Biện Pháp Tự Vệ Là Gì? Nguyên Tắc áp Dụng Các ... - Luật Dương Gia

Mục lục bài viết

  • 1 1. Biện pháp tự vệ là gì?
  • 2 2. Các biện pháp tự vệ thương mại:
    • 2.1 2.1.  Biện pháp thuế quan:
    • 2.2 2.2. Các biện pháp phi thuế quan:
  • 3 3. Nguyên tắc về việc sử dụng biện pháp tự vệ:
    • 3.1 3.1. Điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ:
    • 3.2 3.2. Thủ tục áp dụng biện pháp tự vệ:

1. Biện pháp tự vệ là gì?

Ngoài những lợi thế khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào luật chơi chung của thế giới, Việt Nam cũng phải chấp nhận nhượng bộ và chịu những rủi ro nhất định. Tháng 12/2006, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO. Đây là một cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ trước đến nay. Cùng với đó, WTO cũng đã đặt ra những quy tắc chung cho phép các doanh nghiệp trong nước và chính phủ của họ có những hành động nhất định nhằm bảo vệ quyền lợi của mình khi bị tác động bởi những chính sách tư do hóa thương mại. Đó chính là các biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế.

Như vậy, các biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa rộng, đây là các biện pháp mà một nước sử dụng nhằm bảo hộ cho các sản xuất hay hàng hóa trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài. Nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì các biện pháp tự vệ là các biện pháp thương mại khẩn cấp do một nước áp dụng nhằm hạn chế một lượng hàng nhập khẩu của một sản phẩm nào đó để bảo vệ ngành sản xuất nội địa của nước mình trong một số trường hợp đặc biệt

Biện pháp tự vệ trong thương mại tiếng anh là Safeguard Measures.

Safeguard measures means a WTO member may a restrict imports of a product temporarily action to protect a specific domestic industry from an increase in imports.

2. Các biện pháp tự vệ thương mại:

Theo Điều XIX và Hiệp định về các biện pháp tự vệ của WTO, một quốc gia có quyền lựa chọn 1 trong các biện pháp tự vệ sau:

– Tăng mức thuế đã cam kết vượt lên trên mức thuế trần (biện pháp thuế quan)

– Áp dụng các biện pháp hạn chế định lượng như hạn ngạch (biện pháp phi thuế quan)

2.1.  Biện pháp thuế quan:

Đây là biện pháp mà Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) cho phép để bảo hộ thị trường trong nước và chủ yếu dưới dạng tăng thuế nhập khẩu, vì đây là công cụ đảm bảo tính minh bạch và dễ dự đoán, được thực hiện bằng những con số rõ ràng, do vậy người ta có thể thấy được mục đích bảo hộ dành cho 1 ngành sản xuất của mỗi quốc gia. Ngoài ra, do biện pháp thuế quan chỉ làm tăng giá sản phẩm nên cũng không làm cho thương mại bị bóp méo và đảm bảo cho “bàn tay vô hình” của thị trường thực hiện được chức năng của mình. Tuy nhiên khi tham gia vào quá trình hội nhập, các nước phải cam kết ràng buộc với một mức thuế trần nhất định và phải có lịch trình cắt giảm cụ thể.

2.2. Các biện pháp phi thuế quan:

Trước kia các nước nhập khẩu thường sử dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu tự nguyện, qua đó lợi dụng ảnh hưởng của mình để ép buộc các nước đối tác tự nguyện hạn chế xuất khẩu, đồng thời cơ chế này cũng thể hiện sự phân biệt đối xử rất rõ. Vì vậy trong hiệp định về các biện pháp tự vệ, WTO đã cấm sử dụng VERs mà thay vào đó là các biện pháp hạn chế định lượng bao gồm:

– Hạn ngạch

Hạn ngạch là biện pháp dùng để hạn chế số lượng hay giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu từ một thị trường nào đó trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm). Có 2 loại hạn ngạch:

Hạn ngạch tuyệt đối: là hạn ngạch mà khi áp dụng nếu hàng hóa nhập khẩu vượt quá một khối lượng đã qui định thì không được cấp giấy phép xuất khẩu.

Hạn ngạch thuế suất thuế quan: là hạn ngạch mà khi áp dụng nếu khối lượng hàng

hóa nhập khẩu không vượt quá mức độ quy định thì sẽ đánh thuế suất thông thường, ngược lại sẽ đánh thuế suất bổ sung hay đánh thuế tăng lên theo phân tăng lên theo từng phần tăng tương ứng của số lượng hàng hóa nhập khẩu.

– Các công cụ khác

Một số biện pháp phi thuế quan khác mà các quốc gia có thể áp dụng là cấm nhập khẩu, cấp giấp phép nhập khẩu hay phụ thu đối với hàng nhập khẩu ..v..v.. Cá biện pháp này thường mang tính chủ quan của nước nhập khẩu với mục đích bảo hộ nền sản xuất nội địa nên WTO coi những biện pháp này làm hạn chế rõ rệt tác dụng của tự do thương mại và yêu cầu xóa bỏ thay vào đó là các biện pháp hạn ngạch hoặc hạn ngạch thuế quan.

3. Nguyên tắc về việc sử dụng biện pháp tự vệ:

Các nước thành viên khi xây dựng pháp luật nội địa về biện pháp tự vệ có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc này của WTO. Các vụ kiện, việc Điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ trên thực tế được tiến hành theo pháp luật nội địa của từng nước nhập khẩu, phù hợp với quy định liên quan của WTO. Cụ thể:

3.1. Điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ:

Một nước nhập khẩu chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành Điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của các Điều kiện sau:

– Hàng hóa liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng;

– Ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá đó bị thiệt hại hoặc đe doạ bị thiệt hại nghiêm trọng; và

– Có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại nói trên.

Một Điều kiện chung là tình trạng nói trên phải là hệ quả của việc thực hiện các cam kết trong WTO của các thành viên mà họ không thể thấy hoặc lường trước được khi đưa ra cam kết.

Song song với các Điều kiện chung này, một số nước khi gia nhập WTO phải đưa ra những cam kết riêng liên quan đến biện pháp tự vệ. Trường hợp của Việt Nam, không có ràng buộc hay bảo lưu nào lớn về các biện pháp tự vệ này, do đó việc áp dụng biện pháp tự vệ ở Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài, nếu có, sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định của Hiệp định SG.

3.2. Thủ tục áp dụng biện pháp tự vệ:

Khác với trường hợp các vụ kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp, WTO không có nhiều quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kiện áp dụng biện pháp tự vệ. Tuy nhiên, Hiệp định về Biện pháp tự vệ của WTO có đưa ra một số các nguyên tắc cơ bản mà tất cả các thành viên phải tuân thủ, ví dụ:

– Đảm bảo tính minh bạch (Quyết định khởi xướng vụ Điều tra tự vệ phải được thông báo công khai; Báo cáo kết luận Điều tra phải được công khai vào cuối cuộc Điều tra…)

– Đảm bảo quyền tố tụng của các bên (các bên liên quan phải được đảm bảo cơ hội trình bày các chứng cứ, lập luận của mình và trả lời các chứng cứ, lập luận của đối phương);

– Đảm bảo bí mật thông tin (đối với thông tin có bản chất là mật hoặc được các bên trình với tính chất là thông tin mật không thể được công khai nếu không có sự đồng ý của bên đã trình thông tin);

– Các Điều kiện về biện pháp tạm thời (phải là biện pháp tăng thuế, và nếu kết luận cuối cùng của vụ việc là phủ định thì khoản chênh lệch do tăng thuế phải được hoàn trả lại cho bên đã nộp; không được kéo dài quá 200 ngày…)

Ở Việt Nam, việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định căn cứ vào kết luận sơ bộ của Cơ quan Điều tra trước khi kết thúc Điều tra, nếu xét thấy việc chậm thi hành biện pháp tự vệ gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước và thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau. Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời là không quá 200 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực.

Việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức được thực hiện như sau:

– Sau khi kết thúc Điều tra, Cơ quan Điều tra công bố kết luận cuối cùng về các nội dung liên quan đến quá trình Điều tra qui định. Kết luận cuối cùng và các căn cứ chính để ban hành kết luận cuối cùng phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên liên quan đến quá trình Điều tra;

– Căn cứ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan Điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp tự vệ chính thức;

– Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ, bao gồm cả thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời là không quá 04 năm, trừ trường hợp được gia hạn theo qui định;

– Tổng thời gian áp dụng biện pháp tự vệ, bao gồm cả thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, biện pháp tự vệ chính thức và thời gian gia hạn là không quá 10 năm. (Theo Luật Quản lí Ngoại thương năm 2017).

*Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Hiệp định của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO)

– Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

– Hiệp định về Thuế quan và Thương Mại (GATT)

– Hiệp định Tự vệ (SG)

– Luật Thương mại 2005 (Sửa đổi bổ sung 2019)

– Luật Quản lý Ngoại thương 2017.

Từ khóa » điều Tra áp Dụng Biện Pháp Tự Vệ