Bí Quyết Nấu Nước Dùng Lẩu Tròn 10 Điểm

Món lẩu luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong những bữa tiệc sum họp gia đình, đặc biệt là vào những ngày thời tiết se lạnh. Lẩu có nhiều loại khác nhau, phổ biến nhất là lẩu gà, lẩu Thái, lẩu cá, lẩu hải sản, lẩu bò… Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên hương vị đặc trưng cho mỗi loại lẩu chính là nước dùng. Nắm được các cách nấu nước lẩu dưới đây, Bếp Trưởng Á Âu (BTAAu) tin rằng bạn sẽ làm nên những món lẩu thơm ngon, hấp dẫn để thưởng thức cùng gia đình.

cách nấu nước lẩu

Mỗi loại nước dùng lẩu đều có công thức và cách chế biến khác nhau (Ảnh: Internet)

  1. Đặc trưng về hương vị của các loại nước lẩu
  2. Các công thức pha nước lẩu chuẩn vị tại nhà
    1. Cách nấu nước lẩu gà
    2. Cách nấu nước lẩu bò siêu ngon, siêu bổ dưỡng
    3. Cách nấu nước lẩu hải sản chua cay, hấp dẫn
    4. Cách nấu nước lẩu cá thơm ngọt, không tanh
    5. Cách pha nước lẩu Thái tom yum thập cẩm đậm đà, bùng nổ hương vị
  3. Cách ninh xương làm nước lẩu
  4. Bí quyết giúp nước lẩu trong

Đặc trưng về hương vị của các loại nước lẩu

Lẩu cá hay lẩu hải sản thường sẽ có vị chua ngọt và cay để hạn chế mùi tanh, khi ăn cũng cảm thấy thanh hơn. Do đó khi làm những loại lẩu này, bạn hãy sử dụng nước me hoặc gói gia vị lẩu Thái, nấu cùng thơm, cà chua, rau muống, cải và các loại nấm.

Với món lẩu gà, bạn không nêm gia vị chua vì lẩu gà thường có vị cay hoặc ăn với ngải cứu, không hợp chua.

Đối với các món lẩu khác như lẩu bò, lẩu xương heo, bạn nên khử mùi của bò, xương bằng hành tím, sả, gừng nướng và sử dụng thêm các nguyên liệu như hoa hồi, thảo quả, đinh hương khi nấu. Những nguyên liệu này sẽ giúp khử mùi, tăng hương thơm cho nước lẩu, đồng thời mang lại cảm giác dễ chịu cho người ăn.

Các công thức pha nước lẩu chuẩn vị tại nhà

Cách nấu nước lẩu gà

Bạn chuẩn bị 1 con gà làm sẵn khoảng 1,2kg và 500gram xương ống heo, rửa sạch và chặt gà thành miếng vừa ăn.

Chần sơ thịt gà và xương heo qua nước sôi rồi rửa lại thật sạch, để ráo nước. Tiếp đó cho gà và xương heo vào thau lớn, ướp với một chút muối và hạt nêm trong vòng 20 phút.

Bắc nồi lên bếp, phi thơm hành tỏi băm rồi trút thịt gà, xương heo, hành tây, gừng nướng vào, xào cho thịt săn lại rồi đổ nước xâm xấp mặt thịt. Khi nước sôi, bạn hạ nhỏ lửa, rót thêm 1 lít nước và nêm các gia vị mắm, muối, hạt nêm, bột ngọt, đường, tiêu xay, sa tế hoặc dùng gói gia vị lẩu gà, nấu thêm khoảng 40 – 50 phút là hoàn thành nồi nước lẩu ngon ngọt.

Múc thịt gà và nước lẩu vào nồi ăn lẩu chuyên dụng, đun sôi liu riu, cho thêm các loại nấm vào nấu chín, vừa nhúng rau vừa thưởng thức.

Cách nấu nước lẩu gà

Món lẩu gà đậm đà, thơm ngon khó cưỡng (Ảnh: Internet)

Cách nấu nước lẩu bò siêu ngon, siêu bổ dưỡng

Trước khi nấu nước dùng lẩu bò, bạn hãy sơ chế kỹ xương bò để món lẩu được thơm ngon và đậm vị hơn. Bạn có thể khử mùi hôi bằng cách ngâm và chà xát xương bò với muối, gừng, chanh, rượu gạo… và rửa lại nhiều lần với nước sạch.

Cho xương bò đã được làm sạch vào nồi cùng một ít muối, hạt nêm, quế, đinh hương và hoa hồi rang, đổ nước xâm xấp bề mặt xương. Đun sôi và ninh trong khoảng 2 – 3 tiếng để xương bò từ từ tiết ra chất ngọt tự nhiên. Ở bước này, bạn nên thường xuyên vớt bọt để nước dùng trong hơn và liên tục châm nước sôi vào sao cho lượng nước dùng luôn giữ ở mức ngập mặt xương. Nêm phần nước dùng với các gia vị thông dụng cho vừa ăn hoặc bạn có thể sử dụng gói gia vị nấu lẩu bò cho đậm đà.

Khi đã ninh đủ thời gian, bạn vớt xương bò ra để lấy phần tuỷ. Sau đó nghiền nhuyễn tủy rồi cho vào nồi nước dùng để tăng độ ngậy.

Lẩu bò khi ăn sẽ nhúng thêm đậu hũ trắng, nấm rơm, nấm kim châm, cải, bò viên và đặc biệt không thể thiếu bắp hoa bò cắt mỏng hoặc ba chỉ bò.

Cách nấu nước lẩu bò

Món lẩu bò với nước dùng đậm đà, thơm mùi đặc trưng của quế và đinh hương (Ảnh: Internet)

Cách nấu nước lẩu hải sản chua cay, hấp dẫn

Lẩu hải sản thường có vị chua cay tương tự như lẩu Thái. Để nước dùng đậm đà hơn, bạn nên ninh bằng xương ống heo để có vị ngọt tự nhiên.

Bạn chọn mua khoảng 500gram xương ống heo. Xương ống rửa sạch, chần qua nước sôi và ninh cùng với xương cá đã lọc thịt trong khoảng 1 tiếng cho ngọt nước.

Bạn phi thơm hành tỏi, sả đập dập, cà chua với sa tế rồi trút nước hầm xương vào, tiến hành nêm nếm. Bạn nên nêm gói gia vị lẩu Thái sẽ đậm đà hơn.

Lần lượt cho các nguyên liệu như mực, cá phi lê, tôm, nghêu, cua, các loại rau ăn kèm, cuối cùng là cho thịt bò và nấm kim châm vào, đợi cho các nguyên liệu chín là có thể thưởng thức.

Cách nấu nước lẩu hải sản

Lẩu hải sản chua chua cay cay là món ăn khoái khẩu của nhiều người (Ảnh: Internet)

Cách nấu nước lẩu cá thơm ngọt, không tanh

Lẩu cá là món ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng với các nguyên liệu đơn giản và dễ chế biến. Có đa dạng các loại lẩu cá hấp dẫn và thơm ngon như lẩu cá bớp, cá diêu hồng, cá hồi, cá đuối, cá tầm… Sau đây là công thức nấu nước lẩu cá bớp chuẩn vị, bạn cũng có thể áp dụng nấu với các loại cá khác nhé!

Cá bớp mua về đánh sạch vảy, cắt mang, bỏ ruột sau đó rửa sạch rồi xát muối khắp thân cá để khử vị tanh. Cắt cá thành từng khúc vừa ăn, ướp với một chút nước mắm, hạt nêm, tiêu xay để dậy mùi thơm khi cho vào lẩu.

Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào đun sôi và phi thơm hành tỏi băm. Tiếp tục cho cà chua thái múi cau, sả đập dập vào xào khoảng 2 phút, sau đó cho thơm và sa tế vào xào chung để tạo màu.

Khi hỗn hợp đã dậy mùi thơm và có màu đẹp mắt thì cho phần nước hầm xương vào nấu sôi. Tiếp tục cho cá bớp vào và nêm nếm gia vị vừa ăn.

Nước lẩu sôi thêm khoảng 15 phút nữa là cá chín và có thể tắt bếp. Bạn xếp rau quanh nồi lẩu, thêm hành lá, rau mùi, lá gừng cắt nhỏ là có thể thưởng thức.

Cách nấu nước lẩu cá

Món lẩu cá bớp với phần nước dùng ngọt thanh, thơm béo (Ảnh: Internet)

Cách pha nước lẩu Thái tom yum thập cẩm đậm đà, bùng nổ hương vị

Lẩu Thái tom yum thập cẩm là món ăn được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị chua cay đậm đà kết hợp với đa dạng các loại topping ăn kèm. Cùng BTAAu khám phá công thức pha nước lẩu tom yum thập cẩm chuẩn vị ngay dưới đây nhé.

Bạn chuẩn bị khoảng 1kg xương gà, rửa nhiều lần với nước muối và nước sạch. Bắc nồi lên bếp, cho vào 3 lít nước cùng 2 củ hành tím, 1 muỗng muối. Đun cho nước sôi lăn tăn thì đổ xương gà vào hầm trong khoảng 1 tiếng. Khi đã hầm đủ thời gian, bạn vớt xương ra và lọc lấy phần nước dùng.

Cho vào chảo 2 muỗng canh dầu ăn, đun sôi rồi phi thơm hành tỏi băm. Sau đó cho riềng, sả, lá chanh, ớt đập dập, cà chua vào xào. Khi hỗn hợp dậy mùi thơm thì nêm vào 60gram tương cà, 120gram tương ớt, 1 muỗng muối, 1 muỗng nước mắm, 2 muỗng hạt nêm và 1 muỗng đường, đảo đều đến khi gia vị tan hết thì tắt bếp.

Bắc nồi nước dùng lên bếp, nấu sôi rồi cho hỗn hợp gia vị đã xào ở trên cùng 1/2 gói bột tom yum vào nấu. Khi nồi nước dùng sôi trở lại thì cho thêm nấm rơm, cà chua bổ múi cau và vài lá chanh vào nấu thêm 15 phút nữa là hoàn thành.

Khi thưởng thức, bạn múc nước lẩu ra nồi nhỏ, nấu sôi rồi cho lần lượt các loại thịt, hải sản và các loại rau ăn kèm vào nấu chín.

Nước lẩu tom yum có vị ngọt từ xương gà, mùi thơm của các loại hương liệu và vị đậm đà, chua chua cay cay của gói bột tom yum. Thưởng thức cùng hải sản, thịt và các loại rau nấm là ngon hết sẩy.

Cách pha nước lẩu Thái tom yum

Món lẩu Thái tom yum có vẻ ngoài hấp dẫn và hương vị thơm ngon đúng điệu (Ảnh: Internet)

Cách ninh xương làm nước lẩu

Cho xương ống heo vào nồi cùng 5 lít nước, 1 muỗng canh muối, 1 muỗng canh đường phèn. Mở lửa lớn, chờ nước vừa sôi thì vớt bọt, sau đó giảm lửa nhỏ để nước sôi nhẹ, thêm vào 3 củ hành tím nướng, 1/2 quả hành tây. Hầm xương khoảng 30 phút thì cho thêm 1 lít nước sôi vào.

Tiếp tục cho thêm cà rốt, củ cải trắng vào và hầm thêm khoảng 2 tiếng nữa. Đợi nước lẩu nguội, vớt xương ra và bỏ phần cặn là hoàn thành.

Mách nhỏ: Để nước dùng sạch, thơm ngon và không còn mùi hôi, bạn hãy rửa kỹ xương heo với nước, sau đó luộc sơ rồi bỏ phần nước luộc lần đầu. Cách làm này sẽ loại bỏ mùi hôi và chất bẩn có trong xương.

Đun nồi nước xương sôi bùng lên rồi hạ lửa liu riu. Trong quá trình đun không đậy vung vì sẽ làm nước xương bị đục.

Cách ninh xương làm nước lẩu

Nước hầm xương ngon ngọt sẽ giúp các món lẩu đậm đà hơn. (Ảnh: Internet)

Bí quyết giúp nước lẩu trong

  • Đối với xương hầm, ngoài việc rửa sạch, bạn cần chần qua nước sôi trước rồi mới ninh.
  • Khi nấu nước lẩu gà hoặc lẩu bò thì bạn nên hầm với 2 lần nước. Lần thứ 1 chỉ đổ nước xâm xấp mặt xương, khi nước sôi mới đổ tiếp lần 2 và hầm với lửa nhỏ cho nước thật ngọt.
  • Đối với các loại củ làm ngọt nước như cà rốt, củ cải trắng, su hào và cả các gia vị lấy hương như quế, hồi, thảo quả… bạn có thể cho vào túi sạch và thả vào nồi thay vì thả trực tiếp vào nồi nước dùng đang nấu.
  • Sau khi đã nấu xong, bạn đập một trái trứng gà vào nồi nước đang sôi. Lòng trắng trứng sẽ hút bọt nhanh chóng, bạn chỉ việc vớt phần trứng gà này ra là được.

Bí quyết nấu nước lẩu ngon là lựa chọn các nguyên liệu tươi mới và kết hợp chúng một cách hài hòa, cân đối với lượng gia vị vừa phải để tạo được hương vị đặc trưng của từng loại lẩu. Với những cách nấu nước lẩu ngon mà BTAAu đã chia sẻ ở trên, hy vọng bạn sẽ thực hiện thành công những món lẩu khác nhau cho gia đình mình cùng thưởng thức. Đừng quên theo dõi BTAAu để bổ sung thêm nhiều công thức, kỹ thuật nấu ăn đơn giản, nhanh chóng và cho ra thành phẩm ấn tượng.

Giờ thì có thể vô tư học các món lẩu mà bạn yêu thích với cách nấu nước lẩu ngon rồi. Đừng quên chia sẻ những mẹo hay này cho người thân, bạn bè nếu thấy hữu ích nữa bạn nhé!

Nếu yêu thích nấu ăn và muốn nâng cao tay nghề của bản thân, bạn hãy liên hệ ngay đến số tổng đài 1800 6148 hay 1800 2027 (miễn phí cước gọi) hoặc điền thông tin vào form bên dưới để được đội ngũ nhân viên của BTAAu liên hệ tư vấn về khóa học phù hợp nhé!

☆ ☆ ☆ ☆ ☆

Điểm: 4.75 (27 bình chọn)

Cảm ơn đã bình chọn!

Từ khóa » Cách Chế Biến Nước Dùng Lẩu Hải Sản