Biên Giới Việt Nam - Campuchia

Quá trình hình thành

Trước thế kỉ XVI, biên giới chỉ là vùng đệm, chưa đươc phân định rõ ràng. Đầu thế kỉ XVI, biên giới Việt Nam – Campuchia được hình thành và tương đối ổn định đến cuối thế kỷ XVIII.

Đến thời điểm trước khi thực dân Pháp xâm lược Đông Dương, Việt Nam và Campuchia về cơ bản đã thống nhất về lãnh thổ nhưng ranh giới cụ thể vẫn chỉ là những biên giới tập quán, chưa phải là một đường biên giới quốc tế (tức là chưa có một hệ thống văn bản theo chuẩn mực quốc tế và được phân giới, cắm mốc trên thực địa).

Giai đoạn sau khi Thực dân Pháp xâm lược Đông Dương đến năm 1954, việc hoạch định và phân giới, cắm mốc đường biên giới Việt Nam – Campuchia thời kỳ này gồm hai phần: Phân đoạn biên giới giữa Nam Kỳ (Việt Nam) và Campuchia và Phân đoạn biên giới giữa Trung Kỳ (Việt Nam) và Campuchia.

Biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia được hoạch định bởi Thỏa ước Pháp – Campuchia năm 1873, đã được tiến hành phân giới cắm mốc theo trình tự pháp lý đúng với quy định pháp luật của nước Pháp.

Biên giới giữa Trung Kỳ và Campuchia được xác định bằng 02 Nghị định ngày 6/12/1904 và Nghị định ngày 4/7/1905 của Toàn quyền Đông Dương. Ranh giới giữa Trung Kỳ và Campuchia chưa được cắm mốc giới trên thực địa.

Giai đoạn từ năm 1954-1979 xảy ra nhiều xung đột, tranh chấp biên giới giữa chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Campuchia. Trong giai đoạn từ năm 1964-1976, hai bên đã tiến hành nhiều lần đàm phán, thương lượng về vấn đề biên giới nhưng không đạt được kết quả.

Ngày 18/2/1979, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia đã ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Tại Điều 4 của Hiệp ước, hai bên sẽ đàm phán để ký một hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia trên cơ sở đường biên giới hiện tại, quyết tâm xây dựng đường biên giới này thành biên giới hòa bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước.

Từ năm 1982, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có những cuộc tiếp xúc chính thức nhằm tìm ra giải pháp bảo đảm lợi ích của hai bên trong đó có vấn đề biên giới, lãnh thổ. Ngày 20/7/1983, tại Phnôm Pênh, hai bên đã ký chính thức “Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia” và “Hiệp ước về quy chế biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia”.

Ngày 27/12/1985, hai bên đã ký chính thức “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia”.

Ngày 10/10/2005, hai bên ký chính thức “Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985”.

bien gioi viet nam campuchia bai 10
Chiến sĩ biên phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia tại cột mốc 3 biên giới. Ảnh: Trần Phong

Ngay sau khi Hiệp ước bổ sung 2005 có hiệu lực, Ủy ban liên hợp biên giới hai nước đã tổ chức nhiều cuộc họp để trao đổi, thống nhất các văn bản pháp lý-kỹ thuật làm cơ sở triển khai công tác phân giới, cắm mốc, xác định và cắm các cột mốc trên thực địa cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phân giới, cắm mốc.

Giai đoạn từ năm 2009-2012, hai bên tiếp tục tiến hành các công tác hoàn thành việc thành lập bộ bản đồ mới; kết thúc phân giới, cắm mốc trên thực địa, soạn thảo và ký Nghị định thư ghi nhận kết quả công tác phân giới, cắm mốc. Tuy nhiên, do vấn đề biên giới, lãnh thổ bị chi phối bởi yếu tố lịch sử, tình cảm, những tồn động về pháp lý, phức tạp nên mục tiêu hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc trong năm 2012 không đạt được.

Nỗ lực phân giới cắm mốc và quản lý

Từ năm 2013 Việt Nam và Campuchia thống nhất bổ sung thêm mốc phụ và cọc dấu để làm rõ thêm hướng đi của đường biên giới trên thực địa và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng quản lý. Trong những năm 2013-2018, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai công tác xác định, cắm mốc phụ và cọc dấu; phối hợp hoàn thiện bộ bản đồ địa hình biên giới tỷ lệ 1/25.000 và thể hiện thành quả phân giới, cắm mốc lên bản đồ; xây dựng văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới, cắm mốc đã đạt được. Ngày 5/10/2019, tại Hà Nội, hai bên đã ký chính thức hai văn kiện nhằm ghi nhận khoảng 84% thành quả phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền cụ thể là “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Hiệp ước bổ sung năm 2019) và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Nghị định thư 2019).

bien gioi viet nam campuchia bai 10
Một cửa khẩu biên giới Việt Nam-Campuchia - Ảnh: AFP

Việc ký Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia là một sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa hết sức thiết thực và to lớn về mọi mặt, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cụ thể:

Thứ nhất, việc ký 02 văn kiện pháp lý là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực và thiện chí của hai bên trong việc hợp tác giải quyết hòa bình vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế song phương mà hai bên đã ký kết, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi.

Thứ hai, cùng với các Hiệp ước về nguyên tắc và hoạch định biên giới đã ký kết vào những năm 1983, 1985 và 2005, hai văn kiện pháp lý này hợp thành khung pháp lý quan trọng về biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.

Như vậy là sau hơn 36 năm đàm phán, hai nước đã có khoảng 84% chiều dài đường biên giới được phân giới cắm mốc và được ghi nhận rõ ràng trên hồ sơ pháp lý cũng như trên thực địa với một hệ thống mốc biên giới khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững.

Cụ thể, trên khoảng 1.045km đường biên giới đã hoàn thành phân giới cắm mốc hiện có tổng số 315 cột mốc chính tại 264 vị trí, 1.511 cột mốc phụ tại 1.068 vị trí và 221 cọc dấu; dữ liệu thông tin địa lý của đường biên, mốc giới được thể hiện rõ ràng trên bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 (là bộ bản đồ có tỷ lệ lớn nhất hiện nay trong số các bản đồ biên giới đất liền của Việt Nam với các nước láng giềng), tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ và nhận biết đường biên giới trên thực địa.

Thứ ba, hệ thống các văn kiện pháp lý đã ký kết, đặc biệt là Nghị định thư phân giới cắm mốc, là cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền và các lực lượng chức năng của hai nước phối hợp thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa hai nước và các địa phương hai bên biên giới trong nhiều lĩnh vực (như kết nối kinh tế, thương mại, giao thông, nông nghiệp, giao lưu văn hóa...), vì mục tiêu xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Đây cũng là cơ sở để hai bên tiến hành đàm phán Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới mới thay thế Hiệp định về quy chế biên giới ký năm 1983 cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Phạm Bích Phấn (Tạp chí Thời Đại)

Các tin khác
  • Giảm tác hại của hạn mặn cho vườn cây ăn quả ĐBSCL
  • TÌNH HÌNH LŨ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG SAU CƠN BÃO SỐ 12
  • Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế
  • Năm vượt thử thách của ngành Nông nghiệp
  • Hệ thống thủy lợi đưa Tứ giác Long Xuyên thành vùng sản xuất trù phú

Từ khóa » Bản đồ Campuchia Qua Các Thời Kỳ