Bị Bệnh Gan Nên ăn Gì, Kiêng Gì Tốt Nhất - .vn

Gan có vai trò quan trọng đối với cơ thể, không chỉ là cơ quan chuyển hóa các chất gan còn là “bộ máy” lọc chất độc của cơ thể. Bệnh lý về gan khiến chức năng gan suy giảm gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Bên cạnh biện pháp cải thiện, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học hỗ trợ điều trị. Vậy người bệnh gan nên ăn gì? Kiêng gì?

Bị bệnh gan nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất 1

Mục lục

  • Mối liên quan giữa chế độ ăn với người bệnh gan
  • Người mắc bệnh gan nên ăn gì?
    • Thực phẩm giàu đạm
    • Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ
    • Bổ sung đủ nước
    • Sữa chua
    • Trứng
    • Cá biển béo
    • Các loại hạt khô
    • Trà xanh
  • Bệnh gan kiêng ăn gì? Các loại thực phẩm không nên ăn
    • Thực phẩm nhiều dầu mỡ
    • Thịt dê
    • Tôm và các loại hải sản tươi sống
    • Măng
    • Nội tạng động vật
    • Tỏi và gừng
    • Thực phẩm cay nóng
    • Thực phẩm chế biến sẵn
    • Thực phẩm chứa nhiều muối
    • Thực phẩm có đường
    • Thức uống chứa cồn
  • Lưu ý trong chế độ ăn của người bệnh gan
    • Trường hợp viêm gan cấp
    • Trường hợp viêm gan mạn tính
    • Một vài trường hợp đặc biệt
    • Người bệnh xơ gan

Mối liên quan giữa chế độ ăn với người bệnh gan

Gan là cơ quan nội tạng có kích thước lớn trong cơ thể,. Chúng nằm ở ổ bụng, ẩn bên trong lồng ngực và giữ nhiều vai trò quan trọng khác nhau. Gan bài tiết ra dịch mật, chứa các men tiêu hóa, giúp phân cắt thức ăn thành dưỡng chất có kích thước nhỏ giúp hâp thu vào máu. Do đó, nếu chức năng này bị tổn thương, cơ thể không tiêu thụ được bát cứ thứ gì từ thực phẩm dung nạp vào và cơ thể dần suy mòn.

Bên cạnh đó, gan được ví như nhà máy xử lý toàn bộ các chất lưu hành trong máu và thải các chất độc ra bên ngoài. Tuy nhiên, khi lượng độc tố ngày một tăng cao, vượt quá khả năng hoạt động của gan khiến gan bị suy yếu.

Khi gan suy yếu, khả năng thải lọc độc tố bị kém đi không chỉ gây hại cho gan mà còn tiềm ẩn những nguy cơ mắc các bệnh lý khác ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, khi chẩn đoán mắc bệnh lý về gan bên cạnh điều trị, tập luyện người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn hợp lý. Cụ thể, người bệnh cần nắm được nên ăn những thực phẩm nào, tránh thực phẩm nào và cách chế biến sao cho tốt cho tình trạng bệnh của mình.

Dù nhận thức được vai trò quan trọng của chế độ ăn đối với gan nói riêng và sức khỏe nói chung nhưng nhiều người vẫn chủ quan không kiêng gì, ăn những gì mình muốn. Nếu ăn các thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm chứa nhiều chất béo, đồ chiên xào, đồ ăn chứa nhiều muối, bia rượu quá mức…khiến gan phải làm việc hết công suất để điều chế và tống xuất chất thừa ra ngoài. Tình trạng này kéo dài khiến gan bị tổn thương nặng nề.

Người mắc bệnh gan nên ăn gì?

Người mắc các bệnh lý về gan cần xây dựng cho bản thân thực đơn ăn uống lành mạnh. Để hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh, người bệnh nên ăn thực phẩm sau:

Thực phẩm giàu đạm

Người bệnh gan nên bổ sung những thực phẩm giàu đạm vào chế độ ăn như thịt, cá, trứng, sữa…Đây là dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể để tạo ra năng lượng giúp duy trì hoạt động sống và tránh tình trạng bạn bị tụt cân.

Cần đảm bảo cung cấp đủ 1g protein/kg cơ thể/ngày. Trong đó 50% lượng protein này do ngũ cốc và rau quả cung cấp nên chỉ còn 50% là lấy từ thực phẩm như cá, thịt, trứng, sữa hoặc đạm thực vật như: đậu phụ… Điều đó có nghĩa rằng, mỗi ngày bạn cần 200g cá hoặc 100g thịt nạc, trứng, cốc sữa là đủ cung cấp cho cơ thể.

Lượng protein từ cá và sữa bò rất tốt đối với người bị yếu gan vì chúng dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, trong sữa bò có chất béo thuộc loại khó tiêu hóa nên đối với những người gan yếu không nên uống nhiều sữa, mỗi ngày nên uống 1 cốc.

Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ

Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ 1

Thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả không chỉ ngon miệng, dễ ăn và còn bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất đặc biệt là vitamin A, C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, bổ sung hàng loạt chất oxy hóa giúp ức chế sự tiến triển của bệnh gan, ngăn ngừa tình trạng ung thư.

Bên cạnh đó, chất xơ dồi dào rất tốt cho hệ tiêu hóa, các vitamin khác giúp gan chuyển hóa tốt nên gan không phải gồng mình lên làm việc. Thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh gan phải kể tới như bánh mì, bột mì, gạo tẻ, các loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu tương…) vì chúng làm mát gan.

Bổ sung đủ nước

Nước có vai trò quan trọng giúp duy trì các hoạt động trong cơ thể. Một trong những điều tốt nhất cho gan là cần cung cấp đủ nước. Tập thói quen uống 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày từ các loại nước lọc, nước trái cây, sinh tố…Thói quen này giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu nước giúp gan làm việc hiệu quả hơn.

Sữa chua

Sữa chua 1

Sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn đường ruột, giúp hỗ trợ chuyển hóa thức ăn và chất dinh dưỡng tốt hơn. Bên cạnh đó, có tác dụng làm mát gan, ức chế sự hoạt động của virus gây hại. Do đó, nên ăn sữa chua mỗi ngày mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Trứng

Có nhiều ý kiến cho rằng nên kiêng trứng, nhưng trên thực tế lòng trắng trứng có chứa nhiều chất như methionin, eytein, eystin là các acid amin bảo vệ gan. Lòng đỏ trứng chứa nhiều chất béo nhưng chất béo này là phosphatidylcholin (lecithin) tốt cho gan.

Bên cạnh đó, trứng còn chứa lượng sinh tố nhóm B, nếu 1 ngày ăn 1 lòng đỏ trứng gà đáp ứng 1/3 nhu cầu vitamin của cơ thể. Như vậy trừ những người bị dị ứng với trứng, người bệnh viêm gan có thể cách ngày ăn 1 quả trứng luộc.

Cá biển béo

Các loại cá biển này bổ sung nguồn chất béo cần thiết đối với cơ thể mà thân thiện với lá gan và sức khỏe tim mạch. Phải kể tới như cá thu, cà ngừ, cá mòi…chứa acid béo và omega 3 đều rất tốt cho gan là làm chậm quá trình ung thư hóa gan.

Các loại hạt khô

Các loại hạt khô 1

Các loại hạt khô như hạt dẻ, hạt hạnh nhân, hạt hướng dương…là nguồn cung cấp vitamin E dồi dào. Đây là dưỡng chất được nghiên cứu có thể giúp bảo vệ và chống lại bệnh gan nhiễm mỡ.

Trà xanh

Đây là thức uống khá phổ biến ở nước ta, trong trà xanh có chứa chất chống oxy hóa là catechin rất tốt cho gan, giúp bảo vệ gan và chống lại một số dạng ung thư. Lượng catechin nhận được sẽ nhiều hơn nếu bạn tự pha trà và uống lúc còn nóng. Trà đá và trà xanh pha sẵn có mức độ chất này thấp hơn nhiều.

Bên cạnh đó, thực phẩm trước khi chế biến cần được bảo quản kỹ, hợp vệ sinh để tránh vi khuẩn xâm nhập gây hại cho gan. Chế biến thực phẩm cần chín kỹ, đảm bảo ăn chín uống sôi, tránh sự xâm nhập của virus vào cơ thể. Nên chế biến thức ăn dưới dạng hấp, luộc thay vì chiên xào nhiều dầu mỡ để gan làm việc nhẹ nhàng hơn, tránh bị tổn thương. Nên ưu tiên các thực phẩm có tính mát vừa dễ tiêu hóa, tránh gây nóng trong người, tránh tạo ra độc tố trong cơ thể.

➤ Xem thêm: 10 thực phẩm cực tốt cho gan

Bệnh gan kiêng ăn gì? Các loại thực phẩm không nên ăn

Bên cạnh những thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn ăn uống, một số thực phẩm người bệnh gan nên kiêng để tình trạng bệnh không trở nên nặng hơn:

Thực phẩm nhiều dầu mỡ

Thực phẩm nhiều dầu mỡ 1

Các loại thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ có chứa nhiều chất béo bão hòa có nguy cơ dẫn tới béo phì cũng như tình trạng gan nhiễm mỡ cho người bệnh. Vì vậy, người bệnh gan nên hạn chế thực phẩm này trong khẩu phần ăn. Nên sử dụng dầu thực vật để chế biến thay vì dùng mỡ động vật.

Thịt dê

Thịt dê là thực phẩm thơm ngon và bổ dưỡng được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, với người mắc bệnh gan thì việc ăn thịt dê cần được kiểm soát, chỉ nên ăn một lượng vừa phải.

Theo đông y, thịt dê có tính nóng nếu ăn nhiều gây ra phản ứng viêm khiến những tổn thương tại gan càng trở nên trầm trọng hơn. Thịt dê là thực phẩm có chứa nhiều mỡ và protein, nếu gan bị suy yếu chức năng chuyển hóa và thải độc thì vô tình gây áp lực lên gan khiến gan hoạt động “vất vả” hơn.

Tôm và các loại hải sản tươi sống

Tôm và các loại hải sản tươi sống là nguồn cung cấp lượng đạm cao nên không tốt đối với người bệnh gan. Đặc biệt, những người có tiền sử bị dị ứng với hải sản thì càng nguy hiểm hơn vì chức năng gan bị suy giảm. Vì vậy, nên ăn loại thực phẩm này với lượng vừa đủ, không nên dung nạp quá nhiều tạo gánh nặng cho gan.

Măng

Măng 1

Măng là thực phẩm giàu chất xơ có tác dụng giảm táo bón và cholesterol trong máu nhưng với người bệnh gan măng không hề tốt. Theo đông y, măng có tính hàn, khó tiêu ở dạ dày và chuyển hóa ở gan. Do đó, với những người bệnh xơ gan, viêm gan…nếu ăn nhiều măng sẽ khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn.

Nội tạng động vật

Nội tạng động vật có chứa nhiều cholesterol gây giảm hoặc tắc nghẽn quá trình bài tiết dịch mật. Ngoài ra, cơ thể không thể tiêu hóa triệt để các chất béo từ thực phẩm này gây ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình lọc thải độc của gan. Với những người bệnh gan tốt nhất nên hạn chế ăn nội tạng động vật

Tỏi và gừng

Tỏi và gừng 1

Đây là những loại gia vị khá phổ biến trong gian bếp của mỗi gia đình, giúp món ăn thơm ngon và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu bị bệnh gan mà sử dụng 2 loại gia vị trên thường xuyên lại khá nguy hiểm. Chất volatile 2 gia vị trên khiến sụt giảm lượng hồng cầu và huyết sắc tố trong máu dẫn tới thiếu máu.

Thực phẩm cay nóng

Ớt, hạt tiêu, mù tạt…khiến hệ tiêu hóa bị “nóng” gây mất cân bằng chức năng và khiến gan phải làm việc “mệt mỏi ” hơn. Bên cạnh đó, dung nạp quá nhiều thực phẩm cay nóng khiến da nổi mụn, sẩn ngứa…Để cải thiện tình trạng bệnh, tốt nhất người bệnh gan không nên dung nạp những thực phẩm này.

Thực phẩm chế biến sẵn

Các loại thực phẩm chế biến sẵn ngày càng trở nên phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, những loại thực phẩm này chứa nhiều chất bảo quản gây ảnh hưởng tới sức khỏe đặc biệt là người bệnh gan. Để bảo vệ gan tốt nhất người bệnh nên tránh nhóm thực phẩm này.

Thực phẩm chứa nhiều muối

Khi mắc bệnh lý về gan đồng nghĩa với việc chức năng gan suy giảm bao gồm cả khả năng tổng hợp protein cũng như albumin. Cơ thể giảm khả năng giữ nước của mạch máu dẫn tới hiện tượng rò rỉ trong mao mạch, gây ra tích tụ chất lỏng trong các mô khác (cổ trướng). Để ngăn ngừa tình trạng giữ nước và sưng bằng cách hạn chế ăn các thực phẩm chứa muối ăn. Một số thực phẩm chứa nhiều muối như cá khô, thịt xông khói, xúc xích, phô mai, khoai tây chiên…

Thực phẩm có đường

Dung nạp thực phẩm chứa nhiều đường ngoài việc dẫn tới bệnh tiểu đường còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan thậm chí khiến tình trạng tổn thương gan ngày càng nặng nề hơn. Nên hạn chế các món ăn như bánh ngọt, bánh mì trắng, thực phẩm chứa nhiều đường hóa học…

Thức uống chứa cồn

Thức uống chứa cồn 1

Rượu bia được xếp vào danh sách hàng đầu những điều người bệnh gan nên kiêng. Khi dung nạp chúng vào cơ thể gây ức chế sự hấp thụ dưỡng chất củ cơ thể. Ngoài ra, rượu bia là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh gan chẳng hạn như xơ gan do rượu…Những người mắc bệnh gan cần tránh dung nạp rượu bia dưới bất cứ hình thức nào.

Với người bệnh gan chọn đúng loại thực phẩm nào nên dùng có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị bệnh vì đây là cơ quan thanh lọc độc tố cho cơ thể. Cần cẩn trọng với những thực phẩm bạn ăn gia tăng tỷ lệ thành công của điều trị.

Lưu ý trong chế độ ăn của người bệnh gan

Chế độ dinh dưỡng đối với bệnh gan còn phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, cụ thể

Trường hợp viêm gan cấp

Ở giai đoạn này, hoạt động của gan có thể bị xáo trộn với các biểu hiện thực thể như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa. Người bệnh không nên kiêng quá mức mà cần ăn đầy đủ dinh dưỡng. Những điểm cần lưu ý trong chế độ ăn:

  • Chọn thức ăn dễ tiêu hóa, không ăn lòng đỏ trứng gà thay vào đó là các loại thịt cá nạc, dậu hũ…
  • Khi bệnh nặng hơn, người bệnh có các triệu chứng như vật vã, lơ mơ…cần giảm lượng đạm, giảm chất béo
  • Thức ăn có chứa nhiều cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng không nên ăn vì sự bài tiết mật có thể bị giảm hoặc bế tắc dẫn tới không tiêu hóa hết chất béo
  • Tuyệt đối kiêng hẳn bia rượu và các đồ uống có cồn cho tới khi gan hồi phục hoàn toàn
  • Thận trọng khi dùng thuốc vì một số thuốc có thể gây độc cho ga như thuốc an thần, thuốc giảm đau, chống viêm
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn từng chút một, không nên ăn no. Người bệnh viêm gan thường nôn ói vào buổi chiều nên có thể ăn nhiều vào buổi sáng, buổi chiều tối ăn nhẹ nhàng hơn.

Trường hợp viêm gan mạn tính

Phần lớn người bệnh viêm gan mạn tính không có triệu chứng đặc biệt gì mặc dù gan có thể bị hư hại ngày một nặng hơn. Người bệnh không nên kiêng ăn quá mức khiến cơ thể càng thêm mệt mỏi. Dưới đây là một số lưu ý:

  • Không nên ăn thức ăn quá nhiều gia vị, dầu mỡ gây khó tiêu
  • Không uống rượu bia
  • Ăn nhiều các loại protein được nấu nhừ, bên cạnh đó cũng cần ăn các chất có xơ như cam, cà rốt, chuối, gạo lứt, đậu đỏ, các loại rau xanh…
  • Bổ sung nhiều nước đặc biệt nước trái cây như nước cam, chanh…
  • Bổ sung đủ lượng protein cần thiết để tấn công bệnh tật, tái tạo gan và không thất thoát các chất cơ.
  • Rau củ và trái cây: Cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, mỗi ngày nên ăn ít nhất một loại rau có màu xanh đậm và một loại rau có màu cam (cà rốt, cà chua, bí đỏ…).
  • Bổ sung sữa mỗi ngày, bệnh nhân nên dùng khoảng 500ml sữa để có đủ vitamin D, có thể sử dụng chế phẩm của sữa như sữa chua, phô mai.

Một vài trường hợp đặc biệt

Người bệnh xơ gan

Người bệnh xơ gan chia nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa ăn một ít để gan có thể sử dụng tốt hơn nitrogen và làm giảm sự ôxy hóa các chất béo, ngăn ngừa sự thiếu hụt glycogen dự trữ. Lưu ý, với trường hợp xơ gan cổ trướng thì khẩu phần ăn cần giảm lượng muối, sử dugjn các chất có tác dụng lợi tiểu

Người bệnh thừa cân và gan nhiễm mỡ

Một số người bệnh bị thừa cân, gan nhiễm mỡ cần phải giảm ăn để giảm sự thoái hóa mỡ gan. Chứng thoái hóa mỡ gan thường xảy ra ở người bệnh viêm gan virus.

Tình trạng gan nhiễm mỡ thường đi đôi với béo phì dẫn tới xơ hóa và một số bệnh lý khác. Người bệnh cần giảm cân từ từ bằng cách áp dụng chế độ ăn uống khoa học và hoạt động cơ thể. Không nên giảm cân quá nhanh vì có thể làm tổn thương gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa và gia tăng xơ hóa.

Cần thận trọng khi sử dụng thuốc trong điều trị đặc biệt là các thuốc có ảnh hưởng tới chức năng gan như thuốc giảm đau, hạ sốt, vitamin A liều cao…Sử dụng thuốc đông, tây y cần theo chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Mọi thắc mắc về bệnh gan mật, xin liên hệ: 1800 1190 (miễn cước) – 0912571190 để được Hội gan mật tư vấn.

Từ khóa » Chức Năng Gan Kém Uống Thuốc Gì