Bí Mật Nguyên Lý Nỏ Liên Châu Của An Dương Vương - Vietnamnet

XEM VIDEO BẮN NỎ XUYÊN BIA: 

Kỹ sư (KS) vũ khí Vũ Đình Thanh có hỏi cảm nhận về nguyên lý khi tôi nhìn tận mắt anh bắn nỏ. Tôi trả lời, nguyên lý là khá đơn giản, lực của ống tên tác động vào các mũi tên đặt trong ống khiến mũi tên bay đi, lực càng lớn thì mũi tên bay càng xa. 

Bí mật kỹ thuật thú vị của người Việt 

Anh Thanh giải thích và tôi nhận thấy rằng đây là bí mật kỹ thuật thú vị nhất của người Việt chúng ta, rất đáng để mọi người tìm hiểu. Nó không đơn giản như tôi và mọi người nghĩ, cũng lý giải vì sao người xưa gọi là Nỏ thần (vì nghĩ rằng phải nhờ sức mạnh của thần thánh nên mũi tên mới đi xa được).

Vì sao toàn bộ người Việt xưa nhìn thấy Nỏ thần, lưu giữ hình ảnh Nỏ thần trong các lễ hội Cổ Loa xưa, nhiều sử sách Trung Quốc cũng ghi lại hình ảnh Nỏ thần bắn các mũi tên qua ống tên nhưng hàng nghìn năm qua không ai phục dựng được Nỏ thần?

Theo anh Thanh: “Đầu tiên, Nỏ thần trông rất đơn giản, được chế từ các vật liệu rất sẵn có từ thời xưa. Thoạt nhìn ai cũng nghĩ trẻ con cũng làm được. Thế nhưng nếu ai thử cho bó tên vào ống mà bắn thì mũi tên chỉ bay có 5m.  

Để nghĩ ra được Nỏ thần, theo KS Thanh, người Việt xưa chắc chắn phải áp dụng phương pháp tư duy khác biệt. Từ cách đây 2.300 năm, họ phải biết được rằng lực không phải là nguyên nhân cơ bản gây ra chuyển động như Newton tìm ra mãi tận thế kỷ 18 và được ghi trong định luật 1 của Newton. Người Việt đã nghĩ ra cách khác biệt gây ra chuyển động đồng loạt các mũi tên với vận tốc cực lớn mà không dùng lực của dây nỏ đẩy mũi tên như tất cả các loại cung nỏ thông thường.

Đây là bí mật lớn nhất của Nỏ thần An Dương Vương.   

Khi đã nghĩ ra cách gây ra chuyển động với vận tốc cực lớn, không cần phần thân mũi tên dài nữa thì logic là mũi tên phải ngắn nhất và nhỏ nhất có thể, nhưng vẫn đủ để sát thương quân địch. 

Khi bắn, mũi tên với vận tốc cực lớn xảy ra hiện tượng sức cản không nhỏ của không khí, nếu mũi tên là tre nứa thì sẽ bị liệng đi ngay. Còn mũi tên bằng đồng vừa đủ để xé được sức cản không khí, không quá nặng để bay được xa và gây thương tích lớn khi đâm vào người là vật liệu lí tưởng. 

KS Thanh đã làm thí nghiệm bắn các mũi tên tre bằng Nỏ thần tức là bắn với vận tốc rất lớn và kết quả là mũi tên bị liệng đi sau khi ra khỏi nỏ tầm 5m. Bằng thực nghiệm này, ta có cơ sở khẳng định kết quả khảo cổ mũi tên Cổ Loa là chính xác như những gì tìm thấy. 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã cho anh Thanh mượn mũi tên Cổ Loa nguyên bản 2.300 năm. Anh bắn tên từ ống bằng nỏ nhỏ, mũi tên đầu bay về phía trước và quay quanh trục. Thí nghiệm này khẳng định rõ ràng Nỏ thần chỉ bắn các mũi tên như ngành khảo cổ tìm được vì khi đầu mũi tên đã tạo momen xoắn rồi thì không thể lắp thêm cánh ở đuôi để cản lại cái momen xoắn đó.

Cơ chế mũi tên bay  

Nhờ việc phân tích kỹ lưỡng mũi tên với sự trợ giúp tích cực, vô tư của các chuyên gia được xem là giỏi  nhất thế giới về tên lửa, KS Thanh đã tìm ra cơ chế khiến mũi tên Cổ Loa sau khi bắn, đầu hướng về phía trước và quay quanh trục. 

Anh giải thích như sau:

- Trọng tâm của mũi tên dồn về phía trước khiến cho mũi tên khi bắn ra khỏi nỏ bay được đầu hướng về phía trước, với cách bắn từ trên cao (bắn cầu vồng) khiến mũi tên từ nửa quỹ đạo đi xuống luôn luôn đầu hướng về mục tiêu vì đầu nặng cán nhẹ.

- Ba cánh không đều cánh 1<2<3  đồng loạt theo chiều nhất định cùng một loạt điểm đặc biệt khác khiến cho lực của không khí tác động vào 3 cánh tăng dần đều theo chiều nhất định. Điều này làm cho mũi tên quay quanh trục trong không khí. Siêu hơn nữa là mũi tên Cổ Loa có cơ chế khởi động để quay quanh trục dễ dàng khi rời khỏi nỏ.

- Chiều dài mũi tên không đồng nhất khiến nó tỏa ra không chụm vào một chỗ. Điểm đặc biệt nữa là mũi tên Cổ Loa với các đặc tính trên được đúc hoàn toàn và không có dấu hiệu gia công sau khi đúc.

{keywords}
Kỹ sư Vũ Đình Thanh trình bày quá trình nghiên cứu phục dựng nỏ thần An Dương Vương với cán bộ Bảo tàng Quân đội, tháng 5/2020. Ảnh: Quốc Phong

Người Việt khi xưa, bằng một cách gì đó đã nắm rất rõ các định luật vật lý về chuyển động nên mới tạo ra được một mũi tên công nghệ như vậy, KS Thanh nhận xét. 

Nỏ thần trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước  

Như trong truyền thuyết và sử sách Trung Hoa ghi lại, Nỏ thần Liên Châu của An Dương Vương chỉ bằng vài phát bắn là lui được cả hàng vạn quân. Nghĩa là An Dương Vương có một cây nỏ bắn hàng loạt mũi tên trong một lần bắn ở khoảng cách rất xa, chắc chắn giết chết được tất cả bộ sậu tướng giặc khiến binh lính giặc không còn ai đốc chiến và hàng vạn quân tan vỡ.

Như vậy, Nỏ thần với độ to như sách Lĩnh Nam chích quái mô tả phải bắn từ rất xa. KS Thanh nghĩ rằng, với tầm nhìn bằng mắt như ngày xưa, phải bắn giặc từ khoảng cách 500 - 900m từ trên cao xuống (bắn cầu vồng).

Ở khoảng cách gần hơn, độ 200m trở lại, Nỏ thần hoàn toàn có thể bắn thẳng. Nên nếu bắn 200m thì có thể xuyên qua 3 người. 

Không loại trừ việc các mũi tên có tẩm thuốc độc. Nếu vậy thì kể cả đuôi nhọn của mũi tên đâm vào giặc cũng gây tử vong. 

Như vậy, Triệu Đà rõ ràng thấy rằng không thể thắng được một cách đàng hoàng với nhà nước Âu Lạc nên đã dùng kế bẩn như truyền thuyết đã mô tả. Anh Thanh còn nêu thêm một sự thật đau lòng mà chưa ai đề cập: Mục tiêu của Triệu Đà là phải truy sát bằng được vua An Dương Vương. Chúng không cho vua An Dương Vương có một chút rảnh rỗi để làm Nỏ thần thứ hai.

Vũ Đình Thanh không muốn lý giải theo “mạch” từ trong truyền thuyết khi người ta nói Nỏ thần là do tướng Cao Lỗ nghĩ ra. Theo anh, đây là sản phẩm của tập thể mà vua An Dương Vương mới là người nắm bắt toàn bộ công nghệ.

Lý do anh đưa ra là: Nếu chỉ mình Cao Lỗ chế tạo ra thì không bao giờ vua An Dương Vương lại sa thải Cao Lỗ như trong truyền thuyết. Có khi còn phải giết đi mới logic, một khi không trọng dụng. Bằng chứng tiếp theo là sau khi không có Cao Lỗ thì Nỏ thần vẫn hoạt động rất tốt. Lý do cuối cùng, khi Triệu Đà sang, tại sao lại chỉ truy sát vua An Dương Vương chứ không truy bắt Cao Lỗ để lấy bí mật?

Truyền thuyết, lễ hội là bằng chứng lịch sử  

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, người đã tạo điều kiện để KS Vũ Đình Thanh thực hiện việc nghiên cứu chuyên sâu và phục dựng Nỏ thần nhận xét: “Nguyên lý của Vũ Đình Thanh nghiên cứu hợp lý và nỏ có thể bắn như vậy càng chứng minh chuyện Nỏ thần là có thật. Nó cũng chứng minh An Dương Vương là có thật, nước Âu Lạc có thật, thời Hùng Vương dựng nước là có thật. Đó là câu chuyện lớn của lịch sử Việt Nam”. 

Đất nước chúng ta đã rất nhiều lần bị giặc phương Bắc chiếm giữ. Kẻ xâm lược từng đốt tất cả mọi sách vở của chúng ta. Vì thế, hiện tại có rất ít sử sách ghi chép về thời đại An Dương Vương, thời đại Hùng Vương. Nhưng chúng ta có các truyền thuyết, có các câu truyện truyền miệng từ đời này qua đời khác, có hàng loạt lễ hội truyền qua hàng nghìn năm. 

Đó chính là các “băng ghi âm, video trung thực nhất về lịch sử đất nước”. Nó còn hơn cả các ghi chép trên sách vở. Kết hợp với các di tích, với khoa học khảo cổ, với phương thức sử học liên ngành, chúng ta đã và đang phục dựng những trang sử oai hùng của dân tộc.  

KS Vũ Đình Thanh cũng có nghiên cứu chuyên sâu về Thánh Gióng và vừa rồi có tuyên bố Thánh Gióng cũng là sự thật được người Việt chế tạo ra Ngựa sắt rất bất ngờ để tiêu diệt giặc Ân. 

Cách đây vài năm, anh cũng là người phát hiện ra thứ vũ khí hủy diệt do Nguyễn Huệ - Quang Trung sáng tạo ra, đó là chất phốt pho làm quả đạn hỏa cầu cực kỳ thông minh để chống giặc Thanh, bằng cách đốt cháy không khí, gây ngạt và tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược chỉ trong 5 ngày. 

Quốc Phong

Nỏ thần An Dương Vương, truyền thuyết và sự thật lịch sử

Kỳ 1: Nỏ thần An Dương Vương, truyền thuyết và sự thật lịch sử

Nỏ Liên Châu thời An Dương Vương là bằng chứng rõ ràng về triều đại Âu Lạc từ 2.300 năm trước. Nó là vũ khí lợi hại để dân tộc ta chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn xã tắc.

Từ khóa » Nỏ Châu âu