“Bi Kịch” Gái Tài, Trai Sắc - PLO

“Nói cho anh biết gái trẻ, đẹp thì đầy đường, anh muốn lấy bao nhiêu cũng được. Chỉ có như tôi mới hiếm, mới chịu nổi anh thôi” - nói rồi chị Miên (chủ một doanh nghiệp gốm sứ tại Bình Dương) phóng xe máy ra đường, bỏ mặc ông chồng ngấp nghé tuổi 50 đứng sững như trời trồng.

Bỗng dưng… ngại vợ

Chị Miên ấm ức: “Không biết từ khi nào ông ấy lại trở tính, tự nhiên sợ đi chung với vợ. Riết rồi mình thấy ông ấy ra đường cứ như người độc thân, còn mình thì như gái không chồng mà có cả mấy đứa con…”.

Vợ chồng chị ngày xưa rất xứng đôi vừa lứa. Anh Thành là sinh viên thanh lịch của ĐH Kinh tế Quốc dân HN, còn chị là hoa khôi của ĐH Ngoại thương. 20 năm trước, họ vào Nam lập nghiệp và sinh sống cho tới bây giờ. Anh tham gia vào việc kinh doanh chỉ trong thời gian đầu, sau đó rút về “hậu phương”, còn chị “ra trận” làm kinh tế.

Rồi họ có nhà, có xe, có tài sản để dành cho con cái; chỉ có sự xứng đôi vừa lứa mất dần. Đối nội, đối ngoại, thị trường nội địa, nước ngoài… một tay chị lo. Anh chỉ loanh quanh với vai trò… một người chồng bảnh bao. Chị hay bảo anh là “mặt tiền” của công ty nên cần được đánh bóng và trau chuốt thường xuyên, dùng hàng hiệu, quần là áo lượt, đầu tóc bóng mượt, xe hơi đời mới. Anh chẳng “vo ve ong bướm” mà chỉ cố ra vẻ sành điệu để người ta thấy sự bề thế và giàu có của công ty, của gia đình mình.

Mải theo công việc làm ăn lớn, chị quên sống cho bản thân cho tới ngày chợt nhận ra khoảng cách giữa hai vợ chồng đã quá xa, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở tuổi 40, chị như bị cộng thêm cả chục tuổi. Anh vô tư với vai trò “mặt tiền” nên bị trừ đi năm, bảy tuổi. Không biết tự lúc nào anh ngại mỗi khi đi với chị... Nhận ra điều ấy, chị hoang mang về tương lai của gia đình.

“Bi kịch” gái tài, trai sắc ảnh 1

Sợ “chữ xấu” hơn “chữ hiếu”

Chị Thanh (quận Tân Bình, TP.HCM) buồn bã kể: “Có lẽ mình đã chiều anh ấy quá nên mới đến nông nỗi này. Hôm bố chồng mất, theo tục lệ ở quê, anh ấy là con trai phải chống gậy, mặc áo xô, đội nón cời nhưng anh nhất quyết không chịu. Anh bảo những thủ tục ấy quá rườm rà, anh không muốn “mất hình ảnh” trước mặt khách và bạn bè đến đưa tang. Đến tối, anh giao cho mọi người trực và đi ngủ đúng giờ như mọi khi. Anh em trong nhà hỏi thì anh bảo anh sống điều độ bao nhiêu năm nay nên không muốn phá lệ trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Trong khi đó, chị Thanh tất bật với cơm cúng, với khách đến viếng và cả việc “cơm bưng nước rót” cho chồng như thường lệ. Chứng kiến cảnh chồng chịu tang bố ruột mà như làm khách, chị vô cùng hoang mang. Thì ra từ ngày lấy nhau, chị đã trở thành “cây cổ thụ”, còn anh tự biến mình thành “cây cảnh” trong nhà. Từ giỗ tết, ma chay đến đám cưới anh chị em, cháu chắt của hai gia đình, chị cứ chủ động xoay xở. Thấy chị giỏi, anh tự biến mình thành người ngoài cuộc.

Cách đây vài năm, anh đã hốt hoảng khi thấy mấy nốt đồi mồi xuất hiện ở mu bàn tay, hệt như mấy cậu con trai tuổi dậy thì lo lắng khi thấy mụn mọc trên mặt. Anh lo lắng khi vòng eo mình nhỉnh hơn vòng eo vợ. Dù nắng mưa, có công việc khẩn cấp đến mấy, anh vẫn đều đặn đến phòng tập thể hình. Không chỉ ăn sữa chua đều đặn, anh còn uống mật ong để da dẻ thêm hồng hào. Chị bỗng lo khi thấy hai cậu con trai có vẻ “nhiễm” tính “ưa hình thức” giống bố. Cứ vậy, gánh nặng gia đình đè nặng lên người phụ nữ duy nhất trong nhà.

Hoảng khi vợ… tỏa sáng

Anh Thông (công chức ở quận Tân Bình, TP.HCM) lại mang một nỗi lo khó nói từ khi vợ anh “chuyển ngành”. Với tài ăn nói và ngoại hình ưa nhìn, gặp giai đoạn kỹ năng sống đang rộ, vợ anh - một giảng viên môn tâm lý học - bỗng trở thành diễn giả. Cứ thứ Bảy, Chủ nhật, chị lại mặc đẹp, trang điểm kỹ để đi nói chuyện với những người có nhu cầu.

Từ ngày vợ thành diễn giả, anh chợt cảm thấy khoản trình bày vấn đề của mình có vẻ kém hơn. Anh nói điều gì cũng ấp úng vì sợ “diễn giả” phản biện. Những ngày đầu anh còn xem ảnh, xem chương trình, nghe những bài phát biểu của vợ. Dần dần anh hết hứng khi chứng kiến sự xuất hiện của vợ trước các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều lúc anh nghĩ thà vợ cứ làm cô giáo hết giờ về nhà cho êm ả, chứ vợ nổi tiếng như vậy khiến anh không thoải mái chút nào. Việc vợ bỗng dưng tỏa sáng làm anh thấy mình bị… lu mờ.

Đôi lúc vì mải chạy theo công việc, người vợ vô tình cướp mất vai trò trụ cột của chồng. Đôi lúc tính thích hưởng thụ khiến người chồng quên mất một thời mình là cột trụ trong gia đình. Cũng có khi người vợ tỏa sáng khiến chồng phải lùi vào bóng tối làm cho cuộc hôn nhân trở nên mất thăng bằng.

Người xưa có câu “trai tài, gái sắc” để khen sự xứng đôi vừa lứa của những cặp vợ chồng. Các ông chồng thường không thích người khác khen vợ mình tài giỏi bởi khen thế khác nào chê mình lép vế, thua kém vợ đủ đường. Các bà vợ cũng thường khó chịu nếu người khác cứ khen chồng mình trẻ đẹp, hào hoa vì khen như vậy nào khác nói rằng mình không xứng với chồng. Chưa kể việc chồng “bắt mắt” cũng kéo theo nhiều nguy cơ đe dọa hạnh phúc gia đình do người vợ bỗng dưng có nhiều “đối thủ cạnh tranh”. Biết đâu có khi người chồng muốn được làm “trai tài” nên bỏ “gái tài” tìm “gái sắc” để thấy mình là phái mạnh.

Thay vì thái độ ỷ lại hoặc tự ti, các ông chồng nên xem sự tài giỏi của vợ mình là một điều may mắn đáng tự hào. Đàn ông cần mạnh mẽ và tự tin với vai trò phái mạnh, còn phụ nữ dù giỏi đến đâu cũng nên tế nhị nép mình để chồng có cơ hội chứng tỏ bản lĩnh, là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình.

Bà VÕ THỊ MINH HUỆ,chuyên gia tâm lý VP Tư vấn Tâm lý trẻ

ĐẶNG HÀ AN

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Trai Tài Gái Sắc