Biến Gốc Mai 'phế' Thành Tác Phẩm Bạc Triệu - VietNamNet

Vườn bonsai tiền tỷ

Thị xã An Nhơn (Bình Định) được mệnh danh là "thủ phủ mai vàng miền Trung". Toàn thị xã có trên 10.000 hộ dân trồng mai thương phẩm, với trên 15 triệu cây, mỗi năm xuất bán khoảng 2 triệu chậu, thu về địa phương hơn 100 tỷ đồng mỗi năm.

Nghệ nhân biến gốc mai phế thành những tác phẩm độc đáo, thu bạc triệu - 1

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) với vườn mai được đánh giá "khủng" nhất tại tỉnh Bình Định.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thị xã An Nhơn, có lẽ là người tiên phong trong phong trào chơi mai bonsai ở An Nhơn.

Thâm niên 25 năm trồng và chơi bonsai, ông Hà đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen như: kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển cây cảnh, nhà vườn xuất sắc tiêu biểu toàn quốc 2 năm 2017 và 2020, bằng khen của Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam, nhiều bằng khen của UBND tỉnh Bình Định…

Đặc biệt, ông Hà cũng được mời đi nhiều tỉnh thành ở miền Trung - Tây Nguyên để truyền dạy, hướng dẫn kỹ thuật trồng bonsai. Nhiều nhà vườn, người đam mê trồng cây cảnh ở trong tỉnh đã tìm đến vườn bonsai của ông Hà để tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Nghệ nhân biến gốc mai phế thành những tác phẩm độc đáo, thu bạc triệu - 2

Tác phẩm mai bonsai "Cổng thành" gợi hình ảnh tòa thành cổ, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1814, là thủ phủ của vùng đất Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hiện nay thuộc phường Bình Định, trung tâm thị xã An Nhơn.

Nghệ nhân biến gốc mai phế thành những tác phẩm độc đáo, thu bạc triệu - 3

Bàn tay của nghệ nhân Nguyễn Xuân Hà đã biến những gốc mai tưởng đã mất giá trị thành những tác phẩm bonsai giá bạc triệu.

Theo nghệ nhân Nguyễn Xuân Hà, nghề trồng mai bonsai ở thị xã An Nhơn chỉ phát triển mạnh khoảng 5-7 năm trở lại đây. Riêng ông Hà, đến nay đã trồng, lai ghép và tạo ra nhiều giống mai vừa đẹp về bông búp, độc đáo về dáng thế, vừa có "lực" nên được nhiều người chơi đánh giá rất cao.

Trong giới dân chơi cây cảnh ở An Nhơn, ít người không biết đến vườn bonsai Nguyễn Xuân Hà, nằm ngay bên tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Vườn mai khoảng 3.000 chậu bonsai tuổi đời từ 7 năm đến hàng chục năm. Trong đó, nhiều gốc với dáng thế đẹp, độc lạ có giá trị lên đến vài trăm triệu đồng.

Dù rất tế nhị khi nói về nguồn thu, song ông Hà khẳng định, vườn bonsai đã giúp gia đình ông có của ăn của để. 

Kỳ công nghề trồng mai bonsai

Say sưa giới thiệu tác phẩm bonsai "Ngọc long phi vân" (Rồng ngậm ngọc bay trong mây), nghệ nhân Nguyễn Xuân Hà chia sẻ: "So với trồng mai thương phẩm theo truyền thống ở An Nhơn thì cây mai bonsai giá trị hơn nhiều. Song, để tạo được một cây bonsai ưng ý thì rất kỳ công, mất nhiều thời gian, đến hơn cả chục năm. Tác phẩm bonsai giá trị, ngoài dáng thế độc đáo thì phải có tuổi đời đến cả vài chục, hàng trăm năm".

Nghệ nhân biến gốc mai phế thành những tác phẩm độc đáo, thu bạc triệu - 4

Tác phẩm mai bonsai Ngọc Long phi vân (Rồng ngậm ngọc bay trong mây).

Nghệ nhân biến gốc mai phế thành những tác phẩm độc đáo, thu bạc triệu - 5

Cây mai bonsai giá trị quan trọng ở bộ đế, cây càng lâu năm càng giá trị.

Ông Hà chia sẻ, bản chất cây mai không chịu đè xuống nên việc uốn nắn, tạo dáng rất khó. Ở An Nhơn hiện giờ, nhà vườn nào cũng có mai bonsai, còn làm đẹp hay xấu thì tùy cách nhìn của mỗi người. Về cơ bản, nhiều nhà vườn làm chưa chuẩn, vì cây bonsai phải "đầu voi đuôi tý" mới đúng.

"Người làm nghề bonsai phải có cái tâm và kiên trì bởi cây bonsai khó tính hơn tất cả các cây khác trồng ngoài tự nhiên. Cùng với đó, người trồng bonsai cũng phải có kiến thức về sinh vật cảnh, am hiểu nuôi trồng", ông Hà chia sẻ.

Trồng được cây mai bonsai rất khổ công. Mua về cây không dáng thế, cắt hết các chi, cành chỉ lấy bộ đế rồi đem trồng và chờ cho đến khi cây đâm từng chồi non. Đôi khi gặp cây suy quá sẽ bị chết, xem như mất vốn. Đến khi cây sống mới có thể bắt đầu tạo một dáng thế mới, gọn nhẹ, nhưng việc này đòi hỏi thời gian rất dài.

Bởi vậy, theo ông Hà, chơi bonsai không chỉ đơn thuần là một nghệ thuật, mà còn tập cho người trồng, người chơi tính kiên nhẫn. Chấp nhận thời gian dài năm bảy năm, mười năm sau mới có một tác phẩm ưng ý.

Nghệ nhân biến gốc mai phế thành những tác phẩm độc đáo, thu bạc triệu - 6

Từ cây mai dáng trực cao 1,5 m nhưng bị chết các chi, cành được nhà vườn bán giá rẻ khi đến tay ông Hà đã biến thành tác phẩm bonsai giá trị vài chục triệu đồng.

Nghệ nhân biến gốc mai phế thành những tác phẩm độc đáo, thu bạc triệu - 7

Để có một tác phẩm bonsai mai ưng ý, người trồng phải bỏ 5- 10 năm chăm sóc, tạo dáng thế mới.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Hà, hiện nay, để kiếm được cây mai có bộ đế to để tạo ra một tác phẩm bonsai đẹp rất hiếm. Sau một thời gian dài, nghề bonsai phát triển thì những gốc mai đẹp đã được các nhà vườn thu mua hết. Số ít còn lại, người dân không bán hoặc bán với giá cao, trong khi trồng cây mai mất 5 đến 10 năm sau cũng chưa có bộ đế to đẹp.

"Trước đây, nghề trồng mai bonsai chưa thịnh, người dân bán chỉ vài trăm nghìn đồng một gốc mai có bộ đế to. Giờ đây, nhà vườn nào cũng chơi bonsai nên giá rất cao và khó mua. Có khi cây mai chết chi, cành nhưng có bộ đế, gốc to họ còn bán giá cao hơn cây mai bình thường, hoặc để lại tự làm bonsai. Song, thực ra để làm được cây bonsai đẹp không phải ai cũng làm được trong ngày một ngày hai", ông Hà chia sẻ.

Hội tụ những tác phẩm bonsai độc, lạ

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Hà cho biết, từ năm 2020 đến nay, thị xã An Nhơn tổ chức Hội thi mai vàng, thu hút hàng chục nhà vườn trên địa bàn thị xã, với không gian trưng bày trên 1.000 tác phẩm. Tại đây, các nghệ nhân đã giao lưu, thi tài ở 3 nội dung: mai truyền thống, mai bonsai, tay nghề tạo dáng bonsai.

"Hội thi là cầu nối, giao lưu giữa các nhà vườn trên địa bàn thị xã, góp phần làm cho cây mai đẹp và sắc sảo hơn. Qua đó, còn tạo tinh thần phát triển cây cảnh ở thị xã càng đi lên, tạo sân chơi cho lớp sau học hỏi lớp tiền bối để có những tác phẩm đột biến, sáng tạo. Đặc biệt, qua thi tay nghề tạo dáng bonsai, người nào đạt giải, Ban tổ chức sẽ đề nghị công nhận nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh", ông Hà cho hay.

(Theo Dân Trí) 

Chiêm ngưỡng 'lão mai' dát 9 chỉ vàng lập kỷ lục của đại gia Đồng Tháp

Chiêm ngưỡng 'lão mai' dát 9 chỉ vàng lập kỷ lục của đại gia Đồng Tháp

Nhằm che đi vết sẹo nên anh Vũ Đức Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đã dùng 9 chỉ vàng SJC dát lên thân cây mai, sự sáng tạo này vô tình giúp anh Đông xác lập 5 kỷ lục từ trong nước và quốc tế.

Từ khóa » Bonsai Mai Vàng Khủng