Biến Rác Thải Sinh Hoạt Thành Những Sản Phẩm Hữu ích

Công nhân phân loại rác để xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải Quỳnh Côi. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Rác thải sinh hoạt hỗn tạp từ các hộ dân được thu gom đưa về nhà máy tập kết, khử mùi, rồi phân loại. Rác hữu cơ được tái chế thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nilon được tái chế thành hạt nhựa cung cấp cho các nhà máy công nghiệp; rác thải vô cơ như gạch, đá, cát được tái chế thành gạch không nung; các chất không thể tái chế như tã bỉm, vỏ bimbim, thùng xốp, vải mục được xử lý bằng lò đốt công nghệ cao. Phần nước thải của nhà máy được thu gom xử lý qua hệ thống bể để tái sử dụng, không xả thải ra ngoài môi trường...

Đó là phương pháp xử lý triệt để rác thải sinh hoạt không chôn lấp bằng công nghệ TTD-01 của Nhà máy xử lý rác thải Quỳnh Côi (thuộc Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt) ở thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đang thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực nhiều năm qua. Công nghệ TTD-01 này do chính Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt tự nghiên cứu và chế tạo ra.

Đánh giá về hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải Quỳnh Côi, ông Phạm Hồng Vương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Phụ cho biết, với công suất xử lý rác 50 tấn/ngày đêm, hoạt động từ năm 2016, Nhà máy xử lý rác thải Quỳnh Côi hiện đang hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt cho 16 xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ. Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt với công nghệ TTD - 01 hoạt động rất hiệu quả.

Nilon được rửa sạch trước khi tái chế thành hạt nhựa. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Nhà máy đã sử dụng rác là nguyên liệu đầu vào để tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp và đóng góp cho xã hội trong công tác bảo vệ môi trường của huyện Quỳnh Phụ nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung. Ông Phạm Hồng Vương còn đề nghị các cấp, các ngành đánh giá tổng kết mô hình xử lý rác thải này để xem xét nhân ra diện rộng.

Bà Nguyễn Thị Ngọt, tổ dân phố số 5, thị trấn Quỳnh Côi cho rằng, trước khi có nhà máy xử lý rác của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt, nơi đây là bãi rác thị trấn Quỳnh Côi, rác thải để lung tung, có lúc rác bề bộn ra tới gần bờ đường tỉnh lộ 217. Hằng năm, UBND thị trấn Quỳnh Côi phải huy động người đi chôn lấp rác.

Từ khi có nhà máy xử lý rác thải về, rác thải ở đây đã gọn gàng, rác ở khu dân cư được thu gom sạch đẹp... Bà Ngọt cho rằng, công ty cần mở thêm nhà máy xử lý rác ở các địa phương của huyện để giảm bớt rác ở các xã tập trung về đây và xử lý tốt hơn để hạn chế mùi hôi.

Ông Đỗ Chí Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt cho biết, rác thải sinh hoạt ở nước ta nói chung là rác tổng hợp, không được phân loại từ đầu nguồn nên rất khó cho việc xử lý triệt để. Những năm qua, tình hình xử lý rác thải trên cả nước ta nói chung, ở tỉnh Thái Bình nói riêng còn nhiều hạn chế bất cập. Rất nhiều nhà máy đầu tư không hiệu quả. Nhiều nơi còn gây hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường dẫn đến sự khiếu kiện kéo dài của người dân.

Từ bài toán nan giải đó, với mong muốn có những đóng góp cho xã hội trong việc bảo vệ môi trường, Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt đã tập trung nghiên cứu công nghệ phù hợp nhằm xử lý triệt để loại rác thải sinh hoạt tại Việt Nam, tạo ra các sản phẩm từ rác... Kết quả, Công ty đã sáng chế ra công nghệ xử lý triệt để rác không chôn lấp mang tên TTD-01.

Nilon được tái chế thành các hạt nhựa cung cấp cho các nhà máy công nghiệp. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Từ năm 2016-217, tại Hội thi Sáng tạo Khoa học - Công nghệ và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ VII, công nghệ xử lý rác này đã đạt giải Nhất của Hội thi. Công nghệ này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng độc quyền sáng chế và được ứng dụng vào xử lý rác tại Nhà máy xử lý rác thải Quỳnh Côi.

Ba sản phẩm phân bón hữu cơ DT.16, DT.17 và DT.18 được tái chế từ rác của công ty cũng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp chứng nhận cho phép sản xuất, bán ra thị trường toàn quốc.

Ông Đỗ Chí Lệ cho biết thêm, Công nghệ xử lý rác TTD-01 là công nghệ hiện đại nhưng đơn giản trong vận hành. Khi cần có thể chế tạo dây chuyền công nghệ tăng giảm công suất xử lý theo nhu cầu xử lý rác từ 15 đến 200 tấn/ngày. Chi phí của công nghệ này thấp chỉ bằng khoảng 10% so với đầu tư máy móc có cùng công suất nhập ngoại. Nước thải của nhà máy được tái sử dụng, không xả ra ngoài môi trường nên không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Một nhà máy xử lý 50 tấn rác/ngày chỉ cần sử dụng từ 2 - 3ha đất...

Đến nay, Nhà máy xử lý rác thải Quỳnh Côi của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt đã hoạt động được 5 năm. Trên nền diện tích gần 2ha, nhà máy đang xử lý rác thải sinh hoạt cho 16 xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ, với công suất trung bình 50 tấn/ngày, đạt khoảng 18.000 tấn/năm. Mỗi ngày nhà máy tái chế được khoảng 3 tấn phân hữu cơ và 1,5 tấn hạt nhựa từ rác thải...

Rác hữu cơ được tái chế thành các loại phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Nhà máy đã được nhiều bộ, ngành chuyên môn, được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cùng các sở, ban, ngành, nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm, kiểm tra và đánh giá cao về hiệu quả xử lý rác của nhà máy.

Công nghệ xử lý rác TTD-01 hiện đang được Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt nhân rộng ứng dụng vào việc xử lý rác thải của nhiều nhà máy trong và ngoài tỉnh Thái Bình. Cụ thể, trong năm 2021 - 2022, Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng hai nhà máy xử lý rác thải tại huyện Quỳnh Phụ, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) và hai nhà máy tại huyện Lục Ngạn, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang). Chuyển giao công nghệ này cho một nhà máy của Tập đoàn Xây dựng Trường Sơn tại tỉnh Đắk Nông.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, nếu có mặt bằng được quy hoạch, công ty sẽ đầu tư tiếp một nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại và 7 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện của tỉnh Thái Bình./.

Từ khóa » Công Nghệ Tái Chế Rác Thải Sinh Hoạt