Không cần phải bàn cãi, máy tính cá nhân (PC) dù là máy tính xách tay (laptop / notebook) hay máy tính để bàn (desktop), đều là thứ bạn nên trang bị cho mình khi bắt đầu bước chân vào cổng trường đại học, bên cạnh các thiết bị thông minh như smartphone hay máy tính bảng.
Có rất nhiều công việc, bài vở bạn sẽ không thể hoàn thành nếu không có PC. Việc sử dụng máy tính của nhà trường hay tại các điểm truy cập internet cũng có không ít mặt hạn chế. Vì thế, nếu có khả năng, hãy sở hữu PC, giá trị sử dụng của nó là rất lớn từ những ngày đầu của bậc đại học, cho tới khi bạn ra trường. Nhưng nhiều tân sinh viên sẽ băn khoăn về việc chọn mua laptop hay desktop, bởi lựa chọn chỉ có một, không nhiều người đủ khả năng tài chính để sở hữu cả 2 thứ trên, vì thế quan trọng nhất là phải chọn được thiết bị phù hợp với điều kiện và ngành học của mỗi người.
Học ngành nào thì chọn laptop? Máy tính xách tay đặc biệt hữu dụng khi bạn cần tới sự đồng bộ giữa thực hành trên lớp và học tập ở nhà. Thay vì thường xuyên phải đồng bộ dữ liệu giữa máy tính của nhà trường với desktop ở nhà qua ổ cứng di động hay lưu trữ đám mây, tốt hơn hết bạn chỉ cần sắm cho mình một chiếc laptop để vừa dùng ở nhà lại có thể mang đi học tại trường cũng như các khóa học bên ngoài. Những khối ngành rơi vào trường hợp nói trên có thể kể tới các ngành lập trình hay thiết kế đồ họa. Ngoài ra, nếu việc đồng bộ dữ liệu học tập và làm việc là điều bạn mong muốn, laptop luôn là sự lựa chọn phù hợp dù bạn có học ngành nào đi nữa.
Một chiếc máy tính xách tay là rất tiện lợi dành cho sinh viên.
Ngành nào nên chọn desktop? Đơn giản, nếu ngành bạn học không yêu cầu phải làm việc nhiều với máy tính trong các giờ học trên lớp, còn chờ gì nữa mà không đầu tư cho bộ máy tính trong góc học tập cá nhân của mình? Thực tế, nếu xét tới yếu tố hiệu năng trên giá thành (p/p), laptop luôn bị đánh giá khá thấp. Phần cứng của laptop luôn yếu hơn một bộ máy tính để bàn ngang giá. Nói như vậy có nghĩa, nếu các bạn sinh viên cần một dàn máy đủ mạnh phục vụ cho việc học tập đặc thù, việc đầu tư vào 1 dàn desktop là phù hợp hơn cả.
Nhưng nếu đầu tư cho desktop, bạn sẽ có một góc học tập và giải trí tuyệt vời.
Nếu học tập liên quan tới dựng phim hay xử lý đồ họa cao cấp, một dàn máy tính mạnh chắc chắn là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, các ngành kiến trúc cũng cần khả năng đồ họa chuyên biệt cho tác vụ dựng hình 3D.
Những lưu ý khi mua Laptop phục vụ học tập Thị trường máy tính xách tay dù không phát triển mạnh nhưng vẫn sống rất khỏe trong những năm qua, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ. Đối tượng chủ yếu của phân khúc này là các bạn sinh viên đại học với nhu cầu tuơng đối cơ bản. Nếu bạn đang muốn tìm một laptop bình dân cho các tác vụ văn phòng, học tập và lướt web cơ bản, hãy quan tâm tới các yếu tố sau đây.
- Bộ nhớ RAM: Cố gắng chọn mua laptop có 4GB RAM trở lên, sẵn sàng chi thêm vài trăm ngàn đồng để nâng lên mức 8GB. Một lượng RAM đủ lớn sẽ giúp các ứng dụng đa nhiệm, ngốn nhiều RAM như trình duyệt hoạt động ổn định hơn - Đừng quan tâm tới vi xử lý: không nên chi nhiều tiền cho các vi xử lý mạnh khi nhu cầu sử dụng của bạn không phụ thuộc quá nhiều vào chúng. Các laptop Core i3 của Intel là đủ cho hầu hết mọi nhu cầu cơ bản của sinh viên, trong khi đó các laptop có vi xử lý Core i5 và Core i7 lại đắt hơn từ 2 - 5 triệu đồng. Tất cả các vi xử lý này thường đều là các CPU tiết kiệm điện, mang lại hiệu năng không cao và không quá chênh lệch. Lắp SSD cho Laptop, điều bạn cần phải làm.
- Ổ cứng là thứ cần quan tâm: Lại là một lời khuyên về việc bạn nên lắp đặt SSD cho Laptop của mình. Trong mọi trường hợp, đây là thành phần tạo ra hiệu quả lớn nhất khi sử dụng. Bạn có thể giữ lại ổ cứng HDD cho mục đích lưu trữ, chọn mua một dòng laptop giá rẻ với vi xử lý thấp cấp và đầu vào SSD. Giá bán của các ổ SSD 120GB giá rẻ chỉ rơi vào khoảng 1 - 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, không ít sinh viên lại tìm tới các dòng laptop cao cấp, bởi quá trình học tập đòi hỏi một thiết bị mạnh mẽ hơn. Đó có thể là các sinh viên học về thiết kế đồ họa, luôn cần một chiếc máy tính có vi xử lý và ổ cứng đủ nhanh trong quá trình học tập. Khác với máy tính xách tay giá rẻ cho sinh viên thông thường, nếu tìm mua laptop để xử lý đồ họa, bạn sẽ cần quan tâm tới các yếu tố khác.
- Vi xử lý là rất quan trọng: Lúc này, CPU trở nên rất quan trọng, bởi đây là thành phần được sử dụng nhiều nhất khi hệ thống render hình ảnh, video. Chọn mua các mã laptop sử dụng vi xử lý cao cấp như Intel Core i7 sẽ giúp quá trình học tập tốt hơn. Lưu ý, các mã CPU có ký hiệu HQ thể hiện đó là một vi xử lý mạnh mẽ, còn nếu có ký hiệu U ở cuối, đó là 1 vi xử lý hướng tới tiết kiệm năng lượng, hiệu năng yếu hơn. Macbook trở thành lựa chọn dành cho xử lý đồ họa cao cấp.
- Hệ điều hành: thực chất, hệ điều hành đóng 1 vai trò khá quan trọng trong việc chọn mua laptop học tập đồ họa. Thực tế các máy Macbook sử dụng Mac OS X đáp ứng các ứng dụng đồ họa tốt hơn nhiều so với laptop Windows thông thường, tuy nhiên giá bán của chúng thường khá cao. Trong một trường hợp khác, nếu theo học lập trình mobile, bạn sẽ cài đặt Linux lên laptop của mình. LƯU Ý CHUNG: Dù sử dụng vào ngành học nào, chọn mua các thiết bị nhỏ gọn nên được chú trọng. Việc mang một chiếc laptop quá to và nặng tới trường và ngược lại sẽ gây ra không ít phiền toái dành cho các sinh viên. Một laptop khoảng 14-inch có cân nặng <2kg là phù hợp.
Những lưu ý khi chọn mua Desktop - Hãy tự xây dựng cấu hình Đó là ưu tiên số 1 khi chọn mua máy tính để bàn cho tân sinh viên. Ưu điểm đầu tiên là giúp tiết kiệm kha khá tiền bạc, thứ 2 nó sẽ giúp bạn có được một cấu hình máy phù hợp hơn với nhu cầu sự dụng cá nhân. Trong trường hợp kiến thức về linh kiện máy tính chưa đủ để build cấu hình máy, hãy tìm tới các cửa hàng máy tính, nơi bạn có thể tìm thấy lời khuyên và được giúp đỡ lắp đặt bộ máy. - Mua 1 màn hình tốt Khác với laptop, bạn có thể chọn bất cứ màn hình nào cho bộ máy của mình. Màn hình máy tính khá quan trọng, một chiếc màn hình tốt mang lại chất lượng hiển thị cao hơn, màu sắc trung thực, đó là thứ bạn cần khi sử chỉnh sửa hình ảnh.
Màn hình là thành phần nên được đầu tư trong dàn máy tính.
Ngoài ra, màn hình tốt sẽ theo kèm các tính năng bảo vệ mắt, giúp bạn làm việc và học tập trong thời gian dài mà không gặp phải các vấn đề với "cửa sổ tâm hồn" của mình. - Đầu tư lâu dài Vòng đời của các hệ thống máy tính thường lâu hơn so với điện thoại hay các thiết bị di động khác. Mua máy tính khi mới vào đại học, bạn hoàn toàn có thể sử dụng cho tới khi ra trường hay đi làm. Nhưng cần lưu ý một số điểm để có thể sử dụng hiệu quả trong thời gian dài. Chọn mua linh kiện đời mới sẽ giúp vòng đời của máy tính được kéo dài hơn.
Hãy mua các linh kiện đời mời, ví dụ như chọn lựa Intel Skylake mới nhất, thay vì các đời vi xử lý cũ là Ivy hay Haswell. Vi xử lý đời mới cùng với mainboard đời mới sẽ được hỗ trợ lâu hơn, dễ dàng nâng cấp các thành phần mới sau này, như lên 1 CPU mạnh hơn cùng socket hay chọn RAM DDR4 nhanh hơn. Trên đây là những lời khuyên và lưu ý dành cho các tân sinh viên vừa hoàn thành kỳ thi đại học căng thẳng và đang có ý định chọn mua máy tính. Trên hết, luôn lắng nghe nhu cầu của bản thân, một thiết bị đắt tiền cấu hình cao chưa chắc đã là thứ bạn cần.