“Biến” Di Tích Cầu Gãy Thành điểm Du Lịch Hấp Dẫn - Báo Bình Dương

Ngày nay, cầu sông Bé hay còn gọi cầu Gãy đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc của du khách khi đến Phú Giáo. Cây cầu không chỉ là chứng tích chiến tranh thu hút giới trẻ muốn tìm hiểu lịch sử địa phương này mà còn là điểm “check in” hình ảnh tuyệt vời; nơi thư giãn hít thở bầu không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên.

Cầu Sông Bé đã trở thành địa điểm thu hút du khách khi đến Phú Giáo

Chứng tích lịch sử

Theo sử liệu ghi chép, cầu sông Bé hay còn gọi cầu Gãy được Pháp xây dựng những năm 1925-1926 khi thành lập Sở cao su Phước Hòa. Việc xây cầu nhằm khai thác thuộc địa cũng như mở rộng những đồn điền cao su tại Phú Giáo, Phước Long. Cây cầu còn là tuyến đường huyết mạch lên các tỉnh Tây nguyên. Cầu rộng hơn 4,5m, chiều dài mỗi bên cầu còn lại khoảng 50m, gồm 3 nhịp dầm thép, bê tông. Điểm cao nhất 2 bên thành cầu 6m, thấp nhất 3,5m, chân cầu cao 30m.

Những năm 1930, phong trào đấu tranh của công nhân các đồn điền cao su bùng phát mạnh, quân địch đã coi cầu như đoạn đầu đài, điểm xử bắn và dòng sông Bé trở thành huyệt mộ sâu của những người cách mạng. Trước sự đàn áp dã man của giặc, nhân dân ta đứng lên đấu tranh quyết liệt, lúc này cầu sông Bé lại trở thành cửa ngõ chiến khu Đ. Với quyết tâm quyết thắng, năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng đã được cắm trên cầu để thể hiện chủ quyền.

Trong thời Mỹ - ngụy, cầu là tuyến giao thông huyết mạch của ngụy quyền Sài Gòn. Thời Tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành Nguyễn Minh Mẫn, bọn ác ôn đã “biến” nơi đây thành điểm xử bắn, chôn xác các đồng chí, đồng bào hoạt động cách mạng. Trong đêm 27, rạng sáng ngày 28-4-1975, lực lượng vũ trang huyện Phú Giáo đã diệt địch và cắt đứt toàn bộ đồn bót trên 2 xã Bình Mỹ và Bình Cơ dọc trục lộ 16, mở đường cho 2 cánh của Quân đoàn 1 đánh qua phía tây (nam Bến Cát) xuống Dĩ An, Lái Thiêu. Với cuộc tấn công mạnh mẽ của quân, dân Bình Dương, địch ở Chi khu Phú Giáo (Phước Vĩnh) rút qua cầu sông Bé để chạy về Lai Khê. Trên đường tháo chạy, địch đã bị bộ đội, du kích Phú Giáo chặn đánh diệt 30 tên.

Chiều 29-4-1975, quân địch tràn về Phước Hòa tìm đường rút chạy khi thất thủ ở chi khu Phú Giáo. Để tránh bị truy kích, tên chỉ huy trung đội biệt kích ngụy tại Phước Vĩnh đã cho đặt mìn phá hủy cầu sông Bé, hòng chặng đường tiến công của bộ đội ta tiến về giải phóng Sài Gòn. Thời điểm này, quân và dân Phú Giáo đã phá ấp chiến lược, phá đồn... bắt hơn 200 tên ác ôn ngoan cố, thu giữ hơn 200 súng các loại, Phú Giáo đã hoàn toàn được giải phóng.

Điểm đến của giới trẻ

Nằm trên trục đường ĐT741, thuận tiện về giao thông nên mỗi ngày cây cầu đón nhận hàng trăm lượt khách đến từ Tây nguyên và các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ. Vào các ngày cuối tuần, rất đông các nhóm sinh viên trong và ngoài tỉnh về đây tìm hiểu lịch sử, dã ngoại. Bạn Nguyễn Thanh Hiếu, sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Nhóm em thường đi chơi bằng xe máy vào 2 ngày cuối tuần, đến rất nhiều nơi. Cây cầu gãy thật sự là điểm du lịch đẹp. Nơi đây có sông, cây cối um tùm, gần gũi với thiên nhiên. Nhất là trưa nắng, khí hậu ở đây mát mẻ, rất lý tưởng, mình như trút bỏ được bao nặng nhọc sau một tuần học tập. Em thích nhất vẫn là những tấm ảnh đẹp. Đứng trên cây cầu này, nhóm em đã làm được rất nhiều bộ sưu tập ảnh tuyệt vời để làm kỷ niệm sau này”.

Năm 2020, khi nhận thấy cây cầu có dấu hiệu xuống cấp như mặt cầu bị thủng nhiều lỗ, lan can bị gãy, có thể gây nguy hiểm cho du khách, chính quyền địa phương đã tiến hành tu sửa, dặm vá. Ông Lý Thành Vinh, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Giáo, cho biết trước khi tu sửa cầu, huyện cũng nhận được ý kiến cho rằng việc tu sửa cầu sẽ đánh mất đi vẻ cổ kính vốn có, hay khi đặt lan can sẽ che khuất tầm nhìn sang hướng bên kia cầu. Tuy nhiên, cây cầu này đã nhiều năm tuổi, mặt cầu đã bị mục nát nhiều nơi nếu không sửa sẽ bị xuống cấp rất nhanh. Thứ 2, với độ cao hàng chục mét từ cầu xuống sông, cầu lại không có lan can, nếu không may có người bị trượt chân khi tham quan thì hậu quả rất đáng tiếc. “Vì thế, trong quá trình khảo sát, lấy ý kiến, chúng tôi được nhiều chuyên gia góp ý nên khi sửa cầu không gây ảnh hưởng đến giá trị lịch sử. Hơn nữa,việc bảo đảm an toàn tính mạng cho du khách vẫn là điều quan trọng nhất”, ông Vinh cho biết thêm.

Từ khóa » Cầu Gãy Thuận An