Bi Kịch Triều đại Cuối Cùng Của Triều Tiên - PLO

Lý Cao tông tỵ nạn

Tháng 1-1919, Lý Cao tông (Lý Hy) vua của Triều Tiên đột ngột băng hà. Nghe nói, Lý Cao tông dự định cử một mật sứ sang Hội nghị Paris tố cáo sự thống trị dã man của Nhật Bản. Kế hoạch bị tiết lộ, ông bị người Nhật bịt miệng bằng chiêu đầu độc. Thực ra, từ mấy năm trước đó, Cao tông đã bị người Nhật bức thoái vị.

Sau cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (1894), vương triều Triều Tiên mất sạch niềm tin dựa vào đế chế nhà Thanh Trung Quốc. Họ chuyển sang thân Nga, khiến thế lực của Nga trên đất Triều Tiên ngày một lớn.

Bi kịch triều đại cuối cùng của Triều Tiên ảnh 1

Điện ảnh Hàn Quốc tái hiện hình ảnh vua Cao tông và hoàng hậu Minh Thành

Năm 1895, nhằm quét sạch thế lực thân Nga, bọn Nhật ba-lô bất ngờ đánh úp cung Cảnh Phúc, sát hại nhiều người, trong đó có hoàng hậu Minh Thành, vợ Lý Cao tông. Người Nhật ép Lý Cao tông ban bố lệnh cắt tóc, buộc người Triều Tiên phải thay đổi phong tục tập quán, cắt ngắn tóc, sửa lại quần áo. Nhân dân hết thảy đều căm phẫn.

Lý Cao tông không muốn ngồi chờ tai họa ập tới nên tháng 2-1896 đã lẻn ra khỏi hoàng cung, tỵ nạn trong tòa công sứ Nga tại Triều Tiên. Năm 1897, sau khi quay lại hoàng cung, Lý Cao tông liền đổi quốc hiệu thành Đại Hàn đế quốc. Sau cuộc chiến tranh Nhật-Nga năm 1905, phần thắng thuộc về Nhật Bản.

Nhật Bản buộc Hàn Quốc ký Điều ước bảo hộ Ất Tỵ, tước đoạt quyền đối ngoại, biến Hàn Quốc thành một nước chịu sự bảo hộ của mình. Về sau, Nhật còn thiết lập Phủ Thống giám trực tiếp thống trị Hàn Quốc. Ito Hakubun đảm nhiệm chức vụ toàn quyền Nhật Bản đầu tiên tại Đại Hàn đế quốc.

Cao tông Lý Hy là một ông vua yêu nước. Năm 1907, nhân Hội nghị Hòa bình thế giới tại Hague, Lý Cao tông bèn cử một nhóm đặc sứ thân tín bí mật sang Hà Lan vạch trần tội ác của giặc Nhật và kêu gọi sự can thiệp của phương Tây.

Nhóm đặc sứ tới nơi chưa kịp đệ đơn xin gặp thì phương Tây đã đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản, từ chối tiếp kiến. Cao tông nổi giận lên án âm mưu thâm độc của Nhật. Toàn quyền Ito phát khùng, buộc Cao tông thoái vị. Năm 1907, Cao tông phải nhường ngôi cho con là thái tử Lý Thạch, tức Lý Thuần tông.

Lý Thuần tông bị tâm thần

Lý Thạch là con đẻ của hoàng hậu Minh Thành, mới một tuổi đã được lập thái tử, là một chàng trai yếu đuối. Năm 1895, mẹ đẻ ngộ nạn. Năm 1896, anh ta cùng cha là Cao tông tỵ nạn trong tòa công sứ Nga. Anh ta tận mắt chứng kiến cuộc giành giật khốc liệt giữa hai phái thân Nga và thân Nhật trong cộng đồng người vong quốc Triều Tiên.

Sự kiện trà độc xảy ra vào tháng 9-1898. Lý Hồng Lục ngầm sai người bỏ một lượng lớn nha phiến (opium) vào tách cà phê. Thái tử Lý Thạch uống, ngay sau đó ngã ra đất bất tỉnh nhân sự. Ngự y cấp cứu may thoát chết nhưng về sau thể chất càng ốm yếu và suốt đời vô sinh.

Năm 1907, Lý Thạch tức vị. Mới ngồi trên ngai vàng thay vua cha được mấy ngày, Nhật Bản liền quàng lên cổ Hàn Quốc cái gọi là Hiệp ước bảy điều Đinh Mùi. Toàn quyền Nhật Bản có quyền lực tối cao. Dưới sự chỉ đạo của viên toàn quyền, Hàn Quốc thực hiện cải cách quan chế, bổ nhiệm người Nhật Bản vào hàng ngũ quan lại Hàn Quốc. Bản thân Thuần tông Lý Thạch trở thành bù nhìn ngồi chơi xơi nước. Nhật giải tán quân đội Hàn Quốc.

Tháng 10-1910, Điều ước sáp nhập Nhật-Hàn được thông qua. Bán đảo Triều Tiên chính thức bị Nhật Bản thôn tính. Thuần tông Lý Thạch trở thành một ông vua mất nước. Xưng hiệu của Lý Thạch từ Thuần tông hoàng đế tụt xuống chỉ còn là Lý vương. Mỗi năm, viên toàn quyền Nhật Bản cấp phát cho hoàng tộc khoản tiền sinh hoạt phí, hoàng tộc chẳng có bất kỳ quyền lực gì.

Thuần tông Lý Thạch lực bất tòng tâm, không thể phục thù được, đành nuốt hận âm thầm sống trong uất ức. Ông thường một mình lặng lẽ tới tẩm cung hoặc lăng mộ vua cha lẩm bẩm giãi bày nỗi lòng cô quạnh.

Về sau, trong cung được mắc điện thoại, ông đã sai người nối dây bắc máy thông tới tẩm cung và lăng mộ phụ hoàng Cao tông. Cứ mỗi dịp lễ tết, mùng một, ngày rằm, ông lại sai bọn quan thị vệ bắc máy nối dây. Ông mặc áo đại tang, quỳ trước bài vị phụ mẫu, tay cầm ống nói, rì rầm hội báo mọi việc trên đời với vong linh phụ hoàng. Ngày 25-4-1926, Lý Thạch trút hơi thở cuối cùng bởi những vết thương tinh thần trầm trọng.

Nhật cố tình làm cho họ Lý tuyệt tự

Các phi tần của Cao tông Lý Hy sinh cho ông hơn chục người con gồm cả trai gái, đa phần đều yểu mạng trước khi lớn thành người. Ngoài Lý Thạch con hoàng hậu chính thất ra, tất cả đều là con cái của hàng thứ quý phi, quý nhân.

Thuần tông Lý Thạch tuyệt tự nên em trai là Lý Ngần được lập làm người nối ngôi. Tháng 12-1907, Lý Ngần mới 10 tuổi, được toàn quyền Ita đưa sang Nhật du học. Cậu bé họ Lý này bị bắt cóc để dùng làm con bài chính trị sau này. Lý Ngần được đưa vào học trong Trường sĩ quan lục quân Thiên Hoàng, sau đó tham gia quân đội Nhật. Năm 1920, Lý Ngần được bố trí kết hôn với một cô gái Nhật dòng dõi hoàng tộc tên là Hoshi.

Bi kịch triều đại cuối cùng của Triều Tiên ảnh 2

Cảnh Phúc cung

Cuộc hôn nhân này thực chất là cuộc hôn nhân chính trị dưới bàn tay sắp xếp của người Nhật nhưng về sau hai người sống hết sức hạnh phúc. Hoshi đã coi đất nước chồng như tổ quốc mình. Nghe nói Hoshi vốn một thời là hoa khôi, ứng cử viên đầy triển vọng làm thái tử phi Nhật Bản. Bởi ngự y chẩn đoán rằng cô không có khả năng sinh con nên bị thải.

Nhật Bản đi nước cờ gả Hoshi cho Lý Ngần trong hoàng gia Triều Tiên là có ý khiến họ Lý của Triều Tiên tuyệt đường hương hỏa. Nhưng không ngờ, Hoshi đã sinh cho Lý Ngần con trai trưởng Lý Tấn. Khi Lý Tấn mới bảy tháng tuổi, vợ chồng Lý Ngần dự định đưa con về Triều Tiên. Thế nhưng cậu bé bị yểu mạng một cách bí ẩn. Tháng 12-1931, vợ chồng Lý Ngần - Hoshi lại sinh con trai thứ ngay trên đất Nhật Bản, đặt tên là Lý Cửu. Đây là hoàng thế tôn cuối cùng của vương triều Lý tại Triều Tiên.

Nhật Bản đại bại (1945), cuộc sống con tin của cả nhà Lý Ngần mới chấm dứt, đồng thời cũng đứt đoạn luôn nguồn tài chính duy trì sự sống. Nhật Bản không thừa nhận họ là công dân Nhật Bản. Chính phủ Hàn Quốc mới thành lập cũng không công nhận họ là người Hàn Quốc.

Mãi tới năm 1963, Lý Ngần mới được phép dẫn theo mọi người trong gia đình về định cư tại Hàn Quốc. Lúc này, Lý Thạch bị tai biến mạch máu não, không nói được nữa. Sau khi về nước, vợ chồng Lý Ngần ra sức tham gia hoạt động làm từ thiện. Năm 1970, Lý Ngần tạ thế, thọ 73 tuổi. Năm 1989, phu nhân Hoshi cũng qua đời.

Lý Cửu, con trai họ du học tại Nhật Bản và Mỹ. Năm 1958, Lý Cửu yêu và kết hôn cùng một cô gái Mỹ tên Julia Molock. Năm 1982, do Julia không thể sinh cho anh ta một hoàng tử nối dõi tông đường nên hai người chia tay nhau. Năm 2005, Lý Cửu chết tại Tokyo. Bởi Lý Cửu tuyệt tự, nên dòng chính thống hoàng gia Triều Tiên coi như chấm hết.

Hoàng tử vùi thân dưới nấm mây nguyên tử

Trừ Lý Thạch, Lý Ngần ra, Lý Cao tông còn một người con trai thành niên nữa là Lý Cang. Lý Cang sinh hạ được 12 người con trai và chín người con gái. Con trai cả của Lý Cang là Lý Kiện và con thứ Lý Ngung cũng đều bị bắt đưa sang Nhật với danh nghĩa du học.

Sau khi trưởng thành, họ đều bị đưa vào quân đội Nhật Bản. Đầu năm 1945, đơn vị của Lý Ngung bị điều tới đồn trú tại Hiroshima. Mỹ ném quả bom nguyên tử xuống Hiroshima. Lý Ngung bị tử nạn dưới nấm mây hủy diệt ấy.

Sau khi Nhật-Hàn sáp nhập, hoàng gia Triều Tiên trở thành một bộ phận của hoàng tộc Nhật Bản. Vậy nên Lý Ngung bỗng nhiên trở thành một thành viên hoàng gia Nhật Bản đầu tiên tử trận tại “quốc nội”.

Viên phó quan người Nhật Bản của Lý Ngung là Kichi Seyu đã tìm cách đưa được xác sếp của mình về quê hương Hàn Quốc xong thì mổ bụng tự sát như một người anh hùng! Nhật đầu hàng phe Đồng Minh, Lý Kiện trở lại cuộc sống một thường dân, cuối cùng vào quốc tịch Nhật, lấy tên Nhật là Tosan Kyushu, mở một tiệm cháo gà.

Đến công chúa cũng bị ngược đãi

Tháng 5-1912, một phi tần tên là Lương Xinh sinh cho Cao tông một cô con gái cuối cùng là công chúa Đức Huệ. Cao tông Lý Hy đã 60 tuổi vui sướng hết biết. Nhưng Cao tông rất sợ công chúa Đức Huệ cũng sẽ bị người Nhật bắt đi mất. Vì vậy, khi Đức Huệ còn nhỏ tuổi, ông đã ngầm đánh tiếng tuyển phò mã với hy vọng giữ lại được con gái. Không lâu sau, Cao tông băng hà, cô bé Đức Huệ mất sự che chở của người cha.

Năm 1925, khi lên 13 tuổi, công chúa Đức Huệ bị người Nhật bắt sang Tokyo với danh nghĩa “đi học”. Ít lâu sau, mẹ đẻ của cô bị bạo bệnh qua đời. Cô công chúa bé bỏng liên tục bị biến cố vùi dập, trở nên lạnh lùng trầm mặc, chẳng muốn giao tiếp cùng ai.

Bác sĩ kết luận cô mắc chứng đần độn sớm. Lúc này, Nhật Bản tìm cách sắp xếp hôn nhân cho Đức Huệ, gả cô cho một chàng trai Nhật Bản quyền quý tên là Syubushi. Lý Ngần kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân này, nhưng ông không cứu nổi cô em gái đáng thương của mình.

Sau khi lấy chồng, bệnh tình của Đức Huệ có lúc thuyên giảm, có lúc lại xấu đi, tinh thần trầm mặc, hoảng hốt vô thường, nên bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Năm 1953, trong trạng thái nửa dại nửa khôn, Đức Huệ được làm thủ tục ly hôn.

Năm 1962, công chúa Đức Huệ được đưa về nước, vào điều trị tại bệnh viện thành phố Seoul (Hán Thành). Khi bệnh tình tạm thuyên giảm, bà được xuất viện và tới sống tại căn phòng Lạc Thiện Trai thuộc hoàng cung ngày xưa. Năm 1989, công chúa Đức Huệ qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.

(Theo Tạp chí Cửa Sổ Nhìn Ra Thế Giới)

BÙI HỮU CƯỜNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2009)

Từ khóa » Hoàng Bào Hàn Quốc