Biến Chứng Nguy Hiểm Khi Hạ Kali Máu

Hạ kali máu rất hay gặp trên thực tế với những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh cơ xương khớp, thần kinh nên nhiều khi bị bỏ qua trong chẩn đoán và điều trị...

Vai trò của kali trong cơ thể

Kali là một chất điện giải cực kỳ quan trọng của cơ thể với vai trò không thể thiếu trong các hoạt động thần kinh - cơ. Thiếu kali thường gây các triệu chứng như chuột rút, yếu cơ, liệt cơ và nguy hiểm nhất là các rối loạn nhịp tim như xoắn đỉnh có thể gây tử vong nhanh chóng. Đu đủ là thực phẩm giàu kali, tốt cho những người hạ kali máu.

Tổng lượng kali trong toàn cơ thể (bao gồm trong tế bào, khoảng kẽ và trong máu vào khoảng 50mEq/kg cân nặng với 98% lượng kali ở trong tế bào. Nồng độ kali máu bình thường dao động từ 3,5 - 5,5mEq/L. Khi lượng kali máu dưới 3,5 mEq/L được gọi là hạ kali máu, và khi lượng kali nhỏ hơn 3mEq/L có thể gây những loạn nhịp nguy hiểm cho bệnh nhân.

Lượng kali máu thay đổi phụ thuộc vào lượng kali trong, ngoài tế bào và lượng kali mất qua thận, qua mồ hôi, qua phân. Một chế độ ăn bình thường đảm bảo tương đối đầy đủ cho việc bổ sung lượng kali mất hằng ngày.

Ai có nguy cơ bị hạ kali máu?

Thứ nhất là, những người ăn kiêng, những bệnh nhân nặng, nằm lâu, phải nuôi dưỡng qua sonde dạ dày. Tiếp theo, những bệnh nhân tiêu chảy cấp do tả, thương hàn..., do ngộ độc thức ăn, do nôn nhiều khiến lượng kali mất đi qua phân và chất thải.

Mất kali qua đường tiêu hóa cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân bị thụt tháo nhiều lần, bệnh nhân có rò đường tiêu hóa, bệnh nhân loét dạ dày dùng bột cam thảo, hội chứng rối loạn hấp thu, do khiếm khuyết vận chuyển ion của ruột non...

Mất kali qua đường mồ hôi ít khi xảy ra và lượng kali giảm cũng không đáng kể. Song, mất kali nhiều và nhanh nhất là khi kali bị đào thải qua thận. Trường hợp này xảy ra ở những bệnh nhân đang được dùng thuốc lợi tiểu loại thải kali, ở bệnh nhân đái nhiều do thận hoặc ở giai đoạn bắt đầu hồi phục của suy thận cấp, toan hóa ống thận.

Lượng kali giảm giả (trong khi tổng lượng kali của cơ thể không thay đổi) là khi kali máu giảm do kali đi vào trong tế bào. Trường hợp này xảy ra khi pH máu tăng (tình trạng kiềm), do dùng một số thuốc như thuốc giãn phế quản loại kích thích beta - 2 giao cảm, nhóm xanthin. Các thuốc steroide như prednisone, hydrocortisone, methylprednisolone, có thể gây giảm kali máu tới 0,4 mE/L nếu dùng kéo dài. Các thuốc loại này gây giảm kali máu thông qua việc làm tăng đào thải kali ở thận. Ở liều cao, một số thuốc kháng sinh như penicillin, ampicillin, nafcillin, carbenicillin có thể làm tăng đào thải kali qua ống thận.

Tác dụng tương tự cũng có thể xảy ra với các kháng sinh loại aminoglycoside và amphotericin B. Một số các thuốc khác được sử dụng để điều trị các bệnh như insulin để điều trị tăng đường máu; verapamin trong các bệnh tim mạch... cũng làm kali vào trong tế bào và làm kali máu giảm...

Chuối giàu kali

Biến chứng nguy hiểm khi hạ kali máu

Hạ kali máu rất nguy hiểm, đặc biệt đối với những bệnh nhân sẵn có những bệnh lý mạn tính như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn... Các biểu hiện của hạ kali máu chủ yếu ở hệ thống tim mạch và thần kinh cơ. Các biểu hiện ở tim mạch bao gồm mạch nảy, huyết áp tối thiểu giảm, tụt huyết áp tư thế, nghe tim có tiếng thổi tâm thu. Điện tim thấy có sóng U, đoạn ST dẹt, ngoại tâm thu các loại, đặc biệt nguy hiểm là khi kali máu giảm nặng thường có đoạn QT kéo dài và loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh, vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân nếu không được bù đủ kali kịp thời.

Các dấu hiệu thần kinh cơ có thể biểu hiện sớm như mỏi, yếu cơ, dị cảm, chuột rút... Nặng hơn nữa là liệt chi với biểu hiện ở gốc chi, liệt mềm, giảm hoặc mất phản xạ gân xương, liệt hai chi dưới kéo dài 24 - 72 giờ được gọi là liệt Westphall. Ngoài ra, hạ kali máu thường gây chướng bụng, rối loạn cơ tròn.

Dự phòng và điều trị hạ kali máu

Nhìn chung, việc dự phòng và điều trị hạ kali máu không có gì phức tạp. Chế độ ăn uống đầy đủ hàng ngày cũng đã gần như đảm bảo đủ nguồn kali cung cấp cho cơ thể. Đối với những bệnh lý gây mất kali như tiêu chảy, đái nhiều, việc bù đủ lượng kali mất đi hằng ngày là vô cùng cần thiết. Luôn có chế độ dự phòng và theo dõi kali máu khi điều trị các thuốc có thể làm mất kali ra ngoài (như thuốc lợi tiểu) hoặc làm kali đi vào trong tế bào (như các thuốc kích thích beta - 2 giao cảm...). Trong một số loại bệnh lý di truyền gây mất kali, có thể bù đủ kali bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch nếu mất kali quá nhiều.

Từ khóa » Thiếu Kali Máu Là Bệnh Gì