Biểu đồ Cột: Lý Thuyết Và Bài Tập
Có thể bạn quan tâm
Biểu đồ cột là gì? Biểu đồ cột là cách trình bày bằng hình ảnh phân phối tần suất trong đó quy mô tuyệt đối và tương đối của mỗi tổ (nhóm) trong tổng thể được biểu thị bằng độ cao của các cột hay hình chữ nhật đại diện cho nó.
Trong bài viết dưới đây Download.vn giới thiệu đến các bạn toàn bộ kiến thức về biểu đồ cột như dấu hiệu nhận biết, các loại biểu đồ thường gặp, cách nhận xét và một số bài tập có đáp án và tự luyện. Thông qua tài liệu này các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập, củng cố kiến thức biết cách vận dụng kiến thức vào giải bài tập. Ngoài ra các bạn xem thêm: biểu đồ kết hợp, biểu đồ miền, biểu đồ tròn, cách nhận biết các dạng biểu đồ.
Hệ thống kiến thức về biểu đồ cột
- 1. Khái niệm biểu đồ cột
- 2. Dấu hiệu nhận biết biểu đồ cột
- 3. Một số dạng biểu đồ cột thường gặp
- 4. Cách vẽ biểu đồ cột
- 5. Cách nhận xét biểu đồ cột
- 6. Một số lỗi thường gặp khi vẽ biểu đồ cột
- 7. Ví dụ minh họa biểu đồ cột
- 8. Bài tập tự luyện biểu đồ cột
1. Khái niệm biểu đồ cột
Biểu đồ cột là một dạng biểu đồ phổ biến, được dùng để thể hiện quy mô, số lượng, sản lượng, khối lượng của các đối tượng khi đề bài thường yêu cầu thể hiện tình hình phát triển, so sánh tương qua các đại lượng.
2. Dấu hiệu nhận biết biểu đồ cột
- Thường xuất hiện các cụm từ: tình hình, so sánh, sản lượng, quy mô.
- Mốc thời gian: thường >= 4 năm (cột ghép =< 3 năm) và 1 năm cho các đối tượng (các vùng kinh tế, tỉnh, nhóm sản phẩm,…).
- Đơn vị thường là: người/kg, triệu tấn, triệu ha, USD/người, người/km2,…
3. Một số dạng biểu đồ cột thường gặp
- Cột đơn,
- Cột chồng,
- Cột ghép (nhóm)
- biểu đồ thanh ngang.
4. Cách vẽ biểu đồ cột
Bước 1: Phân tích bảng số liệu và xây dựng hệ trục tọa độ
- Quan sát BSL để tìm giá trị nhỏ nhất, lớn nhất để xây dựng hệ trục tọa độ.
- Xác định tỉ lệ, phạm vi khổ giấy phù hợp.
- Xây dựng hệ trục tọa độ hợp lí chiều cao trục tung = 2/3 chiều dài trục hoành.
Bước 2: Vẽ biểu đồ
- Đánh số chuẩn trên trục tung phải cách đều nhau.
- Không được tự ý sắp xếp lại thứ tự số liệu (nếu không có yêu cầu).
- Cột đầu tiên phải cách trục tung khoảng 0,5-1,0 cm (trừ biểu đồ lượng mưa).
- Độ rộng các cột phải đều nhau.
Bước 3: Hoàn thiện biểu đồ
- Viết số liệu trên đỉnh cột, trong cột (nếu là cột chồng).
- Viết đơn vị vào trục tung và trục hoành.
- Hoàn chỉnh bảng chú giải và tên biểu đồ.
5. Cách nhận xét biểu đồ cột
* Trường hợp cột đơn (chỉ có một yếu tố)
- Bước 1: Xem xét năm đầu và năm cuối của bảng số liệu để trả lời câu hỏi tăng hay giảm? tăng giảm bao nhiêu?
- Bước 2: Xem số liệu ở khoảng trong để trả lời tiếp là tăng (hay giảm) liên tục hay không liên tục? (lưu ý năm nào không liên tục).
- Bước 3: Nếu liên tục thì cho biết giai đoạn nào nhanh, giai đoạn nào chậm. Nếu không liên tục thì năm nào không còn liên tục.
- Kết luận và giải thích qua về xu hướng của đối tượng.
Ví dụ: Vẽ biểu đồ và nhận xét tình hình dân số ở nước ta theo bảng sau và nhận xét:
(Đơn vị: triệu người)
Năm | 1921 | 1960 | 1970 | 1980 | 1990 | 2002 |
Dân số | 15,6 | 30,2 | 41,9 | 53,7 | 66,2 | 80,0 |
Nhận xét:
- Từ năm 1921 đến năm 2002: Dân số nước ta tăng liên tục và tăng từ 15,6 lên 80 triệu người (tăng 64,4 triệu người; hay tăng gấp hơn 5 lần).
- Từ năm 1921 đến năm 1960: Dân số nước ta tăng chậm, gấp 2 lần trong 39 năm (hay tăng 14,6 triệu người trong 39 năm, bình quân mỗi năm tăng 0,37 triệu người)
- Từ năm 1960 đến năm 1990: Dân số nước ta tăng nhanh hơn, gấp 2,2 lần chỉ trong 30 năm (hay tăng 36 triệu người trong 30 năm, bình quân mỗi năm tăng 1,2 triệu người).
- Năm 1990 đến năm 2002: Dân số nước ta có xu hướng tăng chậm lại, tăng 13,8 triệu người trong 12 năm, bình quân mỗi năm tăng 1,2 triệu người.
- Dân số nước ta tăng nhanh qua các năm, đặc biệt vào những năm 60 và 70, đây là thời kì bùng nổ dân số ở nước ta. Xu hướng tăng chậm lại vào đầu thế kỉ 21. Tuy tỉ lệ tăng dân số hàng năm có giảm nhưng dân số vẫn tăng nhanh bởi vì dân số nước ta đông.
* Trường hợp cột đôi, ba (ghép nhóm)… (hai yếu tố trở lên)
- Nhận xét xu hướng chung.
- Nhận xét từng yếu tố một, giống như trường hợp 1 yếu tố (cột đơn).
- Kết luận (có thể so sánh, tìm yếu tố liên quan giữa hai cột).
- Có một vài giải thích và kết luận.
* Trường hợp cột là các vùng, các nước,…
- Nhận xét chung nhất về bảng số liệu.
- Sắp xếp theo tiêu chí: Cao nhất, thứ nhì,… thấp nhất (cần chi tiết).
- So sánh giữa cái cao nhất và cái thấp nhất, giữa đồng bằng với đồng bằng, giữa miền núi với miền núi,…
- Kết luận và giải thích.
* Trường hợp cột là lượng mưa (biểu đồ khí hậu)
- Nhận xét chung về tổng lượng mưa và đánh giá tổng lượng mưa.
- Sự phân mùa của biến trình mưa (mùa mưa, mùa khô từ tháng nào đến tháng nào? Tổng lượng mưa trong mùa mưa/khô).
- Tháng mưa nhiều nhất, lượng mưa bao nhiêu mm và tháng khô nhất, mưa bao nhiêu?
- So sánh tháng mưa nhiều nhất và tháng mưa ít nhất (có thể có hai tháng mưa nhiều và hai tháng mưa ít).
- Đánh giá biểu đồ thể hiện vị trí địa điểm thuộc miền khi hậu nào? (căn cứ vào mùa mưa tập trung; tháng mưa nhiều hay dàn trải, tháng mưa ít; kết hợp cùng sự biến thiên nhiệt độ để xác định vị trí).
6. Một số lỗi thường gặp khi vẽ biểu đồ cột
Các yếu tố chính trên biểu đồ
- Thiếu số liệu trên cột, thiếu đơn vị ở trục tung và trục hoành.
- Thiếu số 0 ở gốc tọa độ.
- Chia sai khoảng cách năm ở trục hoành, sai tỉ lệ ở trục tung.
- Độ rộng các cột khác nhau, cùng một đối tượng nhưng có kí hiệu khác nhau.
7. Ví dụ minh họa biểu đồ cột
Ví dụ 1
Cho bảng số liệu sau:
GDP CỦA MA-LAI-XI-A VÀ XIN-GA-PO, GIẢI ĐOẠN 2010 - 2016 (Đơn vị: Tỷ đô la Mỹ)
Năm | 2010 | 2013 | 2016 |
Ma-lai-xi-a | 255 | 323 | 297 |
Xin-ga-po | 236 | 303 | 297 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tình hình GDP của Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po, giai đoạn 2010 - 2016?
b) Nhận xét và giải thích sự phát triển của GDP của Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po giai đoạn trên?
Trả lời
A) Vẽ biều đồ
b) Nhận xét và giải thích
* Nhận xét
- GDP của các quốc gia đều có xu hướng tăng nhưng không ổn định.
- GDP của Ma-lai-xi-a tăng thêm 42 tỷ đô la Mỹ nhưng không ổn định (2010 - 2013 tăng, 2013 - 2016 giảm).
- GDP của Xi-ga-po tăng thêm 61 tỷ đô la Mỹ nhưng không ổn định (2010 - 2013 tăng, 2013 - 2016 giảm).
* Giải thích
- GDP của các nước có xu hướng tăng là do sự hội nhập toàn cầu hóa nền kinh tế, các nước Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng trở thành khu vực có nền kinh tế năng động, thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài,…
- GDP không ổn định chủ yếu do sự biến động của thị trường và ảnh hưởng của sự khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu.
Ví dụ 2
Cho bảng số liệu sau:
LƯỢNG MƯA TRUNG BÌNH THÁNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Đơn vị: mm)
Tháng | I | II | III | IV | V | VI | VII | VIII | IX | X | XI | XII |
Lượng mưa | 13,8 | 4,1 | 10,5 | 50,4 | 218,4 | 311,7 | 293,7 | 269,8 | 327 | 266,7 | 116,5 | 48,3 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện lượng mưa trung bình tháng ở TP. Hồ Chí Minh?
b) Nhận xét biểu đồ đã vẽ và giải thích tại sao ở TP. Hồ Chí Minh có mùa mưa - khô sâu sắc trong năm?
Hướng dẫn trả lời
a) Vẽ biểu đồ
BIỂU ĐỒ THỂ HIỆN LƯỢNG MƯA TRUNG BÌNH THÁNG Ở TP. HỒ CHÍ MINH
b) Nhận xét và giải thích
* Nhận xét
- Nhìn chung, lượng mưa có sự phân hóa không đều theo thời gian.
- Lượng mưa
+ Lượng mưa trung bình năm: 1930,9mm.
+ Lượng mưa lớn nhất vào tháng IX: 327mm.
+ Lượng mưa nhỏ nhất vào tháng III: 4,1mm.
+ Sự phân mùa: Mùa mưa từ tháng V đến tháng XI (1803,8mm - 93,4%), mùa khô từ tháng XII đến tháng IV năm sau (127,1mm - 6,6%). Lượng mưa mùa mưa gấp 14,2 lần lượng mưa mùa mưa.
- Kết luận: Nước ta có nền nhiệt độ cao quanh năm và lượng mưa có sự phân mùa trong năm => Việt Nam nằm trọng vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa.
* Giải thích
- Lượng mưa có sự phân mùa trong năm do biến trình mưa chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ mùa của khí hậu. Hằng năm, nước ta chịu ảnh hưởng của hai luồng gió mùa điển hình là gió mùa mùa đông (khô, lạnh đầu mùa đông; lạnh, ẩm cuối mùa đông) và gió mùa mùa hạ (nóng, ẩm, mưa nhiều).
- TP. Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Tây Nam nên mùa mưa có lượng mưa trong năm rất lớn và kéo dài 7 tháng, trong khi đó vào mùa khô chịu ảnh hưởng của gió Tín phong bán cầu Bắc (khô, nóng) nên mùa khô sâu sắc, không có mùa -> Khí hậu ở TP. Hồ Chí Minh có một mùa mưa - khô sâu sắc.
Ví dụ 3
Cho bảng số liệu sau:
SẢN LƯỢNG GỖ KHAI THÁC CỦA CẢ NƯỚC VÀ MỘT SỐ VÙNG Ở NƯỚC TA, GIAI ĐOẠN 2012 - 2014 (Đơn vị: Nghìn m3)
Năm \ Vùng | Cả nước | Tây Nguyên | Trung du và miền núi Bắc Bộ |
2012 | 5251 | 620 | 1590 |
2013 | 5908 | 540 | 1731 |
2014 | 7701 | 447 | 2278 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thể hiện sản lượng gỗ khai thác của cả nước và một số vùng ở nước ta, giai đoạn 2012 - 2014.
b) Nhận xét và giải thích biểu đồ đã vẽ.
Gợi ý đáp án
a) Vẽ biểu đồ
b) Nhận xét và giải thích
* Nhận xét
- Nhìn chung, sản lượng gỗ ở nước ta và một số vùng khá cao. Cả nước (7701 nghìn m3), Trung du và miền núi Bắc Bộ (1731 nghìn m3) và Tây Nguyên (447 nghìn m3).
- Sản lượng gỗ cả nước ngày càng tăng và tăng thêm 2450 nghìn m3.
- Sản lượng gỗ của Trung du và miền núi Bắc Bộ tăng liên tục và tăng thêm 688 nghìn m3.
- Sản lượng gỗ của Tây Nguyên giảm liên tục và giảm 173 nghìn m3.
- Sản lượng gỗ cả nước có tốc độ tăng nhanh nhất (146,7%), Trung du và miền núi Bắc Bộ (143,3%) và Tây Nguyên chậm nhất (72,1%).
* Giải thích
- Cả nước tăng là do nước ta triển khai, đẩy mạnh công tác trồng rừng nên sản lượng gỗ khai thác từ các rừng sản xuất ngày càng lớn, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang,…) tăng cường trồng thêm nhiều rừng.
- Tây Nguyên có sản lượng gỗ giảm chủ yếu do vùng Tây Nguyên trước đây khai thác gỗ tự nhiên, diện tích rừng trồng nhỏ và rừng tự nhiên giảm nhiều.
8. Bài tập tự luyện biểu đồ cột
Bài tập 1: Cho bảng số liệu sau:
SẢN LƯỢNG LỢN CỦA NƯỚC TA VÀ MỘT SỐ VÙNG, NĂM 2010 VÀ NĂM 2016
(Đơn vị: Nghìn con)
Cả nước/Vùng \ Năm | 2010 | 2016 |
Cả nước | 27373,3 | 29075,3 |
Đồng bằng sông Hồng | 7301,0 | 7414,4 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 3798,9 | 3803,0 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tình hình chăn nuôi lợn ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2010 và năm 2016?
b) Nhận xét và giải thích tại sao chăn nuôi ở vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
Bài tập 2: Cho bảng số liệu sau:
GIÁ TRỊ XUẤT - NHẬP KHẨU CỦA NƯỚC TA, GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
(Đơn vị: Triệu đô la Mỹ)
Năm | 2010 | 2013 | 2014 | 2015 |
Xuất khẩu | 72 236,7 | 132 032,9 | 150 217,1 | 162 016,7 |
Nhập khẩu | 84 838,6 | 132 032,6 | 147 849,1 | 165,775,9 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tình hình xuất - nhập khẩu ở nước ta, giai đoạn 2010 - 2015?
b) Nhận xét và giải thích tại sao các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu ở nước ta ngày càng tăng?
Bài tập 3: Cho bảng số liệu sau:
NHIỆT ĐỘ TRUNG BÌNH TẠI MỘT SỐ ĐỊA ĐIỂM (Đơn vị: 0C)
Địa điểm | Nhiệt độ trung bình tháng I | Nhiệt độ trung bình tháng VII | Nhiệt độ trung bình năm |
Lạng Sơn | 13,3 | 27,0 | 21,2 |
Hà Nội | 16,4 | 28,9 | 23,5 |
Huế | 19,7 | 29,4 | 25,1 |
Đằ Nẵng | 21,3 | 29,1 | 25,7 |
Quy Nhơn | 23,0 | 29,7 | 26,8 |
TP.Hồ Chí Minh | 25,8 | 27,1 | 26,9 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện nhiệt độ trung bình năm của một số địa điểm ở nước ta?
b) Nhận xét và giải thích tại sao nhiệt độ trung bình năm nước ta tăng dần từ Bắc vào Nam?
Bài tập 4: Cho bảng số liệu sau:
DIỆN TÍCH VÀ SẢN LƯỢNG CHÈ CỦA NƯỚC TA, GIAI ĐOẠN 2010 - 2017
Năm | 2010 | 2014 | 2015 | 2017 |
Diện tích (nghìn ha) | 129,9 | 132,6 | 133,6 | 129,3 |
Sản lượng (nghìn tấn) | 834,6 | 981,9 | 1012,9 | 1040,8 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất để thể hiện diện tích và sản lượng chè của nước ta giai đoạn 2010 - 2017?
b) Nhận xét và giải thích tốc độ phát triển của ngành sản xuất chè ở nước ta giai đoạn trên?
Bài tập 5: Cho bảng số liệu sau:
NĂNG SUẤT LÚA CỦA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG, ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ CẢ NƯỚC, GIAI ĐOẠN 1995 - 2015 (Đơn vị: tạ/ha)
Vùng \ Năm | 1995 | 2000 | 2015 |
Cả nước | 36,9 | 42,4 | 57,6 |
Đồng bằng sông Hồng | 44,4 | 55,2 | 60,6 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 40,2 | 42,3 | 59,4 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất để thể hiện năng suất lúa của cả nước, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long qua các năm?
b) Nhận xét và giải thích tại sao năng suất lúa của vùng Đồng bằng sông Hồng luôn lớn hơ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước?
Bài tập 6: Cho bảng số liệu sau:
TỔNG GDP CỦA NƯỚC TA, GIAI ĐOẠN 1985 - 2015 (Đơn vị: Tỷ USD)
Năm | 1985 | 1995 | 2000 | 2005 | 2010 | 2015 |
GDP | 14,1 | 20,7 | 33,64 | 57,6 | 116 | 194 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thể hiện tổng GDP của nước ta, giai đoạn 1985 - 2015?
b) Nhận xét tốc độ trưởng GDP của nước ta giai đoạn trên. Giải thích tại sao nước ta có GDP ngày càng lớn và tăng nhanh?
Bài tập 7: Cho bảng số liệu sau:
DÂN SỐ VIỆT NAM, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 (Đơn vị: Nghìn người)
Năm | 2011 | 2013 | 2015 | 2017 | 2019 |
Dân số | 87.860,4 | 89.759,5 | 97.731,3 | 94.286,0 | 96.484,0 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thể hiện quy mô dân số của nước ta, giai đoạn 2011 - 2019?
b) Nhận xét và giải thích tại sao tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên đã giảm nhưng dân số nước ta vẫn tăng nhanh?
Bài tập 8: Cho bảng số liệu sau:
DÂN SỐ NƯỚC TA, GIAI ĐOẠN 1995 - 2017 (Đơn vị: Triệu người)
Năm | 1995 | 2000 | 2010 | 2014 | 2017 |
Tổng số dân | 72,0 | 77,6 | 86,9 | 90,7 | 94,3 |
Số dân thành thị | 14,9 | 18,7 | 26,5 | 30,0 | 31,9 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự thay đổi tổng số dân và số dân thành thị của nước ta trong giai đoạn 1995 - 1017?
b) Nhận xét và giải thích biểu đồ đã vẽ.
Bài tập 9: Cho bảng số liệu sau:
DIỆN TÍCH GIEO TRỒNG CÂY LƯƠNG THỰC NƯỚC TA, GIAI ĐOẠN 1990 - 2016
(Đơn vị: nghìn ha)
Năm | Tổng diện tích | Lúa | Ngô | Cây lương thực khác |
1990 | 6 476,9 | 6 042,8 | 431,8 | 2,3 |
2000 | 8 399,1 | 7 666,3 | 730,2 | 2,6 |
2010 | 8 615,9 | 7 489,4 | 1 125,7 | 0,8 |
2016 | 8 947,9 | 7 790,4 | 1 152,4 | 5,1 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện diện tích gieo trồng cây lương thực phân theo các loại cây trồng nước ta giai đoạn 1990 - 2016?
b) Nhận xét và giải thích biểu đồ đã vẽ.
Bài tập 10: Cho bảng số liệu sau:
DIỆN TÍCH VÀ DÂN SỐ CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA, NĂM 2017
Quốc gia | In-đô-nê-xi-a | Cam-pu-chia | Ma-lai-xi-a | Phi-lip-pin |
Diện tích (nghìn km2) | 1910,9 | 181,0 | 330,8 | 300,0 |
Dân số (triệu người) | 264,0 | 15,9 | 31,6 | 105,0 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Tính mật độ dân số của các quốc gia?
b) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện mật độ dân số của một số quốc gia Đông Nam Á. Nhận xét và giải thích biểu đồ đã vẽ.
Từ khóa » Những Biểu đồ Cột Là Gì
-
Biểu đồ Hay Biểu đồ Hình Cột (histogram Or Bar Chart) Là Gì ?
-
Các Dạng Biểu đồ Trong Môn địa Lý - Thư Viện Khoa Học
-
Biểu đồ Cột
-
Biểu đồ Cột - Alphabia
-
Biểu đồ Hình Cột Là Gì? - VietnamFinance
-
Biểu đồ Là Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Cách Vẽ Biểu đồ Cột Môn Địa Lý đơn Giản Chi Tiết Nhất - Colearn
-
Cách Nhận Xét Biểu đồ Cột - TopLoigiai
-
Trình Bày Dữ Liệu Của Bạn Trong Biểu đồ Cột - Microsoft Support
-
Mục đích Của Việc Sử Dụng Biểu đồ Là Gì? - THPT Sóc Trăng
-
Kỹ Năng Nhận Biết Các Dạng Biểu đồ Trong đề Thi Địa Lý THPT Quốc Gia
-
Giới Thiệu Biểu đồ Dạng Cột Chồng 100% Trong Excel
-
Hướng Dẫn Vẽ Biểu đồ Cột (địa Lý)
-
Tạo Biểu đồ Trên Biểu Mẫu Hoặc Báo Cáo - Microsoft Support