Biệt đội Săn Bắt Chuột Giữa Thành Phố - Báo Tuổi Trẻ

Biệt đội săn bắt chuột giữa thành phố - Ảnh 1.

Sau một đêm, những con chuột lần lượt “sa lưới” trên chiếc bẫy keo - Ảnh: DIỆU QUÍ

Khi các siêu thị, nhà hàng, cao ốc, xí nghiệp bị đám "tý" hoành hành, họ được gọi đến ra tay.

Vừa rồi, một siêu thị lớn nhất nhì TP.HCM bị lộ hình ảnh cả đàn chuột nối đuôi leo trèo vào kệ thức ăn chế biến sẵn khiến các biệt đội săn chuột thuê càng được chú ý.

Theo chân đội săn chuột thuê

12 năm theo ngành kiểm soát chuột và côn trùng gây hại (pest control), trong đó 10 năm thành lập công ty, anh Nguyễn Văn Nghĩa - giám đốc Công ty Green House Pest Control (quận Gò Vấp, TP.HCM) - cho biết: "Ở thành phố này thấy hiện đại, sang trọng vậy chứ chuột nhiều lắm, nên tôi quyết định mở công ty dịch vụ bắt chuột cho nhà dân, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cao ốc".

Anh Nghĩa kể thêm ban đầu cũng chật vật, ít khách vì những người có điều kiện mới tìm đến dịch vụ này.

Về sau, anh dần có nhiều khách hơn do họ tự bắt chuột bằng phương pháp thủ công không ăn thua với sự "khôn ranh của đám tý". Nhiều siêu thị, nhà hàng không sử dụng dịch vụ kiểm soát chuột thì khó kinh doanh, buôn bán sạch sẽ, an toàn được.

Để hiểu được công việc diệt chuột của những thợ săn chuyên nghiệp, một buổi chiều chúng tôi theo chân Phạm Lâm Vũ (33 tuổi, nhân viên Công ty Green House) và đồng nghiệp của anh đến một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức).

Quán này diện tích không lớn nhưng do chứa nhiều đồ đạc, thức ăn nên thường xuyên bị chuột "hỏi thăm".

Sau khi nắm bắt tình hình và quan sát kỹ "trận địa", thợ săn Vũ đeo găng tay cao su, mở hộp đồ nghề lấy chiếc bẫy sập nhỏ bằng gỗ, có vòng thép và đòn bẩy, nhét vào đó hạt đậu phộng rồi để vào khe hở sát góc tường.

"Bẫy sập dùng để bắt chuột cống, lực đập rất mạnh, mỗi cái bẫy bắt được một con chuột cống. Mình đặt ở những vị trí chuột hay lui tới như bếp, góc tủ, dây điện, trần nhà, thùng rác. Nó vừa chạy qua dính bẫy sập một phát là toi ngay" - thợ săn Vũ vừa nói vừa đặt thêm 6 cái bẫy quanh khu vực ăn của quán, bếp và chân cầu thang.

Vũ tiết lộ bẫy sập được dùng với chuột cống trong nhà nhưng khu vực bên ngoài muốn bắt được chúng buộc phải dùng bã chuột có hình dáng như viên kẹo với các loại thuốc được phép sử dụng.

Chuột sau khi ăn bã thì ba, bốn ngày sau mới chết. Nếu dùng trong nhà, chuột chết trong các ngóc ngách sẽ gây mùi hôi rất khó chịu.

Biệt đội săn bắt chuột giữa thành phố - Ảnh 2.

Loạt bẫy keo với mồi nhử là đậu phộng mà anh Lâm Vũ chuẩn bị giăng tại khu bếp của một nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5

Đặt xong bẫy sập, thợ săn Vũ tiếp tục lấy ra một loại khác cũng được sử dụng phổ biến để diệt chuột, đó là bẫy keo. Miếng ván mỏng cắt ra, trám keo lên, tán nhuyễn hạt đậu phộng bỏ vào rồi đặt dọc chân tường, khe hở.

Theo thợ săn này, khi một "nàng tý" dính bẫy sẽ thu hút những con khác tới cứu, nên một cái bẫy keo có thể dính bốn, năm con chuột nhắt, có khi cả chục con là bình thường.

Không giấu nghề, Vũ tiết lộ muốn biết chuột thường phá phách chỗ nào trong nhà thì phải nhìn chỗ đó có phân chuột hay không hoặc nhìn dấu chân chuột để lại.

Thợ săn chuột kinh nghiệm đầu tiên phải xác định nơi đó bị chuột gì phá, đường đi của chuột thế nào, đặc trưng của từng loại rồi mới đưa ra biện pháp kiểm soát phù hợp.

Chuột ít hoạt động ban ngày, ẩn nấp ở nơi khó nhìn và rất nhanh nhẹn, khôn ranh. Người săn chuột thường đặt bẫy vào chiều tối, sáng hôm sau thu gom bẫy và mang chuột đi tiêu hủy.

Hôm sau, tôi cùng thợ săn Vũ đến quán xem "thành quả" một chuyến săn đêm. Dưới kẹt tủ giữa nhà, Vũ mang găng tay lôi ra chiếc bẫy keo dính 3 con chuột nhắt, bỏ vào bọc nilông đen lớn.

Lần lượt những chiếc bẫy keo đặt chiều hôm trước đều dính từ 2 con chuột nhắt trở lên, nhưng bẫy sập thì còn y nguyên do ít chuột cống. Chủ nhà thở phào và hẹn Vũ hôm sau đến bít lại cái hang chuột trước nhà, có như vậy mới yên tâm buôn bán.

"Cúng đồ ăn có bã chuột cho... ông Địa"

Cách đây 5 năm, anh Nguyễn Văn Nghĩa nhận hợp đồng bắt một con chuột cống lớn không biết ở đâu lọt vào một hộ gia đình làm kinh doanh ở quận 5.

Trước khi nhờ thợ săn chuyên nghiệp, gia chủ đã mếu máo mua các loại bẫy về đặt khắp nhà nhưng vẫn không thấy bóng dáng con chuột khôn ranh quái quỷ đâu.

Bẫy thì vẫn còn nguyên nhưng đồ cúng bàn thờ ông Địa hôm nay để lên thì y như rằng hôm sau xuất hiện dấu răng chuột. Nhận định đây là "ca" khó, thợ săn Nghĩa bày "thiên la địa võng" nhiều ngày mà bẫy vẫn trống trơn. Đối thủ của anh quả thật là cao thủ.

Nhưng may mắn là nhà này có camera. Thợ săn Vũ yêu cầu được trích xuất băng, nghiên cứu đối thủ. Sau khi xem kỹ nhiều lần, anh mới biết thì ra con chuột tinh khôn này phát hiện bẫy nên nó từ phía ngoài nhảy vào bàn thờ, ăn xong lại nhảy ra chứ không chạy ngang qua như bình thường.

Cuối cùng, thợ săn Nghĩa phải xin phép gia chủ đấu trí với... chuột bằng cách tẩm bã độc vào trái cây để lên bàn thờ ông Địa cúng như mọi ngày. Con chuột tinh quái lại lần lượt qua hết các bẫy nhưng cuối cùng "dính chưởng" vì tham miếng ăn trên bàn thờ.

"Bắt được con chuột quái quỷ này, chủ nhà mừng lắm, hợp đồng gói diệt chuột 2 triệu đồng và tôi được thưởng thêm 1 triệu nữa" - anh Nghĩa cười, kể lại lần săn chuột khó quên.

Biệt đội săn bắt chuột giữa thành phố - Ảnh 3.

Bẫy sập được dùng để trị loại chuột cống lớn

Săn chuột, lãnh tiền

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, trưởng bộ phận kinh doanh khách hàng của Công ty diệt mối và côn trùng Tâm Phát, cũng kể lại lần săn chuột ấn tượng nhất với mình.

Nhận hợp đồng bắt đám chuột cho một khu công nghiệp ở TP.HCM, nhưng do diện tích lớn nên anh đặt hàng loạt bẫy vẫn không thấy con nào. 3 ngày, 7 ngày, 10 ngày, rồi 15 ngày trôi qua với tất cả các loại bẫy và thức ăn thay đổi, đám chuột cả trăm con lớn nhỏ mới bị "hạ gục" khi nhóm thợ săn của anh Tuấn tìm ra hang ổ của chúng.

Hiện nay nhu cầu bắt chuột của người dân tại TP.HCM ngày càng nhiều, kéo theo các công ty săn chuột thuê ra đời. Anh Tuấn cho biết khi khách hàng tìm đến, anh sẽ cho nhân viên đến nơi khảo sát, tư vấn và ký hợp đồng.

Có nhiều loại hợp đồng theo đợt, gói, tháng, quý mà nhiều nhất là theo tháng và quý, gồm cả diệt chuột và côn trùng như ruồi, muỗi, kiến, gián.

"Dịch vụ săn chuột tính theo chu kỳ từ 6 tháng đến 1 năm, tùy nơi chuột nhiều hay ít mà tính thời gian xử lý phù hợp.

Mỗi chu kỳ tiến hành kiểm soát một đợt với quy trình kéo dài 5-15 ngày, trong đó hộ dân 4-5 ngày, những nơi diện tích lớn như nhà hàng hay khu công nghiệp thì từ 10-15 ngày. Sau khi hết hợp đồng, khách hàng sẽ được "bảo hành" từ 1-3 tháng tùy khu vực chuột nhiều hay ít" - anh Tuấn cho hay.

Mỗi hợp đồng cũng có giá khác nhau, tùy diện tích. Gói diệt chuột dành cho hộ dân 1,5-3 triệu đồng, nhà hàng - khách sạn 4-5 triệu đồng và tòa nhà, khu công nghiệp sẽ là 8-10 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi ký hợp đồng các công ty săn bắt chuột thường chỉ giúp khách giảm 80-90% số lượng chuột mỗi đợt chứ khó tuyệt đối không còn con nào vì tính chất chuột sinh sản thường xuyên và nhiều.

Trừ khi tìm ra khe hở, hang hốc của chúng từ bên ngoài và trám lại thì mới có thể diệt hết hoàn toàn.

Với kinh nghiệm 4 năm hành nghề, được đào tạo kỹ càng, thợ săn bắt chuột Lâm Vũ cho biết nghề này khá vui, giúp khách hàng không còn bị chuột quấy rầy và cũng coi như có đóng góp diệt loài gây hại cho xã hội.

Tuy nhiên, anh nói người săn chuột thuê phải cẩn thận một vài tai nạn nghề nghiệp như bị chuột cắn dễ lây truyền bệnh nguy hiểm hoặc giập tay trong lúc đặt bẫy sập.

10-17 triệu đồng

Đó là số tiền lương của thợ săn bắt chuột, chưa tính thưởng.

Tình người, duyên cá Tình người, duyên cá

TTO - Đàn cá sông ken đặc rủ nhau vùng vẫy làm nước bắn tung tóe, chộn rộn cả một khúc sông. Cảnh hàng ngàn con cá tự nhiên lớn nhỏ chen nhau há miệng đợi thức ăn khiến người dân miệt châu thổ hoài niệm lại mùa lũ xưa với cá lềnh đồng, khẳm ghe.

Từ khóa » đi Bắt Chuột