Bí Mật Kinh Hoàng Trong Mộ Hoạn Quan 'quái Thai' Nhất Trung Quốc

Cuộc đời thái giám được Từ Hi Thái hậu cưng chiều nhất

Suốt mấy chục năm đầy biến động cuối đời nhà Thanh, Từ Hi Thái hậu đã lèo lái triều đình suốt gần nửa thế kỷ.

Có người nói Từ Hi Thái hậu cả một đời phóng khoáng, xa xỉ nên bắt cả nhà Thanh chết cùng mình, cũng có người lại cho rằng tình hình nhà Thanh những năm cuối cùng vốn đã không thể cứu vãn, cho dù là Tần Thủy Hoàng sống dậy cũng không thể làm gì.

Nói về Từ Hi Thái hậu, bà trở thành quả phụ ở tuổi 26, nhưng may mắn thay có một người trước sau như một kề cạnh bà suốt nửa cuộc đời, đó là thái giám Lý Liên Anh.

Lý Liên Anh (sinh ngày 12 tháng 11 năm 1848 - mất ngày 04 tháng 3 năm 1911) là một thái giám trong triều đình nhà Thanh thế kỷ XIX, là người thân cận và tâm phúc của Từ Hy Thái hậu. Sử sách có thể lưu lại chi tiết ngày sinh của một thái giám tới vậy, cũng coi như là điều hiếm thấy.

Ông là Đại tổng quản hay Tổng quản thái giám trong thời kỳ Từ Hy còn đương nhiệm và là nhân vật có thực quyền thậm chí lấn át cả vua và đã làm loạn cả hậu cung nhà Thanh. Chỉ sau khi Từ Hy qua đời, Lý Liên Anh mới rời chốn hoàng cung sống mai danh ẩn tích và qua đời một cách lặng lẽ.

Lý Liên Anh tên thật là Lý Tiến Hỉ, từ năm 9 tuổi đã nhập cung làm thái giám và phụng sự hậu cung Thanh triều suốt 4 đời hoàng đế Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự và Tuyên Thống nhà Thanh. Ông ta vốn là người thông minh, lại được Từ Hy thái hậu nhất mực tin tưởng và sủng ái, vì thế ông ta được đặc cách làm quan nhị phẩm. Từ thân phận một tên nô tài thấp hèn, Lý Liên Anh đã leo lên đỉnh cao danh vọng.

Bí mật kinh hoàng trong mộ hoạn quan 'quái thai' nhất Trung Quốc ảnh 1

Chân dung đại thái giám nổi tiếng nhà Thanh Lý Liên Anh.

Liên quan đến nhân vật Lý Liên Anh, nhân gian còn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết với nhiều màu sắc thần bí khác nhau. Trong đó có một bí mật kinh ngạc vẫn chưa có lời giải trong quan tài của viên đại hoạn quan này.

EQ cao hơn người, chịu khó học hỏi, nâng cao năng lực của bản thân

Lý Liên Anh trên thực tế là người biết đọc và viết, thư pháp của ông rất uyển chuyển và phóng khoáng. Qua "Bức thư nhận hối lộ" duy nhất còn lại của Lý Liên Anh, có thể thấy thực tế ông không hề giống như lời bôi nhọ của các đại thần rằng thái giám này một chữ bẻ đôi cũng không biết.

Một người rõ ràng chưa từng được hưởng nền giáo dục như Lý Liên Anh, tại sao lại có thể viết ra những nét chữ đẹp tới vậy, chẳng những thế còn được Từ Hi Thái hậu xem trọng cả đời? Nếu nói Lý Liên Anh có dung mạo khiến người khác yêu mến, thì tuyệt đối không có căn cứ. Bởi toàn bộ sử sách của nhà Thanh không hề có câu nào ngợi khen ngoại hình của người này.

Hơn nữa, từ những bức ảnh về nhà Thanh những năm cuối, ngay cả dã sử cũng chưa từng có ý kiến nào mô tả dáng vẻ thanh tao như ngọc của Lý Liên Anh. Từ những bức ảnh, thật không khó để nhìn thấy Lý Liên Anh tướng mạo xấu xí, trên mặt có lấm tấm mụn, ánh mắt nham hiểm. Vẻ ngoài của ông ta còn chứng minh cho câu nói "sống trong cung mà không độc ác và thủ đoạn thì khó mà ngoi lên cao được".

Lý Liên Anh khiến Từ Hi phá vỡ các quy tắc mà tổ tiên đưa ra. Ông được đề bạt cất nhắc lên chức thủ lĩnh các đại thái giám năm 26 tuổi, 31 tuổi trở thành tổng quản Hoa Linh Tứ phẩm, 46 tuổi phá vỡ giới hạn của chức vụ thái giám, được phong thưởng nhị phẩm mang Hoa Linh (một loại mũ trang sức của nhà Thanh, ban thưởng cho những người có công).

Bí mật kinh hoàng trong mộ hoạn quan 'quái thai' nhất Trung Quốc ảnh 2

Lý Liên Anh khiến Từ Hi phá vỡ các quy tắc mà tổ tiên đưa ra.

Tất cả những điều này cho thấy Lý Liên Anh thông minh tài trí hơn người.

Dù hồi còn nhỏ, Lý Liên Anh không có điều kiện học chữ, nhưng sau khi vào phủ Vương gia rồi vào cung, lại tiếp thu rất nhanh. Để lấy lòng chủ tử, kỹ nghệ gì ông ta cũng theo các vị sư phụ bên ngoài cung học tập.

Trí tuệ cảm xúc của Lý Liên Anh cũng rất cao, chưa từng nói lời nào trái ý người khác. Từ Hi là người thích thể diện, có những lúc bà mất hình ảnh trước mặt người khác, vẫn luôn là Lý Liên Anh ứng cứu kịp thời.

Ví dụ, khi Từ Hi ban phúc (福) cho ai đó, không cẩn thận viết bộ thủ "⺭" thành "衣". Một vị tiểu vương gia với năng lực phán đoán tình hình kém, đã chỉ ra sai sót này ngay trước mặt mọi người, khiến toàn bộ mọi người có mặt đều vô cùng ngượng ngùng và căng thẳng. Khi ấy Lý Liên Anh đã đứng ra dàn xếp rất khéo: "Phúc của lão Phật gia ban đều nhiều hơn của người khác" (số nét trên chữ "衣" nhiều hơn bộ"⺭"), lúc đó mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Những sự việc như vậy xảy ra rất nhiều lần, lâu dần Tư Hi trở nên ỷ lại vào Lý Liên Anh.

Ngoài ra, trong thế giới cổ đại để trở thành một nô bộc tốt, quan trọng nhất là lòng trung thành với chủ nhân. Và điều này Lý Liên Anh chắc chắn làm rất tốt, nhưng cũng vì thế mà sau này có người còn cho rằng giữa Lý Liên Anh và Từ Hi từng có những cử chỉ thân mật.

Nhưng họ cũng chỉ là người của sau này, những lời đồn đại hiếm hoi như vậy vốn cũng không thể truy tới cùng, nhưng tình cảm giữa Lý Liên Anh và Từ Hi đích thị là rất sâu đậm.

Theo sách "Vãn Thanh cung đình sinh hoạt kiến vấn" (Những điều mắt thấy tai nghe cuộc sống cung đình cuối đời Thanh), ghi chép lại hồi ức của các lão thái giám, Từ Hi Thái hậu những năm cuối đời, mỗi buổi sáng cứ tỉnh dậy là sẽ gọi Lý Liên Anh vừa tản bộ vừa tâm sự ở hoa viên.

Khi Từ Hi Thái hậu xem ca kịch hay thưởng hoa thông thường đều sẽ gọi Lý Liên Anh, cũng chỉ có ông hiểu lòng thái hậu, dốc hết tâm sức trò chuyện, làm bà vui lòng. Từ Hi Thái hậu ngủ không ngon giấc, nhưng Lý Liên Anh dù đã già cũng luôn túc trực có mặt khi Thái hậu cần, nói chuyện cùng Thái hậu. Lý Liên Anh còn vì thế mà thu thập thuật trường sinh của Hoàng đế và Lão tử, kể cho Từ Hi nghe.

Từ Hi xem Lý Liên Anh là tri kỷ, nhưng Lý Liên Anh lại một mực giữ bổn phận nô bộc của mình. Năm 1909, Từ Hi Thái hậu qua đời năm 73 tuổi, Lý Liên Anh khi đó ở tuổi 61, sau 100 ngày để tang, ông cũng lui về ở ẩn, cả đời chỉ nhận Từ Hi là chủ nhân.

Tuy nhiên, trong vai trò kề cận người nắm quyền tối cao cuối triều thanh suốt 45 năm, Lý Liên Anh vẫn không tránh khỏi kết cục tàn khốc.

Năm 1911, trước khi triều Thanh diệt vong, Lý Liên Anh qua đời, hưởng thọ 63 tuổi. Nguyên nhân cái chết của ông vẫn còn là một bí mật, nhưng đích thực là không còn hài cốt.

Cuộc đời Lý Liên Anh có thể coi là bị kịch hay không, không chắc chắn nhưng chắc chắn ông là người đã chứng kiến toàn bộ bi kịch nhà Thanh suy vong ở ngay chính trung tâm của quyền lực.

Bí mật kinh hoàng trong mộ hoạn quan 'quái thai' nhất Trung Quốc ảnh 3

Trước khi triều Thanh diệt vong, Lý Liên Anh qua đời, hưởng thọ 63 tuổi.

Sự thật vụ khai quật mộ thái giám hơn 40 năm trước

Tại một nơi góc khuất hẻo lánh phía Tây Nam trong khuôn viên trường “Lục nhất” xưa ở Bắc Kinh có một ngôi mộ cổ. Ít ai nơi đây từng có một ngôi mộ với quy mô hoành tráng như vậy. Chủ nhân của ngôi mộ đó có thân phận đặc biệt. Tuy không phải hoàng thân quốc thích, nhưng cũng là bậc giàu có đệ nhất thiên hạ. Tuy không phải vương hầu tướng quân, nhưng địa vị vô cùng hiển hách. Đó chính là đại thái giám nổi tiếng Lý Liên Anh triều Thanh.

Phần mộ của Lý Liên Anh tọa lạc trên mảnh đất rộng khoảng hơn 20 mẫu kéo dài từ Nam sang Bắc. Điểm cực Bắc là cầu Kim Thủy, từ cầu sang hướng Bắc có một nhà bia đầy khí thế được xây bằng đá ngọc trắng thời Hán.

Đầu mùa hè năm 1966, một đội khoảng 5,6 người bắt đầu tiến hành khai quật mộ của Lý Liên Anh. Ngôi mộ lúc này chỉ còn là một đám đất có hình lô cốt nằm tại một góc hoang vu tại khu Hải Điện, Bắc Kinh. Ròng rã hơn một tuần trời đào liên tục nhưng dường như cả ngôi mộ không hề bị ảnh hưởng gì. Mộ được xây bằng hỗn hợp đất trộn lòng trắng trứng gà, cháo gạo nếp, vôi và đất bazan. Sau hơn một tuần cuối cùng cũng mở được một cái hốc nhỏ trên nóc mộ lộ ra một tầng đá hoa cương. Sau vài nhát búa lớp đá hoa cương vẫn trơ trơ. Mọi người đều cảm thấy rất tuyệt vọng.

Đúng lúc này có một cụ già bước đến, sau khi biết mọi người đang khai quật mộ Lý Liên Anh thì cụ già cảm thấy vô cùng kinh ngạc và nói rằng: "Đừng đào thế vô ích, lại đây ta chỉ cho cách". Cụ già chỉ về hướng bia mộ và nói hãy đào từ đây, phía dưới chính là địa cung, phía sau sẽ là đường chính, lúc nhỏ ta thường chui xuống đó chơi.

"Kim tỉnh ngọc táng" cao quý

Nơi cụ già chỉ gần hai tấm bia đá lớn trước mộ. Sau lớp đất hỗn hợp là một tầng đá răm. Sau khi dọn sạch lớp đá răm sâu gần hai mét có một tảng đá dài màu xanh hiện ra. Trên tảng đá có một cái hốc hình tròn, đây chính là nơi âm dương thông nhau. Tiền thất của ngôi mộ là một khoảnh rộng khoảng 3m hình vuông và được cắt bằng đá ngọc trắng thời Hán. Hai bức tường phía Đông Tây đều được khắc họa những bức tranh vô cùng tinh xảo. Hai bên Nam Bắc đều có cửa. Cửa phía Nam nối với mộ đạo, phía Bắc thông với mộ thất.

Phía sau cửa có một quả cầu đá chặn bên dưới cửa chính. Có một rãnh nhỏ chạy dọc ở dưới, khi cửa đóng lại quả cầu sẽ tự động lăn vào rãnh giống như cái chốt chặn lại nên ở ngoài không thể đẩy vào được.

Quan tài của Lý Liên Anh màu đỏ tím phía đầu vẽ kim hoa vô cùng tinh xảo đã rơi ra khỏi vị trí trên giường ngọc. Phía trên giường đặt quan tài được đúc bằng đá bạch ngọc, trên đục một lỗ tròn, bên trong treo một hầu bao đựng ngọc và một ít tiền bằng đồng. Điều này chứng tỏ Lý Liên Anh được mai táng bằng hình thức “Kim tỉnh ngọc táng” - một hình thức mai táng cao quý thời bấy giờ.

Quan sát xung quanh, trên tường của hầm mộ có rất nhiều những dấu tích màu vàng. Đây có lẽ là vết mỗi khi mộ bị ngập, nước rút để lại vết, và cũng có thể do ngập nước nên quan tài đã bị xê dịch ra khỏi vị trí ban đầu.

Khi bật nắp quan tài, một hình người được xếp nằm ngay ngắn. Có hình đầu, cổ, chân tay và được đắp chăn. Trương Quảng Tri, một giáo viên trường “Lục nhất” là người trực tiếp tham gia khai quật từ đầu đến cuối nhớ lại:

Sau khi lật lớp chăn thì có một lớp bùn đen ở dưới. Khi xem kỹ thì đây thực chất là do lớp mùn do chăn mủn ra. Khi đưa tay vào áo quan để di chuyển thi thể ra bên ngoài thì chiếc giày bên phải tuột ra. Nhìn vào bên trong giống như bông gòn màu đen. Lật tiếp lớp quần áo rất dày với lớp ngoài cùng là một áo khoác dài chưa hề mục nát. Nhưng điều đáng kinh ngạc là không hề tìm thấy xương cốt mà toàn bộ là đồ gần giống bông gòn đen.

Khi xem đến phần eo của cơ thể thì tìm thấy một chuỗi tràng hạt và hơn 50 món kim ngân châu bảo được tùy táng. Phần đầu quan tài tìm thấy một hộp xương sọ với xương gò má cao, hàm răng vẩu, bên ngoài còn bọc một lớp da. Nhìn hiện trạng quan tài và thi thể bên trong vẫn còn trong tình trạng nguyên vẹn hoàn hảo, điều này chứng tỏ chưa có ai từng đến đây. Một câu hỏi lớn được đặt ra tại sao trong quan tài chỉ có phần xương sọ mà không tìm thấy xương cốt phần thân và Lý Liên Anh đã chết vì nguyên nhân gì?

Bí ẩn khó giải về cái chết của Lý Liên Anh

Cùng lật lại lịch sử, tháng 10 năm 1908, Từ Hy thái hậu qua đời. Trong “Lý thị gia phả” có ghi rằng “Bách nhật hiếu mãn, xuất cung dưỡng lão” (tức đợi sau 100 ngày mất của Từ Hy thì Lý Liên Anh đã xuất cung về quê dưỡng lão). Sau khi trở về nhà riêng ở ngõ Miên Hoa, Bắc Kinh, Lý Liên Anh cả ngày chỉ ăn chay, niệm Phật không đi ra ngoài. Ba năm sau, ông ta cũng đi theo hầu Từ Hy. Theo hậu duệ của Lý gia, Lý thái giám chết vì bệnh kiết lỵ. Sau khi mắc bệnh 3, 4 hôm không chịu chữa trị thì qua đời. Nhưng tìm trong hồ sơ và mộ chí minh của triều Thanh thì chỉ thấy ghi vẻn vẹn có một chữ “chết” mà không rõ nguyên nhân.

Nếu căn cứ theo việc khai quật mộ thì rất có thể Lý Liên Anh đã bị giết, vậy ai đã giết ông ta và mục đích gì, có ba cách giải thích sau:

Thứ nhất do bị giết. Vì trong cuộc chiến giữa Từ Hy và hoàng đế Quang Tự ông ta đã ủng hộ thái hậu và đả kích hoàng đế. Nhưng quan điểm này đã vấp phải sự phản đối của nhiều học giả. Lý Liên Anh chưa từng tham gia vào cuộc chiến trong triều đình. Chính vì thế ông ta không thể đắc tội với họ được. Hơn nữa, sau khi Từ Hy chết ông ta đã xuất cung ba năm về ở ẩn không còn ảnh hưởng gì đến triều đình nên có giết ông ta cũng không mang lại lợi ích gì.

Thứ hai là do Giang Triều Tông và Tiểu Đức Trương giết. Cách giải thích này chủ yếu là quan điểm của cá nhân Nhan Nghi Dân. Thậm chí trong văn chương của mình, ông đã dẫn ra chi tiết rằng khi Giang Triều Tông nhậm chức đề đốc Cửu Môn đã mời Lý Liên Anh dùng cơm, sau đó phái người giết chết ông ta ở Hậu Hải, Bắc Kinh.

Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng Giang Triều Tông là thân tín của Viên Thế Khải. Lý Liên Anh từng đắc tội với Viên Thế Khải nên có thể ông ta đã hạ lệnh cho thân tín giết Lý thái giám. Còn Tiểu Đức Trương vốn là hậu nhiệm của Lý Liên Anh, vì tranh giành gia sản mà nảy sinh động cơ giết ông ta. Nhưng cách giải thích này cũng bị các học giả phản đối vì năm thứ hai Tuyên Thống Giang Triều Tông đang nhậm chức tổng binh ở thị trấn Hán Trung, Thiểm Tây. Mãi đến năm 1912 mới quay về Bắc Kinh nhậm chức tư lệnh cảnh vệ Bắc Kinh chính phủ Bắc Dương. Việc ông ta ở xa hàng nghìn dặm không thể nào lại mời Lý Liên Anh ăn cơm để mưu sát được. Hơn nữa về việc công, giữa hai người không hề có xung đột gì quá lớn nên động cơ giết người để trả thù là không tồn tại.

Thứ ba, trên đường đi đòi nợ ở Sơn Đông, Lý Liên Anh đã bị thổ phỉ giết chết. Về quan điểm này cũng có rất nhiều chuyên gia cảm thấy nghi ngờ. Với địa vị và sự giàu có của Lý Liên Anh thì tại sao ông ta lại phải đích thân đi đòi nợ? Những người ủng hộ quan điểm này thì giải thích rằng, Lý Liên Anh có người cháu gái gả cho một gia đình ở huyện Vô Lệ, Sơn Đông. Ông ta đã từng đi thăm cháu gái, tiện đường đi vãn cảnh núi Thái Sơn. Khi đi đến nơi tiếp giáp giữa Sơn Đông và Hà Bắc thì bị giết. Hai tên thị vệ theo hầu thì sợ hãi tột cùng chỉ kịp nhặt được thủ cấp của Lý Liên Anh tháo chạy về kinh.

Nhưng đây chỉ lànhững tương truyền trong dân gian còn trong sử sách thì ghi chép không rõ ràng. Hơn nữa sự thiếu logic trong những cách mà người đời nói về Lý Liên Anh chỉ làm cho cái chết của ông ta thêm muôn màu kì bí. Cho dù là cách giải thích nào thì việc thi thể không nguyên vẹn trong quan tài của Lý Liên Anh là sự thật. Bí mật về nguyên nhân cái chết của ông ta có thể một ngày nào đó sẽ được tìm ra, nhưng cũng có thể mãi mãi chìm trong bóng đêm của quá khứ lịch sử.

Bộ tộc Blemmyes.
Bí ẩn bộ tộc không đầu có thật trên Trái đất 29/06/2021
Ăn chè nhiều rồi mà nhiều người lầm tưởng hạt đác được làm từ bột giống trân châu
Ăn chè nhiều rồi mà nhiều người lầm tưởng hạt đác được làm từ bột giống trân châu 29/06/2021
Vật thể bay không xác định được một quan chức chính phủ Mỹ chụp được vào năm 1957.
Báo cáo về đĩa bay được mong đợi từ lâu cuối cùng đã được công bố 28/06/2021 Theo Khoahoc.tv

Từ khóa » Cuộc đời Từ Hy Thái Hậu