Biểu Cảm Về Cây Dừa (Dàn ý + 12 Mẫu) Những Bài Văn Hay Lớp 7

Cây dừa chắc hẳn là một loài cây quen thuộc với nhiều người. Chính vì vậy, Download.vn sẽ giới thiệu Bài văn mẫu lớp 7: Biểu cảm về cây dừa, được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.

Biểu cảm về cây dừa
Biểu cảm về cây dừa

Tài liệu bao gồm dàn ý và 12 bài văn mẫu, hy vọng có thể giúp cho học sinh lớp 7 khi làm bài văn biểu cảm.

Biểu cảm về cây dừa

  • Dàn ý cảm nghĩ về cây dừa
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 1
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 2
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 3
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 4
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 5
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 6
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 7
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 8
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 9
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 10
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 11
  • Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 12

Dàn ý cảm nghĩ về cây dừa

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về cây dừa.

2. Thân bài

a. Miêu tả những đặc điểm ấn tượng về cây dừa:

  • Thân cây rất cao.
  • Tàu dừa giống như một bàn tay khổng lồ.
  • Quả dừa mọc thành từng chùm.
  • Hoa dừa màu trắng, nhỏ xíu…

b. Tình cảm dành cho cây dừa

  • Những kỉ niệm tuổi thơ gắn bó với cây dừa
  • Cây dừa đem lại những giá trị to lớn cho con người.
  • Cây dừa là biểu tượng của vùng quê Bến Tre…

3. Kết bài

Khẳng định lại tình cảm dành cho cây dừa.

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 1

Mỗi loài cây đều mang một giá trị riêng, không chỉ về kinh tế mà còn cả về tinh thần. Đối với em, cây dừa là loài cây vô cùng gắn bó và thân thuộc.

Cây dừa vốn đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam, đặc biệt là ở vùng đồng bằng ven biển. Dừa nhiều nhất chắc hẳn phải ở Bến Tre. Ngay từ đặc điểm ngoại hình, dừa đã mang những nét độc đáo. Cây dừa cao, thân cây dài và không to lắm. Cây dừa cũng có hoa. Nhưng hoa dừa rất nhỏ, có màu trắng. Quả dừa mọc theo chùm, ở trên ngọn dừa. Chúng thường có lớp vỏ bên ngoài cứng, lớp cùi bên trong có màu trắng. Nước dừa rất mát, ngọt thanh.

Cây dừa từ lâu đã trở thành một biểu tượng cho những vùng biển nhiều nắng, gió. Đặc biệt nhất là vùng đất Bến Tre với những rừng dừa rộng lớn. Cây dừa thực sự đem đến cho con người rất nhiều sản phẩm hữu ích. Bất cứ một bộ phận nào cũng có thể được tận dụng một cách tối đa. Thân dùng làm cột chống hoặc chế thành đồ mỹ nghệ và vật liệu trong xây dựng, lá dừa héo khô thì dùng làm chất đốt bảo vệ môi trường. Rễ là nguyên liệu quan trọng để làm các loại thuốc nhuộm, thuốc sát trùng làm sạch miệng hay điều trị bệnh lỵ, đánh răng. Tán lá xòe rộng nên hay được trồng ở các khu nghỉ dưỡng vừa tạo vẻ đẹp thẩm mỹ vừa dùng che nắng. Ngay cả quả dừa cũng có thể tận dụng một cách tối đa. Nước dừa là loại nước giải khát rất được yêu thích. Trong thời tiết nóng bức của mùa hè, nếu được thưởng thức một cốc nước dừa thì còn gì tuyệt vời hơn. Rồi cùi dừa có thể dùng để chế biến các món ăn như mứt, dừa khô hay đem kho thịt kho cá… Quả là một loài cây vô cùng tiện ích đối với con người.

Dừa không chỉ cung cấp cho con người những giá trị kinh tế. Từ lâu, dừa đã đi vào đời sống tinh thần của những người dân Việt Nam. Hình ảnh cây dừa trong kí ức tuổi thơ với những trò chơi thú vị. Cây dừa đã đi vào lời thơ, câu hát như một người bạn tâm tình:

“Cây dừa xanh toả nhiều tàu, Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng. Thân dừa bạc phếch tháng năm, Quả dừa - đàn lợn con nằm trên cao. Đêm hè hoa nở cùng sao, Tàu dừa - chiếc lược chải vào mây xanh”

(Trần Đăng Khoa)

Hay như trong bài hát “Dáng đứng Bến Tre”: “Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió. Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre…”.

Từ bao đời nay, cây dừa đã cùng con người sẻ chia thật nhiều kỉ niệm của những năm tháng gian khổ hay ngọt ngào. Không thể phủ nhận được tình cảm sâu nặng dành cho loài cây của quê hương Việt Nam.

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 2

“Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu, Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng. Thân dừa bạc phếch tháng năm, Quả dừa - đàn lợn con nằm trên cao”

(Cây dừa, Trần Đăng Khoa)

Mỗi lần nghe vang vọng những câu thơ của Trần Đăng Khoa, trong lòng tôi lại rạo rực những kỉ niệm tuổi thơ sống động bình yên. Sinh ra và lớn lên tại miền Trung - mảnh đất cằn cỗi bỏng rát chịu nhiều đau thương khắc nghiệt. Tuy không nhận được nhiều ưu ái tự nhiên thuận lợi nhưng bù lại, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho quê hương tôi những rặng dừa cao lớn hiên ngang trải dài ôm trọn lấy những bờ cát trắng xanh phẳng lì. Cây dừa đã trở thành biểu tượng của Quảng Bình quê tôi, trở thành một phần kí ức không thể thiếu trên chặng đường tôi khôn lớn và trưởng thành.

Tôi yêu quý cây dừa bởi sức sống mãnh liệt kiên trì bám trụ với đất bất chấp qua bao mùa phong ba bão táp của loài cây ấy, bởi một sự son sắt thủy chung ân tình bảo vệ bình yên cho cuộc sống của cư dân miền biển. Từng rặng dừa với thân cây cao vút, thân dừa màu nâu đậm, sần sùi, gồ ghề, những tán lá tỏa rộng vươn vai phóng khoáng đón nắng gió đất trời, tận hưởng những làn gió mát rượi xen lẫn hương vị mặn mà đắng chát của biển. Chúng như những mũi tên phóng thẳng lên tận trời cao, sự một sự thách thức, kiêu ngạo, muốn chứng tỏ bản lĩnh sinh tồn và sức chống chọi phi thường. Bố tôi kể rằng vào những ngày gió bão, sóng biển cuộn lên ào ào, cùng cơn thịnh nộ của trời đất, mưa xối xả ào ạt, mọi người đều phải đi di tán lánh nạn. Sau bao biến cố, cứ tưởng rằng cây dừa sẽ bị quật ngã và khuất phục, thế nhưng, chúng vẫn ở đấy, kiên trì và dai dẳng.

Hàng dừa xanh ngát là nơi lưu giữ và chôn cất biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp hồn nhiên trong sáng, là khoảng trời ngây thơ đầy mộng mơ thấm đượm những câu chuyện cổ tích kì diệu của bà, câu hát vọng tếu táo yêu đời của bác hàng chòi, cả những lời thề son sắt thơ ngây tuổi ô mai ngày ấy về tình bạn và những khát vọng lớn lao được bay đến những chân trời mới của những đứa trẻ. Ôi thật vui biết bao những năm tháng hồn nhiên ấy. Tôi nhớ vào những ngày trời hè oi ả, tôi cùng lũ bạn trốn mẹ không ngủ trưa ra bờ cát có rặng dừa bày trò trốn tìm, đuổi bắt, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê. Rồi cùng nhau cả gan dám leo lên cây dừa suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ để hái được một quả dừa xanh non tươi mát, thích thú nhất là khoảnh khắc bổ dừa ra nhiều nước ngọt, cả bọn vui sướng reo hò hân hoan và cùng thưởng thức thành quả. Làm sao có thể quên được cái hương vị ngọt ngọt bùi bùi thanh thanh của nước cốt hòa quyện với cái giòn giòn thơm thơm mùi sữa của cơm dừa ngày ấy. Cái mùi vị bình dị đơn sơ ấy đã thấm vào da vào thịt. Khiến tôi xao xuyến bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Ở dưới gốc dừa ấy, những đứa trẻ chúng tôi từ chỗ không quen biết đã gắn kết trở thành bạn, cùng nhau vui chơi nô đùa, và cứ như thế, cùng nhau đi qua những hồn nhiên tinh nghịch bướng bỉnh trẻ con để lớn lên từng ngày, trân trọng và quý mến nhau, xây dựng những tình bạn đẹp tuyệt vời.

Cây dừa gắn bó thân thiết với cuộc sống của người dân và gánh đỡ một phần thu nhập cho cuộc sống mưu sinh vất vả của người dân vùng biển. Chớ vội vàng nhìn vào thân hình khẳng khiu mỏng manh của cây dừa mà vội coi thường. Ngược lại, chúng có rất nhiều công dụng thần kì. Quả dừa ngọt thơm cùng với dòng nước thanh mát giúp giải khát ngày hè. Cùi dừa non cạo ra uống với nước cũng rất hấp dẫn. Khi già, có thể lấy cùi dừa để kho với thịt, ăn bùi bùi, ngon tuyệt. Cùi dừa còn có thể làm mứt, làm kẹo, làm thạch dừa. Những chiếc lá dừa được dùng để gói bánh. Nó còn được tận dụng lợp ngói nhà, làm vật liệu trang trí dịp tết đến xuân về. Trải qua bao nhiêu thời gian, chứng kiến sự già đi của những thế hệ tiếp bước, nhưng những rặng dừa vẫn hiên ngang sừng sững bao bọc lấy dân làng, trở thành một phần máu mủ ruột không thể thiếu vắng của người dân miền biển chai sương gió dãi dầu. Cây dừa hiện hữu trong từng bữa cơm, mỗi góc nhà, dịp lễ hội.

Cây dừa là người đồng hành tuyệt vời trong hành trình trưởng thành của đất nước. Trong thời chiến tranh loạn lạc, dừa trở thành thứ vũ khí đắc lực. Cùng với dao gươm gậy gộc chống lại kẻ thù xâm lược. Trong thời bình, dừa bình yên lặng lẽ điểm tô cho quê hương thêm vẻ thơ mộng, trù phú. Mảnh đất miền Trung nắng gió cứ tưởng như khô cằn và khắc nghiệt quá đỗi, nhưng nhờ sự hiện diện của những rặng dừa nghiêng mình trên những bãi cát trắng xóa, phong cảnh thiên nhiên như được tô sắc thêm vạn lần.

Tôi yêu cây dừa như yêu một người bạn thuở tấm bé lớn lên với tôi từng ngày. Sau này dù đi đâu về đâu, tôi sẽ luôn tự hào và kể cho mọi người nghe về những rặng dừa xanh trù phú thân thương của quê hương tôi.

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 3

Có một loài cây từ lâu đã trở thành sự sống của người dân và trở thành biểu tượng của nhiều vùng quê Việt Nam. Loài cây ấy cũng là nỗi nhớ mong trong lòng của tôi về tuổi thơ êm đềm nơi quê ngoại - cây dừa.

Quê ngoại tôi là xứ sở của dừa. Ở đây không chỉ có vài cây, vài rặng dừa mà là cả liếp dừa nối tiếp nhau nhìn xa xa như một cánh rừng. Cây dừa thân to tròn như một chiếc cột lớn giữa nhà. Lá dừa như những ngọn gươm khua xào xạc có lúc lại mềm mại như bàn tay cầm quạt của cô gái đang múa hát. Tôi yêu cái dáng đứng thẳng của dừa và cái ngẩng đầu thách thức dù mưa giông, bão tố. Hứng chịu bao cơ cực của cuộc đời, dừa lại chắt lọc những gì tinh túy nhất vào quả của mình. Có lần tôi đã nghĩ quả dừa giống như những hũ rượu ngàn năm của Tề Thiên Đại Thánh bỏ quên nơi trần gian. Chỉ khác một điều chắc gì rượu quý kia lại thơm ngon bằng nước dừa. Tôi thích thú với những chiếc rễ dừa to vươn lên mặt đất. Ngày đó, tôi chưa học dừa là loại cây rễ chùm, chỉ biết rằng bộ rễ đồ sộ kia lại có sự sống bền bỉ và bám chặt vào đất giành lấy sự sống của mình.

Làm sao có thể kể hết những lợi ích mà loài cây này mang đến cho con người. Ở quê ngoại tôi, dừa chính là nguồn lợi lớn nhất giúp người dân thoát nghèo, có cuộc sống đầy đủ hơn. Nước dừa vừa ngọt vừa thanh lại là thức uống bổ, rẻ nên được hầu hết mọi người ưa chuộng. Thân dừa già làm gỗ, lá dừa hay cọng dừa khô làm củi. Cả chiếc chổi bà tôi quét nhà cũng được làm từ những sóng lá nhỏ. Hình như người dân chúng tôi không bỏ đi thứ gì kể cả vỏ trái dừa. Hiếm có loài cây nào lại hữu ích đến thế và cũng hiếm loài cây nào được người dân chúng tôi trân quý đến thế. Hễ thấy một trái dừa khô nào ra mọng là bà tôi lại chọn một nơi tốt nhất để trồng.

Đối với chúng tôi, dừa là cả một miền thơ mộng. Dưới gốc dừa mát rượi, chúng tôi chơi trốn tìm, chơi nhảy dây, chơi nhà chòi. Có khi lại thích thú cuộn những chiếc lá dừa thành kèn rồi thổi tí te vui tai. Tôi yêu dừa như yêu những đứa bạn thân cùng xóm, yêu người dì tốt bụng gần nhà. Ai biết một ngày có cô bé nhớ mẹ ngồi khóc dưới gốc cây, mẹ đi chợ về mua ít bột, lấy nải chuối chín cây, bẻ thêm trái dừa khô làm bánh. Cô quên làm sao được cái hương vị thơm béo của nước cốt dừa hòa vào từng miếng bánh ngọt lịm ăn mãi vẫn không biết ngán. Ôi, cái hương vị của tuổi thơ là những ngọt, bùi của dừa mang lại khiến bao năm tháng trôi qua vẫn không thể nào quên.

Ai dám bảo mình chưa bao giờ thử uống một ngụm nước dừa thanh mát? Ai dám bảo mình sẽ quên hình bóng một loài cây của quê hương? Tôi có cố nhớ đâu sao cái dáng dừa soi bóng nước những trưa hè vẫn in hằn trong trí nhớ. Phải chăng đó sẽ mãi là kí ức, là kỉ niệm tươi đẹp trong đời. Cảm ơn dừa đã cho tôi bóng mát giữa đời thường và cho tôi những ngày tháng tuyệt vời của tuổi thơ.

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 4

Quê em có hàng dừa rất xanh mát, tuổi thơ của em gắn bó rất nhiều với những cây dừa mang lại bóng mát và những trái quả ngọt.

Từ xa xa cây dừa cao, to, thân cây dừa được bao bọc bên ngoài bằng một lớp vỏ cứng, bên ngoài sần sùi màu nâu đen. Dáng cây đứng thẳng như chiếc cột điện cao chót vót nhưng cũng có những cây dáng hơi nghiêng. Rễ dừa bò lên mặt đất nhìn như những chú rắn. Vào những buổi trưa hè, em thường ngồi dưới đây để hóng mát, những trái dừa rất mát và ngọt, nước uống giải khát rất thích hợp trong mùa hè.

Tàu dừa có lá non lẫn lá già, khi là già rụng lá non sẽ phát triển. Khi làn gió thoảng qua, lá dừa xôn xao đung đưa xào xạc. Vào mùa, dừa ra hoa, từ nách của các tàu dừa, những bẹ non bắt đầu lộ ra. Hoa mọc thành chùm trên một cái cuống dài và có nhiều nhánh phụ. Hoa dừa màu vàng nhạt, hoa li ti rụng trắng cả góc vườn, có mùi thơm dịu nhẹ. Nước dừa non uống thật ngon, đây là nước uống vừa sạch vừa rẻ mà ai cũng yêu thích.

Trong cuộc sống dừa là loại cây có nhiều công dụng, mỗi bộ phận của cây đều có những tác dụng riêng với con người, từ lá cho đến quả đều mang lại những lợi ích kinh tế như thân dừa làm cột, vỏ dừa phơi khô làm củi đun nấu hàng ngày, làm dây thừng để cột. Dừa là loài cây rất hữu ích với con người cũng như có nhiều công dụng quan trọng mà mọi người đều yêu thích.

Cây dừa quê em như một kỷ niệm tuổi thơ, những buổi trưa hè nóng nực mà có những trái dừa giải khát rất tuyệt vời. Cây dừa cũng tượng trưng cho nét đẹp của làng quê xanh tươi, em mãi yêu và giữ gìn những cây dừa này mãi xanh tươi.

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 5

Đất nước Việt Nam trải dài hơn 2000 cây số, phong cảnh nơi nào cũng đẹp đẽ, cuốn hút lòng người. Nếu du khách làm một cuộc hành trình xuyên Việt bằng tàu hoả từ Bắc vào Nam thì khi qua vùng duyên hải miền Trung, ắt hẳn sẽ ngạc nhiên và thích thú trước rừng dừa bạt ngàn chạy dài ven biển.

Ở dải đất miền Trung quê em, dừa là chủ yếu. Không biết cây dừa mọc trên đất này từ bao giờ và tại sao lại chọn vùng cát trắng, biển xanh là nơi sinh sôi phát triển? Cây dừa thân màu nâu sẫm. Trên thân có nhiều lớp bẹ dừa già đã rụng in thành dấu chi chít. Phía ngọn cây lá mọc thành vòng tròn, xòe đều. Những lá nhỏ màu xanh thẫm mọc nối tiếp nhau xuôi theo hai bên cuốn. Tàu dừa rộng cả mét và dài đến ba, bốn mét. Hoa dừa mọc thành từng chùm lớn, gồm nhiều hoa nhỏ như hạt lúa, màu trắng ngà, có mùi thơm dịu nhẹ.

Dừa ra trái quanh năm. Trái kết thành từng chùm. Bốn năm quày lớn, nhỏ chen xít nhau thành ngọn. Trái dừa tròn, phía đuôi hơi thon lại, màu xanh thẫm. Ngoài cùng là lớp vỏ dày, được bao bọc gáo cứng. Tiếp đó là lớp cùi trắng tinh, béo ngậy và trong cùng là nước dừa mát ngọt lành. Rừng dừa quê em có nhiều loại khác nhau: Dừa xiêm thấp lè tè, trái tròn, nước ngọt; dừa nếp lơ lửng giữa trời, trái vàng xanh mơn mởn; dừa lửa trái to, vỏ xanh hồng.

Cây dừa mang lại rất nhiều lợi ích cho con người. Thân dừa làm máng nước, làm cầu bắt qua kênh mương, làm vật liệu chắn sóng và cát biển. Lá dừa được dùng để gói bánh, làm tranh lợp nhà, làm vật liệu trang trí trong những dịp lễ, Tết; cọng lá làm chổi, chẻ nhỏ làm vách. Xơ dừa làm thảm, bện dây rất tốt nhất là đối với người đánh cá vì dây dừa mềm, nhưng chắc, chịu mưa chịu nắng. Ngày nay, người ta lấy thân dừa và xơ dừa phơi khô, xay nhuyễn ra làm phân bón cây xanh rất tốt. Gáo dừa làm gáo, làm muôi, làm đồ thủ công trang trí mỹ nghệ đẹp tuyệt vời. Cùi dừa non làm bánh kẹo, làm mứt; cùi dừa già ép lấy dầu, sử dụng trong nhiều sản phẩm công nghiệp. Đặc biệt nước dừa ngọt mát là thứ nước giải khát tinh khiết thượng hạng, giàu chất bổ dưỡng, nhất là trong những ngày hè.

Trong rừng dừa xanh tốt bao thế hệ cây nối tiếp nhau. Bên cạnh gốc dừa lão bạc phếch màu thời gian là những gốc dừa tơ đang vươn lên mạnh mẽ. Cả không gian tràn ngập một màu xanh mát mắt. Trời xanh, nước xanh và dừa xanh kết hợp hài hòa tạo nên một khung cảnh êm đềm thơ mộng hiếm có. Gió thổi lồng lộng, những hàng dừa xào xạc vi vu ngân lên một bản đàn bất tận.

Dừa mọc khắp nơi, từ ven biển cho đến trong làng, mọc cả ngoài đồng, ngoài bãi. Dưới bóng dừa râm mát, người dân quê em vui sống một cuộc sống lao động, tuy vất vả nhưng yên bình biết mấy! Bởi vậy mà qua bao thế kỉ, cây dừa gắn bó thân thiết với cuộc sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân quê em. Cây dừa mãi mãi song hành cùng với con người.

“Dừa xanh sừng sững giữa trờiĐem thân mình hiến cho đời thuỷ chung"

Mỗi loài cây đều có tiếng nói riêng, có hương vị riêng. Nhưng cây dừa quê em với vẻ đẹp của nó đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ. Đối với những người con xa xứ, hình ảnh rừng dừa bát ngát tượng trưng cho linh hồn của quê hương nên mỗi khi nghĩ đến một nỗi xúc động, bâng khuâng khó tả lại trào dâng.

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 6

Ngay từ những ngày còn nhỏ, tôi vẫn hay cùng bà ngồi trò chuyện dưới bóng dừa xanh tốt. Cây dừa từ đó đi vào tiềm thức của tôi như một phần không thể thiếu của tuổi thơ.

Ngôi làng tôi ở trồng rất nhiều dừa. Ngay từ cổng làng, hai hàng dừa đã sừng sững đứng đó như một biểu tượng của quê hương. Những ai đi xa, chỉ cần nhìn thấy bóng dừa là đã cảm nhận được sự gần gũi, thân thương của mảnh đất quê hương yêu dấu. Dừa đã đứng đó tự bao giờ, dang cánh tay để đón chào những người con như sự ấm áp của vòng tay mẹ.

Có lẽ hình ảnh cây dừa đã không còn xa lạ đối với con người. Dừa được trồng ở rất nhiều miền quê và trở thành biểu tượng cho nông thôn Việt Nam. Thân dừa to tròn, màu nâu, sần sùi từng mảng. Nó thẳng đứng vươn cao chọc vào bầu trời trong xanh. Có những gốc dừa to đến nỗi phải hai đứa trẻ con dang rộng tay mới ôm vừa lấy nó. Dưới gốc là những chùm rễ đồ sộ. Chúng bám chặt vào đất để tạo thế vững chắc cho cây. Dù mưa giông, bão tố to như thế nào cũng khó mà quật ngã được cây dừa. Thỉnh thoảng vẫn có những chiếc rễ nhô lên khỏi mặt đất. Chúng uốn lượn, nhỏ như những con rắn đang bao bọc quanh gốc dừa.

Thân dừa nhỏ dần từ gốc cho đến ngọn. Nó trơn và không có cành nên rất khó để trèo lên. Phải những người có kinh nghiệm và kỹ thuật cao mới trèo lên được đến ngọn còn không đều phải dùng đến tháng. Ngọn dừa tỏa ra những tàu dừa đầy lá. Chúng trông giống như chiếc lược khổng lồ chải vào trời xanh. Những chiếc lá xếp ngay ngắn thành hàng. Mỗi khi chị gió đi quá, chúng lại đung đưa, cọ sát vào nhau mà lay động. Ở giữa những tàu dừa là chùm quả to tròn. Chúng tròn trịa, nhẵn bóng lủng lẳng đánh đu trên bầu trời. Trái dừa con chỉ nhỏ như một trái ổi nhưng khi lớn chúng lại to như một quả bóng. Từ màu xanh mướt chuyển sang màu nâu khi quả đã già. Hình ảnh cây dừa in sâu vào tâm trí con người với những gì thân thuộc nhất.

Cây dừa mang đến cho con người rất nhiều công dụng. Chắc ai cũng đã từng được uống nước dừa. Vào những ngày hè nóng nực, có một ly nước dừa cùng với chút đá thì sẽ tuyệt vời biết bao. Nước dừa ngọt nhẹ, thanh mát và là món giải khát được mọi người vô cùng yêu thích. Cùi dừa non nạo ra uống cùng với nước cũng rất hấp dẫn. Khi già, chúng ta có thể lấy cùi dừa để kho với thịt, ăn bùi bùi, ngon tuyệt. Cùi dừa còn được mọi người nạo ra rồi chế biến thành món mứt dừa ta vẫn thường ăn trong dịp Tết và món kẹo dừa nổi tiếng của tỉnh Bến Tre. Trong trái dừa, chỉ trừ phần vỏ cứng ra, cái gì cũng có thể trở thành một món ăn hấp dẫn.

Hàng dừa xanh nơi tôi sinh ra đã chứng kiến sự lớn lên của biết bao thế hệ. Tôi và những đứa bạn trong xóm vẫn thường hay nô đùa, chạy nhảy dưới bóng dừa xanh mát. Gốc dừa to lớn là chỗ nấp lý tưởng mỗi khi chúng tôi cùng nhau chơi trò trốn tìm. Và dưới bóng mát của cây dừa, vào những buổi chiều mùa hè, bà vẫn hay mang chiếu ra ngồi hóng mát rồi kể cho tôi nghe biết bao câu chuyện thú vị. Cây dừa cũng từ đó mà trở thành người bạn thân thiết trong kí ức tuổi thơ. Có lẽ, sau này lớn lên, dù đi đâu xa tôi vẫn sẽ nhớ về bóng dáng thân thuộc của rặng dừa xanh ngát nơi quê hương.

Cây dừa là biểu tượng của nông thôn Việt Nam. Nó thân thiết và gắn bó với đời sống dân giã của con người. Dừa sừng sững bám vào đất mẹ, kiên cường như chính người dân Việt Nam không gì có thể quật ngã được.

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 7

“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió Tôi hỏi nội tôi: Dừa có tự bao giờ?”

Có một khoảng thời gian tôi được sống trong vùng quê nghèo giản dị, hình bóng cây dừa là loại cây gắn liền với một giai đoạn tuổi thơ tôi. Loài cây mang đến biết bao nhiêu cảm giác thân thương, quen thuộc, nồng ấm biết bao nhiêu tình.

Có một khoảng thời gian tôi được sống trong vùng quê nghèo giản dị, hình bóng cây dừa là loại cây gắn liền với một giai đoạn tuổi thơ tôi. Loài cây mang đến biết bao nhiêu cảm giác thân thương, quen thuộc, nồng ấm biết bao nhiêu tình.

Nhìn từ xa, câu dừa cứ như chiếc chổi khổng lồ được dựng ngược lên, với bao nhiêu là tàu lá xanh tua tủa. Thân dừa có cây cao đến hàng chục mét cơ, không phải ai cũng có thể trèo dừa được, cái thân hình tròn lẳng, trơn tuột, không cành nhánh, chỉ có những vết vằn sậm màu do di tích của những bẹ dừa khô để lại, những vết ấy, cứ như là vết hằn của thời gian đổ bóng xuống thân dừa. Dừa có chùm rễ rất đồ sộ, to lớn, đan bện vào nhau rất chặt, nhìn xa xa cứ như những con rắn li ti đang thu về 1 tổ duy nhất. Nơi cao nhất của cây dừa chính là nơi xuất hiện hoa dừa màu trắng sữa mỗi khi trổ hoa, những quầy dừa tí hon như những quả cam, rồi lớn dần to như quả dưa hấu, chuyển màu sang nâu sậm và sau cùng là rụng xuống đất, chờ điều kiện thích hợp thì mầm non lại đâm thủng lớp vỏ khô ráp, vươn lên tiếp tục dòng đời mới của mình, dòng đời gần cả trăm năm.

Cây dừa gần như gắn bó vô cùng mật thiết với người dân Việt Nam, đi đến đâu trên bất cứ nơi nào của dải đất hình chữ S này, chúng ta điều thấy bóng dáng của những ngọn dừa cao chót. Dừa gắn bó với chúng ta từ chiếc đũa bếp xới cơm, chiếc muỗng lớn để ăn canh, chiếc gáo dừa múc nước cho đến những gian nhà dài nhà lớn được lợp bằng lá dừa mát mẻ, thân dừa làm kèo làm cột, làm những chiếc cầu tre gắn với câu hát của mẹ, chiếc ấm trà thanh lịch mà hoài cổ bằng trái dừa của ông. Ngay cả những chiếc rạp cưới cũng được trang trí công phu bằng dừa. Không những thế, chúng ta có thể ăn tất cả từ dừa, củ dừa non xào dầu, sữa dừa luôn là nguyên liệu không bao giờ thiếu của các món bánh dân gian từ bánh ngọt đến bánh mặn và đặc biệt là nước dừa, vừa có giá trị trong ẩm thực, vừa có tác dụng trong y học. Tôi từng nghe bà kể, ngày xưa các anh bộ đội bị thương đã nhờ nước dừa làm nước biển để truyền vào người tránh mất nước.

Dừa đã không còn là loài cây mang nhiều giá trị về mặt vật chất nữa mà nó còn mang đầy ý nghĩa về mặt tinh thần. Cây dừa đã được rất nhiều nhà văn, nhà thơ và cả nhạc sĩ lấy làm ý tưởng sáng tác không biết bao nhiêu là tác phẩm hay, ngày ấy khi thấy bóng ngoại ngồi dưới gốc dừa gội đầu tôi hay hát trêu chọc ngoại “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió, có phải người còn đó là con gái của Bến Tre”, ngoại cười hà hà rồi chửi yêu “hết sức”.

Tôi yêu thích cây dừa như chính sự yêu thích dành cho quê hương đất nước, với tôi cây dừa chính là những hình ảnh gần gũi thân thương mộc mạc nhưng thấm đầy nghĩa tình như chính con người Việt Nam, dừa là khoảng trời tuổi thơ, là quê ngoại thân yêu mà mỗi ngày hè tôi điều muốn về. Ngày nay những cơ sở sản xuất nước dừa và các quà lưu niệm bằng dừa được bày bán khắp nơi, tôi hi vọng hình ảnh cây dừa ngày càng được nhiều người biết đến, yêu mến và trân trọng.

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 8

Đã từ lâu, cây dừa có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Cây dừa giống như một người bạn đồng hành của con người.

Cây dừa ra quả quanh năm cho nên không có mùa nào thì mới có, những quả dừa như cũng đã kết thành chùm dừa sai lúc lỉu trên cành. Và nó có bốn năm chùm quả lớn, nhỏ tất cả các quả này lại như chen xít, tranh nhau bám lấy chùm quả nhau thành ngọn. Tôi nhận thấy được quả dừa tròn xoe, thế rồi cũng chính phía đuôi hơi thon lại, màu xanh thẫm nhìn thật đẹp. Ngay ở lớp ngoài cùng là lớp vỏ dày, xơ bao bọc gáo cứng chắc. Tiếp vào đó chính là lớp cùi trắng tinh ăn cũng thật béo ngầy ngậy và trong cùng là nước dừa mát ngọt lành nhất vào mùa hè nắng nóng thì đây là thứ nước giải khát tuyệt vời nhất. Cây dừa quê tôi có nhiều loại khác nhau có thể kể đến đó chính là các loại dừa có thể kể ra như dừa xiêm thấp lè tè nhưng quả dừa xiêm lại tròn, nước ngọt. Bên cạnh đó lại có dừa nếp lơ lửng giữa trời, trái vàng xanh mơn mởn trông cũng thật thích mắt biết bao nhiêu. Tôi thích nhất đó chính là quả dừa lửa trái to, vỏ xanh hồng.

Cây dừa dường như cũng đã mang lại rất nhiều lợi ích cho con người dân quê tôi nói riêng và con người nói chung. Người ta lấy chính thân của dừa làm máng nước, làm cầu bắt qua kênh mương, đồng thời cũng chính làm vật liệu chắn sóng và cát biển. Những chiếc lá dừa được dùng để gói bánh, đồng thời cũng như để làm tranh lợp nhà, đồng thời cũng để làm vật liệu trang trí trong những dịp lễ, Tết của chúng ta. Ít ai có thể nghĩ được cọng lá làm chổi, và cũng có thể chẻ nhỏ làm vách. Xơ dừa cũng được sử dụng tạo ra thảm. Quả dừa thì bổ ra lấy nước uống, cùi dừa làm mứt hay cho vào các thức ăn như xôi, bánh, gáo dừa hay là sọ dừa được dùng làm gáo hay các món đồ lưu niệm đẹp mắt.

Cây dừa như đã gắn với đời sống sinh hoạt thân thiết của người dân quê hương tôi. Đồng thời nó cũng là cây đã lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ. Tôi sinh ra vùng quê hương của những cây dừa, vùng đất mà đi đâu cũng thấy những rặng dừa mọc xanh tươi. Tôi không biết những cây dừa có từ khi nào chỉ biết rằng khi tôi sinh ra lớn lên đã thấy những cây dừa ở đó. Cây dừa còn nhiều hơn cả tuổi của ba mẹ tôi nội tôi thường bảo thế. Nó có từ trong những năm kháng chiến gian lao, đau khổ.

Dù trong hoàn cảnh nào những cây dừa vẫn vươn mình ngay thẳng đứng vững trong gió bão tựa như những người dân vùng Nam Bộ kiên cường thủy chung trong kháng chiến. Cây dừa chính là một biểu tượng ngay thẳng kiên cường, thủy chung tựa như những người dân lao động Việt Nam trải qua kháng chiến nguy hiểm.

Trong vườn nhà nội tôi có rất nhiều cây dừa. Những cây dừa gốc già cỗi to bè, lớp vỏ bên ngoài vô cùng xù xì xấu xí. Từng gốc gốc đâm ra những chùm rễ tua tủa ăn vào mặt đất nuôi lớn những cây dừa mọc lên thẳng tắp cao vút với những tàu lá xanh ngút ngàn. Tán lá dừa có cấu tạo vô cùng đặc biệt với những phiến gân xương song song với nhau. Cây dừa là một cây vô cùng có ích với con người. Lá dừa giúp chúng ta lợp mái nhà, lợp lại những chuồng trại cho gia cầm vật nuôi trong gia đình. Lá dừa còn làm chong chóng để bọn trẻ con tụi tôi làm đồ hàng chơi đùa với nhau. Thân cây dừa to lớn mọc lên thẳng cao vút. Dáng đứng của cây dừa được ví như dáng của những cô gái trong bài hát “Dáng đứng Bến Tre” có những câu ca như sau “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió”.

Cây dừa nhìn từ xa tự như người con gái tới tuổi vấn vương đang tương tư chàng trai mình thầm thương trộm nhớ nên ra ngẩn vào ngơ thả dáng và mái tóc của mình bay trong gió. Ở quê tôi người ta hay trồng những cây dừa thành thành lũy thành hàng để bảo vệ những bờ kênh, bờ mương tạo thành bóng mát cho con người khi đi làm đồng về nghỉ chân. Khi mùa cây dừa trổ bông, những bông hoa li ti thơm ngát, rồi từ những bông hoa ấy sẽ cho con người những chùm trái dừa xanh tươi. Quả nào quả nấy to tròn, vô cùng nhiều nước. Nước của quả dừa là một thứ nước giải khát vô cùng hiệu quả, ngọt lành lại không lo sợ có hóa chất, bởi nó là những gì tinh túy nhất mà cây dừa kết tinh qua nắng gió thời gian để có được. Nước dừa còn được dùng để nấu thành những món ăn ngon vô cùng, khi chúng ta kho thịt, hoặc kho cá cho thêm một chút nước cốt dừa sẽ tạo nên vị ngọt ngào hấp dẫn cho món ăn. Cùi dừa có thể kho chung với thịt heo tạo thành món ăn bùi bùi ngầy ngậy vô cùng “quyện” khi ăn cơm. Bên cạnh đó, dừa còn làm mứt dừa, bánh dừa kẹo dừa…đều là những món ăn ngon đặc sản của quê hương tôi. Khi nhắc tới quê hương Bến Tre người ta sẽ nhớ ngay tới món kẹo dừa với vị ngọt béo của vị dừa tạo nên mùi vị hấp dẫn không chỉ với trẻ con mà với cả người lớn.

Cây dừa đã cùng người dân vượt qua nhiều gian lao khổ cực, trải qua những cuộc chiến tranh cam go của đất nước. Chính vì vậy, mà cây dừa đã đi vào thơ ca Việt Nam tạo thành những bài thơ hay để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Như bài thơ "Dừa ơi" của tác giả Lê Anh Xuân có những câu thơ vô cùng xúc động:

“Đất quê hương nát bầm vết đạnĐã nuôi dừa khôn lớn xanh tươiÔi có phải dừa hút bao cay đắngĐể trổ ra trái ngọt cho đời”

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 9

Trên đất nước Việt Nam ta có thiên nhiên rất đa dạng, mỗi vùng mỗi miền lại như có một thứ đặc sản riêng không phải nơi nào cũng có. Thế nhưng hình ảnh cây dừa lại là hình ảnh quen thuộc của mỗi người dân Việt từ Bắc chí Nam. Thật dễ có thể tìm được hình ảnh quen thuộc của cây dừa.

Thực tế cho thấy hình ảnh cây dừa cũng như gắn bó với cảnh thôn quê Việt ta, thế rồi ở quê em – ven biển miền Trung thì dọc theo ven biển đó thì có những hàng dừa là chủ yếu. Em như cũng không biết cây dừa mọc trên đất này từ bao giờ nữa và cùng với thắc mắc nữa đó chính là tại sao lại chọn vùng cát trắng, nơi lại có cả biển xanh là nơi sinh sôi phát triển của mình? Biết bao nhiêu câu hỏi được đặt ra và em cũng đã cảm nhận được rất nhiều đặc điểm của loại cây này.

Cây dừa có cái thân màu nâu sẫm và lại có được những vòng trên thân như cứ xoay vòng trên thân cây dừa. Và đó cũng chính là những lớp bẹ dừa già đã rụng lá xuống, theo thời gian thì nó cũng như đã in thành dấu vòng dày chi chít. Ngước cao hơn nữa em nhìn được phía ngọn cây lá mọc thành vòng tròn, nó cũng như đã xoè đều hơn cả. Em cũng thấy được chính những lá nhỏ màu xanh thẫm mọc nối tiếp nhau xuôi theo hai bên cuốn. Tàu dừa rộng cả mét và dài đến ba, bốn mét. Hoa dừa dường như cũng đã được mọc thành từng chùm lớn. Hoa dừa những hoa con nở xong lại rụng còn những hoa dừa cái, tức là khả năng đậu quả của hoa này rất cao.

Thông thường hoa dừa có màu trắng ngà, thậm chí có bông hoa non non có phớt xanh và có mùi hương thoang thoảng, chỉ khi nào đứng dưới gốc cây dừa thì mới có thể ngửi thấy mùi hương này.

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 10

Đã từ lâu, cây dừa đã trở thành một loài cây gắn bó đặc biệt với cuộc sống của người dân Việt Nam. Còn đối với riêng em, loài cây này đã đem đến cho em thật nhiều kỉ niệm đẹp đẽ.

Sinh ra tại vùng quê Bến Tre nên từ lâu cây dừa đã quá quen thuộc với em. Dừa là một loại cây có thể phát triển tốt ở điều kiện tự nhiên vùng nhiệt đới, đảo và vùng ven biển. Vì vậy, người ta thường trồng dừa ở vùng ven biển khá nhiều. Ở Việt Nam, khu vực trồng nhiều dừa nhất là Bến Tre và Bình Định, ngoài ra còn có trên các đảo lớn nhỏ.

Dừa không có quá nhiều loại. Theo đặc điểm hình thái và mục đích sử dụng, người ta chia dừa thành hai loại: dừa cao và dừa lùn. Dừa giống cao khi trưởng thành cao khoảng 12 - 20m, phát triển nhanh nhưng sau 5 - 7 năm mới cho trái. Quả to, cùi dừa dày và hàm lượng dầu dừa cao. Dễ trồng, chống chịu tốt. Còn dừa giống lùn trưởng thành thường cao dưới 10m, phát triển chậm nhưng khoảng 3 - 5 năm sau đã ra hoa và kết trái. Quả dừa nhỏ, cùi mỏng, nước nhiều chủ yếu dùng làm nước giải khát.

Những cây dừa có thân mọc thẳng, hình trụ, cao khỏe, màu nâu sậm. Lá dừa dạng xẻ thùy, tàu lá dài từ 3 - 7m và phân thành nhiều lá nhỏ. Lá mọc chủ yếu ở phần đầu ngọn nên đôi khi nhìn xa, cây dừa như một chiếc ô khổng lồ. Theo thời gian, cây phát triển cao lên, lá ở gốc già rồi rụng dần để lại mắt sẹo ở thân cây. Cây dừa cũng có hoa, hoa màu trắng ngà, mọc ra thành dẻ nhỏ từ nách lá. Nhưng quả dừa mới là thứ hấp dẫn những đứa trẻ như chúng tôi nhất. Quả thường mọc theo chùm. Mỗi chùm phải có từ mười đến mười lăm quả. Tôi vẫn còn nhớ mãi những câu thơ trong bài thơ “Cây dừa” của Trần Đăng Khoa:

“Cây dừa xanh toả nhiều tàu, Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng. Thân dừa bạc phếch tháng năm, Quả dừa - đàn lợn con nằm trên cao. Đêm hè hoa nở cùng sao, Tàu dừa - chiếc lược chải vào mây xanh”

Đối với người dân quê em, cây dừa có rất nhiều công dụng hữu ích. Mỗi bộ phận đều có một chức năng khác nhau. Thân dùng làm cột chống hoặc chế thành đồ mỹ nghệ và vật liệu trong xây dựng, lá dừa héo khô thì dùng làm chất đốt bảo vệ môi trường. Rễ là nguyên liệu quan trọng để làm các loại thuốc nhuộm, thuốc sát trùng làm sạch miệng hay điều trị bệnh lỵ, đánh răng. Tán lá xòe rộng nên hay được trồng ở các khu nghỉ dưỡng vừa tạo vẻ đẹp thẩm mỹ vừa dùng che nắng. Đặc biệt nhất phải nhắc đến quả dừa. Em vẫn còn nhớ những trưa hè cùng với nhóm bạn rủ nhau đi hái quả dừa. Từng chùm quả nặng trĩu trên tay được đem về bổ ra. Nước dừa có vị thơm ngọt, béo ngậy mà mát lạnh. Rồi cả những chiếc lá dừa to đùng, chúng em thường lấy chúng để tết cào cào hoặc chơi đồ hàng. Tuổi thơ em là những ngày tháng rong chơi trong rừng dừa với bạn bè.

Cây dừa - một trong những biểu tượng của làng quê Việt Nam. Từ bao đời nay, loài cây này đã cùng con người sẻ chia thật nhiều kỉ niệm của những năm tháng gian khổ hay ngọt ngào.

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 11

Mỗi vùng đất khác nhau đều có một loại cây đặc trưng. Và cây dừa chính là một biểu tượng của vùng đất quê hương em.

Khi còn thơ bé, hình ảnh cây dừa đã xuất hiện trong lời thơ mà em đã từng được học:

“Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu, Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng”

(Cây dừa, Trần Đăng Khoa)

Giống như nhà thơ đã miêu tả, cây dừa có tán rộng với những lá dài, xanh mướt và nhiều tàu. Thân hình cao lớn, tán lá xanh dày nên những hôm trời nắng. Cây dừa đứng sừng sững như một chiếc ô khổng lồ, dang rộng những cánh lá xanh dài của mình để che bớt đi cái nắng gay gắt, đem lại bóng mát cho người dân. Những tán dừa xanh cũng trở thành một món đồ chơi ưa thích của chúng tôi.

Trong cuộc sống hằng ngày, cây dừa cũng đem đến rất nhiều lợi ích to lớn. Người nông dân có thể dùng thân dừa để chế tạo thành đồ mỹ nghệ và vật liệu trong xây dựng. Chiếc lá dứa tưởng chừng vô dụng nhưng có thể được thì dùng làm chất đốt bảo vệ môi trường. Đặc biệt là quả dừa đem đến nhiều lợi ích nhất. Những ngày hè nóng bức được thưởng thức một cốc nước dừa ngọt thơm, mát lành khiến chúng ta cảm thấy thật thoải mái. Phần cùi dừa trắng giòn có thể dùng để nấu xôi, kho thịt, làm mứt hay nấu chè. Chúng tôi lại thích thú với món thạch dừa hơn cả. một món đồ ăn vật vô cùng được yêu thích, nhất là đối với trẻ em.

Đối với riêng tôi, cây dừa gợi nhắc về kỉ niệm tuổi thơ được sống bên bà ngoại. Trước nhà bà có hàng dừa cao lớn, xanh tươi. Dưới bóng dừa, tôi ngồi nghe bà kể chuyện, hay thưởng thức những món ăn thôn quê do bà nấu. Hương vị ngọt thơm của món cá kho dừa đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Giờ đây, bà đã không còn nữa. Nhưng tình cảm dành cho bà thì vẫn vậy. Tôi ước ao được một lần thưởng thức lại món ăn thấm đẫm yêu thương.

Có thể nói rằng, dừa đã gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam từ xa xưa - trở thành một biểu tượng đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam. Tôi yêu biết bao loài cây của quê hương mình.

Cảm nghĩ về cây dừa - Mẫu 12

“ Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió… ” - Đó là lời trong bài hát “Dáng đứng Bến Tre” gợi nhắc mỗi người nhớ về hình ảnh cây dừa - một loài cây rất quen thuộc.

Cây dừa được trồng phổ biến ở khá nhiều nơi. Ở nước ta, dừa thường tập trung ở các tỉnh miền Trung, nổi tiếng nhất là phải kể đến hai tỉnh là Bến Tre và Bình Định. Hình ảnh hàng dừa xanh kéo dài vô tận đã in đậm trong tâm trí con người nơi đây. Thân dừa cao lớn, thẳng tắp. Những tàu lá xanh mướt giống như trong lời thơ của Trần Đăng Khoa:

“Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu, Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng”

(Cây dừa)

Đặc biệt, cây dừa cũng có hoa. Nhưng hoa dừa lại nhỏ, có màu trắng. Bởi vậy mà người ta ít nhắc đến hoa dừa. Em vẫn nhớ về tuổi thơ cùng bạn bè nô đùa dưới bóng cây. Có lẽ đặc biệt nhất chính là quả dừa. Bên trong quả có nước dừa ngọt mát, thanh khiết. Lớp cùi trắng cũng có thể sử dụng để nấu ăn.

Đối với người dân quê em, cây dừa giống như một người bạn thân thiết. Mỗi một bộ phận của cây đều có ích đối với con người. Thân dùng làm dùng làm đồ mỹ nghệ và vật liệu trong xây dựng. Lá dừa héo khô thì dùng làm chất đốt bảo vệ môi trường. Rễ là nguyên liệu quan trọng để làm các loại thuốc nhuộm, thuốc sát trùng... Cây dừa có tán lá xòe rộng như một chiếc ô nên thường được trồng ở các khu nghỉ mát, ven bờ biển để vừa tạo vẻ đẹp thẩm mỹ vừa dùng che nắng. Quả dừa cung cấp nước uống, cùi dừa làm mứt nấu chè…

Nhưng không chỉ hiện hữu trong cuộc sống thường nhật, cây dừa cũng đã đi vào lời thơ, câu hát hay những bức tranh để trở thành một phần hồn của làng quê Việt Nam:

“Thấy dừa thì nhớ Bến Tre Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười”

(Ca dao)

Hay như:

“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió Tôi hỏi nội tôi: Dừa có tự bao giờ? Nội nói: Lúc nội còn con gái Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân Đất này xưa đầm lầy chua mặn Đời đói nghèo cay đắng quanh năm…”

(Dừa ơi)

Có thể thấy rằng, cây dừa là một loại cây hữu ích đối với con người. Dừa cũng trở thành một biểu tượng đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam.

Từ khóa » Dàn ý Tả Cây Dừa Lớp 7