Biết Túc Mạng | Giác Ngộ Online

GN - Thay mặt Ban Chỉ đạo An cư Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, tôi vấn an chư Ni an cư tại tịnh xá Ngọc Phương. Sau đây, tôi có một số suy nghĩ xin trao đổi với chư Ni.

Trong đệ tử của Phật, ban đầu chỉ có Tỳ-kheo. Về sau, do sự khát ngưỡng của Di mẫu, nên Phật cho bà xuất gia, từ đó có thêm chúng xuất gia Tỳ-kheo ni.

dscn6706.jpg

Mô tả Tăng đoàn nguyên thủy thời Phật còn tại thế

Trên bước đường tu, sở dĩ Đức Thế Tôn ban đầu không cho người nữ xuất gia, vì lý do phái nữ có nhiều chướng duyên, tức nhiều khó khăn để trở thành người hành đầu đà. Vì vậy, ban đầu Phật chỉ độ hàng Tăng. Trong 1.250 vị Tăng đầu tiên mà Phật độ gồm có năm anh em Kiều Trần Như, năm mươi thanh niên dòng Da Xá và một ngàn tu sĩ thuộc đạo thần lửa do Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp điều hành và kế đó là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cùng đệ tử có hai trăm vị.

1.250 Tỳ kheo là giáo đoàn đầu tiên của Đức Phật. Thời đó, chúng ta thấy con số 1.250 người không phải là nhỏ, như bây giờ Ngọc Phương tập chúng an cư có một trăm hay hai trăm người và lo cho các vị này ăn ở, đi lại cũng không đơn giản. Vậy mà giáo đoàn của Đức Phật có đến 1.250 người thì sắp xếp việc ăn ở chắc chắn vô cùng khó khăn. Buổi sáng 1.250 vị khất thực cũng là vấn đề của xã hội và ba tháng an cư, chư Tăng ở yên một chỗ, thì lo giải quyết đời sống của chư Tăng cũng không dễ chút nào. Có mùa an cư, Đức Phật và chư Tăng phải ăn lúa ngựa, dù chỉ ăn một ngày một bữa, nhưng lo cho cả ngàn chư Tăng ăn uống cũng không đơn giản. Về sau, Đức Phật cho Di mẫu xuất gia cùng năm trăm Tỳ-kheo ni thì giáo đoàn của Đức Phật gồm có Tăng Ni nhiều đáng kể, nhưng việc sắp xếp cho Tăng Ni tu học đều tốt đẹp.

Thiết nghĩ ngày nay, chúng ta nhìn kỹ lại cách sắp xếp, hướng dẫn, dạy dỗ của Đức Phật theo đó chúng ta cân nhắc để lo cho Tăng Ni tu học có kết quả tốt. Quan sát việc làm của Đức Phật, tôi nhận thấy một số việc mà chúng ta cần suy nghĩ. Trước nhất, khi Phật thành Phật, Ngài mới bắt đầu giáo hóa chúng sanh, khi chưa thành Phật thì Ngài lo tu cho đạt quả vị Phật. Có thể thấy rõ Đức Phật lo tu nhiều hơn. Thật vậy, trong suốt sáu năm Phật hành đầu đà, đóng vai Sa-môn, việc chính của Ngài là nỗ lực dồn cho việc học. Vì vậy, chư Ni nên học gương của Đức Bổn Sư để phát triển giáo đoàn. Đương nhiên Phật có độ sanh, nhưng phải độ mình trước thì mới an toàn. Ngày nay, nhiều người lo độ chúng sanh, kết quả là bị chúng sanh độ ngược lại.

Độ mình, căn bản là đoạn phiền não. Chúng ta thường phát nguyện rằng phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, tức đoạn hết phiền não thì độ chúng sanh dễ dàng. Nếu phiền não chưa đoạn mà độ chúng sanh, họ làm phiền não chúng ta nổi dậy. Kinh nghiệm của tôi có lúc tưởng mình thanh tịnh, nhưng bị người chọc tức thì nổi giận. Cần đoạn phiền não của mình trước là vậy. Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng khi giận thì đừng nói, đừng làm, nhưng nhiếp tâm niệm Phật. Đó là cách tu của Hòa thượng mà tôi học được, xin chia sẻ với đại chúng.

Đương nhiên nghiệp của chúng ta còn, mới giận, nhưng không nói, không làm, mà lo cắt phiền não của mình là chính. Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng Phật còn có sáu năm chuyên học. Hòa thượng nói cuộc đời của ngài cũng có đoạn đường chuyên học, không làm. Riêng tôi trải qua tám năm học ở Phật học đường Nam Việt và tám năm làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản. Như vậy tôi dành thời gian dài đến mười sáu năm để chuyên học Phật pháp, không làm gì khác.

Và khi học, đem hết kinh điển của Phật vào tâm trí, đưa hình ảnh thánh thiện của chư Phật, Bồ-tát vào lòng. Nỗ lực huân tập miên mật như vậy, khi ra làm việc, gặp chúng sanh cang cường, thì nhờ pháp Phật, nhờ trí tuệ của Như Lai, nhờ những hạnh đức của Bồ-tát đối trị, nên mình thoát nạn. Đó là kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với chư Ni. Tôi nhờ tu từ thuở nhỏ, nên có được điều kiện tốt này. Các vị lớn tuổi mới đi tu không có điều kiện tốt, nên vừa làm vừa học, không chuyên học được. Theo tôi, quý vị ở trong hoàn cảnh như vậy, nếu gặp việc thì làm, nhưng lúc được rảnh rỗi nên học. Đừng nặng việc làm mà quên tu thì mặc áo tu, nhưng tâm thế tục coi như đọa.

Người trẻ tuổi thì chuyên môn học, người lớn tuổi thì vừa học vừa phải làm, vì mình là trụ trì nuôi chúng mà không làm không được. Nếu trụ trì chỉ lo chuyên học, chúng sẽ bị đói và loạn. Vì vậy, lo việc chùa, lo cho chúng, nhưng phải lo việc tu của mình. Chính Đức Phật cũng đã thể nghiệm như vậy ở giai đoạn một.

Trên bước đường học Phật, ta nghe ở đâu có danh tăng, thì tìm tới học. Và khi học đầy đủ, không còn gì mình không biết, bấy giờ không cần học nữa. Quý vị nên suy nghĩ ý này. Học tốt nghiệp là một lẽ, nhưng hiểu biết là một lẽ khác. Chúng ta nỗ lực học như Phật để biết tất cả kiến thức của thế gian, của ngoại đạo.

Thời Phật tại thế, có ông Kamala và Uất Đầu Lam Phất đắc đạo được kính nể. Lúc đó, chỉ có ông Kamala chứng Tứ thiền và ông Uất Đầu Lam Phất vượt qua Tứ thiền vào Tứ không; đó là đỉnh cao của học vấn thời bấy giờ mà Đức Phật đã học thông suốt. Nhưng Phật tự nghĩ những hiểu biết có được khi theo học với Kamala và Uất Đầu Lam Phất cũng chỉ giới hạn. Ngài nghĩ ngoài bốn bộ kinh Vệ Đà, tiền nhân còn có gì cao hơn hay không. Chính suy tư này dẫn đến việc Phật ngưng học.

Theo Phật, tôi cũng thường nghĩ mình đã học văn minh của nhân loại, nhưng không biết có gì hay hơn không, vì mỗi ngày có nhiều phát minh mới. Như vậy, trong vũ trụ phải có những điều huyền bí mà các nhà hiền triết, các nhà khoa học chưa thấy.

Sau khi tham học với ông Kamala và Uất Đầu Lam Phất, những sở học của thế gian và ngoại đạo mà Phật đã thông thạo, Ngài ngưng học và chuyên tu đạt đến kết quả cao nhất mà kinh điển diễn tả là Đức Phật nhập định ở Bồ Đề Đạo Tràng và Ngài đắc đạo. Nghĩa là tất cả hiểu biết mà Ngài sở đắc từ việc học được Ngài thực tập bằng cách gạn lọc và nâng lên trình độ cao nhất gọi là trí giác. Ngày nay, theo dấu chân Phật, việc học của chúng ta không giống việc học của thế gian là họ học cái gì thì biết cái đó. Học Phật không phải như vậy, nhưng dùng sở đắc mình học được làm bệ phóng đưa vệ tinh vào quỹ đạo, nghĩa là lấy kiến thức của tiền nhân làm cơ bản giúp chúng ta phát huy trí tuệ của mình. Vì vậy, trí tuệ là gốc của người tu, trí tuệ khác với kinh nghiệm và hiểu biết. Chúng ta thường sống với kinh nghiệm và hiểu biết, nhưng chúng ta phải bỏ hai thứ này mới có được cái riêng của mình. Riêng tôi, học Phật giáo Nguyên thủy cho đến kinh điển Đại thừa, tôi đọc hết, nhưng tôi không kẹt bộ kinh nào. Tất cả kinh điển của Phật tôi học và thực tập rồi chuyển hóa nó trở thành hiểu biết của tôi, điều này quan trọng. Có người nói rằng tại sao tôi dịch kinh Pháp hoa, kinh Di Đà, kinh Dược Sư không giống ai. Họ nói đúng, vì tôi học kinh rồi thì kinh được tiêu hóa trong tâm trí tôi và chuyển thành sự sống của tôi, thành hiểu biết của tôi.

Lịch sử cho thấy chư vị Tổ sư học kinh Nguyên thủy, nhưng các ngài hiểu theo nghĩa lý của Đại thừa thì mới có kinh điển Đại thừa. Kinh Đại thừa này sanh ra từ kinh Nguyên thủy do trí tuệ của các nhà sư Đại thừa tu đắc đạo mới nảy sanh ý tưởng Đại thừa. Quý vị đọc, suy nghĩ sẽ cảm nhận được ý tôi nói là từ kinh Nguyên thủy sanh ra kinh Đại thừa. Thật vậy, quý vị thấy trong kinh Nguyên thủy, chỉ một đêm mà Đức Phật độ được ba anh em Ca Diếp và một ngàn đệ tử của họ, tất cả đều chứng đắc quả vị A-la-hán. Nhưng qua Pháp hoa, hành giả Đại thừa thấy xa hơn mới có phẩm Nhà lửa, tức Phật thuyết phẩm này cho ba anh em Ca Diếp và nhóm ngoại đạo. Các vị này thờ thần lửa, nhưng bị lửa đốt cháy, hành hạ, cho nên họ không được an lạc giải thoát. Đức Phật đã khéo léo giải thích là họ bỏ nhà lửa, bỏ phiền não, chạy ra thì được giải thoát. Đó là tư tưởng Trung đạo đệ nhất nghĩa của kinh Nguyên thủy được chuyển sang kinh Pháp hoa bằng yếu nghĩa của nhà lửa và ba xe.

Thiết nghĩ học Phật, đừng cố chấp mô hình cố định nào. Khi nâng cao thì giáo pháp Phật có đến tám mươi bốn ngàn pháp tu, ai có phương tiện nào sử dụng cái đó. Có xe đạp thì sử dụng xe đạp, có xe gắn máy thì dùng xe gắn máy, hoặc có xe hơi thì cứ dùng xe hơi; nhưng không có phương tiện nào thì chạy bộ để thoát ra ngoài, vì nhà đang bị sập cháy. Nói cách khác, tu cách nào cũng được, nhưng chính yếu là phải ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống, tức tâm không kẹt trong vật chất, không bị dính mắc trong cuộc đời là pháp tu giải thoát.

Vì vậy, học Phật để chúng ta phát sanh trí tuệ, thấy chính xác sự việc; không cố chấp từng câu từng chữ mà bị phiền não, hay thấy lệch lạc. Có vị cố chấp trách tôi rằng kinh Pháp hoa nhiều, nhưng tôi rút gọn còn bảy phẩm. Việc quan trọng của người tu là nắm yếu chỉ của kinh để thực tập và đắc đạo, còn ôm cả bộ kinh mà không sử dụng được thì cũng như không.

Quý vị thử nghĩ xem bộ kinh Bát-nhã nhiều đến 600 quyển mà ngài Huyền Trang bỏ hết, rút lại chỉ còn Tâm kinh rất ngắn thì sao. Thậm chí muốn gọn hơn nữa, chỉ đọc Ngũ uẩn giai không. Cuối cùng, bốn chữ Ngũ uẩn giai không cũng bỏ luôn, mới chứng pháp Không, trụ pháp Không, ra khỏi sanh tử đến Niết-bàn được giải thoát. Vì vậy, kinh điển thường nói rằng pháp Phật rất nhiều, nhưng chỉ có một vị giải thoát. Cho nên đối với nhóm ngoại đạo thờ thần lửa, bị lửa đốt cháy, Phật bảo họ bỏ hết thì không bị lửa đốt nữa và thực tập lời Phật dạy, họ không còn phiền não. Chúng ta học pháp Phật là học trí tuệ, học giải thoát.

Khi Đức Phật học xong văn minh nhân loại, kinh Pháp hoa nói rằng Ngài ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng 21 ngày, có kinh khác nói 49 ngày, nghĩa là lúc đó Ngài tư duy thiền định, tổng hợp trí tuệ là văn minh của nhân loại và Ngài phát huy sự hiểu biết đến độ cao nhất gọi là đắc đạo thành Phật.

Phật đắc đạo có ba giai đoạn. Giai đoạn một, Phật chứng được Túc mạng minh. Còn chúng ta chưa chứng Túc mạng, nên chúng ta thấy lờ mờ, vì chúng ta bị kẹt trong sáu căn sáu trần gọi là lục nhập. Nghĩa là mắt chúng ta chỉ thấy việc xung quanh mình. Tai chỉ nghe âm thanh gần mình, v.v… Như vậy, cuộc sống của chúng ta lệ thuộc sáu căn sáu trần, ta hiểu biết trong phạm vi này, không thể biết hơn. Nhưng biết Túc mạng là đóng kín sáu căn, không cho sáu căn tiếp xúc với sáu trần, nghĩa là cách ly thế giới vật chất để đi vào thế giới tâm linh. Đức Phật ngồi ở cội bồ-đề, Ngài không cho căn trần tiếp xúc thì Thức không sanh gọi là Bạch tịnh thức, bấy giờ, tâm hoàn toàn trắng mà kinh Đại thừa gọi là Bồ-tát đạt tới đệ bát địa, chuyển đổi tâm hành giả thành trắng, không biết theo sáu căn sáu trần nữa. Từ đây, hành giả nhìn lại thấy khác với trước kia, khác với hiểu biết theo cuộc sống bình thường, chẳng hạn thấy ông A tu bao nhiêu lâu và được cái gì; nhưng chứng Túc mạng thì thấy đời trước của người này đã làm gì mới dẫn đến cuộc sống hiện tại như vầy. Hoặc thấy Ni trưởng Ngoạt Liên đời trước tu gì mà đời này làm trụ trì tịnh xá này. Người không giác ngộ thì nói Ni trưởng học không bằng mình nhưng làm trụ trì.

Đắc đạo, quán thấy nhiều kiếp trước. Thật vậy, Đức Phật quán sát túc mạng thấy nhiều kiếp trước của Kiều Trần Như là ông vua ác tên Ca Lợi. Lúc đó, tiền thân Phật là Sằn Đề tiên nhân đã bị Ca Lợi vương móc mắt, chặt tay, lóc thịt. Nhưng Ngài đã thành tựu pháp nhẫn nhục ba-la-mật, mới nói rằng nhờ Ca Lợi vương sát hại Ngài, nên Phật đã đến độ ông trước.

Chưa đắc đạo, chưa chứng Túc mạng thì chúng ta không biết ai thân, ai thù, ai giả, ai thật, cho nên thường gặp nguy hiểm. Một số thầy trụ trì than rằng bị bà A gạt lấy hết tiền. Người đến gạt mà cũng không biết. Phật nói người tu nhìn mặt người khác thì tối thiểu phải biết họ lừa đảo, không thật, họ đóng vai cư sĩ giả.

tinhxangocphuong.jpg

Một góc Ngọc Phương

Điều quan trọng là phải biết túc mạng. Trên bước đường tu, thực tập pháp này, tôi thấy qua nhiều giai đoạn khi hành Bồ-tát đạo, tối thiểu biết lờ mờ bằng cảm giác. Khi tâm thanh tịnh, cắt bỏ tham lam, bè phái, thấy sự việc thì mình có cảm giác biết đối tượng tốt hay xấu. Người tu phải đạt được cái biết lờ mờ này, khi ba nghiệp tạm thời thanh tịnh, thì quán sát biết được. Vì vậy, nếu tiếp xúc với người mà tôi thấy tâm mình không thanh tịnh và quán sát không chính xác thì tôi không làm, nên không bị quả báo. Tâm không thanh tịnh mà làm, ít có kết quả tốt. Tâm thanh tịnh và tiếp xúc với người, với cuộc đời, bằng cảm giác, ta nhận ra người tốt hay xấu. Thí dụ đời trước họ là bạn tốt của ta thì tái sanh đời này, ta thấy họ thân quen và có thiện cảm liền. Cũng là người, nhưng chúng ta thương và giúp đỡ thì biết có thể là bạn đồng tu, hay quyến thuộc đời trước. Chúng ta có hai thứ quyến thuộc, quyến thuộc thế gian và quyến thuộc Bồ-đề. Chưa tu, lấy quyến thuộc thế gian làm nội quyến thuộc là cha mẹ, anh em của mình, còn bạn bè là ngoại quyến thuộc. Ta phải nhận ra quyến thuộc.

Khi chưa xuất gia, Thái tử Sĩ Đạt Ta có Tịnh Phạn là cha, Di mẫu là mẹ, Nan Đà là anh em dòng tộc. Nhưng khi Ngài xuất gia thành Phật, quyến thuộc Bồ-đề của Ngài là mười đại đệ tử, tức những người nồng cốt hộ pháp cho Phật, đó là trí tuệ Xá Lợi Phất, thần thông Mục Kiền Liên, mật hạnh La Hầu La, đầu đà Ca Diếp, thiên nhãn A Na Luật, nghị luận Ca Chiên Diên, ngộ tánh Tu Bồ-đề, thuyết pháp Phú Lâu Na, trì luật Ưu Bà Ly, đa văn A Nan.

Chúng ta tu, cầu Bồ-đề quyến thuộc. Tu mà không có quyến thuộc Bồ-đề, chỉ có quyến thuộc thế gian thì không đắc đạo được. Mười đại đệ tử của Phật có đặc tánh đặc biệt là luôn luôn gắn bó với Phật. Quyến thuộc Bồ-đề rất quan trọng. Ngài thành Phật phát hiện những bạn đồng tu là quyến thuộc Bồ-đề thì họ tái sanh ở đâu, Phật đến độ, vì Phật chỉ độ được người có duyên với Ngài. Độ người không có duyên, họ sẽ làm phiền mình, hay độ ngược lại mình.

Ngày nay, nếu chúng ta chứng được Túc mạng thì biết người có gắn bó với mình, tức có duyên với mình, chúng ta dắt họ về, cho xuất gia. Ngày xưa, Hòa thượng Hồng Đạo là bạn tôi, thấy tôi có thầy thị giả dễ thương, nên nói với tôi rằng ông đã lớn tuổi lại ở một mình, nên xin tôi cho thị giả này về sống với ông. Thầy thị giả ở với Hòa thượng Hồng Đạo một tuần thì Hòa thượng đưa trả về tôi, nói rằng thầy này không dễ thương. Ở với tôi thì thầy này dễ thương, vì đã có nhân duyên quá khứ với tôi. Khi tôi tốt nghiệp ở Nhật về, thầy này theo tôi học đạo, nhưng Hòa thượng bắt về cuốc đất, trồng rau, thầy không thích; đó là thực tế mà chúng ta phải thấy. Và Hòa thượng lại kiếm xin mấy trẻ về nuôi, nhưng khi Hòa thượng lên thành phố, nó cạy tủ lấy tiền rồi trốn mất.

Trên bước đường tu, sống một mình cũng được. Phật nói thà sống một mình, tuy buồn, nhưng không làm bạn với những người ác. Vì vậy, đối với quyến thuộc Bồ-đề, chúng ta tiếp nhận, ác ma thì tránh.

Trên bước đường hoằng hóa độ sanh, Đức Phật đắc đạo, có Túc mạng, Ngài thấy những bạn đồng tu đời trước trong hiện đời họ sanh ở đâu và làm gì, Ngài tìm đến đó để độ. Vì vậy, Phật độ người nào là được người đó. Đức Phật độ ông Sunita hốt phân đắc La-hán, nhưng chỉ có một ông duy nhất là Sunita đắc quả, không phải tất cả người gánh phân đều đắc La-hán. Nếu không hiểu mà chấp vào đó rồi kiếm người làm thuê ở mướn cho xuất gia để mong họ đắc La-hán là thất bại liền.

Các Ni sư cạo đầu trẻ mồ côi nên cân nhắc xem chúng có hạt giống Bồ-đề hay không. Đức Phật biết rõ Sunita hốt phân nhưng đời trước ông là đại Pháp sư nổi tiếng. Vì phạm một lỗi nhỏ mà tái sanh đời này phải trả quả báo gánh phân. Phật thấy rõ nên cứu độ ông, giúp ông bỏ gánh phân xuống và chỉ tu một đêm đắc đạo. Sự thật ông là La-hán rồi, nhưng sanh lại để trả quả, không phải người hốt phân thiệt mà đắc đạo dễ dàng như vậy. Nói theo ngày nay, trí thức hóa người lao động là việc quá khó. Dạy chữ nghĩa cho người dốt thì khó vô cùng. Thực tế cho chúng ta thấy việc nâng thành phần lao động tay chân lên hàng trí thức không đơn giản.

Tôi nhớ thuở nhỏ đọc truyện chàng nhái. Một bà công chúa nuôi con chàng nhái, một thời gian sau, nó cởi lốt thành người giỏi, đẹp, làm quan, làm tướng. Bà công chúa khác thấy vậy, ganh tức, nên cũng bắt chước nuôi, nhưng nuôi hoài nó cũng không cởi lốt, vì nó là con nhái thiệt thì muôn đời vẫn là con nhái. Còn con nhái kia ở bên trong nó là cốt hoàng tử, nhưng phải mang xác bên ngoài là con nhái, mới có thể cởi bỏ xác nhái mà trở thành người. Cốt cách bên trong của mỗi người khác nhau, có người là Phật, là Bồ-tát, là La-hán, hay chư Thiên, hoặc là ma quỷ sanh lại.

Những người bần cùng, ngu dốt, sanh lại để trả quả báo thì làm sao nâng họ lên cao được, cần phải cân nhắc. Sunita đời trước tu cao, nhưng phạm sai lầm. Tu cao coi chừng bị đọa sâu. Đức Phật kể rằng tiền thân Sunita rất giỏi, nhưng bảo ông đạo đổ bô cho ông. Có ý niệm sai bảo người khác làm việc hạ tiện mà bị quả báo đời sau làm người gánh phân. Đức Phật biết túc mạng của Sunita như vậy, Ngài tới khai ngộ ông. Cốt lõi ông là Pháp sư sắp đắc đạo, nên chỉ cần được khai ngộ là ông đắc đạo. Vì vậy, trong một đêm, ông nhớ lại tất cả những quả vị đời trước của ông, cao nhất là A-na-hàm kề cận A-la-hán. Biết rõ quá khứ của mình như vậy và nhờ lực Phật gia trì, ông liền chứng La-hán.

Vua Ba Tư Nặc nghe Phật độ người hốt phân làm Sa-môn liền nổi giận tìm tới coi. Khi thấy Sunita tỏa hào quang chiếu như Phật, vua sụp lạy rồi mới vô hỏi Phật có phải Ngài đã độ người hốt phân làm Sa-môn. Phật nói có ông Sunita vừa được xuất gia. Vua nói Phật cho người hạ tiện xuất gia thì làm sao hàng Sát-đế-lợi đảnh lễ được. Phật dạy rằng không có giai cấp, ai cũng có thể tu đắc đạo được. Sunita sanh trong giai cấp thấp, nhưng ông tu đắc đạo thì vua lạy được không. Đương nhiên vua không lạy người hốt phân, nhưng lạy Thánh La-hán được. Hôm qua Sunita hốt phân, nhưng hôm nay đắc La-hán thì sao.

Quý vị nên suy nghĩ điều này, độ chúng cần cân nhắc coi có đủ nhân duyên độ được không, nếu không thì ở một mình. Các Ni đừng ham đệ tử. Tôi không có đệ tử, nhưng có học trò đông và hành đạo được. Tôi nghe có thầy có cả trăm đệ tử Tỳ-kheo. Nếu chỉ là hình thức Tỳ-kheo thì đáng sợ, phải dạy được họ. Ai cũng cho xuất gia, coi chừng khổ. Người có duyên, có căn lành, mình độ, họ mới là pháp khí Đại thừa làm lợi cho đạo. Tôi mong quý vị mãn hạ, trở về bổn độ sẽ có cái nhìn sáng hơn, thấy người có căn lành và có nhân duyên thì độ họ để sau này, họ thay mình gánh vác Phật sự. Cầu Phật gia hộ cho đại chúng sống an lạc trong Chánh pháp.

Từ khóa » đắc độ Nghĩa Là Gì