công chúa Ngọc Hoa đã mất. Vua cha sai quân lính múc đất vòng quanh, đào đắp một gò cao xây xung quanh để thờ công chúa. Ngôi mộ được xây bằng những viên đá ong, xung quanh trồng cây lộc vừng và hai cây cọ được ví như hai cây đèn sáng nơi đây.

img

Ông Nguyễn Hữu Ngạn – nguyên Chủ tịch Hội người cao tuổi Chương Xá

Thế nhưng, khi được hỏi về gốc tích của ngôi mộ cổ, ông Phạm Minh Hồng - Chủ tịch UBND xã Chương Xá lại kể một câu chuyện khác.

Theo ông Hồng, trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Chương Xá có ghi, ngôi mộ ở gò Vình hiện tại thờ công chúa Tiên Dung hay còn gọi là phu nhân Trần Thị Quế chứ không phải công chúa Ngọc Hoa (phu nhân Đường Thị Quế).

“Chúng tôi sưu tầm thông tin từ những bài cúng cổ của các cụ cao niên trong làng còn có tuổi đời cao hơn cụ Ngạn. Cũng có lần chúng tôi nhắc cụ Ngạn về việc này, nhưng khi có người hỏi chắc cụ lại quên về gốc tích lịch sử của ngôi mộ”, ông Hồng nói.

Ông Hồng cho biết thêm, một số đoàn khảo cổ học về khảo sát nơi đây cũng xác định ngôi mộ và quần thể lộc vừng có từ hàng nghìn đời nay.

img

Theo lãnh đạo xã Chương Xá, ngôi mộ thờ công chúa Tiên Dung

“Báu vật” của làng

Mỗi khi nhắc đến quần thể lộc vừng và ngôi mộ cổ ở gò Vình, người dân quanh vùng đều tỏ một lòng thành kính. Với họ, nơi ấy rất linh thiêng nên không ai dám mạo phạm.

Ông Hồng, chủ tịch xã Chương Xá kể, ngày trước, khi lộc vừng sốt trong giới cây cảnh. Nhiều người mon men ra chặt những cành, rễ… về bán. Một thời gian sau, không hiểu vì lý do gì, những cành, rễ… bị chặt đều được trả về đúng vị trí cũ.

“Tôi không rõ ai chặt, nhưng những thứ bị chặt một thời gian sau đều trở về đúng vị trí cũ, điều này là rất lạ”, ông Hồng chia sẻ.

Năm 2013, quần thể lộc vừng ở gò Vình đã được công nhận là cây di sản Việt Nam, còn ngôi mộ cổ chưa được công nhận di tích. Tuy nhiên, với người dân địa phương, gò Vình vẫn như một “báu vật” của làng.

img

Rất đông người dân, kể cả trẻ nhỏ cũng ra đây hóng mát những buổi trưa hè oi ả.

Trước kia, nơi đây là vùng chiêm trũng, sen, súng mọc kín, muốn ra gò phải đi thuyền hoặc lội đồng. Vì vậy, khổ nhất là các ông từ. Thế nhưng, ngôi mộ vẫn luôn được quét dọn sạch sẽ, hương khói đầy đủ. Từ khi dồn điền đổi thửa, vùng chiêm trũng giờ đã thành đất trồng lúa, đường mở rộng nên ô tô có thể đi vào.

Ngày rằm, mùng 1 âm lịch, người dân cùng du khách thập phương vẫn đổ về đây tham quan và lễ bái rất đông. Những trưa hè nắng oi ả nhưng chỉ cần ra gò Vình, không khí dịu hẳn. Người ta có thể trải chiếu, mắc võng lên cây lộc vừng mà ngủ cả ngày. Người dân mỗi khi đi làm đồng nắng nóng, mệt mỏi ghé gò Vình nghỉ chân một lát là tinh thần lại sảng khoái lên ngay.

Nhà văn Bắc Sơn khi về thăm nơi đây đã viết những dòng cảm nhận: “Sự linh thiêng của gò thờ này cũng giống như những khu rừng thiêng của đồng bào miền núi, được đời sống tâm linh của cộng đồng bảo vệ. Các cụ già trong làng bảo, đến mùa ra hoa, đứng xa ngắm, gò Vình trông như mâm xôi gấc khổng lồ. Xét theo phong thủy thì các cụ gọi là long chầu hổ phục – báu vật trời ban cho dân làng”.

__________________

Mỗi độ lộc vừng nở hoa, gò Vình giống như một mâm xôi gấc đỏ rực. Hoa rụng xuống như trải thảm đỏ, tô điểm cho cánh đồng chiêm trũng Chương Xá. Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3: Chiêm ngưỡng sắc đỏ tuyệt đẹp của hoa lộc vừng ngàn năm tuổi ở gò Vình vào lúc 0h30 ngày 24/6/2019

Gò lộc vừng ngàn năm tuổi hình con rùa ”độc nhất vô nhị” ở Việt Nam Gò lộc vừng ngàn năm tuổi hình con rùa ”độc nhất vô nhị” ở Việt Nam

Từ khi bị kẻ gian đào trộm kho báu dưới gốc, 2 cây cọ ngàn năm tuổi ở gò Vình bật rễ và chết, chỉ còn 86 cây lộc...

Bấm xem >>

Từ khóa » Cây Lộc Vừng Cổ Thụ ở Phú Thọ