Biến Suy Nghĩ Làm Giàu Thành Hiện Thực

Suy nghĩ đơn giản, nhưng rất thực tế, đối với ông Phạm Văn Tinh, câu nói trên chính là kim chỉ nam cho hành động bản thân trong suốt những năm qua.

Tự mình mày mò, học hỏi, sau nhiều năm cố gắng, cuối cùng ông Tinh đã gây dựng thành công mô hình nuôi heo rừng lấy thịt. Từ trang trại nuôi heo của mình, có những thời điểm, đàn heo của ông Tinh “ra 1 lời 3”, đem về nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống, nuôi 5 con học hành.

Xoa xoa đôi bàn tay sạm nắng, ông Tinh thoăn thoắt cắt những thân chuối to bằng bắp tay thành từng phần nhỏ. Chẳng mấy chốc, 3 thau thân chuối đã đầy ụ. Thấy ông Tinh tiến vào vườn, cả đàn heo ùn ùn chạy tới, bu xung quanh người, háo hức đợi được ăn.

Ông Tinh chăm sóc đàn heo của gia đình. Ảnh: TT

Chờ một lúc cho cánh phóng viên chúng tôi quay phim, chụp hình đàn heo xong, ông Tinh cởi mở trò chuyện: “Ngày đó, tôi muốn tìm một mô hình phù hợp với nhu cầu của bản thân. Đó là mô hình phải vừa tận dụng được khoảnh đất vườn, vừa giảm tối thiểu chi phí, đồng thời cũng có thể tận dụng được nguồn phụ thải nông nghiệp của gia đình. Theo đó, tôi chọn và gắn bó với mô hình nuôi heo rừng đến giờ cũng đã được 10 năm. Hiện tại, sau đợt xuất bán vừa rồi, trong chuồng còn lại 79 con (22 con heo nhỏ và 57 con heo lớn). Trung bình mỗi năm, tôi nuôi khoảng 160 con heo rừng”.

Hiện tại, với giá thị trường của heo hơi giống từ 160 đến 180 nghìn đồng/kg và giá heo hơi thịt 120 nghìn đồng/kg. Dự kiến năm nay, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, đàn heo mang về cho gia đình ông Tinh khoảng 300 triệu đồng.

Ngắm nhìn đàn heo bóng nhẫy, khỏe khoắn, đang tranh nhau ăn, ông Tinh tự hào: Đàn heo này, tôi cho ăn ít tinh bột, nếu cao nhất cũng chỉ 15% thức ăn tinh bột. Thức ăn chủ yếu là phụ thải nông nghiệp của gia đình (thanh long, củ chuối, rau,…). Nhờ tận dụng tối đa nguồn thức ăn thô nên chi phí đầu tư chăn nuôi khá thấp, trong khi chất lượng thịt lại chắc và thơm.

Theo ông Tinh chia sẻ, những ngày đầu bắt đầu thực hiện mô hình, bản thân thiếu kinh nghiệm như: Việc xây dựng trang trại chăn nuôi chưa đảm bảo tốt yếu tố môi trường; chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong xử lý dịch bệnh cũng như kỹ thuật chăm sóc…Tuy nhiên, nghề dạy nghề, ông Tinh vừa làm vừa học, tìm hiểu kỹ thuật, mô hình hay rồi áp dụng vào thực tiễn. Chắng mấy chốc, bản thân ông đã nắm được nhiều kiến thức, hiểu được các kỹ thuật chăn nuôi để gây dựng đàn heo ngày càng phát triển hơn.

“Về nuôi heo, người nông dân phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, giữ cho môi trường sạch sẽ. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần hạn chế thấp nhất việc phát sinh nguồn bệnh trong đàn. Bên cạnh đó, trang trại nuôi heo phải tách biệt trong khuôn viên, tránh để heo tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Không nhốt chung đàn heo cũ với những con mới nhập. Heo mới phải được nuôi riêng, sau thời gian theo dõi sức khỏe mới được nhập đàn. Đồng thời, người nông dân phải thường xuyên để ý tiêm chủng định kỳ cho đàn heo. Đây chính là những điều kiện cơ bản để gây dựng đàn heo khỏe mạnh” – ông Tinh chia sẻ.

Hiện tại, bên cạnh mô hình nuôi heo rừng, ông Tinh còn trồng cà phê, cao su, huỳnh đàn đỏ. Phần diện tích đất trống được ông sử dụng để trồng thêm một số cây nông sản phục vụ cho việc chăn nuôi heo. Cần cù sản xuất, gia đình ông có tổng thu nhập trung bình hàng năm trên 600 triệu đồng (đã trừ chi phí). Dự định trong tương lai, ông Tinh sẽ tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi với quy mô lớn hơn để phát triển kinh tế.

Chỉ tay vào đàn heo trắng con được nuôi tách biệt với đàn heo rừng, ông Tinh tự hào: “Đây là những con heo con đầu tiên tôi tự phối giống để tạo ra loại heo siêu thịt. Bây giờ tôi đang tập trung chăm sóc và phòng bệnh, chờ ngày chúng lớn lên để có thể nhân rộng đàn. Hy vọng những công sức tôi bỏ ra sẽ không hoài phí, đem lại kết quả khả quan” – ông Tinh tỏ rõ sự quyết tâm và tràn đầy hy vọng.

Tất Thành

Từ khóa » Trồng Chuối Nuôi Heo Rừng