Bị đắng Miệng Là Bệnh Gì? Làm Sao để Hết đắng Miệng? - Hello Bacsi

Bạn có thể cảm thấy đắng miệng sau khi ăn uống những thực phẩm như cải xoăn, mướp đắng, cà phê đen… Tuy nhiên, nếu tình trạng miệng bị đắng kéo dài không liên quan đến đồ ăn thức uống có thể là dấu hiệu cảnh báo tổn thương thần kinh, vấn đề nha khoa, bệnh trào ngược dạ dày…

Tình trạng đắng miệng có thể khiến bạn có cảm giác ăn không ngon ảnh hưởng đến tâm trạng trong ngày. Dưới đây, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các nguyên nhân và cách cải thiện vấn đề này nhé!

Bị đắng miệng là bệnh gì?

Nhiều người lo lắng miệng đắng là bệnh gì? Thế nhưng, trên thực tế các nguyên nhân khiến miệng bị đắng thường không quá nghiêm trọng. Chúng có thể là:

1. Khô miệng

Tình trạng khô miệng xảy ra khi miệng không sản xuất đủ nước bọt và có thể khiến miệng có vị đắng.

Điều này có thể do các yếu tố như dùng thuốc men, sử dụng thuốc lá… Nếu bạn bị khô miệng kéo dài, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được chẩn đoán sớm.

2. Nguyên nhân đắng miệng có thể do chăm sóc răng miệng kém

đắng miệng do vệ sinh răng miệng kém

Việc vệ sinh răng miệng kém có thể gây ra vị đắng trong miệng, do vi khuẩn hoạt động gây ra. Điều này làm tăng nguy cơ sâu răng, nhiễm trùng, bệnh nướu răng hoặc viêm nướu.

Bạn nên thường xuyên đánh răng, cạo lưỡi hoặc nước súc miệng kháng khuẩn để răng miệng luôn được sạch sẽ, hạn chế các vấn đề về nha khoa.

3. Tại sao miệng đắng? Có thể do mang thai

Trong ba tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu có thể cảm giác miệng bị đắng hoặc có vị kim loại. Nguyên nhân là do hormone trong cơ thể có sự biến đổi, ảnh hưởng đến các giác quan, có thể gây ra cảm giác khó chịu với một số thực phẩm có mùi. Tình trạng này thường tự biến mất sau khi sinh.

4. Bị đắng miệng là bệnh gì? Hội chứng miệng bỏng rát

Hội chứng miệng bỏng rát gây ra cảm giác nóng rát trong miệng, được mô tả tương tự như ăn ớt cay. Một số người cũng có thể cảm giác miệng bị đắng hoặc hôi. Các triệu chứng của hội chứng này thường xuất hiện trong thời gian ngắn, nhưng đôi khi kéo dài rất lâu.

5. Mãn kinh gây đắng miệng

Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể gặp phải tình trạng có vị đắng trong miệng. Điều này thường là do sự suy giảm nồng độ estrogen trong cơ thể, dẫn đến các vấn đề như hội chứng bỏng rát miệng hay khô miệng kéo dài.

6. Miệng đắng là bệnh gì? Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

đắng miệng do trào ngược dạ dày

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi cơ vòng ở đỉnh dạ dày trở nên suy yếu, gây trào ngược axit lên thực quản. Triệu chứng là nóng rát ở ngực hoặc bụng và khiến miệng bị đắng.

7. Nấm miệng

Nhiễm trùng nấm men trong miệng thường gây ra các vết, đốm trắng xuất hiện trên lưỡi, khoang miệng hoặc cổ họng. Đồng thời, bệnh cũng gây ra đắng miệng hoặc khó chịu.

8. Căng thẳng có thể là nguyên nhân gây đắng miệng

Mức độ căng thẳng và lo lắng cao có thể kích thích phản ứng trong cơ thể, điều này thường làm thay đổi vị giác. Bên cạnh đó, lo lắng thường xuyên có thể gây khô miệng, yếu tố nguy cơ dẫn đến miệng bị đắng.

9. Bị đắng miệng là bệnh gì? Tổn thương dây thần kinh

Giống như các giác quan khác trong cơ thể, vị giác được kết nối trực tiếp với các dây thần kinh của não. Việc tổn thương dây thần kinh có thể gây ra sự thay đổi vị giác, trong đó có đắng miệng. Tình trạng tổn thương thần kinh có thể xảy ra do chấn thương đầu hoặc:

  • U não
  • Động kinh
  • Mất trí nhớ
  • Đa xơ cứng
  • Bệnh liệt mặt

10. Nguyên nhân gây đắng miệng có thể là thuốc

Một số loại thuốc, chất bổ sung hoặc phương pháp điều trị y tế có thể làm vị giác thay đổi. Điều này có thể là do bản chất thuốc có vị đắng hoặc do hóa chất trong thuốc được bài tiết vào nước bọt.

Các loại thuốc có thể khiến miệng bị đắng bao gồm:

  • Thuốc tim mạch
  • Thuốc lithium
  • Thuốc kháng sinh
  • Vitamin có chứa khoáng chất như đồng, sắt hoặc kẽm

11. Cảm lạnh gây đắng miệng

Một số bệnh như nhiễm trùng xoang hoặc cảm lạnh có thể gây ra vị đắng trong miệng.

12. Miệng đắng ở người đang điều trị ung thư

Người đang điều trị ung thư có thể bị đắng miệng khi ăn hoặc uống. Hóa trị và xạ trị có thể gây thay đổi vị giác ở một số người, gây nên cảm giác đắng hoặc vị kim loại trong miệng.

Cách trị đắng miệng hiệu quả

các cách trị đắng miệng

Khi miệng bị đắng, bác sĩ thường sẽ điều trị nguyên nhân cơ bản gây đắng miệng. Họ có thể chẩn đoán bằng cách hỏi về bất kỳ triệu chứng, thuốc đang sử dụng và xét nghiệm. Sau khi kết luận, họ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho bạn.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện các cách chữa đắng miệng tại nhà như:

1. Chăm sóc răng miệng thường xuyên: Đánh răng, dùng chỉ nha khoa và sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn.

2. Nhai kẹo cao su: Lựa chọn các loại kẹo cao su không đường, hương cam hoặc hương dâu để duy trì lượng nước bọt trong miệng và lấn át vị đắng.

3. Uống nước: khoảng 2 – 3 lít mỗi ngày để cơ thể luôn đủ nước, tăng tiết nước bọt, giúp khoang miệng luôn ẩm.

4. Tránh các yếu tố nguy cơ gây trào ngược axit: Gồm thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc cay, thuốc lá và rượu. Nếu đang bị trào ngược, bạn nên ăn cháo để dễ tiêu hóa, giảm tình trạng đắng miệng và ợ chua.

5. Chia nhỏ các bữa ăn: Để hạn chế tình trạng chán ăn và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.

6. Bổ sung những thực phẩm và trái cây giàu vitamin C: Để kích thích vị giác, tăng tiết nước bọt. Đồng thời, bạn cũng nên tránh dùng đồ uống có gas, trà, cà phê… để giảm đắng miệng.

7. Không hút thuốc lá hoặc các chất gây nghiện: Thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích gây nghiện…đều có liên quan đến hiện tượng đắng miệng, cần tránh.

8. Thường xuyên cạo vôi răng: Cạo vôi răng định kỳ mỗi 6 tháng cũng là một cách trị đắng miệng dễ dàng.

Ăn gì để trị đắng miệng?

Người bị đắng miệng nên ăn gì? Người bệnh nên ăn những món ăn ít gia vị hơn. Những thực phẩm có nhiều mùi vị sẽ hòa trộn với vị đắng trong miệng, khiến người bệnh khó chịu hơn. Để giảm triệu chứng đắng, bạn nên tránh những thực phẩm quá cay, quá ngọt hoặc có chứa chất bảo quản.

Cách trị đắng miệng bằng trái cây giàu vitamin C

Những loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, ổi,… sẽ làm tăng tiết nước bọt, từ đó giảm bớt triệu chứng miệng bị đắng. Chúng còn tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Bạn có thể ăn trực tiếp hoặc dùng nước ép trái cây.

Cháo

Cháo dễ tiêu hóa, đặc biệt thích hợp cho người bị trào ngược dạ dày, giảm cảm giác đắng miệng, ợ chua.

Bạn có thể xem thêm: Cách nấu cháo cho người ốm nhanh hồi phục

Cách chữa đắng miệng bằng ô mai

Ô mai có vị chua ngọt, kích thích tăng tiết nước bọt. Ngậm ô mai sẽ giúp giảm khô miệng. Từ đó, cảm giác miệng bị đắng do khô miệng sẽ giảm từ từ.

Tình trạng miệng đắng có thể xảy ra ngay cả khi bạn không ăn hay uống bất cứ thứ gì có vị đắng. Đây là vấn đề khá phổ biến và hầu hết các nguyên nhân đều có thể điều trị dễ dàng. Vì vậy, đừng ngần ngại đi khám nếu bị đắng miệng kéo dài để sớm đẩy lùi tình trạng này nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Nhạt Miệng Tiết Nước Bọt