Bí Quyết Thiết Kế Chuồng Trại Nuôi Dê | Dân Việt

Khu sân chơi cho dê được “vua dê” Trịnh Văn Đàm ở Ninh Bình thiết kế rộng, thoáng mát. Hải Đăng

Cũng theo ông Đàm, có rất nhiều cách thiết kế chuồng trại nuôi dê, song về kỹ thuật cơ bản các chủ trang trại chỉ cần thực hiện 9 bước như sau:

1. Khung chuồng

Khung chuồng dê được làm bằng gỗ hay tre. Phần chân đỡ chuồng có thể xây bằng gạch có độ cao 50-70cm, phía trên đặt các thanh dầm đáy bằng gỗ.

2. Mái chuồng

Mái chuồng làm bằng tre, gỗ, có độ cao vừa phải để tránh gió lùa, nhưng phải đảm bảo chắc chắn, có độ dốc dễ thoát nước và nhô ra khỏi thành chuồng ít nhất 60cm để tránh mưa hắt hay ánh nắng trực tiếp chiếu vào dê. Mái chuồng có thể lợp ngói, tranh nứa, tôn hoặc phibrô ximăng.

3. Thành chuồng

Thành chuồng có tác dụng ngăn dê ở trong chuồng có độ cao từ 1,5-1,8m. Thành có thể làm bằng tre, gỗ, hay lưới sắt B40. Các nan cách nhau khoảng 6-10cm để dê không chui qua được. Thành chuồng phải đảm bảo khoẻ, chắc chắn, không có móc sắc gây tổn thương cho dê. Thành chuồng tốt nhất là đóng nan dọc theo ô chuồng tránh kẹt chân dê vào thành.

4. Cửa chuồng

Cửa lên xuống chuồng dê phải có độ rộng lớn hơn kích thước thân dê (khoảng 60-70cm) để dễ đi lại và tránh cọ sát, đặc biệt đối với dê đang mang thai. Vật liệu làm cửa chuồng có thể bằng tre, gỗ, nhựa.

Do sàn chuồng thường cao hơn nền chuồng và sân chơi 0,7-1,0m nên cần làm cầu thang cho dê lên xuống dễ dàng. Hiện nay do gỗ đắt nên thường dùng các vật liệu bằng gạch, đá để xây bậc làm cầu thang sẽ bền và rẻ hơn. Cửa chuồng có thể thiết kế để vừa làm cửa chắn vừa làm bậc lên xuống khi hạ xuống mỗi khi cho dê vào chuồng.

5. Nền chuồng

Nền chuồng thường có độ dốc 30-35 độ hay 30-35% về phía sau để thuận lợi cho việc vệ sinh chuồng trại. Nền chuồng tốt nhất là láng bằng lớp vữa xi măng hay đất nện chắc. Phía sau chuồng nên làm rãnh và hố ủ phân để thu gom và xử lý phân, rác thải, hạn chế ô nhiễm khu vực chuồng trại và ngăn ngừa bệnh tật. Phân dê nên ủ tối thiểu một tháng trước khi sử dụng làm phân bón. Phía trước gầm chuồng nên làm hàng rào chắn để ngăn không cho dê chui vào gầm hay chạy ra đằng sau.

6. Sàn chuồng

Đây là phần rất quan trọng của chuồng dê. Sàn chuồng dê phải bằng phẳng và cách mặt đất tối thiểu 50-70cm. Sàn chuồng tốt nhất nên làm bằng các thanh gỗ thẳng, bản rộng có kích thước 2,5 x 3,0cm, được đóng thành giát có khe hở 1,0-1,5cm, đủ để phân dê dễ lọt xuống dưới, nhưng không làm lọt chân dê. Nếu làm bằng tre thì phần cật tre phải hướng lên phía trên mặt để tránh đọng phân và nước tiểu, các thanh nan phải thẳng, không cong, vặn và được vát cạnh để giảm độ sắc, có thể làm xước sát chân và móng dê.

7. Máng đựng thức ăn, nước uống

Máng thức ăn thô nên làm phía trước, ngoài thành chuồng, có lỗ cho dê ăn, ô này cách sàn chuồng 40-60cm, kích thước 25 x 30cm để dê dễ dàng thò đầu ra lấy thức ăn. Máng có thể làm bằng gỗ, tre nứa hay bằng nhựa, kích thước 30 x 50 x 25cm.

Máng thức ăn tinh được làm bằng gỗ, tre hay nhựa và treo bên trong thành chuồng, cách sàn chuồng 50-60cm ở vị trí mà người nuôi dễ vệ sinh và đổ thức ăn tinh vào. Kích thước máng thức ăn tinh là: 30 x15 x10cm.

Máng uống được làm bằng nhựa hay sành sứ, cũng có thể xây máng bằng gạch. Máng uống có thể để ngoài sân chơi và nên treo, đặt cách mặt đất ít nhất 50 cm để dê không dẫm, lội vào.

8. Sân chơi

Để quản lý phối giống và đàn dê nói chung, chuồng nuôi dê nhất thiết phải có sân chơi. Sân chơi được làm trước cửa chuồng dê có kích thước đảm bảo tối thiểu 1,5 m2/một dê. Nền sân chơi láng ximăng hay bằng đất nện chặt, xung quanh có hàng rào. Hàng rào sân chơi được làm từ tre, gỗ hay lưới B40, nhưng phải đảm bảo chắc chắn.

9. Chuồng úm dê non

Ðể tăng cường sức khỏe và tỷ lệ nuôi sống cần có chuồng úm dê con, chuồng úm dê con cần phải sạch sẽ, ấm khi trời lạnh, mát khi thời tiết nóng.

Kích thước chuồng úm dài 0.8-1.2m, rộng 0.6-0.8m, cao 0.6-0.8m. Quanh chuồng úm có thể làm rèm che chắn cho dê con, chuồng úm chủ yếu sử dụng cho dê mới sinh.

Từ khóa » Hàng Rào Nuôi Dê