Biện Pháp Phòng Trừ Nhện Gié Hại Lúa - Hợp Trí

Nhện gié có tên khoa học là Steneotarsonemus spinki Smiley. Tên tiếng Anh là Panicle rice mite. Nhện gié là đối tượng gây hại trên lúa ngày càng có xu hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây.

Nhện gié đã được phát hiện ở các nước châu Á và châu Mỹ như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philipin, Thái Lan, Mỹ, Haiti, Costa Rica, Brazil... Ở Việt Nam, nhện gié đã được ghi nhận từ những năm 1997 - 1998.

Bệnh phát hiện đầu tiên tại An Giang, Đồng Tháp, đến nay bệnh đã lan dần sang nhiều vùng trong cả nước, nhất là các tỉnh ĐBSCL, nơi có diện tích và hệ số quay vòng đất trồng lúa cao nhất nước.

Nhện gié xuất hiện và gây hại cho lúa quanh năm, nhưng nhiều nhất là vụ Hè Thu khi điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn.

Nhện gié trở thành dịch hại nghiêm trọng và nguy hiểm vì nhện gié có kích thước cơ thể rất nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường, lại có phương thức sống và gây hại khác với nhóm côn trùng hại lúa phổ biến nên khó phát hiện. Ngoài ra, nhện gié có vòng đời ngắn nhưng khả năng sinh sản mạnh, sống tập trung từng ổ trong bẹ lá, gân lá.

Thời điểm nhện gié có mật số cao nhất thường trùng với giai đoạn lúa trổ, chúng tấn công bẹ lá cờ và bông lúa, làm giảm năng suất từ 15 - 70%. Ngoài gây hại trực tiếp, nhện gié còn kết hợp với nấm Saroclarium oryzae gây thối bẹ, vi khuẩn Pseudomonas fuscovaginae gây thối nâu bẹ và các dòng nấm, vi khuẩn Burkholderia glumae gây lem lép hạt.

Vết chích hút trở thành nơi để nấm, vi khuẩn lây nhiễm bệnh. Sau thu hoạch, nhện gié sinh sống trong rơm rạ, lúa chét, lúa rày, cỏ lồng vực và là nguồn gây hại nặng trong vụ sau. Lúa vụ trước bị nhện gié hại thì vụ sau sẽ bị thiệt hại nặng hơn.

Nhận biết triệu chứng nhện gié hại lúa

Nhện gié hại lúa có vòng đời từ ngắn đến rất ngắn, 4 - 11 ngày, tùy theo nhiệt độ. Nhện gié trưởng thành có kích thước rất nhỏ khoảng 0,2 - 1 mm, trong suốt hoặc màu nâu sáng, có 8 chân.

Cơ thể con đực thường ngắn hơn con cái. Nhện cái có khả năng đẻ được 50 trứng riêng lẻ trên bẹ lá phía trên mặt nước, trứng dạng bầu dục, trắng đục, các trứng không được thụ tinh vẫn nở ra nhện đực, trứng được thụ tinh nở ra nhện cái.

Nhện non cơ thể nhọn, dài, chỉ có 3 cặp chân, ngừng hoạt động trong khoảng 1 ngày trước khi chuyển sang trưởng thành, nhện non không thể tự di chuyển được phải nhờ con đực trưởng thành mang đi. Nhện sống tập trung ở trong bẹ lá lúa, gân lá, có khả năng sống trong khoang mô lá dưới ruộng nước và tồn tại được trong thời gian khá dài ở điều kiện nước với nhiệt độ thấp (20 ± 3oC). Chúng có thể sống sót trong điều kiện nhiệt độ thấp 16oC và 10oC.

TrungNhen-NhenNon

Trứng nhện và nhện non trong bẹ lá

Để nhận dạng nhện gié, cần có kính lúp độ phóng đại trên 10, khi đó sẽ thấy con nhện có 4 cặp chân bò rất nhanh, sống tập trung thành quần thể bên trong bẹ lúa hoặc nếu dùng lưỡi lam rọc ngược ngay vết màu nâu tím sẽ thấy nhện sống trong hang xốp của bẹ lá.

BeLa

Dùng lưỡi lam rọc ngược ngay vết màu nâu tím sẽ thấy nhện sống trong hang xốp bẹ lá

Nhện gié có sức tăng quần thể rất cao, có thể tăng gấp đôi số lượng trong thời gian khoảng 5 ngày do sức đẻ trứng cao: trung bình 50 trứng/con cái. Trưởng thành có thể sống được 15 – 30 ngày. Trong một quần thể, thường thấy tỷ lệ 1 con đực/ 3 con cái và khi điều kiện sống thuận lợi tỷ lệ này là 8 cái/1 đực.

Chúng còn có khả năng sinh sản đơn tính. Nếu tính trung bình mỗi con cái đẻ 30 trứng thì sẽ có 30 x 1/8 = 24 con cái. Khi một con nhện xâm nhập vào ruộng lúa vào giai đoạn 10 ngày sau sạ, nếu gặp điều kiện thích hợp thì lúc trổ sẽ có 6 thế hệ nhện với (24x 30)6 (tỉ con).

Triệu chứng nhện gié hại lúa

Triệu chứng (vết đen) của nhện gié gây hại trên gân lá

Nhiệt độ không khí cao, lượng mưa ít là điều kiện thích hợp cho nhện gié phát triển trên đồng. Nhện thường gây hại nặng trên chân ruộng xuống giống vụ Đông Xuân trễ hoặc mùa vụ kế tiếp xuống giống sớm (xuân hè), nhất là chân ruộng sạ dày, thiếu nước. Nhện cũng xuất hiện nhiều trên ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm. Sự lây lan của nhện từ ruộng này sang ruộng khác nhờ vào: côn trùng, do nguồn nước tưới có nhện, do gió cuốn nhện từ ruộng bị nhiễm sang ruộng kế cận...

Nhện gié gây hại cho lúa ở mọi giai đoạn từ khi gieo mạ đến trổ chín và trên mọi bộ phận của cây lúa như bẹ lá, gân lá, gié lúa và trong hạt lúa. Khi lúa ở thời kỳ nhỏ, nhện gié chích hút bên ngoài bẹ hoặc vị trí tiếp giáp giữa bẹ và thân cây. Vết hại lúc đầu là các chấm màu trắng vàng, sau lan rộng tạo thành những đám màu nâu hoặc nâu đen.

Đến giai đoạn lúa làm đòng, nhện gié đục vào bên trong và sống ở khoang mô bẹ lá và gân lá, tạo thành nhiều sọc dài màu tím chạy dọc theo bẹ lá làm cho lá có màu thâm đen. Riêng đối với những ruộng sạ chay không đốt rơm rạ hay không làm đất thì nhện xuất hiện sớm hơn nên triệu chứng dễ quan sát, ở phần dưới cổ lá xuống bẹ ốp thân có vết màu tím rất rõ mà bà con nông dân gọi là "vết cạo gió".

Nhện gây thiệt hại trên ruộng lúa bằng 2 cách trực tiếp và gián tiếp. Nhện gây thiệt hại trên ruộng lúa trực tiếp khi ăn phá các mô lá bên trong bẹ lá lúa và gây thiệt hại nặng từ giai đoạn phát triển hạt đến giai đoạn lúa ngậm sữa. Khi nhện ăn phá, chúng hút dinh dưỡng làm ảnh hưởng sinh trưởng của cây. Chúng tạo ra các vết đục hình tròn, tam giác, đa giác. Tại vị trí gây hại, tụ tập thành nhóm để cùng phát triển làm lúa trổ không thoát, nghẹn đòng và toàn bộ hạt đen lép.

Khi lúa trổ chín, nhện gié gây hại trên nhiều bộ phận như bẹ lá, gân lá, thân, bông và trên hạt. Khi mật số cao chúng bò lên bông lúa và chích hút cuống bông, cuống gié và bông lúa trước khi trổ. Trong thời kỳ lúa làm đòng mà bị nhện gié tấn công mạnh thì cây lúa sẽ thiếu dinh dưỡng dẫn đến lúa không trổ thoát, hạt lúa bị biến dạng méo mó, lép lửng nhiều, màu nâu đen lốm đốm hoặc thâm đen đều trên cả hạt. Các bông lúa bị hại thường mọc thẳng đứng (bà con nông dân thường gọi là "bắn máy bay") vì phần lớn số hạt bị lép làm giảm năng suất.

TrieuChung-VetMauTim

Triệu chứng (vết màu tím) khoảng 1mm trên bẹ lá

Trên hạt lúa, triệu chứng nhện gié gây hại là nhánh gié và vỏ trấu bị biến dạng, hạt lép có màu nâu đen do nhện chích hút nhụy cái nên không thụ phấn được. Mở vỏ trấu ra xem không thấy mầm hạt gạo.

Nhện gié gây hại gián tiếp khi chích hút tạo vết thương trên bẹ, mở đường cho nấm bệnh thối bẹ Sarocladium oryzae tấn công vì nhện thường mang bào tử nấm thối bẹ trên cơ thể của nó. Tương tự như thế từ những vết thương trên nhánh gié tạo điều kiện cho vi khuẩn gây thối nâu bẹ Pseudomonas fuscovaginae và vi khuẩn gây lép đen hạt Burkholderia glumae gây hại.

Trên ruộng nếu bị nhện kết hợp với bệnh thối bẹ, thối nâu bẹ và vi khuẩn gây hại trên hạt thì sẽ bị thiệt hại nặng về năng suất lúa. Bông lúa có nhiều hạt lép và vỏ trấu có màu tím lan gần khắp hạt. Bệnh nặng làm cho gié lúa bị nghẹn lúc trổ và có nhiều hạt bị lép trắng hoặc lép, có màu nâu tím, cuống gié có màu nâu tím.

>>> Nhấn xem thêm: Kinh nghiệm giúp bà con phòng trừ muỗi hành hại lúa (sâu năn)

Biện pháp phòng trị nhện gié hại lúa

Đối với chân ruộng thường xuyên bị nhện gié gây hại nặng, sau khi thu hoạch lúa, rải rơm đốt đồng kỹ trước khi làm ruộng.

Bà con nên cày lật gốc rạ, không cho lúa chét, lúa rày mọc, làm sạch cỏ bờ. Sạ thưa, sạ hàng, giảm phân đạm (bón theo bảng so màu). Giữ nước trong ruộng đầy đủ nhằm hạn chế nhện phát triển vì nhện gié thích hợp trong điều kiện ruộng khô. Thăm đồng thường xuyên, theo dõi sự gây hại của nhện gié, đặc biệt từ khi lúa làm đòng đến trổ (40 - 60 ngày sau sạ). Tét bẹ lá lúa ra để quan sát nhện ở bên trong bẹ đôi khi cũng có thể phát hiện nhện trên thân lúa.

Để tăng sức đề kháng với nhện gié, bà con nên phun Hợp Trí CaSi với liều lượng 40ml/bình 25 lít lúc 30-35 ngày sau sạ, giúp cây lúa cứng cây - đứng lá, tăng hàm lượng silic trong thân lá giúp cây lúa khỏe.

Không phun thuốc trừ nhện quá sớm và không phun ngừa để tạo điều kiện phát triển nhóm thiên địch nhện gié như bù lạch đen, nhện bắt mồi phát triển.

Từ khi lúa đứng cái làm đòng, cần kiểm tra ruộng thường xuyên để phát hiện sớm nhện. Nếu có nhện, cần phun thuốc diệt trừ ngay từ khi mật số còn thấp với thuốc đặc trị nhện là Nilmite 550SC. Nilmite 550SC là thuốc trừ nhện gié thế hệ mới có dạng SC (huyền phù đậm đặc) với nhiều đặc tính vượt trội: họat chất Fenbutatin oxide ức chế quá trình phosphoryl hoá làm chặn đứng việc tổng hợp ATP từ ADP, chặn đứng nguồn cung cấp năng lượng cho hoạt động sống của tế bào nhện gié, làm nhện ngừng sinh trưởng và chết. Nilmite 550SC có liều dùng thấp, diệt cả nhện non và nhện trưởng thành, hiệu lực kéo dài (>20 ngày).

Phun Nilmite 550SC vào các giai đoạn:

  • Lúa 30 ngày sau sạ: kiểm tra thấy 5% bẹ bị tím, cần phun thuốc kỹ vào bẹ lá, liều lượng 10 ml/bình 25 lít (1-2 bình 25 lít/1.000m2).
  • Lúa làm đòng: 38 - 40 ngày sau sạ (5% cây bị «cạo gió») phải phun thuốc kỹ vào bẹ lá, liều lượng 10 ml/bình 25 lít (1 - 2 bình 25 lít/1.000 m2).
  • Từ 5 - 7 ngày trước trổ (5% bẹ lá đòng có sọc đỏ, tím đen) phải phun thuốc thật kỹ vào bẹ lá, liều 10 ml/bình 25 lít (5 bình 25 lít/2.000 m2).
Nilmite 550SC

Để đạt hiệu quả cao, bà con cần lưu ý chỉnh béc phun thật nhuyễn, phun kỹ mặt dưới lá. Phun ướt đẫm cây lúa, lượng thuốc dư sẽ chảy sâu xuống theo bẹ lá vào bên trong giết nhện. Nếu được, trước khi phun thuốc nên bơm nước ngập gốc thân lúa để nhện di chuyển lên phía trên, dễ trúng thuốc hơn. Nên phun vào buổi chiều mát, vì đến đêm nhện thường bò ra khỏi bẹ lá leo lên gây hại ở phía trên cây lúa, hiệu quả diệt nhện của thuốc sẽ cao hơn.

Không hỗn hợp Nilmite với phân bón lá nhiều đạm, thuốc BVTV có tính kiềm cao, dầu khoáng (làm chậm hiệu lực), thuốc gốc đồng.

>>> Nhấn xem ngay: Quy trình chăm sóc lúa ngắn ngày giúp tiết kiệm 30% lượng phân bón vô cơ tư công ty Hợp Trí

Từ khóa » Hình ảnh Nhện Gié Hại Lúa